Văn hóa 'sờ'

Văn hóa 'sờ'
TPO - Một lần, tôi đưa người bạn từ Hà Nội đi thăm viện Bảo tàng Smithsonian tại Washington DC. Ở đây có rất nhiều tranh và tượng cổ quí giá. Những bức tranh nổi tiếng của Picasso hay Renoir được treo nhưng không có kính bảo vệ.
Văn hóa 'sờ' ảnh 1

Dịp đầu xuân Mậu Tý, cả người Việt và du khách nước ngoài đều chen nhau sờ đầu rùa trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) lấy may mắn. Ảnh : Hồng Vĩnh.

Có vài tượng thiếu nữ bán thân hở ngực tuyệt mỹ bằng đá cẩm thạch để giữa lối đi lại. Trông bắt mắt quá, anh bạn không kìm được tò mò muốn chạm tay vào. Tôi nhắc, ở đây người ta không cho động chạm vào tranh hay tượng nhưng anh vẫn không nghe và đùa "sờ cái cho biết".

Anh đang định đưa bàn tay xoa lưng bức tượng thì chợt nghe tiếng lạnh đanh phía sau của người bảo vệ da đen to lực lưỡng:"Xin lỗi, nếu ông sờ vào bức tượng, chúng tôi không có cách nào khác đành phải mời ông ra khỏi đây. Chúng tôi đã viết rõ trong hướng dẫn vào thăm bảo tàng là không sờ vào hiện vật".  Khi đó, anh bạn tôi đỏ bừng mặt và xin lỗi. Tuy vậy, anh vẫn lầm bầm bằng tiếng Việt "Sờ tý thì mất gì của "bọ". Bọn Tây này lắm chuyện".

Sang thăm bảo tàng không gian (Space Museum) có một miếng đá bé bằng đồng xu do những nhà du hành vũ trụ Mỹ mang từ mặt trăng về đặt trên một bệ kim loại rất trang trọng. Họ đề rõ "Bạn có thể sờ vào miếng đá mặt trăng này". Ai đi qua cũng cho ngón tay trỏ sờ vào miếng đá lành lạnh. Tuy là thiên thạch rắn hơn cả titan nhưng nó cũng đã mòn và bóng loáng vì hàng ngày có cả trăm ngàn người qua lại sờ mó.

Rất lạ, anh bạn tôi không thích miếng thiên thạch này. Có thể anh đã sợ "sờ". Có thể vì đây là miếng đá vô tri vô giác chứ không phải là tượng cô thiếu nữ. Hoặc anh có thói quen, chỗ cho sờ thì không thích, chỉ thích chỗ cấm.

Đi du xuân, lễ chùa, dân ta thi nhau xoa đầu tượng, sờ đầu rùa để cầu may. Tôi cứ tưởng tượng, nếu là các tượng gỗ thì đương nhiên mồ hôi tay và với cách  miết các ngón tay vào thì chẳng mấy chốc những chỗ sờ nhiều sẽ lõm vào, sơn tróc ra và pho tượng mất gin. Nếu là tượng đồng với vết tay xoa liên tục cũng làm phần đồng đó vàng ra như mới và lõm lại. Càng bóng, càng lõm, càng nhiều người tò mò và càng thích … sờ.

Các bạn thử xem mấy cụ rùa đá trong Văn Miếu. Hàng ngày có hàng ngàn khách du lịch qua lại và ai cũng thích sờ đầu các cụ. Rùa trong đây được tạc bằng đá vôi, xoa tay lâu cũng sẽ mòn. Bạn xem ảnh em học sinh xoa đầu cụ rùa sẽ thấy đầu cụ đã bóng loáng. Nếu em nghịch ngợm trèo lên đầu, không mấy nỗi mà gãy cả cổ rùa.

