Kỷ niệm 35 năm ngày ký Hiệp định Paris (27/1/1973 - 27/1/2008):

Hiệp định Paris nhìn từ phía bên kia

Hiệp định Paris nhìn từ phía bên kia
TP - Nhân kỷ niệm 35 năm ngày ký Hiệp định Paris, chúng tôi xin trích đăng một số phần, có liên quan đến việc ký kết Hiệp định Paris, từ cuốn “Hồ sơ mật Dinh Độc Lập” (The Palace File) để bạn đọc tham khảo.
Hiệp định Paris nhìn từ phía bên kia ảnh 1
Nguyễn Văn Thiệu

.........

Vào lúc năm giờ chiều ngày 17/10/1972, ông Thiệu ra lệnh cho Bộ Tổng tham mưu gấp rút chuyển về Sài Gòn một tập tài liệu vừa bắt được của Việt cộng, tìm thấy dưới hầm một chính ủy thuộc tỉnh Quảng Tín.

Được chở khẩn cấp bằng máy bay nhẹ, rồi máy bay trực thăng qua Đà Nẵng, các tài liệu này về tới bàn giấy ông Thiệu lúc nửa đêm.

Ông vội vã đọc, hết sức sửng sốt vì nhận ra ngay rằng cán bộ Cộng sản, trong một tỉnh lỵ cô lập ở miền Trung, còn biết được nhiều chi tiết về Hòa đàm Paris hơn là chính mình.

Tập tài liệu mang tên “Chỉ dẫn tổng quát về ngưng chiến”, có nội dung dường như lấy từ bản sơ thảo hiệp định lúc ấy đang được Kissinger và Lê Đức Thọ thương lượng tại Pháp, và được tiết lộ những nhượng bộ cơ bản của Kissinger.

Cho đến lúc ấy, Thiệu chưa hề biết gì đến bản dự thảo cuối cùng của hiệp định, và chẳng hề biết gì đến bản dự thảo cuối cùng của hiệp định, và chẳng được Kissinger thông báo gì về chi tiết cả.

LTS: “Hồ sơ mật Dinh Độc Lập” (The Palace File) từng được coi là cuốn sách với “những tư liệu hết sức đặc biệt trước đây chưa từng được tiết lộ”, “cáo trạng gay gắt về chính sách của Hoa Kỳ tại Việt Nam”… do Tiến sỹ kinh tế học Nguyễn Tiến Hưng – nguyên là cố vấn đặc biệt của Tổng thống ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu; nguyên là Tổng trưởng kế hoạch và phát triển kinh tế, soạn thảo cùng với Jerrold L.Schecter – nguyên chủ bút ngoại giao của tạp chí Time, từng là phóng viên đặc biệt của Time tại Việt Nam.

Dù được nhìn từ phía bên kia, nhưng cuốn sách cũng đưa ra một số tư liệu mới đáng được tham khảo.

Phần Việt ngữ của cuốn sách nói trên là của C&K Promotins, Inc; Los Angeles.

Vậy mà tại một tỉnh lỵ hẻo lánh xa xôi, phía Nam Đà Nẵng, quân, cán Cộng sản đã đang bắt đầu học tập tài liệu đó rồi, và dựa vào đó để chuẩn bị hành quân.

Nổi bật nhất phải kể đến chi tiết liên quan đến chiến lược và chiến thuật của Bắc Việt (BV) nhằm duy trì lực lượng tại miền Nam sau khi có tuyên bố đình chiến.

Tài liệu CS còn nói rõ là Mỹ đã đồng ý cho phép quân đội BV ở lại miền Nam sau khi ngưng bắn. Quân đội Mỹ sẽ rút lui hoàn toàn. Kissinger đã đồng ý để cho BV vô Nam qua ngã vùng Phi Quân Sự và như vậy để sau này tự do tiếp tế cho quân lính họ.

Tài liệu học tập còn có khoản thành lập một Hội đồng Hòa hợp và Hòa giải Dân tộc mà tác dụng chính chỉ là để triệt hạ chính phủ Sài Gòn. Ông Thiệu cho đây là một chính phủ liên hiệp trá hình.

Sau này, kể lại, lúc đọc xong tài liệu, ông nói: “Đó là lần đầu tiên tôi biết được mình đã bị qua mặt. Người Mỹ nói với tôi là vẫn còn đang thương thuyết, là chưa có gì dứt khoát cả, thế mà bên kia đã có đầy đủ tin tức rồi”.

Chẳng những tài liệu thu được chứa những điều sau này trở thành nguyên văn của Hiệp định Paris, mà còn chỉ đạo cho Việt cộng phải thi hành một kế hoạch ba giai đoạn nhằm nắm thế chủ động:

Hiệp định Paris nhìn từ phía bên kia ảnh 2
Kissinger

Giai đoạn 1: Giai đoạn chuẩn bị, trước đình chiến, kêu gọi cán bộ học tập và ghi nhớ những điều khoản và học cách giải thích chúng cách nào có lợi.

Cán bộ được chỉ thị chuẩn bị trình bày những điều khoản của hiệp định cho dân chúng biết hoặc tranh luận với đối phương.

Phải sung công tất cả máy may để may cờ Việt cộng: Những lá cờ này trong ngày đình chiến sẽ được treo trước cửa mỗi nhà, trong mỗi ấp, xóm, trên mỗi ngọn đồi. Như vậy BV sẽ chứng minh được với các cơ quan kiểm soát quốc tế là chỗ nào họ cũng có mặt.

