Hai cô gái trẻ dám nói thật

Hai cô gái trẻ dám nói thật
TP - Năm 2005, xã Tân Hòa bầu cô Ngó vào Đảng ủy làm Phó chủ tịch HĐND và nhận cô Ngọc làm cán bộ địa chính xã. Nhưng hiện nay cả hai cô đã bị đuổi vì “tội” dám đấu tranh với tiêu cực.
Hai cô gái trẻ dám nói thật ảnh 1
Trần Thị Ngó

Theo Quốc lộ 61 về tỉnh vùng sâu Hậu Giang, tới thị trấn Rạch Gòi rẽ phải 5 km sẽ đến thị trấn huyện lỵ vùng sâu Châu Thành A, đi tiếp 7 km đến xã vùng sâu Tân Hòa.

Năm 2005, xã Tân Hòa bầu cô Trần Thị Ngó 23 tuổi vào Đảng ủy làm Phó chủ tịch HĐND, đồng thời nhận cô Lê Nguyễn Kim Ngọc 20 tuổi làm cán bộ địa chính xã.

Đây là những nữ cán bộ trẻ tuổi ở cơ sở của huyện Châu Thành A. Nhưng chỉ hai năm sau, cả hai cô đã bị đuổi vì “tội” trung thực, dám đấu tranh với tiêu cực.

Trần Thị Ngó, người trung thực giám sát ngân sách xã

Thoạt nhìn đã thấy cô rắn rỏi, linh lợi, khuôn mặt xinh đẹp rõ nét cá tính và vẻ tự lập, có lẽ do cuộc sống nghèo khổ từ nhỏ. Mới 6 tuổi, cha bỏ theo một người đàn bà khác, cô và em gái sống cùng mẹ trong thiếu thốn đủ bề.

Khi tôi hỏi thăm nhà của Trần Thị Ngó, một người dân ở ấp 4A, xã Tân Hòa bảo “cứ đi bao giờ thấy cái nhà lá nhỏ xíu”. Căn nhà quả là nhỏ, mỗi bề chỉ 3 - 4 m, mái lá, vách lá lại phải chằng đụp thêm bao bì, nền đất và sân đất nham nhở.

Trong nhà có một cái giường, một bộ bàn ghế, tất cả đều cũ kỹ, dẹo dọ. Tôi chợt nhớ sự việc đầu năm 2005, xã quyết định cấp cho mẹ con cô một căn nhà tình thương nhưng cô từ chối. Cán bộ xã vẫn cho chở vật liệu về chất ở vườn nhà cô để quyết làm căn nhà, nhưng cô cương quyết bắt chở đi.

Cô tâm sự: “Trong xã còn có nhiều gia đình nghèo hơn, em đề nghị cất nhà tình thương cho họ trước đã. Gia đình em dù sao nhà cũng còn che được nắng mưa, còn có 5 công đất sản xuất. Nhiều gia đình khác nhà chưa có ở và không có đất sản xuất”.

Khi nói, đôi mắt trong sáng của cô mở to, nhìn thẳng. Thỉnh thoảng cô bật cười hồn nhiên. Giọng cô thanh thoát, lời lẽ rõ ràng, ý tứ khúc chiết. Mới gặp, tôi nghĩ chắc cô có qua các phong trào đoàn thể, quen nói trước đám đông, nhưng hóa ra cô chưa bao giờ làm công tác phong trào.

Năm 2000 tốt nghiệp lớp 12, cô học đánh máy chữ rồi xin vào làm nhân viên văn phòng UBND xã Tân Hòa. Cô tiếp tục học tại chức Sơ cấp Pháp lý, Trung cấp Quản lý hành chính.

Ngày 21/11/2002, ở tuổi 20 cô được kết nạp Đảng. Năm 2004, cô được bầu làm đại biểu HĐND xã và tháng 7/2005, cô trở thành Đảng ủy viên, Phó chủ tịch HĐND xã Tân Hòa.

Ngồi ghế Phó chủ tịch HĐND xã vừa tròn tháng, Trần Thị Ngó được cử làm Phó đoàn Kiểm tra công tác tài chính xã mà Trưởng đoàn là Chủ tịch UBND và một Phó đoàn khác là Phó bí thư thường trực Đảng ủy xã.

Lập tức hàng loạt sai phạm trong quản lý tài chính bày ra trước mắt cô. Từ kê khống bảng lương cán bộ nhân viên để lấy ngân sách đến thu các loại quỹ của dân, phí đò, phí chợ để ngoài sổ sách cho lãnh đạo xã tùy tiện tiêu xài.

Có nhiều việc rất trớ trêu như nhân viên kế toán ngân sách xã tự ý nâng lương cho chồng từ 290.000 đồng/tháng lên 464.000 đồng/tháng và được giải thích “do cân đối ngân sách xã có dư”.

