Không thể gục ngã

Không thể gục ngã
TP - Trong số báo 81 ra hôm qua, 21/3, Tiền phong đăng bài “Không thể gục ngã” của tác giả Đặng Vương Hưng. Bài báo kể về chàng trai trẻ Nguyễn Ngọc Sơn, với nghị lực phi thường đã vượt lên bệnh tật hiểm nghèo để có trong tay 2 bằng đại học chính quy.
Không thể gục ngã ảnh 1

Nguyễn Ngọc Sơn trong ngày bảo vệ khóa luận tốt nghiệp Phân viện Báo chí và Tuyên truyền, năm 2005

Anh đang chống chọi với bệnh tật, quyết không gục ngã trước số phận. Từ số báo này, Tiền phong trích đăng những đoạn đặc sắc nhất trong cuốn hồi ký và nhật ký “Xin đừng khóc nữa mẹ ơi” của anh.

Kỳ 1: Lần đầu đi lọc máu

Tôi chưa bao giờ có ý định viết nhật ký hay hồi ký, vì tôi còn quá trẻ, thời gian ấy nên để dành làm những việc khác có ích hơn. Có lẽ quan niệm này của tôi sẽ mãi như vậy nếu như không có một sự kiện, hay nói đúng hơn là một tai họa đã lấy đi của tôi tất cả hoài bão và ước mơ.

Có thể với ai đó những dòng nhật ký đôi khi chỉ là một chút kỷ niệm của tuổi trẻ mộng mơ để rồi sẽ lãng quên ngay khi bước vào cuộc sống đầy những toan tính, bon chen.

Nhưng với tôi, nhật ký không chỉ là một người bạn thân nữa mà còn là một chỗ dựa tinh thần, nơi an ủi, vỗ về tâm hồn tôi. Đó là những lúc đau đớn, tủi hờn nhất để cho tôi thêm sức mạnh và nghị lực, cố gắng ở lại với cuộc đời, cố gắng làm những gì có thể cho đời. Tôi như bông hoa trước lúc lụi tàn còn kịp gửi lại chút hương cho gió. Tôi viết cho mình và cho tất cả những người sống bên tôi.

Tôi không biết quỹ thời gian của mình còn được bao nhiêu và tôi còn được ở lại với cuộc đời tươi đẹp này bao lâu nữa? Có thể hôm nay bạn vẫn gặp tôi trên đường, vẫn tươi rói nụ cười trên môi như chưa từng có chuyện gì xảy ra, thì ngày mai bạn đã là một trong rất nhiều người, lặng lẽ đưa tôi về thế giới bên kia.

Xin đừng vội bảo tôi là người bi quan bạn nhé, bởi hai từ “bi quan” chưa lúc nào ngự trị trong tôi, nếu bi quan tôi đã “ra đi” từ lâu lắm rồi. Không bi quan tức là phải lạc quan nhưng không phải là sự lạc quan tếu vì nếu bạn không dám nhìn thẳng vào sự thật, đối diện với sự thật sẽ có lúc bạn rơi vào bi quan, nhụt chí, không bao giờ gượng dậy được nữa.

Hình như mỗi con người từ lúc sinh ra đã có một vì sao chiếu mệnh, nếu ngôi sao của bạn sáng thì cuộc đời bạn sẽ chỉ toàn là hoa thơm, quả ngọt; và ngược, thì cuộc đời cũng chỉ là tăm tối, bất hạnh mà thôi. Hình như mỗi người một số phận, một nỗi buồn nhưng chẳng ai giống ai. Nhiều lúc tôi cố đi tìm lời giải đáp: Liệu con người có chiến thắng được số phận không?

Định mệnh oan nghiệt

Không thể gục ngã ảnh 2

Nguyễn Ngọc Sơn (ngoài cùng, bìa phải) và các bạn cùng lớp, thời là sinh viên ĐHSP Hà Nội

Đó là ngày 24/7/2006.

Khi được gọi vào lấy lại mẫu thử nước tiểu, chị y tá thấy tôi run lẩy bẩy nên an ủi: “Không có vấn đề gì đâu, chẳng qua là các chị sơ ý làm đổ mẫu thử của em nên phải lấy lại thôi”. Kỳ thực là không thể tin vào kết quả của lần một, các bác sỹ lấy mẫu xét nghiệm lại lần hai xem có sự nhầm lần không?

Nghe bác sỹ thông báo: “Bệnh nhân Nguyễn Ngọc Sơn bị suy thận độ 4, tức giai đoạn cuối, thời gian sống chỉ còn tính từng ngày”, đất dưới chân tôi như chao đảo. Tôi khuỵu xuống, nói không thành lời.

