Posco xin đầu tư vào Vân Phong: Để “thép ép cảng”?

Posco xin đầu tư vào Vân Phong: Để “thép ép cảng”?
TP- Tháng 1, báo Tiền phong đưa tin Văn phòng Chính phủ có công văn gửi Tổng Cty Hàng hải Việt Nam và UBND tỉnh Khánh Hòa, thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu chưa khởi công công trình Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong.

Bản tin này cũng nêu việc, tập đoàn Posco (Hàn Quốc) đề nghị được đầu tư xây dựng tại Khu Kinh tế Vân Phong, nhà máy sản xuất thép liên hợp và nhà máy điện với vốn đầu tư giai đoạn 1 khoảng 5,8 tỷ USD.

Ngay sau đó, đã có nhiều dư luận trái chiều xung quanh vấn đề nêu trên (thể hiện trên Diễn đàn “Tầm nhìn nào cho Vân Phong”, khởi đăng từ ngày 25/1, của báo Tiền phong).

Đến nay, nhiều Bộ, ngành và UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã có ý kiến về đề xuất đầu tư dự án (DA) Nhà máy thép liên hợp tại khu vực Sơn Đừng - Đầm Môn, trong Khu Kinh tế Vân Phong (KKTVP), của Tập đoàn Posco và Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin).

Cảng trung chuyển quốc tế (CTCQT) giữ vai trò chủ đạo trong sự phát triển của KKTVP, là khâu đột phá trong chương trình hành động về Chiến lược biển đến năm 2020 theo Nghị quyết Trung ương số 09-NQ/TW ngày 9/2/2007.

Tuy cho rằng có thể kết hợp cả CTCQT và NM thép tại Đầm Môn, nhưng Bộ KH&ĐT và UBND tỉnh Khánh Hoà nhìn nhận, dự án NM thép có ảnh hưởng lớn đến CTCQT, phá vỡ Quy hoạch chung của KKTVP. Bộ XD cảnh báo, dự án NM thép sẽ làm thay đổi chức năng sử dụng đất, làm mất cân đối về nhu cầu sử dụng cơ sở hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật tại khu vực này. Theo Bộ TN - MT, cần đánh giá thêm về tác động của DA với du lịch và nuôi trồng thủy sản.

Mỗi năm có hàng chục triệu tấn xỉ thải, nhưng phương án tái sử dụng xỉ chưa rõ tính khả thi. Bộ Công Thương lưu ý, đề xuất của tập đoàn Posco-Vinashin cũng không phù hợp với Quy hoạch ngành Thép và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, theo đó đến năm 2025 không có các DA sản xuất thép và nhiệt điện than tại Khánh Hòa.

Bộ đề nghị Thủ tướng Chính phủ lập Hội đồng thẩm định gồm các chuyên gia đầu ngành về kỹ thuật, kinh tế, môi trường, chịu trách nhiệm thẩm định toàn diện các vấn đề của dự án NM thép Posco-Vinashin để báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định.

Được biết, nhà đầu tư quyết chọn địa điểm Sơn Đừng vì muốn NM thép chiếm lợi thế thương mại vượt trội do điều kiện rất thuận lợi về cảng nước sâu. Với nhận định này, Bộ VH - TT&DL đề nghị cân nhắc lợi ích của phía Việt Nam và đối tác trong tương quan với quy hoạch phát triển ngành thép.

Nếu DA có thể thực hiện tại nơi khác, không nên điều chỉnh quy hoạch KKTVP. Bộ GTVT và Cục Hàng hải Việt Nam đều không đồng ý việc xây NM thép ở Sơn Đừng. Cục Hàng hải Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ Posco-Vinashin tìm một vị trí khác (chẳng hạn vũng Sơn Dương - cảng biển Vũng Áng, Hà Tĩnh) phù hợp với nhu cầu diện tích của DA, đáp ứng quy hoạch phát triển ngành thép…   

Văn phòng Trung ương Đảng khảo sát thực địa

Trong một diễn biến tiếp theo, ngày 4/2, Hội Khoa học Kỹ thuật Biển (KHKTB) TP Hồ Chí Minh đã có thư đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét lại chủ trương xây dựng NM thép tại Sơn Đừng.

Chiều 25/2, đại diện Văn phòng T.Ư Đảng đã trực tiếp nghe ý kiến Chuẩn Đô đốc, PGS.TS Lê Kế Lâm - Chủ tịch Hội KHKTB TP. Hồ Chí Minh,  nguyên GĐ Học viện Hải quân và một số thành viên khác của Hội này… về DA thép Posco-Vinashin.

Tiếp đó, trong chuyến kiểm tra tình hình triển khai Nghị quyết của T.Ư Đảng (khóa X) về Chiến lược biển đến năm 2020, ngày 6/3 đồng chí Ngô Văn Dụ - Ủy viên T.Ư Đảng, Chánh Văn phòng T.Ư Đảng đã đi khảo sát vịnh Vân Phong.

MỚI - NÓNG