Thử “bắt bài” ứng xử của SCIC

Thử “bắt bài” ứng xử của SCIC
SCIC đang đứng trước nhiều tình huống và cả thử thách đến từ vai trò của một nhà đầu tư… không đặt lợi nhuận lên trên hết.
Thử “bắt bài” ứng xử của SCIC ảnh 1
Bà Vũ Thị Kim Liên, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán: "Việc mua vào của SCIC cũng chỉ là đánh tín hiệu ổn định thị trường, còn nhà đầu tư mới là người quyết định". Ảnh : Vneconomy.

Ngay khi có thông tin Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) được chỉ định vào cuộc hỗ trợ thị trường chứng khoán, nhà đầu tư đã đặt ra loạt câu hỏi trực tiếp liên quan đến lợi ích của mình: SCIC sẽ mua cổ phiếu nào? Tung bao biêu vốn? Có lâu dài không? Có thực tế không hay chỉ là “đánh tiếng”?...

Nhưng có những câu hỏi trực tiếp tới quyền lợi, trách nhiệm và cả hình ảnh của SCIC lại ít được nhắc tới.

Khi chưa có tiền lệ…

Trước hết, SCIC bắt tay vào việc ngay khi Chính phủ cho phép (nhanh đến mức chiều 7/3 Câu lạc bộ Các doanh nghiệp niêm yết vẫn chưa kịp cập nhật thông tin và còn kiến nghị “siêu” tổng công ty này “sớm hành động”) đã tạo một chốt chặn tâm lý kịp thời, một giá trị cần thiết nhất đối với nhà đầu tư thời điểm này.

Thông thường, trước khi nhập cuộc, bất cứ nhà đầu tư nào cũng phải lên một kế hoạch chi tiết, mất nhiều thời gian cân nhắc, thăm dò. Nhưng với SCIC, một nhà đầu tư “mới toanh” theo nhìn nhận của một số ý kiến lại vào cuộc ngay lập tức. Từ đây, có bình luận cho rằng đó là không vì lợi nhuận, mà mang nặng tính nhiệm vụ cấp bách.

Nhưng nhìn lại, phải công bằng hơn bởi SCIC vốn có chức năng đầu tư chứng khoán trong danh mục hoạt động, đã bám sát thị trường trong suốt thời gian qua, sẵn có “dàn” chuyên gia và chuyên viên cùng sự hỗ trợ của Ủy ban Chứng khoán (riêng trong trường hợp đặc biệt này). Mặt khác, khi giá chứng khoán về quá rẻ, xu hướng đi lên được hỗ trợ, mua ngay lập tức là một lợi thế.

Sự tham gia của SCIC được gọi là “cứu” chứng khoán, giống như vai trò của một ngân hàng chính sách xã hội trước những dự án ích nước lợi dân nhưng khó gọi vốn đầu tư. Quan điểm này dễ nảy sinh khi thị trường chứng khoán Việt Nam chưa có tiền lệ tương tự.

Nhưng ở một quan điểm khác, được nhiều nhà đầu tư đồng tình và ủng hộ, là của Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khi cho rằng “chúng ta không xem động thái này là Chính phủ cứu thị trường chứng khoán, mà đây là Chính phủ sử dụng công cụ phù hợp với kinh tế thị trường để điều tiết thị trường chứng khoán theo hướng lành mạnh hóa nó”.

Xa hơn, SCIC là nhà đầu tư thực thụ và sẽ thực sự chuyên nghiệp trong tương lai theo mô hình Temasek (Singapore) mà tổng công ty này hướng tới. Xét theo hướng này, nhiệm vụ mua vào của SCIC lại đặt ra những tình huống khó xử.

Sẽ lẫn lộn giữa các hành vi?