Mẹ gào khóc thảm thiết: “Xin bác sỹ còn nước còn tát hãy cứu lấy con trai tôi”. Nhưng cũng chỉ nhận được cái lắc đầu. Mẹ tôi cuống cuồng chạy đi chạy lại khắp các dãy hành lang bệnh viện, cứ thấy ai mặc áo trắng lại van xin “Hãy cứu giúp con tôi”. Trời ơi, có lẽ nào chỉ ít ngày nữa thôi tôi sẽ mãi mãi , xa bố, xa mẹ và xa Lam?

Tại sao ông trời lại quá bất công với tôi thế này? Tôi có tội tình gì đâu? Mười mấy năm nay tôi đã vượt lên chính mình, đã kiên cường chiến đấu với bệnh tật, vậy mà giờ đây… 2 tấm bằng đại học kia, cùng bao kiến thức sẽ trở thành vô nghĩa ư?

Đã bao năm nay bố mẹ chắt chiu, dành dụm nuôi tôi những mong một ngày công thành danh toại, nhưng rút cục thành quả mà tôi mang lại chỉ là một lâu đài cát sắp tan theo từng con sóng nước?

Điện thoại di động đổ chuông liên hồi, bố gọi. Tôi  không dám trả lời vì tôi biết có mở máy bố cũng sẽ chỉ nhận được toàn tiếng khóc nức nở mà thôi. Mẹ cũng vậy, không dám nghe. Càng không nghe máy, bố càng gọi nhiều hơn, cuối cùng mẹ đã nghe. Tôi đã đoán rồi mà, hai đầu máy là hai con người bất hạnh đang khóc vì khổ đau.

Viện 103 đã từ chối, vì bệnh tôi nặng quá rồi. Mẹ cầu xin thống thiết cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu buồn bã. Rồi ông bác sỹ ấy bảo: “Ở đây đông lắm rồi, sang thử Bạch Mai xem người ta có nhận, còn không thì đưa cháu về đi mà chuẩn bị hậu sự, may ra còn kịp”.

Buổi trưa hôm ấy, nâng bát cơm mà cả mẹ và tôi đều nghẹn đắng không ai nuốt nổi hạt nào dù rằng cả mẹ và tôi đều động viên nhau phải cố gắng ăn cho có sức. Nhưng ăn làm sao nổi khi bát cơm đã chan đầy nước mắt. Không hiểu sao lúc ấy tôi lại liên tưởng đến bữa cơm của những người tử tù, bữa cơm cuối cùng trong cuộc đời.

Tôi nhận được tin nhắn của bố: “Hơn lúc nào hết con phải can đảm lên để còn động viên mẹ, con nhé!”. Vâng, bố ơi, con đang cố gắng đây, con đang chở mẹ đi chơi bố ạ.

Mẹ ơi, con thương mẹ quá, cả đời vất vả chưa một lần được đi chơi xa, con có ngờ đâu lần đầu tiên mẹ về Hà Nội, lại là lần cuối cùng mẹ được thấy con, lại là lúc mẹ đau đớn khôn cùng. Bao năm qua con đã mải học hành, mải kiếm tiền mà quên rằng ở quê xa, còn có người mẹ chưa lúc nào nguôi ngoai nỗi nhớ con.

Khi máu qua máy lọc

Thứ tư, ngày 2 tháng 8 năm 2006.

Tôi đang ở giường số 42, phòng 509 của Khoa Thận - Tiết niệu, Bệnh viện Bạch Mai. Nhìn cảnh bệnh nhân nằm la liệt, trên giường, dưới đất mà ngán ngẩm quá. Cái giường bé tí tẹo mà tận bốn bệnh nhân chung nhau một giường thì nằm ở đâu đây? Toàn những bộ mặt thẫn thờ, chẳng còn nhựa sống, toàn những lời than thở về cái chết, về cái khổ, cái nghèo, chán quá.

Đã nhập viện được hơn một tuần, hôm nay tôi đã biết thế nào là chạy thận nhân tạo. Mới bước vào phòng để máy chạy thận tim tôi đã đập loạn lên. Một cảm giác sợ hãi tràn ngập trong lòng khi tôi nhìn thấy hàng chục chiếc máy xếp thành hàng lối đang thi nhau kêu như tiếng bò bê cùng những cái đèn xanh đỏ nháy liên hồi như của xe cảnh sát.

Tôi cũng thấy rất nhiều người với nước da xanh xám, sạm lại, ở cánh tay của họ thì nổi lên những u thịt rất to, có người như quả trứng gà ấy, lần lượt bước vào. Tôi tự nhủ phải bình tĩnh và cố hít thở thật sâu nhưng không được, tôi thấy khó chịu và buồn nôn quá.

