Hiệp định Paris nhìn từ phía bên kia - Tiếp theo

Hiệp định Paris nhìn từ phía bên kia - Tiếp theo
TP - Kissinger tới Sài Gòn ngày 18/10/1972; sáng hôm sau, ông tới ngay Dinh Độc Lập với một đoàn tùy tùng đông đảo, gồm cả những nhân viên an ninh, trông chẳng khác chi phái đoàn đi tháp tùng một vị quốc trưởng hơn là một ông đặc sứ.

>> Kỳ trước

Hiệp định Paris nhìn từ phía bên kia - Tiếp theo ảnh 1
Ông Lê Đức Thọ (trái) và Kissinger

Đã không ngạc nhiên trước cảnh tượng đó, ông Thiệu còn lộ sự hờn giận của mình bằng cách để Kissinger và đoàn tùy tùng ngồi đợi 15 phút trong phòng tiếp khách, ngay trước mặt đám ký giả và nhiếp ảnh đã tụ họp ở đó từ trước để theo dõi cuộc viếng thăm. Và khi Kissinger được Thiệu tiếp, người ta đã không thấy có sự vồn vã, thân mật nào hết: Thiệu đã tỏ ra cách biệt và lạnh lùng.

Vừa gặp mặt, Kisingger liền trao tay cho Thiệu lá thư của Nixon đề ngày 16/10/1972, dường như với dụng ý khai mào cuộc gặp gỡ và để cho biết là mình được Nixon hoàn toàn tín nhiệm. Lá thư đầy xúc động:

Thân gửi Tổng thống Thiệu,

Tôi đã yêu cầu TS Kissinger chuyển đến Ngài lá thư riêng này liên quan đến những cuộc đàm phán hiện thời với Bắc Việt, dường như đang tới giai đoạn chót.

Như Ngài biết, suốt bốn năm dưới quyền tôi, Hoa Kỳ đã đứng vững đằng sau chính phủ Ngài cùng nhân dân Việt Nam Cộng hòa và ủng hộ sự đấu tranh dũng cảm của họ nhằm chống xâm lăng và bảo tồn quyền tự quyết về tương lai chính trị của mình.

Những biện pháp quân sự chúng tôi đã sử dụng và chương trình Việt Nam hóa, những hành động quyết liệt chúng tôi đã thực thi năm 1970, nhằm tiêu diệt sào huyệt địch tại Cam-bốt, những cuộc hành quân tại Lào năm 1971 và biện pháp chống Bắc Việt tháng Năm mới đây, đã hoàn toàn minh chứng cho sự ủng hộ của chúng tôi. Tôi khỏi cần nhấn mạnh rằng, trong số những biện pháp vừa kể, có nhiều biện pháp đã không được nhiều người ủng hộ tại Hoa Kỳ nhưng chúng lại cần thiết.

Cho tới gần đây, phe thương thuyết Bắc Việt vẫn còn bám chặt lấy lập trường cố hữu của họ là bất cứ cuộc dàn xếp nào về chiến tranh cũng sẽ phải bao gồm sự từ chức của Ngài và sự giải tán của chính phủ Việt Nam Cộng hòa cùng những định chế dân chủ liên hệ.

TS Kissinger sẽ giải thích cho Ngài với đầy đủ mọi chi tiết về điều khoản trong hiệp định đề nghị mà ông ấy mang theo, và vì thế tôi sẽ không bàn gì thêm trong bức điệp văn này. Tuy nhiên, tôi rất muốn Ngài hiểu rằng tôi tin chúng ta không còn lựa chọn hợp lý nào khác hơn là chấp nhận hiệp định ấy. Nó tiêu biểu cho sự chuyển hướng lớn về phe bên kia, và tôi tin chắc rằng sự thực thi (hiệp định ấy) sẽ cho phép Ngài và dân tộc Ngài có thể tự bảo vệ và quyết định vận mạng chính trị của miền Nam Việt Nam.

Sau hết, tôi phải nói rằng, nếu như ta đã có thể mạo hiểm trong chiến tranh, thì tôi tin là ta cũng phải mạo hiểm trong hòa bình. Ý định của chúng tôi là quyết tâm tôn trọng những điều khoản trong các hiệp định ký kết với Hà Nội, và tôi biết rằng đó cũng là thái độ của chính phủ Ngài.

Chúng tôi đòi phải có qua có lại, và đã cảnh giác cho cả họ lẫn các đồng minh lớn của họ biết rõ như thế. Tôi xin cam kết với Ngài rằng bất cứ một sự bội tín nào về phía họ cũng sẽ bị chúng tôi lên án khắt khe nhất và nó sẽ có những hậu quả trầm trọng nhất.

