Những bức tranh triệu đô của họa sĩ châu Á

Những bức tranh triệu đô của họa sĩ châu Á
TP - Cảnh giác về chính trị. Tỉnh táo trong xã hội. Kinh nghiệm đầy mình. Các nghệ sĩ/ họa sĩ châu Á đang lập kỷ lục về giá tranh của  mình và họ đang làm thức tỉnh cả thế giới nghệ thuật.

Yue Minjun đang cười to hết cỡ. Họa sĩ người Bắc Kinh với cái đầu gọt sạch tóc vừa biến chân dung nụ cười ha hả của mình thành một trong các tác phẩm sinh lợi nhất Trung Quốc.

Hồi tháng 6/2007, bức vẽ về Giáo Hoàng thành Rome hạnh phúc của Yue đã bán được 4,28 triệu USD tại London, Anh.

Kỷ lục này đã bị đánh bạt bởi bức “Execution”, mô tả sự kiện Thiên An Môn được bán đạt tới gần 6 triệu USD cũng tại thị trường này.

Đặng Tiểu Bình từng nói: “Giàu có là vinh quang”, các tác phẩm của Yue dường như đã nắm được thị trường yêu nghệ thuật mang chủ nghĩa tiêu dùng của Trung Hoa. Sinh trưởng ở Đại Khánh, một vựa dầu mỏ phía đông bắc Trung Quốc, Yue trở thành một biểu tượng triệu phú mới của đất nước, khác hẳn với những lớp người đi trước anh.

“Những nụ cười trong bức tranh của anh là thế nào?”. Rất nghiêm trang trong nét mặt, thẳng vai, chiếc vai lực lưỡng của một người đàn ông được chăm sóc đầy đủ về thể chất, Yue nói: “Trung Quốc không còn đen tối nữa. Chúng tôi nên hạnh phúc”.

Năm 2006, một sưu tập các chân dung về giấc mơ và phong cảnh của Zhang Xiaogang (Trung Quốc) bán được 24 triệu USD - vượt trội hơn hẳn Damien Hirst cũng sành sỏi của Anh cùng năm.

Tháng 3/2007, vụ buôn bán tranh nghệ thuật hiện đại của Ấn Độ tại thị trường New York Mỹ cũng lập kỷ lục 15 triệu USD. Tác phẩm bán thân gợi lên sự bình dị “Captives” của họa sĩ trẻ sinh ở New Delhi, Rameshwar Broota suýt soát 800 ngàn USD.

Những bức tranh triệu đô của họa sĩ châu Á ảnh 1
Đinh Thị Thắm Poong - họa sĩ người Mông (Việt  Nam) có tranh bán chạy trên thị trường châu Á

Hai tháng sau, tại thị trường đấu giá London, Syed Haider Raza cũng bán được bức sơn dầu 1,42 triệu USD. Thậm chí ở Việt Nam, những cảnh điền viên thôn dã bằng sơn mài cách đây vài năm chỉ bán được chừng vài trăm đô la thì nay đã có giá gấp lên 10 lần.

Cố họa sĩ Lê Phổ có triển lãm tranh đặt tại Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại, Paris, Pháp. Bức vẽ thuốc nước - bột màu của ông cũng được bán với giá 250 ngàn USD tại thị trường tranh Singapore.

Cụ thể, hai nhà đấu giá Sotheby và Christie của Anh đã đấu giá được 190 triệu USD trong năm qua các tác phẩm của nghệ thuật đương đại châu Á.

So với hai năm trước đó, chỉ  vỏn vẹn 22 triệu USD. “Đây chỉ mới là khởi đầu”, nhà buôn bán tranh người Thụy Sĩ, Pierre Huber, vừa biết đến thị trường nghệ thuật châu Á đương đại tại Thượng Hải hồi tháng 9/2007 cho hay. “Khá lâu mọi người không biết tới nghệ thuật Á châu. Nhưng hiện giờ cả thế giới đang hướng về châu Á và họ nhìn thấy một điều kỳ diệu”.

Đây quả là một cơn địa chấn đối với thế giới nghệ thuật đang xảy ra ở Đại Tây Dương. Mọi người ví von, con rồng Trung Hoa vừa tỉnh giấc, Ấn Độ vươn lên và con hổ Việt Nam cũng đang cất lên tiếng gầm của mình. Nền kinh tế đang phát triển, các trung tâm sản xuất tranh còn khá rẻ mạt nhưng hiệu quả, đó là điều vẫy gọi từ chính nền nghệ thuật ở các nước này.

“Nền kinh tế bùng nổ, nghệ thuật sẽ bùng nổ” - Ganieve Grewal, đại diện của Christie tại Ấn Độ, nhận xét. Ông cho biết thêm, bán tranh Ấn Độ ra thị trường New York đã tăng gấp đôi từ năm 2003 đến 2006.

Các tác phẩm của nghệ sĩ châu Á được ưa chuộng không chỉ do nhân tố khách quan là nền kinh tế phát triển, mà bởi chính họ- những họa sĩ này không chỉ là bản sao hoàn hảo của nghệ thuật thế giới, họ chính là những người sáng tạo.

Các họa sĩ tiên phong châu Á đã khám phá ra sự xung đột giữa truyền thống cổ xưa và phát triển hỗn độn, sức hút của chủ nghĩa thương mại, và cơ bản nhất là họ đã đấu tranh cho cái tôi của chính mình trong lục địa quen thuộc của thế giới này.

Eloisa Haudenschild, nhà sưu tập tranh người Argentina, chuyên gom các tác phẩm nhiếp ảnh hiện thời và video art của các nghệ sĩ Trung Quốc, cho biết: “Thật sai lầm khi nghĩ rằng nghệ thuật châu Á tĩnh, chúng không chỉ là những đồ vật cũ kỹ buồn tẻ và giống nhau đâu. Nơi này đang tiến thẳng và nghệ thuật phản ánh sự sống động này”.

Một điều nữa, các sinh viên châu Á ngày nay không phải mò mẫm và thô sơ trong các phương pháp truyền thụ và giảng dạy tại các trường nghệ thuật.

Các sinh viên Việt Nam của Trường Mỹ thuật được học với người mẫu sống. Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam đều có kỹ thuật riêng lâu đời trong nghệ thuật.

Akbar Padamsee, họa sĩ hàng đầu về nghệ thuật đương đại ở Ấn Độ, mạnh bạo: “Tôi không nghĩ họ đã dạy tôi được điều gì. Song được ngồi trong một môi trường toàn những người cũng có ham muốn trở thành nghệ sĩ quả là quan trọng”.

Thanh Chi
Theo Time

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.