Cá rồng trở lại

Cá rồng trở lại
Khi phong trào chơi cá la hán bắt đầu chùng xuống từ cuối năm 2007 vì nguồn giống bị lai tạp quá nhiều, giới chơi cá cảnh bắt đầu quay lại với cá rồng, vốn đã bị lãng quên một thời gian khá lâu. 
Cá rồng trở lại ảnh 1
Con Huyết Long được hỏi mua với giá 4.000 USD

Nói trở lại, bởi cá rồng không xa lạ gì với người nuôi và người chơi cá cảnh từ Bắc chí Nam. Những năm 80 thế kỷ trước, cả nước từng rộ lên phong trào nuôi loại cá này với tên gọi Thanh Long, Ngân Long, Kim Long... nhưng lúc đó do chủng loại còn khá đơn điệu nên dần dần "rồng" bị soán ngôi vị số 1 bởi cá la hán.

Sự trở lại ngoạn mục lần này của cá rồng có phần hoành tráng hơn nhờ chủng loại đa dạng, nhiều màu sắc và kỹ thuật chăm sóc, quản lý cũng hiện đại hơn.

Nhiều cửa hàng chuyên bán cá la hán trước đây đã chuyển sang bán cá rồng. Anh Hoàng Mạnh Long, chủ một cửa hàng cá cảnh trên đường Nguyễn Đình Chiểu (TP.HCM) cho biết: "Khi còn ở ngôi vị số 1, có ngày cá la hán bán được cả ngàn con, bây giờ cả tháng mới bán được vài con nên giá cá la hán giảm mạnh, còn 1/4 hay 1/5 so với trước đây. Ngược lại, cá rồng hiện nay đang được bán rất chạy".

Cá rồng trên thị trường hiện nay có nhiều loại, rẻ nhất là Ngân Long khoảng 120.000 - 130.000 đồng/con, Thanh Long chừng 700.000 đồng/con, còn Kim Long Hồng Vỹ lên đến 3 - 4 triệu đồng/con.

Thậm chí một cửa hàng cá cảnh ở quận 3 còn rao bán cá Huyết Long từ 1.100 - 2.800 USD/con, Kim Long Quá Bối 4.800 - 5.000 USD/con. Với công nghệ lai tạo ngày càng phát triển, các trại cá đã có thể lai tạo ra những con Kim Long với toàn thân màu vàng ánh hoặc Huyết Long với toàn thân màu đỏ rực, rất đẹp khi bơi trong bể được thiết kế ánh sáng, tạo ra cảm giác như những khối vàng rực rỡ, khối đỏ lấp lánh trong hồ. Vì vậy đã có con Kim Long bán với giá 18.000 USD.

Hầu hết cá rồng xuất hiện trên thị trường đều là cá nhập khẩu, có hồ sơ, lý lịch rõ ràng. Nhưng khi bắt gặp một con cá vừa ý, dân chơi cá sẵn sàng bỏ ra cả ngàn USD để sở hữu mà không cần "giấy tờ tùy thân" của chúng.

Trước nhu cầu chơi cá rồng ngày càng tăng, ngoài chợ cá cảnh lâu đời trên đường Lưu Xuân Tín (Q.5), gần đây nhiều cửa hàng cá cảnh mới mọc lên ở những quận trung tâm như quận 1, 3 đến các quận ven, huyện ngoại thành để kinh doanh loại cá đang hút khách này. 

Theo nhiều nghệ nhân cá cảnh, cá rồng còn có tên gọi là Arowana, xuất phát từ hai tên gọi của chúng ở Indonesia là "Arwana" hay "Nirwana" có nghĩa là lý tưởng, hoàn hảo. Đây là loài cá thuộc họ cá xương nước ngọt với tên khoa học Osteoglossidae, đôi khi còn gọi là "cá lưỡi xương" (cốt thiệt ngư).