Nhân dịp này, tôi xin phép Ngài cho tôi được nhắc lại những tình cảm kính trọng sâu xa nhất của cá nhân tôi và lòng ngưỡng mộ đối với Ngài và những người bạn chiến đấu của Ngài.

Kính thư
(k.t) Richard Nixon

Ông Thiệu đọc hết lá thư, nhưng không một lời bình luận. Rồi ông mời Kissinger sang phòng Ước đoán tình hình, có cửa thông sang văn phòng ông, để gặp Hội đồng An ninh Quốc gia. Kissinger yêu cầu có ba mươi phút để trình bày bản hiệp định.

Kissinger nhấn mạnh các phần chính trị của hiệp định mà ông tin là có lợi cho VNCH. Ông cam đoan Hoa Kỳ (HK) sẽ duy trì các căn cứ không quân tại Thái Lan và giữ Hạm đội 7 ngoài khơi để ngăn chặn Bắc Việt (BV) tấn công. Kissinger hứa tiếp tục viện trợ tài chính và quân sự cho VNCH.

Trong khi đó, ông tin rằng những thỏa thuận ngầm giữa Liên Xô và Trung cộng sẽ làm giảm nhiều nguồn tiếp liệu chiến cụ cho quân đội BV. Theo ông, đây là lúc thuận lợi để đi tới một hiệp ước với Cộng sản vì dù sao chăng nữa, VNCH cũng đã có quân lực trên một triệu người và kiểm soát 85% dân số.

Ông tin tưởng rằng VNCH sẽ phát triển và thịnh vượng trong thời kỳ hậu chiến.  Kissinger không đi vào các chi tiết về những gì còn phải giải quyết với Hà Nội, và cũng không cho Thiệu biết một thời khóa biểu mật mà ông ta đã đồng ý với BV – là họ sẽ ký tắt vào bản hiệp định tại Hà Nội chỉ một tuần lễ sau đó, vào ngày 24/10.

Trình bày xong, Kissinger trao cho ông Thiệu một phó bản duy nhất của hiệp định, bằng Anh ngữ. Thiệu ra hiệu cho Nhã tới, đứng sau ghế Thiệu, đọc bản văn trong lúc Kissinger trình bày các điều khoản của hiệp định. Nhã ghé tai ông Thiệu nói thầm: “Đây đâu phải là những điều mà mình trông đợi! Hãy cứ nói vài điều vớ vẩn nào đó, để lấy thêm thời giờ suy nghĩ”.

Về sau Nhã nhớ lại: “Tôi kinh ngạc hết sức! Tất cả những điểm VNCH đề nghị, rồi phản đề nghị, đều đã bị gạt ra ngoài… Tôi khựng lại vì ngạc nhiên, nhưng cố không để lộ ra mặt”.

Ông Thiệu cũng kinh ngạc và cũng cố giữ trong lòng. Về sau ông nói là ông căm phẫn với Kissinger đến độ ông muốn “đấm cho anh ta một quả vào miệng”. Thế nhưng ông cố tự kiềm chế, và yêu cầu Kissinger cho một bản tiếng Việt của Hiệp định.

Kissinger nói không có, nhưng sẽ kiếm trong hồ sơ một bản. Thiệu cám ơn Kissinger về “phần trình bày hay”, và nói thêm: “Cho tôi thời giờ suy nghĩ. Ta sẽ hội lại lúc năm giờ chiều”. Thiệu hứa sẽ nghiên cứu cẩn thận bản tiếng Anh trước khi đó.

Buổi họp chấm dứt trong tinh thần thân hữu, và Kissinger có đôi chút phấn khởi. Về phần Thiệu, ông lập tức chỉ thị cho Nhã phân tích toàn bộ đề án, và phải xong lúc 3 giờ chiều để có thể thảo luận trước phiên họp năm giờ. Sau này Nhã kể lại: “Tôi vội cho in thành nhiều bản và mời Ngoại trưởng Lắm, cố vấn Nguyễn Phú Đức và Đại sứ Phượng đến dùng cơm trưa với tôi tại nhà hàng La Cave.

Ngồi vào bàn, tôi hỏi ngay: “Quý vị nghĩ thế nào?”. Họ nói: “Không đến nỗi nào. Chúng tôi tưởng còn tệ hơn nữa”. “Thế nào là không đến nỗi nào? Quý vị đã đọc kỹ chưa?”.

Nhã để ý là không có khoản nào nói đến việc rút quân BV; ngoài ra Hiệp định chỉ nói tới “ba quốc gia Đông Dương” ý muốn nói là chỉ có một nước Việt Nam, Lào và Cam - bốt. Về phía BV, thì họ vẫn cho VNCH, quốc gia thứ tư, với thủ đô ở Sài Gòn, là không được kể như một chính phủ hợp pháp.