Cùng thời gian, một số cán bộ ấp và Phó bí thư Đoàn xã bị bớt lương hàng tháng để cán bộ xã chi xài thì được giải thích “do ngân sách xã gặp khó khăn”. Chi xài chủ yếu là tiếp khách và liên quan tới hầu hết cán bộ lãnh đạo xã. Nên kiểm tra xong, vụ việc bị ém nhẹm.

Với vai trò giám sát, Ngó yêu cầu làm sáng tỏ để báo cáo với HĐND. Một số cán bộ xã bắt đầu “làm khó dễ” với Ngó. Cô tâm sự: “Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy xã cấm em không được giám sát bộ phận tài chính nữa, một số người khác thì dọa chuyển em về ấp”. Ngó phải làm đơn xin cứu xét gửi lên huyện. Lá đơn đầu tiên cô viết ngày 18/1/2006.

UBND huyện Châu Thành A cử về xã Tân Hòa một “Tổ kiểm tra” do Chánh thanh tra huyện Lưu Ngọc Đông làm tổ trưởng. Báo cáo của Tổ này “không đâu vào đâu” trong lúc Ngó phát hiện ông Đông nhiều lần ăn nhậu với cán bộ xã liên quan tiêu cực nên cô tiếp tục làm đơn gửi lên huyện.

UBND huyện phải cử về xã Tân Hòa một “Đoàn thanh tra” và ngày 10/6/2006, Đoàn thanh tra có kết luận là xã Tân Hòa có nhiều sai phạm trong quản lý tài chính, phải thu hồi nộp vào ngân sách Nhà nước 94.110.165 đồng.

Ngó chưa tán thành kết luận ấy bởi còn né tránh nhiều vấn đề. Nếu như lá đơn đầu tiên gửi lên huyện, Ngó nêu 18 nội dung sai trái trong quản lý tài chính ở xã Tân Hòa thì đến lúc này, nhờ cán bộ và nhân dân cung cấp thêm, Ngó có chứng cứ về 39 nội dung sai phạm.

Cô viết đơn gửi lên tỉnh. Chánh thanh tra tỉnh Hậu Giang ra quyết định thanh tra tài chính xã Tân Hòa và ngày 1/3/2007 có kết luận: UBND xã Tân Hòa phải thu hồi nộp vào Kho bạc Nhà nước 222.254.837 đồng.

Hai cô gái trẻ dám nói thật ảnh 2

Mẹ của Ngó và căn nhà của gia đình cô - Ảnh: Gia Thọ

Trần Thị Ngó vẫn chưa “tâm phục khẩu phục” bởi mới làm sáng tỏ 14 nội dung trong 39 nội dung cô nêu ra. Có những việc không thể chấp nhận nhưng chưa được làm sáng tỏ như năm 2003, vận động nhân dân đóng góp để giúp 13 hộ nghèo ở ấp 3A và 4A, được hơn 13 triệu đồng nhưng tiền không đến tay người nghèo mà bị lãnh đạo xã tiêu xài mất.

“Cần làm rõ ai phải chịu trách nhiệm chứ?”, cô đặt câu hỏi rồi buồn bã nói thêm: “Khi em khiếu nại lên tỉnh thì ông Chánh thanh tra huyện Lưu Ngọc Đông mà em từng phản đối đã được điều lên làm Phó chánh thanh tra tỉnh”.

Tôi hỏi về suy nghĩ của cô trong quá trình đấu tranh với tiêu cực rõ là không cân sức. Cô tâm sự: “Những việc em làm đều vì lợi ích chung và dân bầu em vào HĐND cũng để làm những việc đó nên em không dừng được khi việc thanh tra cứ nửa vời”.

Trong hơn hai năm đầy gian nan, có hai cuộc họp cô không thể quên. Thứ nhất là cuộc họp giao ban Thường trực HĐND huyện Châu Thành A chiều 28/4/2006, Ngó đại diện cho HĐND xã Tân Hòa tham dự. Nửa chừng họp, những người chủ trì đã tập trung phê bình Ngó, cho rằng cô “tối ngày thưa kiện làm mất uy tín của tập thể”.

Ngó quá bất ngờ bởi nội dung cuộc họp không phải để phê bình cá nhân và cô đang trông chờ sự công minh của lãnh đạo huyện. Trước con mắt của đông đảo cán bộ huyện và các xã, Ngó đã ngất xỉu phải đưa vào bệnh viện cấp cứu đến 19 giờ 35 phút cùng ngày mới tỉnh lại.

Lần thứ hai là cuộc họp đột xuất của Đảng ủy xã Tân Hòa vào sáng ngày 3/10/2007 để kiểm điểm Ngó. Đảng ủy xã chỉ có 11 người mà đến 35 cán bộ tỉnh, huyện về dự. Những lời phê phán nặng nề không còn làm cô ngạc nhiên nhưng cô sửng sốt khi nhiều người bỏ phiếu đề nghị khai trừ cô ra khỏi Đảng.

