Đào ven đô, kẻ khóc, người cười

Đào ven đô, kẻ khóc, người cười
TP - Khi dinh đào Nhật Tân ngày càng hẹp dần thì các vùng ven đô Hà Nội đã hình thành những làng đào lớn như Gia Xuyên (Hải Dương), Đình Bảng (Bắc Ninh), La Cả (Hà Tây)… Đây chính là nguồn chính cung cấp đào Tết.

> Còn đâu 'cam Canh, bưởi Diễn, đào Nhật Tân'?

Đào ven đô, kẻ khóc, người cười ảnh 1
Nỗi buồn của ông Ngô Quảng An bên gốc đào năm ngoái cho tiền triệu. 
Ảnh: Minh Thùy

Nỗi buồn đào Đình Bảng

Còn vài tuần nữa mới tới Tết Nguyên đán nhưng bước vào vườn đào làng Đình Bảng (Từ Sơn - Bắc Ninh), chúng tôi thấy thực sự bất ngờ trước một cánh đồng bao la đỏ rực hoa đào, khác với những năm trước đây là màu xanh ngút ngát của rau cỏ…

Tìm mãi, chúng tôi mới thấy một người đàn ông lầm lũi, toát mồ hôi trên những thửa đào. “Ai có thể ngờ, bây giờ ra ruộng lại cởi trần thế này chứ! Mất trắng rồi chú ạ, cả cánh đồng đào tiền tỷ thế này mà có ai muốn ra chăm bón gì nữa đâu” - Ông Ngô Quang An, thôn Trung Hòa nói trong nước mắt.

“Năm nay, nghe Nhật Tân không còn đất làm đào nên nhà nào cũng cố trồng thêm mấy chục gốc mong cuối năm thu được chút ít, nhưng đâu có dễ” -  Anh Linh, thôn Đình than thở.

Hơn chục năm trồng đào nhưng đây là lần đầu tiên người dân Đình Bảng đau đớn khi nhìn những hoa đào đỏ rực, rụng đầy quanh gốc. Vừa ngắm ruộng đào, anh Nguyễn Hữu Phong vừa nói như than: “Nhà tôi có 800 gốc đào, năm ngoái cho lãi vài chục triệu đồng. Thấy lợi nhuận hơn trồng rau màu nên năm nay nhà tôi trồng thêm vài trăm gốc. Tiếc là thời tiết khó lường”.

Anh Phong cho biết: “Cũng có nhiều khách đến hỏi mua nhưng thấy đào nở rực cả đồng nên họ cũng chẳng thèm ngỏ lời nữa. Đúng là giàu nghèo tại trời...!”.

Trước khi trồng đào, người dân thường sợ không thành công vì chưa nắm vững kỹ thuật nhưng đối với người dân Đình Bảng thì hoàn toàn ngược lại. Chỉ cách Nhật Tân chừng 15 km nên hàng ngày người dân Đình Bảng có thể thuê người Nhật Tân về tận cánh đồng của mình để hướng dẫn.

Với thuận lợi là đất ít ngập, chủ yếu là đất thịt nên người dân ở đây hy vọng không bao lâu thương hiệu đào Đình Bảng sẽ thay thế đào Nhật Tân.

Nhắc đến làng đào Đình Bảng, người ta thường nghĩ đến ông Trần Mạnh Bình, người đầu tiên mạo hiểm thay hoa màu bằng những gốc đào Nhật Tân.

“Thấy mấy người bạn ở Nhật Tân khen đất Đình Bảng tốt nên tôi liều nhờ họ dạy cách trồng đào. Từ năm đó đến giờ, chủ yếu là thắng lớn nhưng năm nay có vẻ khó ăn, vì thời tiết bất lợi…” - Ông Bình nói.

Quãng thời gian chục năm dù chưa dài nhưng sự đổi khác của người dân từ khi trồng đào đã quá nhiều. Bởi trồng đào không vất vả như hoa màu nhưng lợi nhuận cao gấp 5 - 6 lần. Thế nhưng, năm nay người dân Đình Bảng mong thu lại chút vốn cũng là mừng.

Những người đầu tiên mang đào về đây trồng cho biết: Đào Đình Bảng được như ngày nay cũng nhờ người Nhật Tân. Nhưng cũng chính người Nhật Tân đang dựa vào làng đào Đình Bảng để giữ vững thương hiệu của mình.

Cũng theo ông Bình, hiện, đất ở khu vực dinh đào Nhật Tân bị thu hồi nhiều, các ông chủ đào ở đây đã tìm một hướng đi mới. Đó là về tận làng Đình Bảng và các làng lân cận đây xem chất lượng đất rồi đưa các gốc có năm tuổi cao và có giá về tận đây gửi trồng. Đến đầu tháng 12 thì lại chở về Hà Nội đặt vào chậu, rồi lại giới thiệu với khách hàng rằng “đào Nhật Tân chính hiệu”.

Đó cũng là nỗi buồn của người dân Đình Bảng. Được biết, đã nhiều lần người dân yêu cầu chính quyền xã xây dựng một gian hàng gần trung tâm huyện Từ Sơn để giới thiệu với khách hàng đào Tết nhưng đến nay vẫn chưa được đáp ứng.