Cá có thân thon dài và dẹt bên, có một đôi râu mõm dài; vẩy to lấp lánh; vây ngực dài, có thể đạt từ 60 - 90 cm; và nặng đến 7,2 kg. Đây là loài cá hung dữ và có tuổi thọ cao nhất trong các loài cá được nuôi làm cảnh. Thực tế đã chứng minh tuổi thọ của loài cá này có thể lên đến 50 năm.

Nghề chơi công phu

Người Trung Hoa quan niệm cá rồng có dáng bơi luôn khoan thai, điềm đạm là biểu hiện cho phong thái quân tử và sự uy nghi của rồng. Chính vì vậy người Trung Hoa nói riêng và người châu Á nói chung nuôi cá rồng trong nhà với hy vọng tránh được những điều đen đủi, vận hạn và mang lại sự may mắn, thịnh vượng.

Cá rồng màu đỏ được cho là tránh điềm xui và mang lại may mắn trong công việc, còn cá rồng màu vàng, màu trắng thì được cho sẽ đem lại tài lộc và thăng tiến trong công việc kinh doanh.

Với các lý do trên, cá rồng thường được sử dụng trong phong thủy như một giải pháp mang tính thủ thuật để cải biến môi trường sống và làm việc với mục đích mang lại may mắn cho gia chủ.

Một người chơi cá cảnh lâu năm cho biết: "Tôi tin rằng cá rồng có thể nhận biết, giao tiếp với chủ nhân. Sau một thời gian nuôi, đa số người nuôi quen với hình dáng, tính cách của cá sẽ coi cá như là một thành viên trong gia đình và thông thường không ai muốn đổi lấy con cá khác".

Đối với dân chơi cá cảnh chuyên nghiệp, cá rồng được chia thành nhiều đẳng cấp và ký hiệu khác nhau. Ví dụ như QB 24K là để ám chỉ những con Kim Long Quá Bối khi trưởng thành khoảng độ 3 năm tuổi trở lên, bộ vẩy trên cơ thể sẽ là màu vàng như vàng 24K.

Màu vàng 24K này sẽ “ăn” từ viền bên ngoài khung vẩy lan dần vào bên trong và thay đổi màu sắc của màu nền (màu nền có thể là tím, hoặc xanh nước biển, xanh lá cây lúc nhỏ). Vì thế khi được khoảng 3 tuổi trở lên, hầu hết các con cá rồng Quá Bối cho dù có màu nền như thế nào đi nữa, đều có cái nhìn như thỏi vàng 24K.

QB fullgold để phân biệt những con Quá Bối có màu nền vàng từ lúc nhỏ. Những con Quá Bối loại này khi lớn lên cũng có màu vàng 24K trên bộ vẩy nhưng nhìn kỹ sẽ thấy vàng hơn và chói hơn những con QB 24K.

Giới cá cảnh truyền bá, khi mua Quá Bối, nhất thiết chọn cá có hạt trai. Hạt trai li ti chính là hàng vẩy thứ 6 trên lưng cá trong tương lai, có hạt trai, coi như 100% cá sẽ lên vẩy hàng thứ 6 khi trưởng thành và như thế mới thật sự hoàn mỹ.

Nuôi cá rồng cũng phải trang bị kiến thức khá vững về bệnh của cá và sẵn sàng trở thành bác sĩ phẫu thuật khi cần thiết. Cá rồng có thể bị mắc bệnh, phổ biến nhất là nhiễm nấm, giun, ký sinh trùng.

Thậm chí có trường hợp nổi cả mụn cóc trên cá. Khi đó các tay chơi phải trổ tài bác sĩ, dùng các dụng cụ y khoa để phẫu thuật cho chính chú cá cưng của mình.

Duy Anh, một người nuôi cá rồng tại TP.HCM cho biết có lần phải tự tay gây mê cho con Huyết Long đang nuôi, dùng nhíp để nhổ ra những con giun mỏ neo hút máu cá, gây các vết đốt sưng to và xuất huyết. Những kỹ năng này do những người nuôi tự học hỏi lẫn nhau, và phải thật sự yêu quý cá và bạo tay một chút mới thực hiện được.

Theo Quang Thuần
Thanh Niên

MỚI - NÓNG