Sau khi bác sỹ thăm khám và đo huyết áp xong, vị bác sỹ ấy chỉ định cho tôi ra lấy ga trải giường vào giường số 2 trải. Nằm trên giường tôi run như lên bàn mổ, vã mồ hôi và tim lại đập liên hồi. Cái cảm giác đó cũng như cái cảm giác của người không đi được ô tô, chỉ cần nói đến thôi là đã lao đao rồi.

Chị y tá có khuôn mặt nhỏ nhắn bảo tôi cởi quần ra. Tôi luống cuống nhìn sang các bệnh nhân xung quanh đã làm như vậy. Tôi xấu hổ cởi quần dài ra và tự nhủ mình cứ mặc thế này. Nhưng chị y tá thấy vậy đã quát lên “Muốn sống hay muốn xấu hổ để mà chết? Vào đây rồi thì ai chẳng như ai, có gì mà phải xấu hổ? Cởi hết ra để còn sát trùng chứ em”.

Khi tấm ga trắng muốt, có khoét một lỗ nhỏ tròn đặt vào bẹn, tôi đã hình dung điều gì sắp sửa xảy ra. Và rồi một cây kim chọc sâu vào đau nhói, những ống ghen, những sợi dây thép dài đâm sâu vào tĩnh mạch. Tôi chỉ cảm nhận được những cái sột soạt của thịt da. Sau đó là cảm giác tê tê, dại dại.

Hóa ra cũng không có gì đáng sợ như những gì mà các bệnh nhân cùng phòng dọa tôi trước đó. Ừ, hay là cũng đau thật nhưng tôi chẳng thấy đau cũng đúng thôi vì với tôi lúc này ngoài nỗi đau trong tâm hồn ra thì còn có nỗi đau nào hơn nữa.

Máy chạy thận hình chữ nhật, có tên là Toray, mặt trước hiện lên những nút nhấn và các tín hiệu đèn xanh đỏ, thỉnh thoảng nó lại phát ra tiếng kêu e e. Tôi thấy chị y tá bấm liên tục lên đấy, rồi lắp lên đó một bộ dây (mà sau này tôi mới biết đó là dây máu).

Có một ống màu trắng, dài như một đốt tre được nối vào đoạn dây đó (sau này tôi cũng mới biết là quả lọc), lắp xong chị ấy gõ gõ lên đó, tôi nhìn thấy những bọt khí chạy ra từ đó theo ống dây xuống một đầu dây đã được cắm xuống thành xô. Cảm giác đầu tiên khi dòng máu của tôi được rút ra là gì nhỉ? Lạ lắm, rất khó diễn tả, tê tê và rát rát và hơi có mùi tanh tanh thì phải.

Quy trình của lọc máu có thể tóm tắt là: máu được lấy từ đường ra rồi qua quả lọc để lọc sau đó trở về cơ thể bằng đường động mạch, đường vào. Người ta gọi đó là vòng tuần hoàn ngoài cơ thể.

Lần đầu tiên tôi đã biết thế nào là chạy thận, lần đầu tiên tôi mới thấy thời gian sao trôi đi nhanh quá. Có những điều tưởng như vô lý thì giờ đây tôi mới hiểu lại chẳng hề vô lý chút nào. Mỗi phút giây qua đi sự sống của tôi lại trôi dần về thế giới bên kia nhưng cũng mỗi phút giây ấy qua đi cùng với tiếng máy đều đặn thì cuộc sống của tôi lại kéo dài hơn, tử thần lại xa tôi hơn.

Nhìn dòng máu chuyển động, nhìn bầu trời bên ngoài trong xanh, đầy nắng, nhìn những chú chim đang ríu rít rỉa lông rỉa cánh cho nhau và cuộc sống ồn ào, tấp nập ngoài kia chỉ cách mấy bước chân, tôi lại bật khóc, khóc như một đứa trẻ. May mà lúc ấy mẹ đang ra ngoài.

Sau ba tiếng đồng hồ nằm bất động, khi rút hết kim và dây ra một cảm giác thoải mái trào ra, xâm lấn toàn bộ cơ thể. Tôi đã thấy người nhẹ nhõm và khoan khoái hơn rất nhiều, và có lẽ lâu lắm rồi tôi mới có cảm giác đó.

Kỳ sau: Phải sống để được yêu!

MỚI - NÓNG
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giữ chức vụ Giám đốc Sở Nội vụ và kiêm nhiệm Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Tiến - Ủy viên Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy giữ chức vụ Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh.
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
TPO - Dù đang trên đà giảm, giá vàng thế giới có mức tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày 24/4. Khi tình hình chính trị ở Trung Đông chưa có thêm căng thẳng thì dữ liệu kinh tế Mỹ, lộ trình lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ lại tác động giá vàng.