Chứng khoán suy giảm nghiêm trọng, SCIC phải vào cuộc với vai trò của một công cụ để Chính phủ điều tiết thị trường. Tiền lệ đã được tạo ra. Liệu trong tương lai, khi chứng khoán giảm sâu SCIC lại vào? Trường hợp đầu tư thua lỗ thì sao, vì không ai chắc chắn mọi khoản đầu tư đều có lãi?

Có hai khả năng: khoản thua lỗ đó được xem như chi phí của ngân sách Chính phủ như đã từng bù lỗ cho giá xăng, dầu trước đây; thứ hai đó là kết quả đầu tư mà SCIC phải gánh chịu.

Cả hai khả năng trên đều liên quan trực tiếp tới lợi ích, trách nhiệm và cả hình ảnh của tổng công ty này.

Nếu là chi phí ngân sách Chính phủ “chịu” thì có tách biệt rạch ròi với hoạt động đầu tư thực sự của SCIC hay không? Bởi phía sau câu hỏi này là có thể có những khoản lỗ “ngoài vùng phủ sóng” và rất nhạy cảm.

Trường hợp SCIC phải gánh chịu, đó là thiệt thòi cả trong kết quả kinh doanh lẫn hình ảnh thương hiệu. Điều này thực sự quan trọng khi SCIC sẽ là một Temasek của Việt Nam đi ra thị trường vốn thế giới trong tương lai.

Những vướng mắc trên có từ sự lẫn lộn hành vi của một nhà đầu tư; vừa là một công cụ điều tiết thị trường, vừa là một nhà đầu tư thực thụ đúng nghĩa “đầu tư và kinh doanh vốn”. Để giải quyết, Chính phủ cần lập ngay một quỹ bình ổn thị trường, quỹ này hoạt động độc lập, không vì mục tiêu kinh doanh và giao cho SCIC quản lý.

Cũng từ sự lẫn lộn trên, ứng xử của SCIC với thị trường ở kế hoạch mua vào hiện nay dẫn đến những suy tính khác nhau trong nhận định của nhà đầu tư, phần lớn nghiêng về hành vi “vì nhiệm vụ”.

Đó là suy luận về vai trò “canh đáy” của SCIC trong những phiên sắp tới. Trường hợp thị trường phục hồi mạnh mẽ, nhà đầu tư này có thể thảnh thơi ngoài cuộc hoặc nhấn nhá mua vào; trường hợp xấu sẽ thực sự vào cuộc để hỗ trợ.

Nếu ở vai trò đó, SCIC sẽ phải đối diện với nhiều thử thách, đặc biệt là trong những phiên thứ Ba và thứ Tư sắp tới, khi áp lực “lướt sóng” theo kỳ thanh toán dự báo mạnh. Bên cạnh đó, dấu hiệu bán ra mạnh của khối đầu tư nước ngoài phiên cuối tuần vừa qua, kế hoạch hồi vốn của các ngân hàng… cũng cần tính đến.

Ở một suy luận khác, SCIC có thể không đủ lực để đỡ thị trường trong tình huống xấu, nhưng khả năng thúc đẩy tâm lý nhà đầu tư là rất lớn và nhiều ý nghĩa, đặc biệt là thể hiện quyết tâm của Chính phủ và tạo ra một tiền lệ. Bên cạnh đó, như quan điểm của SCIC vừa công bố, để hỗ trợ thị trường còn có sự phối hợp đồng bộ của các thành viên khác, của các cơ quan chức năng và cả chính những nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Ở đây, xin dẫn lại ý kiến của bà Vũ Thị Kim Liên, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán, tại cuộc họp báo vừa qua, rằng: “Thị trường chứng khoán cơ bản là giữa doanh nghiệp và nhà đầu tư… Việc mua vào của SCIC cũng chỉ là đánh tín hiệu ổn định thị trường, còn nhà đầu tư mới là người quyết định. Nếu nhà đầu tư không tự chủ mà cứ bán ra ào ào thì không ngân sách nào có thể cứu được”. 

Theo Minh Đức 
Thời báo Kinh tế VN

MỚI - NÓNG