Người nghèo lo Tết đến

Người nghèo lo Tết đến
TP - Tết đến, người ta thường hướng đến những niềm vui, sự sung túc, đủ đầy. Éo le thay, khi ngày Tết với những người lao động là nỗi lo toan, sự buồn tủi. Cuộc sống khó khăn, bươn chải kiếm sống khiến họ trở nên vô cảm với ngày Tết.

Đối với một số người dường như trong họ từ lâu đã không tồn tại khái niệm về ngày Tết cổ truyền của dân tộc.

Người nghèo lo Tết đến ảnh 1
Ảnh: Lê Thơm

Rong ruổi kiếm Tết

Chỉ hơn một tuần nữa là đến Tết. Không khí tết đang gõ cửa từng nhà. Hàng hóa, bánh kẹo, hoa quả, quần áo tràn ngập thị trường sẵn sàng đáp ứng nhu cầu cho dịp tết năm nay.

Hầu hết ai cũng khấp khởi vui mừng khi nghĩ về ngày Tết. Chỉ có những người phụ nữ như chị Bắc quê Hưng Yên là lo lắng tất bật hơn. 20 năm nay, chị gắn bó với nghề bán hàng mã rong ruổi khắp phố phường Hà Nội.

Tiết trời đang rét đậm rét hại, mưa lâm thâm dai dẳng làm đôi giầy vải của chị ướt nhẹp, có lẽ chị đã đỡ cóng hơn khi buộc tó vào hai bàn chân những chiếc túi ni lông màu hồng nhạt nhàu nhĩ.

Khuôn mặt chị vốn vất vả, khi nói vẻ khắc khổ hằn lên rõ hơn. Chị lắc đầu chép miệng than thở: “Giá cả, phân gio đồng loạt tăng giá đến chóng mặt. Tôi với nhà tôi làm 12 sào ruộng chỉ đủ đong gạo hàng ngày còn thì không biết làm gì mà ăn. Khổ lắm!”.

Chị giải thích thêm: “Phải đi làm thêm thế này mới có thêm chút tiền mà trang trải thịt cá, bánh kẹo và đồ dùng cho ngày Tết chứ”.

Mặc dù con cái đã ai yên phận nấy nhưng người phụ nữ gần 60 tuổi này vẫn quẩy gánh hàng rong lặn lội kiếm sống. Nhắc đến ngày Tết với chị, nhận lại là nụ cười nhạt nhẽo chứa đựng bao chua xót và mệt mỏi đời thường như muốn buông xuôi.

Sự dửng dưng với ngày Tết của chị Bắc còn có thể được, nhưng với chị Linh, người phụ nữ bán bánh mì rong bên cầu Long Biên có ba con nhỏ thì dù nghèo cũng không thể làm ngơ khi Tết đang về. 

Những bậc làm cha làm mẹ như vợ chồng chị không nỡ để con trẻ mất đi niềm vui ngày Tết với bánh kẹo, bánh chưng, giò, quần áo xúng xính ngày Tết. Lọ mọ từ 3 giờ sáng bắt xe từ Hà Tây lên Hà Nội bán bánh mì rong bên chân cầu Long Biên để mong kiếm được 20 – 30 ngàn đồng cho bữa cơm chiều muộn mằn với chồng con.

Lẽ ra chị phải vui lắm khi nhắc đến ba đứa trẻ chăm ngoan học giỏi. Nhưng đôi mắt chị chợt lựng đỏ, nước mắt chực trào mi khi nghĩ đến ngày Tết các con chị không được như bao đứa trẻ bình thường khác:

“Thôi thì gia đình hoàn cảnh, con nhà người ta có bộ quần áo mới 50 ngàn đồng thì mình cũng cố mua cho con bộ 20 ngàn đồng; nhà người ta có 10 cái bánh chưng, con mình cũng phải có vài ba cái. Vừa trốn lủi công an vừa bán bánh ngoài đường cơ cực lắm nhưng đây là công việc duy nhất chị có thể làm”.

Người nghèo lo Tết đến ảnh 2
Nhà nghèo, bé Mai vẫn mong mẹ mua cho mình bộ quần áo mới

Tết dập dềnh trên bãi sông

Ngày Tết càng trở nên bi thảm hơn với những số phận dập dềnh trên bãi sông Hồng, quận Long Biên, Hà Nội. Những con người mới nhìn là thấy khổ không thể cố gắng cho một ngày tết ít ra cũng như chị Bắc hay chị Linh. Từ lâu trong đầu họ đã không tồn tại ý niệm về ngày tết dân tộc.

Chị Phương bình thản nói: “Ở bãi, ngày tết cũng như ngày bình thường, người lớn đi nhặt rác nhiều hơn vào ngày tết, trẻ con, người già lủi thủi trông nhà như bao ngày bình thường khác”.

Bãi sông Hồng có tất cả 20 hộ sinh sống. Hoàn cảnh éo le buộc họ phải nương náu nơi con sông này. Công việc duy nhất của những người dân nơi đây là nhặt rác và bốc vác. Có lẽ vì đặc trưng nghề nghiệp nên từ ngôi nhà cho đến đồ dùng và cả những bộ quần áo họ mặc trên người đều mang dáng dấp của đồ bị thải loại.