Ngày 19/10/ 2007, Huyện ủy Châu Thành A có Quyết định số 1512 do Phó bí thư Ngô Văn Đẳng ký, khai trừ Trần Thị Ngó ra khỏi Đảng. Sau đó, HĐND xã họp bãi nhiệm chức Phó chủ tịch của cô.

Báo Tiền phong đã có bài phê phán cái quyết định kỷ luật thiếu công minh kia và Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng chỉ đạo tỉnh Hậu Giang xem xét.

Ngày 6/3/2008, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hậu Giang có Quyết định số 37 thay đổi hình thức kỷ luật cô từ khai trừ xuống cách chức đảng ủy viên. Không xóa hẳn kỷ luật cho cô bởi Quyết định 37 viết: “Nhận thấy việc vi phạm về quản lý, sử dụng tài chính xảy ra ở xã Tân Hòa là thiếu sót của Đảng ủy xã do lãnh đạo thiếu kiểm tra, trong đó có phần trách nhiệm của đồng chí Ngó là cấp ủy viên”.

Chao ôi, trớ trêu là những sai phạm về quản lý tài chính ở xã Tân Hòa xảy ra chủ yếu khi Trần Thị Ngó chưa được bầu vào Đảng ủy xã, thời gian trước tháng 7/2005!

Chính Ngó lại là người đấu tranh đưa vụ tiêu cực ra ánh sáng. Những người phải chịu trách nhiệm chính về vụ tiêu cực thì hầu như không bị kỷ luật gì cả. Công quỹ thất thoát đến nay vẫn chưa thu hồi.

Khi Ngó bị kỷ luật nặng nề thì em gái của Ngó cũng bỏ việc Phó bí thư Đoàn xã để về làm ruộng. “Mẹ em thấy em như vậy nên bắt nó nghỉ”, Ngó nói.

Hiện nay, Ngó vừa làm ruộng vừa theo học tại chức Đại học Luật. Cô bày tỏ: “Em vẫn tin vào chân lý, trăm người ghét cũng có vạn người thương, em vẫn mong được cống hiến cho dân”.

Hai cô gái trẻ dám nói thật ảnh 3
Lê Nguyễn Kim Ngọc

Lê Nguyễn Kim Ngọc, trung thực báo cáo về đất công

Khi Ngó bắt đầu cuộc đấu tranh với tiêu cực, tháng 12/2005 Lê Nguyễn Kim Ngọc về xã Tân Hòa làm cán bộ địa chính. Ngọc kém Ngó 3 tuổi, hai người  là những nữ cán bộ trẻ nhất xã nên sớm thân thiết với nhau. Họ còn nhanh chóng gắn bó với nhau bởi bản chất trung thực, tình thương yêu người nghèo và không sợ uy lực.

Ngọc tâm sự: “Khi chị Ngó đấu tranh căng thẳng, có người khuyên em không nên chơi bời với chị Ngó. Em bảo, cơ quan xã toàn người lớn tuổi, chỉ có hai chị em cùng lứa, không chơi với nhau thì chơi với ai?”.

Ngọc cười hồn nhiên. Lúc sau Ngọc kể: “Xuống các ấp kiểm tra đất công, em không ngờ có nhiều người giàu thì rất giàu mà nghèo thì rất nghèo. Người giàu chủ yếu lấy được nhiều đất công. Còn người nghèo thì mảnh đất cất nhà không có. Nhiều gia đình sống ở khu vực trung tâm xã mà hễ mưa là nước ngập, hôi thối, em không dám bước chân vô nhưng dân vẫn phải ở”.

Ngọc là con út trong một gia đình có nhiều vườn ở thị trấn Rạch Gòi, cuộc sống từ nhỏ êm đềm. Cô tốt nghiệp Trung cấp Quản lý đất đai, xin vào thử việc ở Phòng TN-MT huyện Châu Thành A hơn tháng thì xã Tân Hòa khuyết cán bộ địa chính do ông cán bộ trước bị kỷ luật và cô được giới thiệu về.

Tâm hồn đang phơi phới ước mơ được cống hiến, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp và công bằng của Ngọc có hơi bị sững lại những ngày đầu khi chứng kiến thực tế cách biệt giàu nghèo.

Song cô nhanh chóng vượt qua, tìm thấy ý nghĩa trong công việc nhỏ bé của mình. Cô nhớ lời dặn của cán bộ ở Phòng TN-MT huyện: “Xã Tân Hòa có nhiều đất công, cố gắng thống kê để quản lý, khai thác, qua đó có thể giúp người nghèo”.

