Chọn dự án thép - điện, Đầm Môn sẽ ra sao?

Chọn dự án thép - điện, Đầm Môn sẽ ra sao?
TP - Các nhà khoa học, lãnh đạo doanh nghiệp trao đổi với Tiền phong về tương lai phát triển của vịnh Vân Phong khi dự án Nhà máy thép liên hợp Vinashin-Posco được đầu tư vào khu vực Đầm Môn.

Đây là một trường hợp xung đột lợi ích giữa phát triển cảng trung chuyển quốc tế (CTCQT), du lịch, thủy sản… với dự án thép - nhiệt điện. CTCQT cần không gian thích hợp để phát triển.

Tổ hợp thép - nhiệt điện cần rất nhiều nguyên liệu, thải rất nhiều bã quặng, xỉ than xuống vịnh, về lâu dài chúng sẽ làm giảm độ sâu, ảnh hưởng xấu đến chất lượng nước biển và môi trường khu vực.

Tôi đề nghị tổ chức hội nghị khoa học, mời các nhà khoa học trong và ngoài nước phân tích toàn diện lợi - hại của việc đầu tư dự án thép - điện, tìm giải pháp dung hòa được các lợi ích. Đầu tư nước ngoài là rất quý, nhưng không có nghĩa là thu hút đầu tư bằng mọi giá, cái gì cũng tiếp nhận.

Do giá nhân công cao, do muốn tránh ô nhiễm, do muốn để dành tài nguyên… nên nhiều nước đang tìm cách chuyển các cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu biển, sản xuất thép, xi măng sang những nước đang phát triển như Việt Nam.

Cần xem xét một cách có chọn lọc các dự án đầu tư, vì lợi ích lâu dài của cả dân tộc chứ không phải vì lợi ích ngắn hạn.

Ông Phạm Văn Chi, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, Chủ tịch HĐQT Cty cổ phần Đầu tư và Phát triển Vân Phong

Theo phương án đã được UBND tỉnh Khánh Hòa đồng ý về cơ bản, dự án nhà máy thép của tập đoàn Posco sẽ lấy 330 ha của khu phi thuế quan, 205 ha của CTCQT tiềm năng, lấp khoảng 360 ha biển để nối liền đảo Hòn Ông với khu vực Sơn Đừng.

Như vậy, CTCQT sẽ bị mất mặt tiền, tàu container phải vòng qua khu cảng của Posco để vào CTCQT. Vinalines không có nhiều vốn, chỉ đủ sức đầu tư giai đoạn khởi động của CTCQT, các giai đoạn sau cần kêu gọi góp vốn đầu tư.

Nếu CTCQT bị giảm lợi thế vị trí do mất mặt tiền, việc kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn vào để tiếp tục mở rộng cảng sẽ rất khó khăn.

Dự án của Posco còn lấy toàn bộ đất của cảng du lịch, vị trí mới của đồn biên phòng 358 và một số khu du lịch sinh thái biển. Như vậy, việc phát triển du lịch tại VVP cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Ông Nguyễn Trí Thanh, Tổng Giám đốc Cty cổ phần Đầu tư và Du lịch T&M, Tập đoàn T&M Trans

Dự án Khu Du lịch sinh thái biển và giải trí cao cấp Hòn Ngang – Bãi Cát Thấm của chúng tôi có tổng vốn đầu tư khoảng 3.700 tỷ đồng, được Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong trao Giấy chứng nhận đầu tư ngày 14/1/2008. Chúng tôi dự định đưa vào khai thác giai đoạn 1 của dự án trong nửa đầu năm 2010.

Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi rất lo lắng. Bởi nhà máy thép Posco sẽ chỉ cách khu du lịch Hòn Ngang – Bãi Cát Thắm chưa đầy 1km. Thật khó mà tin rằng nhà máy thép không ảnh hưởng đến môi trường của chúng tôi.

Chỉ riêng những ống khói cao 150 – 160m của nhà máy thép cũng đủ gây tâm lý bất an cho du khách ở Hòn Ngang – Bãi Cát Thắm. Tôi không biết, làm cách nào để bảo đảm cấp đủ nước cho cả nhà máy thép, cả các dự án du lịch tại bán đảo Hòn Gốm.

MỚI - NÓNG