Từ già đến trẻ xem văn bia, ai cũng di tay vào để đoán từng chữ. Dân ta quen học quốc ngữ nên chỉ biết vài chữ Hán như "nhất, nhị, tam". Trên bia đá, chỗ cũ, chỗ mới do xác suất "chạm tay" khác nhau, nhiều nét chữ Nho cũng dần dần mòn chỉ vì…sờ.

Về sở thích "sờ mó" thì  dân Tây hay ta đều thế cả. Xem tranh hay tượng, máy bay hay tên lửa, người ta đều thích mó tay vào mới thỏa mãn. Với văn hóa "sờ" của dân du lịch,  các pho tượng kể cả bằng đá hay kim loại cũng chẳng mấy chốc mà mòn vẹt.

Vì thế, chúng ta nên qui định cấm mọi hình thức sờ mó vào hiện vật trong những nơi như chùa chiền, đền thờ, tượng, bia hay rùa đá. Hoặc có hàng dây trang trí nhưng lại có mục đích ngăn không cho du khách đến gần. Có thể làm ngay từ bây giờ khi còn chưa muộn, khi văn hóa 'sờ" chưa ăn sâu vào tiềm thức của người dân. Đợi đến lúc rùa đá mòn cả đầu, tượng tróc hết cả sơn, chữ Nho trên văn bia mờ hết mới cấm…sờ thì đã quá muộn.

Thật sự, nếu xoa đầu rùa mà giúp các em học sinh đỗ đạt hoặc ít nhất gây được ấn tượng tâm lý tốt cho các em thì Ban quản lý Văn Miếu nên dành hẳn một cụ rùa và một cái bia để cho khách tham quan tha hồ … sờ. Hoặc ta về làng Ninh Vân (Ninh Bình) đặt tạc một cụ rùa cùng bia đá, chắc giá vài chục triệu mang để ở Văn Miếu. Ai sờ trả 5000 đồng thì sau một năm là hoàn vốn, còn lại là lãi ròng.

Tình trạng hiện nay, cho du khách tha hồ sờ soạng vào tất cả các cụ rùa là không ổn tý nào. Chưa nói đến chuyện, xoa tay lên đầu rùa là không tôn trọng các bậc thánh nhân được ghi danh trên bia đá.

Tôi thấy chuyện này như đội mũ bảo hiểm xe máy. Cách đây vài chục năm, có thể bắt buộc người đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm từ khi nước nhà mới có vài cái xe máy. Nhưng từ cán bộ cao cấp đến dân thường không ai để ý chuyện mũ. Đến khi tai nạn quá nhiều thì nhà nước quyết định ra lệnh bắt đội mũ bảo hiểm.

Vào thời điểm ra quyết định thì cả nước đã có 22 triệu xe máy. Với bao nhiêu tiền của, cả một bộ máy công quyền và hệ thống tuyên truyền khổng lồ bỏ ra cả nửa năm để tuyên truyền cho hàng chục triệu dân lưu thông xe máy trên đường. Qui định, hướng dẫn từ khi mới có vài người chắc dễ hơn hẳn so với mấy chục triệu người.

Tôi muốn quay lại câu chuyện nên chữa cháy hay phòng cháy. Nên bắt đầu giáo dục văn hóa "không sờ vào hiện vật" khi thăm những danh lam thắng cảnh cho nhân dân, hướng cho họ ý thức bảo vệ đồ quí hiếm hay đợi cho cả 85 triệu dân có thói quen cái gì cũng mó tay vào một cách hồn nhiên, khi thấy "sờ" tai hại quá lại tìm cách cấm. Cách nào tốt hơn đây?

"Trăm năm bia đá thì mòn" nhưng cho sờ nhiều thì không cần đợi đến trăm năm. Miếng đá thiên thạch lấy từ mặt trăng vẫn mòn nếu hàng ngày có cả trăm ngàn người xoa tay vào.

Dân ta có câu "trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một sờ". Nhưng chúng ta cần có văn hóa "sờ" đúng lúc và đúng chỗ.

Hoa Lư
Từ Washington DC

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.