Trên sổ sách, Tân Hòa có hàng vạn mét vuông đất công nhưng thực tế hầu như không còn thấy bởi đã bị cá nhân chiếm dụng. Ngọc bèn lặn lội điều tra trong nhân dân.

Ngày 29/1/2007, cô có “Báo cáo về tình hình đất nhà nước quản lý ở xã”. Chưa đầy đủ nhưng cô đã thống kê được 15.231 m2 đất công, và có 95 hộ đang lấn chiếm.

Khi cô trình lên thì lãnh đạo xã không ký, buộc cô phải xóa tên 5 hộ trong đó là cán bộ hoặc có liên quan đến cán bộ. Điển hình là hộ ông Trần Hoàng Phượng, Chủ tịch LĐLĐ huyện và bà Võ Hồng Khánh là chị ruột ông Võ Hoàng Lang, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Châu Thành A.

Cô trung thực, vô tư, đang đầy niềm tin về công lý, về phẩm chất cao quý của những người cán bộ lãnh đạo vì dân, đã bất ngờ trước sự việc chuyển sang chiều hướng ấy.

Ngọc bèn làm thêm một báo cáo khác bỏ tên 5 hộ theo yêu cầu để Chủ tịch UBND xã Nguyễn Trung Hậu ký tên. Tuy nhiên, cô gửi cả hai bản báo cáo lên Phòng TN-MT huyện và giải thích rõ lý do. Thế là có ý kiến nọ kia.

Ngày 30/5/2007, Chánh thanh tra huyện thành lập Đoàn phúc tra để rà soát tình hình quản lý sử dụng đất công và ngày 6/6/2007, Đoàn về xã Tân Hòa.

Thời gian ấy, Ngọc tiếp tục xác minh ở nhân dân và biết thêm nhiều khu đất do Nhà nước quản lý đã biến thành đất của cán bộ. Khu đất sân bay ở trung tâm xã, nhiều cán bộ xã và huyện có phần. Khu đất hợp tác xã 2/9 cũng bị cán bộ chia nhau, nhiều người đã bán. Có nơi cũng là chiếm đất công nhưng dân không làm được giấy đỏ hoặc chỉ được cấp giấy tạm, còn cán bộ được cấp giấy sử dụng lâu dài và bán được.

Đặc biệt, có khu đất rộng khoảng 3.000 m2 của một người trước khi vượt biên đã hiến cho xã. Thế nhưng, ông Võ Hoàng Lang vẫn chiếm được, sau đó ông chia ra bán cho nhiều người, và bán lại cho xã để xây dựng trụ sở UBND. Các ý kiến của nhân dân được Ngọc ghi chép đầy đủ vào “Biên bản xác minh nguồn gốc đất” mẫu của ngành TN-MT.

Cần nói thêm, ông Võ Hoàng Lang trước khi làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Châu Thành A, có thời gian dài làm Chủ tịch UBND và Bí thư Đảng ủy xã Tân Hòa. Theo Báo cáo số 07 ngày 12/6/2007 của UBND xã Tân Hòa thì hiện ông Lang còn sử dụng một ngôi nhà công ở xã này.

Những chứng cứ Ngọc đưa ra có sức mạnh của sự thật. Ngọc tâm sự: “Thế là em nhận được nhiều cuộc điện thoại từ trên huyện bảo bỏ chứng cứ nọ, chứng cứ kia cho người nọ người kia. Em không chịu thì Chủ tịch UBND xã lại trực tiếp bảo. Em cũng không nghe theo. Ngày 5/9/2007, Chủ tịch UBND xã liền cho em nghỉ việc lấy lý do từ một sai sót nhỏ trong nghiệp vụ của em”.

“Bị đuổi việc, em suy nghĩ gì?”, tôi hỏi. Ngọc trả lời: “Em buồn lắm. Khi thấy công việc phức tạp em đã cố gắng vượt qua cho khôn lớn, để được dân tin yêu nhưng lại phải rút lui. Em thấy công việc ở cơ quan xã như cái bẫy để hại người trung thực. Nhưng em không hổ thẹn với lương tâm”.

Tôi nói: “Biết đâu vài người ở xã, ở huyện o ép buộc em nghỉ việc đang hổ thẹn với lương tâm?”. Ngọc bật cười hồn nhiên: “Cũng may nghỉ việc em lại được đi học Đại học Luật. Hồi còn công tác, em xin không được”.

Tôi lại hỏi: “Em có muốn làm việc trong cơ quan cấp xã nữa không?”. Trầm ngâm một lúc, Ngọc trả lời: “Em muốn cống hiến nhưng nghĩ đến cơ quan xã là đang sợ. Vừa rồi có người bảo em đi làm việc ở xã, ở huyện nhưng em xin để tập trung vào học và suy nghĩ thêm”. 

ĐBSCL ngày 18/3/2007

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.