Đồng thời các đơn vị lớn của CS phải tấn công đề ghìm chân các lực lượng Sài Gòn. Các lực lượng vùng và địa phương quân CS phải được phân tán ra thâm nhập mọi ấp, mọi vùng đông dân cư, chặn mọi trục giao thông, và nằm tại chỗ cho tới khi nào có đại diện quốc tế đến.

Giai đoạn II: Cách thực thi trong ngày đình chiến. Ba ngày trước khi đình chiến, mỗi đơn vị CS phải hành quân giành dân lấn đất. Phải chuẩn bị các cuộc biểu tình đòi chính phủ Sài Gòn thi hành ngừng bắn và cho quân lính trở về gia đình họ.

Biểu tình đòi thực hiện các quyền tự do di chuyển, tuyên truyền võ trang phải đẩy mạnh những hành động xúi giục, khích động, bằng cách giải thích hiệp định, kêu gọi binh sĩ QLVNCH ngưng chiến đấu, nghỉ phép, hoặc về thăm nhà và đào ngũ.

Giai đoạn III: Trong giai đoạn sau đình chiến, hay giai đoạn củng cố, phải giữ chặt và củng cố mọi thắng lợi đã đạt được. Tùy kết quả của hai giai đoạn đầu mà lấy thêm hành động mới, nhưng mục tiêu là tiến tới việc triệt hạ chính phủ Thiệu, đồng thời tiếp tục tuyên truyền nâng cao uy tín CS và đòi tôn trọng và thực thi Hiệp định Paris.

Ông Thiệu đã phải giật mình khi đọc những tin trên. Chỉ mới hai tuần trước, ngày 4/10, ông đã trao một giác thư cho tướng Halg ở Sài Gòn để đem về cho Kissinger, nhắc nhở ông về những nguyên tắc điều đình căn bản mà hai bên đã thỏa thuận: “Nếu chính phủ HK lại đi tới được một quan niệm mới nào về hòa giải, xin vui lòng thông báo cho chính phủ VNCH biết”.

Rồi lá thư đề ngày 6/10 của Nixon sau đó cũng đã quả quyết với ông rằng sẽ không lấy một quyết định nào trong lúc thương lượng mà không có sự tham khảo hoàn toàn, đầy đủ và kịp thời giữa chúng ta.

Trong một tháng, ông Thiệu tự nhiên thấy mọi việc ăn khớp với nhau. Phạm Đăng Lâm, đại sứ Trưởng phái đoàn VNCH tại Paris, mới đây có báo động cho ông là Mỹ và BV, sau nhiều phiên họp mật, dường như đã đi tới một thỏa thuận. Sau đó, Nixon lại viết thư ngày 6/10 có vẻ như trận phủ đầu.

Tại sao lại chọn đúng lúc này mà đe dọa ông “để tránh xảy ra một bầu không khí có thể đưa tới những biến cố tương tự như những biến cố mà chúng tôi ghê tởm hồi 1963, và bản thân tôi đã chống đối kịch liệt hồi 1968?”.

Hơn nữa, lá thư chiếu lệ đề ngày 14/10 do Bunker viết cho ông chỉ dài hơn một trang nói về nội dung các cuộc họp giữa Kissinger và Thọ trong 4 ngày từ 8 đến 11/10, đã không hề nhắc đến sự thỏa thuận nào hết.

Bây giờ, ông Thiệu mới nhìn ra ý đồ của Kissinger: nghĩa là cho diễn lại vở tuồng 1968, gấp rút điều đình trước ngày bầu cử HK. Kissinger lại sắp qua Sài Gòn mang theo một thỏa ước giữa HK và BV. Và chỉ mấy hôm trước khi ông đi, Nixon đã viết thư cho ông Thiệu dọa đảo chính, như vậy chắc là để dọn đường cho ông.

Trái với lời hứa của Nixon, đã không hề có một sự tham khảo có ý nghĩa nào với VNCH về những điểm then chốt tối hậu của thỏa ước đó. VNCH đã không hề được xem bản văn, hoặc yêu cầu bình luận chi tiết bất cứ phần nào trong dự thảo chót của hiệp định.

Vừa phẫn nộ vừa buồn bực, ông Thiệu mời một số nhân vật chính trong chính phủ tới họp. Trong số những người được mời có Phó Tổng thống Trần Văn Hương, Thủ tướng Cao Văn Viên và ông Hoàng Đức Nhã.

Hành động của Hoa Kỳ quả là những đòn đau giáng xuống miền Nam Việt Nam. Trước khi qua Sài Gòn, Kissinger được Nixon dặn dò là phải coi những cuộc họp với Thiệu như một “canh xì phé” trong đó Kissinger phải giấu kỹ “con tẩy” cho đến phút chót.

Như lời Kissinger sau này giải thích: “Chẳng hạn tôi không nên đưa ngay cho ông Thiệu coi cái phần chính trị của Hiệp định. Tôi phải “giả bộ” nói làm sao để ông Thiệu nghĩ rằng Hà Nội đã yêu sách rất nhiều, nhiều hơn là thực sự họ đòi”. 

......................

Còn nữa

MỚI - NÓNG
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.