KGB đã sử dụng mỹ nhân kế như thế nào? - Kỳ II

KGB đã sử dụng mỹ nhân kế như thế nào? - Kỳ II
TPO - Olga Chekhova sinh ra và lớn lên giữa những con người mà tên tuổi của họ được viết bằng những chữ vàng trong lịch sử nước Nga.
KGB đã sử dụng mỹ nhân kế như thế nào? - Kỳ II ảnh 1
Olga Chekhova và trùm quốc xã Hitler

Một lần, khi về già, trong lúc lật giở lại hồ sơ lưu trữ của mình, bà tìm thấy một bức thư của người yêu cũ, một phi công Đức đã bỏ mạng trong đại chiến thế giới thứ II.

Những kỷ niệm cũ nổi sóng lên trong lòng. Bà viết trong nhật ký của mình: “Cứ mỗi lần đọc bức thư này, tuổi thơ của tôi lại như được sống dậy, như đang diễn ra trước mắt. Tôi cùng đại văn hào Nga Lev Tolstoi đi dạo trong khu vườn rộng mênh mông ở Poliana. Nhà văn nói với tôi: “Cháu phải căm thù chiến tranh và tất cả những kẻ gây nên chiến tranh”.

Rất có thể, câu nói này đã tác động mạnh đến cô bé Olia bé nhỏ, xinh đẹp và làm thay đổi cuộc sống sau này của cô.

Ngày hôm nay, câu hỏi liệu Olga Chekhova có phải là điệp viên của KGB hay không vẫn còn là vấn đề tranh cãi của nhiều nhà sử học.

Tiểu sử của con người bí ẩn này chắc sẽ hé lộ phần nào bức màn che suốt gần một thế kỷ qua.

Văn hào Anton Chekhov cưới người cô của Olga, một nữ diễn viên nổi tiếng - Leonardovna Knhiper. Cháu gái rất hâm mộ tài năng và sắc đẹp của cô mình.

Mùa Đông năm 1914, Olga đến chơi với cô ở Matxcơva và làm quen với cháu của nhà văn tên là Mikhain Chekhov. Và… họ bí mật đính hôn với nhau.

Việc này làm vợ Chekhov rất bực mình nhưng vì chuyện đã rồi nên phải nuốt giận làm lành. Ngay năm sau, Olga sinh hạ một cô con gái đặt tên là Ađa. 

Nhưng như họ hàng đã tiên đoán, hôn nhân của các cặp vợ chồng còn quá trẻ không lâu bền. Cả hai đều mơ ước đến đỉnh cao vinh quang của sự nghiệp tại nhà hát MXAT ở Matxcơva.

Song, người chồng càng được đánh giá cao bao nhiêu thì người vợ lại nhận được nhưng lời khen chiếu lệ, miễn cưỡng. Thời gian chính của cô là nuôi dạy con gái, chăm lo công việc nhà và  đối phó với một anh chồng tài năng song tính tình cũng rất thất thường.

Thế rồi chiến tranh và cách mạng ập tới.

Năm 1921, hai người chia tay nhau. Olga để lại phía sau tên tuổi của một dòng họ nổi tiếng và lên đường sang Đức để làm phim. Nhưng vào thời điểm đó có ai rời khỏi nước Nga mà chỉ vì mục đích công việc? Công việc nào có thể dành một diễn viên không biết nói tiếng Đức?

Trên thực tế, cô chỉ mong có một cuộc sống no đủ hơn, với “vốn tự có” là sự trẻ trung, xinh đẹp, thông minh và duyên dáng vì thời đó mới chỉ có phim câm.

Trong một buổi dạ hội tại Berlin, Olga đã làm quen được với một ông bầu phim cỡ bự  Erik Pomerom. Ông này đã đề nghị cô đóng phim “Lâu đài Fogelet”.

Olga quyết định ở lại hẳn nước Đức. Cô đã ký một hợp đồng làm việc với nhà hát  “Phục hưng”, đã có những thành công vang dội, thậm chí giúp người chồng cũ là Mikhain Chekhov cùng cô vợ mới của chồng sang Đức làm việc.

Chính Olga đã đề nghị chồng cũ thủ vai chính trong bộ phim nổi tiếng “Kẻ nô lệ của tình yêu” và giới thiệu anh ta với một trong những đạo diễn nổi tiếng nhất thời bấy giờ là Mak Reikhardom.

Trước khi thế chiến thứ II bùng nổ, Olga Chekhova đã trở thành một ngôi sao màn bạc Đức và là chủ của một hãng phim riêng. Song, do tính tiêu pha phóng túng nên suýt nữa cô bị ngồi tù vì lạm dụng quĩ của công ty.

Một người tình giàu có, chủ nhà băng tại Laixich đã cứu cô thoát khỏi vòng lao lý. Ngoài ra, cô còn có hàng trăm người ái mộ khác mà trong đó có những nhân vật chóp bu của chính quyền Đức quốc Xã.

Năm 1933, Hitler lên nắm quyền. Olga Chekhova được mời chính thức đến dự buổi tiệc ra  mắt của nhà nước mới. Tại đây, cô đã làm quen với các nhân vật  thủ lĩnh của Đảng Quốc xã.

Sau này, trong một số cuốn sách, Olga Chekhova có vẻ coi thường khi nhắc tới những quan chức Quốc xã cấp cao đã che chở cô lúc đó, song sự thật vẫn là sự thật.

