Bộ GD&ĐT nên để các trường quyết định hình thức thi

Bộ GD&ĐT nên để các trường quyết định hình thức thi
TP - Tiền phong đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Văn Như Cương - Ủy viên Hội đồng quốc gia giáo dục (người đã có nhiều ý kiến trên diễn đàn báo Tiền phong trong năm 2007) xoay quanh vấn đề tuyển sinh năm nay.

Bộ GD&ĐT cho biết năm 2008 sẽ giữ nguyên hình thức thi ba chung và chưa áp dụng thi trắc nghiệm đối với môn Toán, ý kiến của Giáo sư như thế nào?

Tôi rất mừng vì quyết định của Bộ GD&ĐT về việc tổ chức các kì thi trong năm 2008 giữ nguyên như năm trước: Tổ chức hai kì thi riêng biệt (thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng) và không thi trắc nghiệm môn Toán, Ngữ văn.

Các quan chức của Bộ giải thích chưa làm “mới” ngay trong năm 2008 là vì năm 2007 xảy ra nhiều sự cố như bão lụt ở miền Trung, dịch tiêu chảy…

Tôi cho rằng, lí do ấy không mấy thuyết phục, nên cứ nói thẳng ra “Đề án đổi mới công tác thi và tuyển sinh” có nhiều điều bất cập, duy ý chí, chưa được nghiên cứu một cách cẩn thận và chưa được sự đồng tình của các nhà khoa học, sư phạm, các thầy cô giáo và học sinh.

Việc hoãn lại một năm nữa đã được nhiều người tán thành, trước hết là họ cho rằng, dẫu sao Bộ cũng biết nghe. Một năm là thời gian hết sức cần thiết để các chuyên gia của Bộ nghiên cứu một cách cẩn thận, kĩ càng, khoa học hơn trước một vấn đề không hề đơn giản… 

Theo lộ trình đổi mới thi và tuyển sinh của Bộ, năm 2009 sẽ xem xét tổ chức một kỳ thi quốc gia, sử dụng chung kết quả để xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào đại học, cao đẳng, Giáo sư có tán thành với phương án trên của Bộ GD&ĐT? 

Tôi thực sự khó hiểu về lộ trình đổi mới mà Bộ đưa ra. Lộ trình đó gồm ba giai đoạn.

Bộ GD&ĐT nên để các trường quyết định hình thức thi ảnh 1 Tôi đề nghị, em nào đã thi đạt thì cấp bằng tốt nghiệp THPT, em nào chưa đạt thì nên cấp chứng chỉ đã học hết lớp 12, cùng điểm số các môn học.

Với chứng chỉ đó, nhiều em có thể xin được việc làm hoặc xin học ở các các cơ sở đào tạo nghề không đòi hỏi học lực cao, chứ không nên tổ chức thi tốt nghiệp lần thứ 2 Bộ GD&ĐT nên để các trường quyết định hình thức thi ảnh 2 - GS Văn Như Cương

Như vậy, theo tác giả của lộ trình này, hình thức thi và tuyển sinh ở giai đoạn ba (2012 trở đi – PV) là tiên tiến, ưu việt nhất và được kéo dài lâu nhất…(mặc dầu giai đoạn này được nêu ra hết sức chung chung, không có gì cụ thể). Và cố nhiên, giai đoạn hai (2009 –2011 – PV) được đưa vào với tính chất là “giai đoạn quá độ”.

Nhưng cứ nhìn vào lộ trình đó thì ai cũng thấy rằng, ba giai đoạn ấy chẳng liên quan gì với nhau. Chuyển từ giai đoạn một (thực hiện ngay trong năm 2008 – PV) sang giai đoạn hai rất đột ngột, đó là chuyển từ hai kì thi riêng biệt thành một kì thi.

Chuyển giai đoạn hai sang giai đoạn ba cũng đột ngột không kém, vì từ một kì thi quốc gia đồng loạt trở thành các kì thi ở địa phương, thời gian khác nhau, đề thi khác nhau .

Tôi xin được đặt câu hỏi: Giai đoạn hai chèn vào giữa hai giai đoạn một và ba nhằm mục đích gì? Tại sao lại phải thực hiện nó chỉ trong ba năm rồi sau đó lại bỏ đi để chuyển sang giai đoạn ba? Tại sao không chuyển thẳng từ giai đoạn một sang giai đoạn ba?

Tôi có cảm giác các chuyên gia của Bộ làm rắc rối hóa vấn đề, cứ bắt Bộ “ôm” lấy tất cả, mà không giao quyền tự chủ cho địa phương và các cơ sở giáo dục.

Vậy theo Giáo sư, hình thức tuyển sinh nào là hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tiễn ở nước ta hiện nay?

Bộ không nên “ôm” lấy công tác tuyển sinh mà cứ giao hẳn cho các trường, để các trường đại học được tự chủ hoàn toàn trong việc tuyển sinh: Quyết định thi tuyển, xét tuyển, các môn thi, hình thức thi (trắc nghiệm, tự luận hay vấn đáp), điểm chuẩn…

Ngày thi do Bộ quy định để tránh tình trạng một thí sinh dự thi quá nhiều trường. Cả nước sẽ có hai hoặc ba đợt thi chung cùng ngày cho các khối trường đại học hoặc cao đẳng.

Xin cảm ơn Giáo sư!

Sáng nay, 8/1, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị thi và tuyển sinh năm 2008 (qua cầu truyền hình tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ).

Linh Linh
(Thực hiện)

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây. 
Nữ thần Đài Loan lười biếng
Nữ thần Đài Loan lười biếng
TPO - Quách Bích Đình khiến khán giả mong chờ khi trở lại với show Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng sau thời gian dài tạm ngừng hoạt động nghệ thuật để lo cho gia đình. Tuy nhiên, biểu hiện của nữ diễn viên trong show gây nhiều tranh cãi.