Posco từng mời nhiều cán bộ Khánh Hòa và T.Ư sang Hàn Quốc

Posco từng mời nhiều cán bộ Khánh Hòa và T.Ư sang Hàn Quốc
TP - Tiến sĩ Nguyễn Thiết Hùng cho biết, lần đầu tiên nghe nói đến cảng trung chuyển quốc tế (CTCQT) Vân Phong là vào năm 1996.

>> Dự án của POSCO sẽ làm 'hỏng' cảng Vân Phong?

Posco từng mời nhiều cán bộ Khánh Hòa và T.Ư sang Hàn Quốc ảnh 1
TS Nguyễn Thiết Hùng

Tiến sĩ Nguyễn Thiết Hùng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội khoá X, hiện là Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Khánh Hoà.

Ông Hùng nói: Tại Nha Trang có một hội thảo khoa học, không liên quan đến vịnh Vân Phong (VVP). Nhưng anh Doãn Mạnh Dũng là cán bộ của Cục Hàng hải đã lên nói rất say sưa về tiềm năng CTCQT Vân Phong. Từ đó, tôi bắt đầu quan tâm sâu đến vấn đề này.

VVP là tiềm năng lớn duy nhất của nước ta về CTCQT, mối lợi của CTCQT lớn lắm. Nếu ai phủ nhận vai trò của CTCQT ở VVP, tôi sẽ đấu tranh với người đó đến cùng.

Nhưng ông lại ủng hộ tập đoàn Posco đầu tư dự án ngay khu quy hoạch CTCQT?

CTCQT phải làm theo từng giai đoạn, tuỳ theo triển vọng phát triển. Để CTCQT đạt quy mô như dự tính, phải mất vài ba chục năm nữa. Trong thời gian đó, đất quy hoạch để trống, lãng phí. Mình cứ cho Posco vào, hết thời hạn 50 năm thì thu hồi đất nếu có nhu cầu cho CTCQT. 

Ông có lo lắng về nguy cơ ô nhiễm môi trường ở VVP do dự án của Posco gây ra?

Cuối tháng 12/2007, Posco mời tôi, anh Bùi Hồng Thái - nguyên Bí thư Tỉnh uỷ, chị Nguyễn Thị Hồng Vân - nguyên Bí thư Tỉnh uỷ, chị Nguyễn Thị Nở- nguyên Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh và anh Nguyễn Thế Sương – nguyên Chánh Văn phòng UBND thành phố Nha Trang sang Hàn Quốc.

Trước đó, đoàn cán bộ đương chức của tỉnh Khánh Hoà và của nhiều bộ ngành Trung ương cũng đã được Posco mời sang thăm. Tôi đã thấy tác hại lớn với môi trường của nhiều khu gang thép, nhà máy nhiệt điện, nên khi được mời tôi không muốn đi. Họ bỏ tiền mời mình đi thăm, mình chê họ thì không hay lắm, nhưng nếu thấy nhược điểm của họ mà không lên tiếng là không được.

Tuy nhiên sau chuyến đi, chúng tôi yên tâm. Họ sử dụng công nghệ mới là công nghệ Finex để sản xuất thép, có hệ thống xử lý chất thải rất hiện đại.

Posco từng đề nghị CTCQT lui vào phía Vĩnh Yên, nhường Đầm Môn cho họ. Tại sao họ không chọn Vĩnh Yên?

Posco từng mời nhiều cán bộ Khánh Hòa và T.Ư sang Hàn Quốc ảnh 2
Vịnh Vân Phong

Vì độ sâu ở Vĩnh Yên kém hơn. Nước sâu hơn thì đón được tàu lớn hơn, giá thành vận chuyển nguyên nhiên liệu và sản phẩm thép thấp hơn.

Để sản xuất cùng 1 lượng thép, công nghệ Finex cần lượng nước lớn gấp 1,6 lần công nghệ thông thường. Nhưng nguồn cung cấp nước cho VVP không nhiều?

Riêng một nhà máy thép của Posco cần 150.000 m3 nước mỗi ngày, gấp đôi nhu cầu của cả thành phố Nha Trang. Theo họ, các hồ quanh VVP đủ cung cấp nước cho giai đoạn đầu của họ. Tôi nghe vậy mới nói, nước đó để cung cấp cho dân cư, cho các dự án của chúng tôi, đâu phải cho các ông? Họ trả lời, đã tính phương án cấp nước rồi.

Có thể, sau này khi ta làm hầm đường bộ qua Đèo Cả thì làm luôn đường ống đưa nước sông Ba bên Phú Yên về Vân Phong.

Có thông tin rằng, dự án của Posco tại VVP sẽ tạo ra 100.000 việc làm. Điều này có trái nghịch với công nghệ hiện đại của họ?

Quá trình xây dựng các công trình của dự án cần nhiều lao động.

Công nghệ hiện đại cần nhân lực có trình độ cao, mình có đáp ứng đủ nhân lực cho dự án của Posco không?

À, cái đó để họ lo, cậu đừng có lo hộ cho họ. Họ không lo được thì họ chết, mình có chết đâu! Nhưng họ không chết đâu, họ có hệ thống đào tạo nhân lực quy mô, bài bản lắm.

Nguyễn Đình Quân
Thực hiện

MỚI - NÓNG