Nhã nói tiếp: “Quý vị có thấy chữ National council of Reconciliation trong đó không? Tôi sẽ hỏi họ xem cái này là cái gì trong bản Việt ngữ”.

Không có bản tiếng Việt, mọi người đều phải nghiên cứu bản tiếng Anh, rồi đến dự phiên họp khẩn của Hội đồng An ninh Quốc gia vào lúc ba giờ như đã dự liệu. Hội đồng quyết định có năm điểm chính cần được minh xác.

Năm giờ chiều hôm đó, Kissinger và Bunker trở lại Dinh Độc Lập để gặp Thiệu. Kissinger có vẻ rất “hăng”. Thiệu lịch sự, nhưng nhất định cứ hỏi bằng tiếng Việt, cho Nhã thông ngôn, để giữ cho buổi họp ở cấp lễ nghi, hình thức.

Ông nói: “Chúng tôi đã phân tích sơ qua, và chúng tôi muốn hỏi một vài điểm cần được minh xác, rồi sau đó, chúng tôi cần có thêm thời gian để nghiên cứu bản văn, cả tiếng Việt, lẫn tiếng Anh”. Rồi ông hỏi thêm: “À, còn ba quốc gia Đông Dương mà ông nói đến là những quốc gia nào vậy?” Kissinger, không để lỡ một giây đáp liền: “Thưa Ngài, chắc là thư ký đánh máy sai đó”.

Bản tiếng Anh nói đến “ba dân tộc Đông Dương” – ám chỉ Lào, Cam - bốt và một nước Việt Nam. Thiệu nhất định không chấp nhận công thức ấy. Hội nghị Genève đã thừa nhận bốn quốc gia, trong đó có hai Việt Nam: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Việt Nam Cộng hòa; sự việc này đâu có thể thay đổi. Thiệu còn nhất định không chịu cho Mặt trận Giải phóng được xưng là đại diện cho miền Nam Việt Nam.

Kissinger giải thích rằng sự nhắc nhở “ba dân tộc Đông Dương” là một sự sơ ý, là lỗi đánh máy! Ông dám nói như vậy dù là bản dự thảo nhắc nó đến hai ba lần, và được viết xuống vừa bằng chữ (three) và bằng số 3.

Ông Thiệu còn quan tâm đặc biệt đến định nghĩa của Hội đồng hòa hợp và Hòa giải Dân tộc. Nhiều lần trong bản văn, danh xưng này được gọi là một “cơ cấu hành chính”; nếu đứng về ngôn ngữ Việt Nam thì “cơ cấu hành chính” và “cơ cấu chính quyền” rất giống nhau và ý nghĩa của nó dễ được hiểu lầm là chính phủ liên hiệp trá hình.

Kissinger giải thích rằng Hội đồng sẽ không có quyền hành của một chính phủ, mà chỉ có nhiệm vụ “cố vấn”, thi hành những gì đã được các phe phái đồng ý. Nó không phải là chính phủ liên hiệp. Kissinger khăng khăng: “Nó chỉ là một hội đồng bé tí ti. Nó không có quyền hành. Nó chỉ là một cơ quan tư vấn thôi”.

Còn quân đội BV sẽ ra sao một khi Hiệp định Paris đã được ký kết?

Kissinger đáp, sẽ không có sự thâm nhập thêm nữa của quân đội từ miền Bắc, và quân lực VNCH, với quân số 1 triệu 100 ngàn người, sẽ chẳng việc gì phải sợ sự hiện diện của 140 ngàn quân BV.

Được hỏi tại sao lại không có đoạn nào nói rõ về sự rút quân BV, thì Kissinger giải thích: Ờ, thì như quý ông biết, chúng tôi đã thảo luận điều đó với BV và họ không chấp nhận cho nên chúng tôi nghĩ là không nên để nó vào (bản văn), để khỏi làm hỏng bầu không khí”!

Điều đó làm ông Thiệu giận nhất trong phần trình bày của Kissinger, là ông này cứ khăng khăng cho rằng hiệp định là “một thắng lợi to lớn nhất có thể đạt được, và là một sự sụp đổ của lập trường Bắc Việt”. Đến đây, ông Thiệu đề nghị một buổi họp ở cấp tiểu nhóm với Ngoại trưởng Lắm sáng hôm sau để thảo luận vào chi tiết bản hiệp định. Kissinger đồng ý.