20 ngôi nhà như một, được chắp vá bởi những thứ rác thải mà họ ki cóp theo ngày tháng. Đó là những mảnh tôn vỡ lởm chởm, là những tấm bạt rách nát bạc phếch, những bìa giấy đủ mọi màu sắc được ghép một cách vụng về, tạm bợ cho ngôi nhà.

Nhà thường được chia làm ba ngăn, ngăn bếp đủ cho một người ngồi nấu cũng là nơi họ tắm rửa bề bộn những nồi niêu và túi ni lông; ngăn chính giữa vừa là nơi ra vào khi có khách vừa là nơi ngủ bởi tấm nệm mỏng bẩn thỉu đủ thứ mùi trên đời; ngăn thứ 3 tạm coi là gian buồng cho những đôi vợ chồng chỉ đủ để nằm và chui ra chui vào.

Nhìn vào chỗ nào cũng toát lên kiếp sống tạm bợ, qua ngày đoạn tháng của những số phận cơ cực.

Cuộc sống lẽ ra phải ngày càng khấm khá, nhưng lạ thay những con người dạt về bãi ngày càng đông. Bằng chứng là thêm những ngôi nhà thuyền mọc lên san sát nhiều hơn năm ngoái.

Tội nghiệp nhất vẫn là lũ trẻ nơi đây. Chỉ cách một cây cầu nhưng chúng phải sống trong một thế giới hoàn toàn khác so với lũ trẻ thành thị. Khoác trên mình những chiếc áo rét mỏng manh, bé Mai lủi thủi một mình trên tấm ván bắc qua sông mân mê đất cát và nước sông Hồng.

Người lớn không có Tết, nhưng trẻ nhỏ cũng bị tước đi quyền vui chơi, mặc đẹp dịp Tết. Nhà ai khá hơn thì mãi đến 29 – 30 Tết mua cặp bánh chưng, một hộp mứt đặt lên bàn thờ cho có không khí truyền thống ngày Tết, vừa để cho con trẻ biết hôm nay là ngày Tết.

Dáng người phụ nữ đi xiêu vẹo trong gió như chực gục ngã giữa bãi sông Hồng. Chị đang bị sốt virut nặng, hai con mắt đờ đẫn vì mệt mỏi, hơi thở khó khăn nói trong vô vọng: “Thử lên cầu đi làm nhưng làm không được đành quay về”.

Đi vay cũng phải có Tết

Chúng tôi đến làng nghề đan lát xã Hoằng Thịnh, huyện Hoằng Hóa. Ở nông thôn có một cái nghề phụ là có thêm một cần câu cơm, thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống trong khi hạt thóc ngoài đồng giờ đây chỉ đủ ăn.

Nghề đan lát phát triển đã đem lại cho xã Hoằng Thịnh một bộ mặt sáng sủa hơn hẳn các xã bên. Vậy mà vẫn còn có những gia đình như gia đình anh Hòa phải vay mượn cho cái Tết năm nay.

Ngôi  nhà nhỏ của gia đình anh lạnh lẽo và trống trải vì không có đồ đạc gì ngoài duy nhất một chiếc giường cho cả vợ chồng con cái nằm ngủ. Nhà có chỗ ra vào nhưng tuyệt nhiên không một cánh cửa che mưa che gió. Trước cửa ra vào che tạm bợ tấm bạt rách lởm chởm những lỗ thủng toang hoác đang phất phơ bay.

Có lẽ vì thế mà những cơn gió độc đã cướp đi của đôi vợ chồng 3 đứa con nhỏ mắc bệnh đường hô hấp. Chị vợ vẻ uể oải xanh dớt, suốt buổi chỉ than độc mỗi câu “không biết sống sao được đây”.

Anh Hòa da dẻ đen đủi, đầu tóc bù xù chỉ biết nín lặng chua chát: “Cái gì cũng tăng giá, nhất là thịt lợn. Đã 2 tháng nay chúng tôi chưa được nếm miếng thịt lợn. Tết nhất đến đành vay mượn hoặc mua chịu thịt để có cái gọi là Tết cho đứa con duy nhất còn lại”.

Xuống dưới miền biển của huyện Hoàng Hóa. Ở đó, xã Hoằng Đông ven biển thuộc diện nghèo nhất nhì của huyện.

Tết đến, người ở nhà mong ngóng người đi làm xa, đi gặt thuê trở về để có tiền trả nợ từ đầu năm như học phí cho con, tiền phân bón chứ không còn tiền mà sắm sửa cho ngày Tết. “Còn không đủ ăn nói chi đến sắm” là câu nói cửa miệng của bà con nơi đây.

Tuy nhiên, đối với họ những cái tối thiểu cần có cho ngày Tết như con ngan, con gà, gạo nếp, đậu xanh làm bánh thì họ có thể tự chuẩn bị được. Ở nông thôn chỉ trừ mỗi rau là không tăng giá, mỗi gia đình đều có một vườn rau chuẩn bị cho ngày Tết.

Những thú vui ngày Tết như đào, quất, hoa quả không hề được nhắc đến, đối với bà con đó chỉ là những mặt hàng xa xỉ.

Hiện nay, cả xã có 50% học sinh chưa đóng đủ tiền học phí. Tết 2008, trường THCS Hoằng Đông đã tổ chức quyên góp chia sẻ niềm vui ngày Tết cho những người nghèo trong xã. Mỗi giáo viên 20.000 đồng, học sinh 2.000 đồng. Số tiền tuy ít ỏi nhưng phần nào làm ấm lòng những người nghèo khổ nơi đây. 

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.