Cấm hàng rong: Còn nhiều việc phải làm

Cấm hàng rong: Còn nhiều việc phải làm
TP - Lệnh cấm hàng rong là một chủ trương lớn trong việc lập lại trật tự đô thị, mỹ quan thành phố. Song, việc hỗ trợ việc làm, tạo điều kiện về địa điểm kinh doanh đối với những người bán hàng rong là điều rất cần thiết.

Việc một số người dân lấn chiếm lòng, lề đường để kinh doanh gây tắc nghẽn giao thông là điều thường bắt gặp ở bất cứ tuyến đường nào, ngõ phố nào.

Thậm chí, còn làm cả nhà tạm để kinh doanh ăn uống, gây mất mỹ quan đô thị, lấn chiếm vỉa hè của người đi bộ. Phần lớn đó là những hộ kinh doanh nhỏ, hàng rong “di động” hoặc những quán trà đá vỉa hè. Nguyên nhân của những điều nói trên lại là do họ chưa có điều kiện để tìm cho mình một địa điểm kinh doanh hợp lý.

Chị Hoàng Thị Hà, quê ở huyện Quốc Oai, Hà Tây làm nghề bán hoa quả trên đường Nguyễn Trãi cho biết, mặc dù hàng ngày mật độ xe cộ tham gia giao thông trên đoạn đường này là rất lớn nhưng vẫn phải bày bán bởi bây giờ tìm được địa điểm kinh doanh là rất khó khăn.

“Nếu có địa điểm kinh doanh cho thuê với giá rẻ thì chúng tôi cũng sẽ tới đó kinh doanh, chứ ngồi ngoài đường này vừa bụi bặm, lại nguy hiểm”, chị Hà cho biết.

Chị Phạm Thị Lan, quê Bình Lục, Hà Nam cho biết, chị bán rong quần áo cũng được 2 năm chỉ duy nhất 1 chiếc xe đẩy rong ruổi trên khắp tuyến phố. Cũng biết việc kinh doanh như thế là gây mất mỹ quan, ách tắc giao thông thế nhưng chị không thể tìm cho mình một địa điểm kinh doanh hợp lý bởi giá thuê nhà quá cao mà trong khi quần áo của chị bán lại là hàng bình dân, giá rẻ.

“Bây giờ thuê được 1 xuất ở khu chợ sinh viên không phải là dễ bởi hiện tại ở đó có tới hàng trăm hộ kinh doanh như chị, nhiều khi phải “đánh liều” bày bán ở vỉa hè”, chị Lan tâm sự.

Cần có chính sách tạo điều kiện, hỗ trợ việc làm

Anh Trần Văn Thắng, quê ở Nam Trực, Nam Định làm nghề buôn đồ điện cũ hỏng cho biết, hàng ngày anh đạp xe vài chục cây số để thu mua đồ điện cũ hỏng, sau đó bán lại cho các “đại lý” chuyên thu mua. Mỗi ngày như thế cũng kiếm được 30.000đ. Bây giờ cấm không cho đi hàng rong như thế, thì anh mong có “chợ đồ cũ” để những người làm nghề như anh có thể sinh sống bình thường.

“Những đồ dùng đó thường thu mua trên phố, mà phải vào tận ngõ, tận nhà thì mới mua được. Bây giờ mà cấm thì chắc phải chuyển nghề”, anh Thắng tâm sự.

Chị Mai Thị Hòa, ở Lập Thạch (Vĩnh Phúc), bán quán ăn ở vỉa hè Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính cho biết, thỉnh thoảng lại bị lực lượng trật tự thu giữ một số hàng hóa, đồ nghề nhưng vẫn phải “bám trụ” tại đây bởi mấy tháng nay, chị không thể nào đi thuê được cửa hàng.

Chị bảo, trước đây ở quê chị đi buôn hàng đồ khô từ cửa khẩu về nhưng từ sau chồng chị bị tai nạn, kinh tế gặp khó khăn nên hết vốn kinh doanh, đành xuống Hà Nội để buôn bán lặt vặt kiếm sống.

“Mình đi buôn hàng cũng được hơn 5 năm, cũng có nhiều kinh nghiệm và mối hàng. Thế nhưng khó khăn nhất bây giờ là không có vốn để kinh doanh. Chỉ cần vay được vài chục triệu là lại quay về quê trở lại nghề cũ”, chị Hòa cho biết.

Người dân ở quê đổ xô lên thành phố tìm kiếm việc làm đang tạo một sức ép lớn, tuy nhiên đó là vì miếng cơm manh áo để tạo lập cuộc sống cho mình không phải là điều ai cũng làm được.

Anh Trần Văn Thành, ở Đông Hưng, Thái Bình đi buôn kính mắt đã gần 5 năm. Hiện tại anh đang bán rong ở vỉa hè đường Trần Duy Hưng (Hà Nội).

“Cũng muốn đầu tư mở cửa hàng ở quê từ lâu nhưng do địa phương chưa hỗ trợ về vốn nên cũng gặp khó khăn. May dịp vừa rồi, cậu em vợ đi xuất khẩu lao động, gửi cho vay ít tiền chứ cứ lang thang buôn bán như thế này cũng chán lắm”, anh Thắng tâm sự.

Biết bao nhiêu người sẽ có chung suy nghĩ như anh Thắng bởi đó là một mong muốn chính đáng và rất thiết thực. Việc cấm hàng rong là việc làm cần thiết thế nhưng kèm theo lại là việc giải quyết lao động ở các địa phương đổ về Hà Nội.

Nó có vai trò quan trọng và song hành với những chính sách của Thủ đô. Đây không phải chỉ riêng của Hà Nội mà nhiều địa phương khác, đặc biệt là những địa phương có số lượng lớn người dân đang lao động, buôn bán tại các đô thị lớn.

Các lực lượng chức năng của thành phố sẽ xử lý triệt để các nhóm vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ - đường sắt về các điểm kinh doanh, dịch vụ lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; chợ xanh, chợ cóc; xe thồ, xe đẩy bán hàng rong; những trường hợp kinh doanh buôn bán trái phép tại cổng cơ quan, trường học, bệnh viện, nhà chờ xe buýt; điểm trông giữ xe không phép, quá phép; xây dựng bục bệ, mái che, mái vẩy, đổ đất rác phế thải không đúng nơi quy định.

Một số địa bàn trọng điểm được quan tâm giải quyết đợt này là khu vực cổng Ga Hà Nội, cổng chợ Long Biên, xung quanh hồ Hoàn Kiếm, hồ Trúc Bạch, đường Thanh Niên, các tuyến quốc lộ 1A,2,3,5, đường Láng - Hòa Lạc, Bắc Thăng Long - Nội Bài, đầu cầu Chương Dương, Long Biên...

MỚI - NÓNG