Dường như để đấm mõm, Kissinger và Bunker lại xin họp riêng với Thiệu, Cao Văn Viên, và Đại tướng Creighton Abrams, người đứng đầu cơ quan viện trợ quân sự Mỹ (MAV/V) để thảo luận việc gấp rút tăng cường tiếp liệu quân cụ cho Sài Gòn trước ngày ký kết hiệp định và sẽ được thay thế căn bản một – đổi – một, theo các điều kiện trong hiệp ước.

Ông Thiệu tìm cách đối phó với Kissinger sau buổi họp mặt ban đầu ngày 19 tháng 10 năm 1972. Ông yêu cầu Kissinger đến họp với các thành viên HĐANQG tại nhà riêng Ngoại trưởng Trần Văn   Lắm, tại đường Hồng Thập Tự vào sáng thứ Sáu, ngày 20 tháng 10 lúc 10 giờ. Đến lúc đó, thì phía Việt Nam đã có dịp nghiên cứu bản văn hiệp định bằng tiếng Việt do John Negroponte, phụ tá của Kissinger, trao cho hôm trước.

Đọc bản tiếng Việt (do CS soạn thảo), phía VNCH đã thấy rõ ràng những mối lo âu của mình là có căn cứ. Kissinger đã chấp nhận bản dự thảo bằng tiếng Việt với tất cả thuật ngữ của Cộng sản, và nó khác hẳn bản Anh ngữ. BV quả đã dùng chữ, “cơ cấu chính quyền” để mô tả Hội đồng Hòa hợp và Hòa giải Dân tộc và các lực lượng Mỹ được gọi bằng từ ngữ cố tình xúc phạm là “quân Mỹ”. Một đoạn khác trong bản tiếng Việt kêu gọi Mỹ và các chư hầu phải rút lui.

Trước khi phiên họp bắt đầu, quanh một bàn ăn dài bằng gỗ mun, Ngoại trưởng Lắm, người công giáo đọc lời cầu nguyện: “Xin Chúa ban ơn cho những người có mặt tại đây làm việc đắc lực đem lại hòa bình cho Việt Nam”. Phía VNCH phản đối, đòi minh xác tổng hợp hai mươi ba điểm, Kissinger nói chỉ có 8 điểm là đáng được minh xác thôi. Buổi họp kết thúc vào lúc trưa.

Tới Dinh, Nhã vào gặp Thiệu giữa lúc ăn trưa. Thiệu bảo Nhã ngồi xuống cùng ăn. Nhã nói: “Em không có thời gian ăn đâu. Việc này nghiêm trọng lắm”. Thiệu hỏi cái gì nghiêm trọng. Nhã liền đọc một danh sách dài những khác biệt giữa Việt Nam và Kissinger.

Sau này Nhã kể lại: “Càng đọc thêm mình càng thấy ổng hết muốn ăn luôn”. Nhã giục ông Thiệu đòi thêm thời gian nghiên cứu bản Hiệp định, và đề nghị: “Xin anh bỏ buổi họp năm giờ đi”. Thiệu đáp nhưng mình lỡ hứa rồi!”.

Cùng một lúc, ông Thiệu lại nhận ngay được những báo cáo khẩn từ các Bộ tư lệnh quân đoàn cho biết địch đang tập trung theo đúng những chỉ thị ghi trên những tài liệu tịch thu. Nếu như ông Thiệu cứ tiếp tục tiến hành ký  tắt vào bản Hiệp định, thì chắc sẽ có ngay một cuộc tấn công của địch trên toàn lãnh thổ trước khi có cuộc ký kết chính thức tại Paris.

Sự việc này hình như đã được dàn xếp tháng trước với Kissinger tại Paris rồi. Nhã nói: “Mình phải triệu tập tất cả các tỉnh trưởng về Sài Gòn sáng ngày mai, và em sẽ lấy đó làm cái cớ để hoãn cuộc họp với Kissinger”.

Thiệu quyết định không cho Kissinger biết về những tài liệu tịch thu, vì ông muốn để xem Kissinger sẽ nói gì về những điều kiện ông ta đã thỏa thuận với BV; ngoài ra Thiệu không muốn Kissinger có dịp để cãi rằng đó chỉ là chiến dịch phản tuyên truyền của Cộng sản. Thiệu nghĩ rằng đối chất Kissinger với những tài liệu tịch thu đó thì chỉ gây thêm căng thẳng mà thôi.

-------------------

Còn nữa

(Trích từ cuốn sách “Hồ sơ mật Dinh Độc Lập” – TS Nguyễn Tiến Hưng, nguyên cố vấn đặc biệt của Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu và Jerrold L. Schecter, nguyên chủ bút ngoại giao của tạp chí Time biên soạn).

MỚI - NÓNG