Rét và rét đậm từ nay đến Tết Nguyên đán

Rét và rét đậm từ nay đến Tết Nguyên đán
TP -  Những ngày cuối cùng của năm cũ trên toàn bộ miền Bắc và bắc Trung Bộ có thể lại trải qua đợt rét, rét đậm, rét hại và thậm chí, một số nơi có thể chứng kiến mưa đông kết và có khi là mưa tuyết.
Rét và rét đậm từ nay đến Tết Nguyên đán ảnh 1
Ảnh: VietnamNet

Đó là nhận định của các chuyên gia khí tượng trung ương và địa phương.

Như phản ánh trên Tiền phong, không khí lạnh tăng cường xuống nước ta vào những ngày nghỉ cuối tuần qua sẽ tiếp tục duy trì trong những ngày đầu tuần này.

Tuy nhiên, theo TS Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, không dừng ở đợt rét tăng cường dịp Tết Ông Táo, khoảng ngày mùng 3/2, tức 27 tháng Chạp, một đợt không khí lạnh nữa có thể lại tăng cường. Đợt rét này có thể lan sâu vào khu vực bắc miền Trung bao gồm các tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị…

Như vậy, không chỉ tuần này mà có thể kéo dài sang cả tuần sau, miền Bắc sẽ rét đậm, rét hại. Nhiệt độ phổ biến từ 7 - 13 oC, vùng núi cao từ 2 - 10oC. Các tỉnh bắc Trung Bộ, nhiệt độ phổ biến từ 9 - 19oC.

Nhưng những ngày tiếp theo, hơn một tuần xung quanh Tết Nguyên đán, thời tiết ra sao? Dự báo thời tiết 10 ngày, đến đúng mùng Một Tết Nguyên đán, của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn, cũng tỏ ra dè dặt với nhận định không rõ ràng.

Song quan chức khí tượng địa phương lại mạnh dạn nhận định những ngày Tết Nguyên đán năm nay có thể vẫn rét. Ông Lưu Minh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Lào Cai, dự báo, những ngày đầu tháng 2/2008, trong đó có mấy ngày Tết Mậu Tý, vùng miền núi phía bắc có khả năng tiếp tục chịu tác động của gió mùa đông bắc.

Riêng khu vực dãy Hoàng Liên Sơn đi qua mấy tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có tỉnh Lào Cai, ông Hải đoán, thời tiết sẽ lạnh đến mức có thể xảy ra mưa đông kết.

Mưa đông kết là tình trạng các hạt nước đá rơi xuống mặt đất, tan vỡ và liên kết lại thành các tảng mỏng có thể cầm lên được.

Được hỏi, nhiệt độ thấp như thế, có thể có mưa tuyết ở Sapa không, ông Hải cho biết khó xảy ra hiện tượng này do nhiệt độ chưa đủ thấp và điều kiện độ ẩm chưa phù hợp. “Cùng lắm có thể xảy ra mưa đông kết chứ khó có thể có mưa tuyết”, ông Hải dè dặt.

Còn ông Điền, cán bộ Trạm Nghiên cứu Khí hậu Nhiệt đới núi cao Sapa, Lào Cai, lại cho rằng, trong khi đầu năm nay có hiện tượng mất mùa mưa phùn, đến ngày mùng Hai hoặc mùng Ba Tết Nguyên đán, khu vực miền núi phía Bắc mà cụ thể là Lào Cai và Sapa, có thể có mưa phùn và sương dày đặc.

Không bất thường

Được hỏi đợt rét năm nay, cụ thể là đợt rét hiện tại kéo dài đến hôm nay (thứ Ba 29/1) là ngày thứ 18, có phải bất thường không, quan chức ở Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn cho biết rét kéo dài như thế này là khá hiếm nhưng nhiệt độ chưa phải đạt mức độ thấp kỷ lục.

Quan chức Viện Khí tượng Thủy văn & Môi trường (KTTV&MT) còn giải thích thêm, gia tăng lạnh ở Việt Nam và nhiều nước ở Bắc Âu cũng như Bắc Mỹ không nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia về tác động của biến đổi khí hậu.

“Gia tăng ấm nóng toàn cầu dẫn đến biến đổi khí hậu không có nghĩa là khắp nơi sẽ ấm nóng hơn”, ông Lê Nguyên Tường, Viện KTTV&MT, nói. “Từ trước đến nay, tình trạng nóng hơn hoặc lạnh hơn giá trị trung bình vẫn thường xuyên xảy ra. Nhưng gia tăng ấm nóng toàn cầu làm cho các dao động này trở nên mạnh hơn, tình trạng cực đoạn vượt khỏi giá trị trung bình với biên độ xa hơn, lặp lại nhiều lần hơn”.

Ông Lưu Minh Hải nhận xét, một trong những biểu hiện rõ nét nhất của tác động biến đổi khí hậu lên vùng miền núi phía Bắc là diễn biến thất thường của hiện tượng tuyết rơi ở Sapa.

“Trước đây, cứ trung bình 6 -7 năm lại có một lần tuyết rơi ở Sapa nhưng nay lại khác”. Do sự thất thường đó, ông tỏ ra dè dặt với nhận định trước đó của chính mình về khả năng không có tuyết rơi vào mùa đông năm nay mà cụ thể là dịp Tết Nguyên đán.

MỚI - NÓNG