Cô đã không bỏ qua một cuộc chiêu đãi trọng thể nào, thậm chí cô đã mời Hitler trưng bày tranh của mình tại triển lãm riêng và còn dám “phê bình” tranh của Quốc trưởng.

Từ đây xuất hiện giả thuyết nữ diễn viên làm việc cho tình báo Liên Xô. Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử tình báo khẳng định rằng Olga Chekhova là một điệp viên siêu hạng, cung cấp những thông tin mang tính quyết định đến đường lối quốc gia.

Tháng Mười năm 1992, tờ báo Anh Daily Mail và tờ báo Mỹ Boston Globe đăng những thông tin rằng vào những năm 20 tại Berlin có một nhóm tình báo Liên Xô hoạt động, trong đó có Olga Chekhova.

Theo những nghiên cứu của phía Liên Xô, thì nữ diễn viên đã được tuyển vào làm cho KGB trước khi sang Đức. Năm 1922, danh sách những người đi ra nước ngoài làm việc được cơ quan An ninh nghiên cứu kỹ càng.

Trưởng phòng phản gián quốc tế Karlovich Berzin nhìn thấy tên họ của nữ diễn viên bèn mời đến nói chuyện. Những cuộc gặp gỡ của họ trở nên thường xuyên hơn...

Rồi một lần, ông đặt hẳn vấn đề hợp tác với KGB và còn hứa công việc này chẳng mảy may cản trở con đường sự nghiệp của cô. Và thế là, tại một ngôi nhà nghỉ ngoại ô Matxcơva, Olga đã được huấn luyện nghiệp vụ thêm nửa năm nữa.

Trước khi lên đường sang Đức, cô được cấp một số lượng lớn ngoại tệ và thông báo danh tính của một số điệp viên Nga đang làm trong Tổng hành dinh Đức.

Chẳng bao lâu sau khi đến Đức, Karlovich Bezlin quyết định để Olga thâm nhập thẳng vào gia đình Hitler thông qua người tình của y là Eva Braun. Eva kém Olga mười hai tuổi và cũng rất mê điện ảnh.

Biết được điểm yếu này, Olga thường rủ người tình của Hitler đến xưởng phim của mình. Để đáp trả lại, Eva lại mời Olga đến nhà riêng chơi. Hai người phụ nữ cùng đi tham quan bảo tàng, triển lãm nghệ thuật và tán gẫu về những người đàn ông mà họ quen biết.

Olga trở thành thân quen đến mức Hitler cho phép riêng cô được đi dạo với con chó yêu quí nhất của Quốc trưởng. Bí mật đời tư của Quốc trưởng cùng những “quái dị trong tình dục” của Hitler đối với cô không còn là điều bí ẩn.

Eva tin tưởng Olga đến mức cho xem nhật ký của mình trong đó có những dòng viết, cái chết đối với cô ta là một sự giải thoát. Trong những lúc phấn khích, Eva còn cho Olga biết khoảng hơn chục cô gái sau một đêm chung chạ với Quốc trưởng đã bị đưa thẳng sang thế giới bên kia...

Trong cuốn sách “Cha tôi - Beria Lavrenti”, Xergo Beria con trai của trùm đặc vụ  Liên Xô dưới thời Stalin viết: “Olga Chekhova nhiều năm đã hợp tác với cha tôi. Vào khoảng năm 1942 đã có kế hoạch ám sát Hitler với sự giúp đỡ của Olga. Song, sang đến năm 1943 Stalin lại ra lệnh thôi vì một khi Hitler chết, nhóm lãnh đạo Quốc xã sẽ lập tức ký hiệp ước hoà bình với Đồng minh không có sự tham gia của Liên Xô”.

Năm 1945, Olga Chekhova trở về Matxcơva. Tất nhiên, một người có quan hệ thân thiết với giới lãnh đạo Đức Phát xít trở về thăm tổ quốc lại không hề gặp bất kỳ trở ngại nào cũng là một chuyện lạ.

Song người ta tìm thấy một giấy tờ, văn bản chính thức nào nói về sự cộng tác của Olga với KGB. Và trong hồi ký của mình, bà cũng lảng tránh không đề cập tới. Điều này chỉ càng làm hâm nóng tính tò mò của các nhà nghiên cứu..

Năm 1955, bà mở tại Đức một salon lớn nổi tiếng khắp châu Âu về mỹ phẩm và sống nhờ lợi nhuận của công ty này cho đến lúc qua đời ở tuổi 83. Hàng năm, vào ngày 15 tháng Bảy, bà thường đến thăm thị trấn Bedenveyler (Đức) nơi văn hào Nga Anton Chekhov đã qua đời.

Kỳ I - Tình yêu dưới đám mây hình nấm

Kỳ III - Vị đại sứ Pháp đa tình

Hoàng Phillip
Từ SNG

(Theo tạp chí Văn học nước ngoài số 12/1989, 1999, Những điệp viên của thế kỷ XX - Nhà xuất bản Cộng hoà 1994, Trò chơi nguy hiểm - Tạp chí Chính trị 1990 và các tài liệu khác)

MỚI - NÓNG
Mưa dông gián đoạn kéo dài tại Hà Nội
Mưa dông gián đoạn kéo dài tại Hà Nội
TPO - Thông tin dự báo từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, những ngày trong tuần tới đây (7 -9/5) khu vực miền Bắc, thủ đô Hà Nội tiếp tục duy trì mát mẻ do chịu ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh yếu, gây mưa dông gián đoạn.