“Được mùa cũng vất vả lắm. Năm giờ sáng, lấy xe máy thồ được 2 cây rồi lên đứng cạnh đường để bán nhưng giá thì bấp bênh. Như nhà tôi, có gần 200 gốc, bán như thế thì qua Tết cũng chưa hết” - Anh Nguyễn Đức Hùng kể.

Làm kinh tế mất mùa là điều khó tránh. Làng đào Đình Bảng sẽ vẫn được người dân mở rộng, trồng thêm… nhưng có một điều mà người dân mong mỏi là làm sao đào Đình Bảng có được chỗ đứng trên thị trường chứ không phải cứ đến mùa lại huy động mọi người trong gia đình thồ đi các ngả để rao bán.

Và hơn nữa, người Đình Bảng muốn xây dựng thương hiệu cho đào quê mình, nhưng xem ra sự thờ ơ của chính quyền sẽ đẩy niềm mong mỏi của họ càng đi xa hơn…

Đào Gia Xuyên “Nam tiến”

Đào ven đô, kẻ khóc, người cười ảnh 2
Niềm vui của anh Nguyễn Văn Thuấn. Ảnh: Minh Thùy

Cũng như Đình Bảng, sau khi vườn đào của phường Hải Tân (thành phố Hải Dương) biến mất vì chính quyền lấy đất làm khu công nghiệp, người dân Gia Xuyên đã mon men tìm đến và tranh thủ học hỏi kỹ thuật, nhân giống và cũng chỉ sau 2 năm, tất cả ruộng hoa màu ở vùng này đều đã chuyển thành vườn đào.

Làng đào Gia Xuyên cách Hà Nội 50km. Nhưng đào Gia Xuyên được trồng không phải để cung cấp cho thị trường Thủ đô. “Ngày 17 tới, bố sẽ cho xe chở 800 gốc vào đó. Con nhớ tìm cách tiêu thụ nhé, năm nay đào sẽ đắt hơn vì chất lượng hoa thắm hơn năm ngoái…” - Ông Lê Cách, người có 1.500 gốc đào ở Gia Xuyên đang tất bật trao đổi qua điện thoại với con gái ở thành phố Hồ Chí Minh.

Dù thâm niên trồng đào của ông Cách mới được hơn chục năm nhưng theo “giới trồng đào” ở đây thì làng đào Gia Xuyên có được như hôm nay cũng chính nhờ ông Cách. Đặc biệt, trong vườn nhà ông có khoảng 200 gốc tuổi đời trên chục năm, với nhiều thế, dáng; trong số đó, nhiều gốc đã được các đại gia chơi đào thuê chăm sóc từ đầu năm, với giá cả chục triệu đồng.

“Dù năm nay chi phí tốn kém hơn, chất lượng đào tốt hơn nhưng giá 200 gốc “cốt” này vẫn không tăng, vì đây là khách ruột của mình rồi. Còn đào đưa vào Nam, giá mỗi gốc không dưới 1 triệu đồng” - Ông Cách tâm sự.

Cạnh ruộng của ông Cách là vườn đào của hai anh em ruột Hồ Văn Cấp - Hồ Văn Nhật, mỗi người có gần 2.000 gốc. Anh Cấp cho biết: Dù thời tiết năm nay không thuận lợi nhưng với kinh nghiệm hơn chục năm qua, gia đình anh vẫn sẽ thắng lớn. Qua quan sát, thấy vườn đào của gia đình anh đang rất nhiều nụ, hứa hẹn bội thu.

Riêng đội 1 của xã Gia Xuyên có 60 hộ trồng đào; trung bình mỗi hộ có trên 500 gốc. Ba loại đào hợp nhất với vùng đất Gia Xuyên là đào bích, đào phai và đào hồng. Đào ở đây được trồng chủ yếu để phục vụ các tỉnh phía Nam.

“Đào cho thuê thì chúng tôi đã có các tổ chức, khách hàng đặt thuê dài hạn còn đào bán thì 80% được đưa vào TP Hồ Chí Minh. Nhiều gia đình đã có chi nhánh ở trong đó. Vì thế, thị trường đào ở Hà Nội sẽ không ảnh hưởng đến chúng tôi” - Anh Nguyễn Văn Thuấn khẳng định.

Những ngày này, người dân Gia Xuyên đã dùng dây hãm cành và cử nhau cắt tỉa các nhành khô để thúc các nhánh ra hoa đúng thời điểm Tết. “Nếu để cành khô lại thì bắt mắt nhưng khi nở hoa thì nó lại trơ ra, năm mới nhiều nhà kiêng sự khô khan, héo úa…” - Anh Hồ Văn Nhật giải thích.

Để giữ uy tín với khách hàng, các ông chủ đào đã có bản cam kết: Tất cả nụ đào phải nở trong 3 ngày Tết. “Nếu nở sớm hoặc muộn thì chúng tôi sẽ trả lại tiền và đền bù thêm cho khách hàng” - Anh Thuấn nói.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.