Sẽ dẹp bỏ những điểm trông trẻ không đủ điều kiện

Sẽ dẹp bỏ những điểm trông trẻ không đủ điều kiện
TPO - “Bộ GD&ĐT sẽ kiểm tra, đánh giá phân loại, cơ sở trông trẻ nào đủ điều kiện có thể đăng ký, không đủ điều kiện thì phải dẹp bỏ” - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, sau vụ bảo mẫu hành hạ trẻ ở Đồng Nai.

>> Video các cháu bé bị hành hạ
>> Vụ bảo mẫu bạo hành trẻ : Tôi không sao ngủ được !
>> Biết bảo mẫu hành hạ trẻ mà không ngăn chặn
>> Bé bị cô bảo mẫu dùng băng keo dán miệng đã tử vong

Sẽ dẹp bỏ những điểm trông trẻ không đủ điều kiện ảnh 1
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Bộ GD&ĐT đã có phản ứng gì sau vụ việc bạo hành trẻ em vừa qua tại Đồng Nai, thưa ông?

Có lẽ cũng không cần nói nhiều, vì rõ ràng chúng ta không đồng tình và phải xử lý sai phạm.

Ông đánh giá như thế nào về tình hình giáo dục mầm non hiện nay?

Trong những năm qua, giáo dục mầm non có sự tăng trưởng rõ rệt về số lượng, chất lượng (cả về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất). Trường mầm non đã về tới thôn bản, góp phần chăm sóc sức khoẻ, chuẩn bị cho các cháu vào lớp 1.

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh đã đặt ra hàng loạt vấn đề: cơ sở vật chất thiếu, nhiều lớp mầm non còn dựng tạm, diện tích chưa đủ theo quy định. Đội ngũ giáo viên thiếu, ở nhiều nơi, thầy, cô chưa đạt chuẩn.

Trong khi đó, nhiều người quan niệm, ai cũng có thể nuôi dạy được trẻ. Nhu cầu nuôi dưỡng trẻ lớn, nhất tại các khu công nghiệp, đã làm hình thành một số lớp mẫu giáo tự phát, không đăng ký, không có sự kiểm soát của cơ quan có trách nhiệm, không đảm bảo chất lượng.

Cá biệt, có cô nuôi dạy trẻ vi phạm pháp luật. Bộ GD&ĐT cùng các cơ quan địa phương đã và sẽ có sự phối hợp để chấn chỉnh, rà soát hiện tượng này.

Qua nhiều vụ việc trước và đặc biệt là vụ này, dư luận lo lắng về đạo đức và chất lượng của một bộ phận cô nuôi dạy trẻ…

Đội ngũ giáo viên mầm non thiếu về số lượng và chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu. Trong nhà trẻ phải có những cô có chuyên môn về sư phạm, kiến thức về tâm lý, y tế để chăm sóc sức khoẻ cho các cháu…

Ở những tỉnh, thành phố kinh tế phát triển, quy mô trường lớn thì có thể yên tâm được, nhưng ở các khu công nghiệp, khu đông dân cư chưa có cơ sở mầm non thì xuất hiện lớp chui.

Ở các vùng cao, sâu xa còn nhiều khó khăn nên giáo viên chưa được đào tạo đến nơi đến chốn, không được cập nhật thông tin.

Bài toán đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý tại các cơ sở mầm non đặt ra vấn đề bức xúc. Chúng tôi cũng phải khẩn trương đánh giá, nghiên cứu lại quản lý nhà nước với các cơ sở mầm non để khắc phục.

Với những bảo mẫu trông trẻ tại gia, sẽ quản lý như thế nào?

Sẽ phải kiểm tra, đánh giá phân loại. Cơ sở nào đủ điều kiện có thể đăng ký, không đủ điều kiện thì phải dẹp bỏ. Chúng ta phải đào tạo trước, không thể mở nhóm rồi mới nói là không có điều kiện đào tạo giáo viên.

Nhưng thực tế nhiều nhóm trẻ gia đình đã tồn tại rồi, thưa ông?

Việc này phải nghiên cứu phối hợp, nhưng cái chính thuộc quyền quản lý của chính quyền địa phương. Bộ GD&ĐT sẽ chủ động phối hợp, làm việc với Bộ Y tế, các địa phương để giải quyết.

Việc đào tạo giáo viên mầm non ở các trường sư phạm đã đáp ứng đủ yêu cầu thực tế chưa, thưa Thứ trưởng?

Ban cán sự Đảng Bộ đã ra một Nghị quyết chuyên đề về phát triển hệ thống sư phạm, trong đó có sư phạm mầm non. Các trường Cao đẳng Sư phạm Mầm non Trung ương ở Hà Nội, Nha Trang, TP Hồ Chí Minh đang được đầu tư, tăng quy mô. Các khoa sư phạm mầm non tại các trường Đại học Sư phạm, Cao đẳng Sư phạm đã và sẽ tiếo tục được mở rộng quy mô đào tạo.

Ngành mầm non cũng chú ý tới giáo dục trẻ khuyết tật, đào tạo các giáo viên chăm sóc trẻ khuyết tật; đẩy mạnh tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, cấp chương tình nội dung, phương pháp giảng dạy, tìm kiếm nguồn lực quốc tế trong việc đầu tư việc đào tạo giáo viên.

Còn chương trình đào tạo của Bộ GD&ĐT đối với bậc học này có thay đổi cho phù hợp với thực tế?

Chương trình đào tạo đã và đang được các trường nghiên cứu thực hiện. Khi cơ sở đào tạo giáo viên mầm non được thay đổi, chúng tôi hy vọng, trên cơ sở đó, toàn bộ chương trình sẽ được thay đổi.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Tổng kiểm tra các cơ sở mầm non

Sẽ dẹp bỏ những điểm trông trẻ không đủ điều kiện ảnh 2
Bà Ngô Thị Hợp. Ảnh: VTC.
Bên lề hội thảo báo cáo giám sát toàn cầu giáo dục mầm non với chủ đề "Chăm sóc và giáo dục mầm non: Nền tảng vững chắc", được tổ chức sáng nay, ngày 17/1, bà Ngô Thị Hợp - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD&ĐT), cho biết: Bộ này vừa có chỉ đạo tổng kiểm tra, rà soát các cơ sở giáo dục mầm non tư thục.

Bộ cũng sẽ tổ chức một số đoàn kiểm tra thanh tra toàn diện tại một số tỉnh trong năm học này.

Liên quan đến hành vi bạo hành trẻ em ở cơ sở nuôi dạy của bà Quảng Thị Kim Hoa (1/2, Võ Thị Sáu, phường Quyết Thắng, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai), trao đổi với các phóng viên, bà Hợp cho biết :

”Tôi rất bàng hoàng trước sự việc này. Đó là một hành vi không thể chấp nhận được của một bảo mẫu. Tôi cũng đặt vị trí của mình là phụ huynh có con gửi ở nhóm lớp đó, chứng kiến cảnh tượng đó, thì tôi không thể chấp nhận được. Mong các cơ quan chức năng xử lý thích đáng” – Bà Hợp nói.

Linh Linh ghi

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG