Vụ lở núi làm 10 người chết và bị thương tại Nghệ An:

Ai chịu trách nhiệm trước những cái chết oan khiên?

Ai chịu trách nhiệm trước những cái chết oan khiên?
TP- Bất chấp lệnh cấm của huyện, các chủ đá vẫn khai thác đá tại Lèn Nậy. Hậu quả là tai nạn ập đến khiến 10 người chết và bị thương. Ai chịu trách nhiệm trước sinh mệnh của hàng chục công nhân? 

Tiếng Nghệ An, “lèn” chỉ núi nhỏ, có vách đá dựng đứng. Lèn Nậy nằm trong khu liên hợp núi đá phục vụ cho các công trình xây dựng trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu. Đây vốn là mỏ đá của một công ty tư nhân do ông Vũ Minh Á (thị trấn Hoàng Mai ) làm chủ, đã được UBND tỉnh Nghệ An cấp giấy phép hoạt động.

Ngày 30/5/2007, mỏ đá hết hạn khai thác. Cán bộ Phòng TN – MT huyện Quỳnh Lưu đã trực tiếp làm việc với chủ mỏ thông báo thời hạn khai thác đá tại mỏ đã hết và yêu cầu chấm dứt hoạt động. Ông Á sau đó đã gửi văn bản  cho hai  ông Nguyễn Văn Đoan và Nguyễn Văn Nghị (hai người hợp đồng xin khai thác mỏ) thông báo về việc dừng khai thác đá.

Cơ quan Công an huyện Quỳnh Lưu đã cử cán bộ kiểm tra nhắc nhở các ông Đoan - Nghị nhiều lần. Trạm công an Hoàng Mai thậm chí đã mời chủ mỏ và hai ông đến làm việc, lập văn bản, bắt làm cam kết dừng khai thác đá.

Công an xã cũng đã nhiều lần nhắc nhở. Thế nhưng bất chấp mọi lời cảnh báo, hai ông Đoan và Nghị vẫn tiếp tục khai thác tại mỏ nên đã dẫn đến sự việc đau lòng trên.

Được biết địa chất của mỏ đá Lèn Nậy là đá trộn lẫn với cát, các tảng đá rời nhau chứ không dính liền. Ngày 13/1, đá trên đỉnh núi tiếp tục sạt lở xuống khu vực chân núi.

Công nhân của mỏ đá chủ yếu là người lao động nghèo sống quanh khu vực Hoàng Mai, gắn bó với mỏ, mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình chỉ biết trông chờ vào đồng tiền công bèo bọt có được từ mỏ đá này. Họ làm việc trong điều kiện khắc nghiệt và không được hưởng bất kỳ một chế độ bảo hiểm nào.

Thời điểm xảy ra tai nạn tại mỏ đá có hơn 26 công nhân đang tham gia bốc vác đá. Các công nhân cho biết, hiện còn 2 giàn xay và 1 chiếc xe công nông đang bị vùi lấp trong đống đá khổng lồ đó.

Ngay sau khi xảy ra tai nạn, Công an huyện Quỳnh Lưu huy động 22 cán bộ, chiến sỹ cảnh sát đến hiện trường để bảo vệ và cấp cứu người bị nạn. Trưởng Công an huyện Quỳnh Lưu Bùi Văn Ngân cho biết:

“Chúng tôi đang  tiến hành điều tra và sẽ nhanh chóng đưa ra kết luận. Nếu vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì sẽ đưa ra khởi tố. 3 người chết và 7 người bị thương là một việc hết sức nghiêm trọng, những người thiếu trách nhiệm với tính mạng người dân sẽ bị xử lý nghiêm”.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Khi chúng tôi đến, cháu Nguyễn Viết Tùng (14 tuổi) đang nằm vật vã bên quan tài mẹ. Vì gia cảnh nghèo, mới 14 tuổi cháu đã phải theo mẹ và bà nội đi bốc đá thuê.

Thi hài mẹ cháu, chị Lê Thị Quyên (1972) được đặt chính giữa căn lều dột nát. Nhà chỉ có bà nội đã 60 tuổi và ba mẹ con, người bố vì gia cảnh nghèo đã bỏ vào Nam.

Hôm xảy ra tai nạn, cả bà nội, mẹ và cháu đều làm ở ngoài Lèn. Mẹ mất, bà nội thì đang nằm cấp cứu ở Thanh Hóa, giờ trong căn nhà lạnh lẽo chỉ có tiếng cháu nhỏ khóc than. Nhìn em Tùng, không ai cầm được nước mắt.

Một hoàn cảnh đáng thương nữa là chị Đậu Thị Hương (SN1977- một trong 3 người bị thiệt mạng trong vụ lở núi). Chưa lập gia đình, chị Hương phải lao vào mỏ đá làm thuê kiếm sống. Dù biết hiểm nguy luôn rình rập nhưng vì cuộc mưu sinh, chị không có sự lựa chọn nào khác.

Mẹ mù mắt, bố thần kinh không ổn định và thường bỏ nhà đi lang thang, Đậu Thị Hương trở thành lao động chính trong gia đình. Từ đồng tiền công 200 nghìn đồng/tháng của chị, gia đình bữa rau bữa cháo qua ngày.

Trở lại với việc khai thác đá tại Lèn Nậy, tuy UBND huyện Quỳnh Lưu đã có lệnh cấm nổ mìn phá núi, thế nhưng việc quản lý của các cấp chính quyền còn bị buông lỏng.

Lệnh cấm ban ra trên giấy, chính quyền xã- huyện giám sát không chặt chẽ nên mới xảy ra tai họa ở núi. Vì vậy, trách nhiệm trước sinh mệnh của hàng chục công nhân không chỉ thuộc về các “chủ thầu”.

“Ngày 15/12/2007, lở núi tại công trình Thủy điện Bản Vẽ làm 18 công nhân, kỹ sư tử nạn; Sập núi tại Rú Mốc (Can Lộc, Hà Tĩnh- ngày 27/12/2007), 8 người chết và bị thương; tại Kim Bảng - Hà Nam, những khối đá lớn trên núi Bèo bất thần sụp đổ, 3 người chết, 1 bị thương (ngày 3/1/2008); Ở mỏ đá Hóc Trùm (Phú Yên), 3 công nhân ra đi vĩnh viễn sau vụ lở núi ngày 6/1/2008.

Vụ lở đá tại Lèn Nậy (Nghệ An) ngày 12/1/2008 khiến 3 công nhân tử nạn, 7 người khác bị thương. Trong vòng chưa đầy một tháng, trong cả nước có 43 người chết và bị thương do núi lở, báo động đỏ về ANLĐ tại các mỏ đá”.  

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.