Thâm nhập đường dây xuất lậu than

Thâm nhập đường dây xuất lậu than
TP - Đến vùng mỏ Quảng Ninh, hỏi tên các cảng than tư nhân, bất cứ người dân nào cũng có thể kể vanh vách hàng chục cảng gắn liền các đại gia như L.Đ, T.P… trải dài suốt hơn 300 km bờ biển từ Cửa Ông đến Móng Cái.

>> Kỳ 1: "Cơ chế ngầm" cho than lậu

Kỳ II: Điểm danh những đại gia “bán quyền xuất than”

Từ Km 6 cung đường Cẩm Phả - Cửa Ông, dù không có biển hiệu nào gắn liền với chữ than nhưng khi chúng tôi tiến vào thì trước mắt lộ ra cả một thế giới than.

Những chiếc tàu đang hối hả “ăn” than, chuẩn bị chuyển đến khắp nơi, trong đó phần lớn xuất khẩu sang phía Trung Quốc.

Khó biết được trong số đó có bao nhiêu là than lậu, nhưng khi biết được rằng từ Quảng Ninh hàng ngày có hàng chục chuyến tàu chở hàng chục ngàn tấn than - vàng đen của Tổ quốc - theo đường biển chạy thẳng sang nước khác, được hợp thức hóa bằng những tờ hoá đơn khống thì sẽ đau biết nhường nào.

Khi số than này được xuất thành công, chúng ta mất hai thứ: “Chảy máu” nguồn tài nguyên quý giá không thể tái tạo và Nhà nước bị thất thu khoản thuế không nhỏ.

Còn phía bên kia, tại các cảng (như Giang Bình, Phòng Thành, Khâm Châu, Kỳ Xá, Bình Long…), than cũng chất cao như núi, trải dài trên bờ biển hàng chục kilômét. Một chuyên gia ngành than ước tính, trong số có quá nửa là than không rõ nguồn gốc.

Thâm nhập đường dây xuất lậu than ảnh 1

PV hỏi: “Ông có biết việc một Cty được tận thu than tại bãi xỉ của PLPC xuất mỗi ngày hàng chục ngàn tấn than sang Trung Quốc?”.

Ông Nguyễn Khắc Sơn, Giám đốc Cty Cổ phần nhiệt điện Phả Lại khẳng định: “Đó là chuyện hoang đường! Bởi họ làm gì có than mà xuất”.

Trước hết, đó là nguồn than từ các lò khai thác bất hợp pháp (thường gọi là lò “thổ phỉ”).

Báo cáo mới nhất của Công an Quảng Ninh, chỉ trong hai ngày 5 và 6/3, Phòng PC22 CA tỉnh cùng CA TP Hạ Long đã triệt phá 9 lò than “thổ phỉ” tại các phường Hà Tu, Hà Khánh và Bãi Cháy, thu hơn 100 tấn than.

Đặc biệt, ngay tại đồi Táu (phường Bãi Cháy), cơ quan chức năng đã phát hiện và lập biên bản thu giữ 120 tấn than tại cơ sở chế biến của ông Đào Trọng Hoan (trú tại Mạo Khê), vì số than không có nguồn gốc rõ ràng.

Con số đó chỉ như hạt cát giữa biển khơi. Điều đáng quan tâm hơn: Số than trên ở đâu ra và vì sao được vận chuyển về các cơ sở thu mua và chế biến than công khai mà vẫn trót lọt?

Nhiều người dân vùng mỏ cho rằng, phần không nhỏ số than lậu được lén lút tuồn từ một số mỏ có tên tuổi đàng hoàng để trốn thuế (?).

Về lý thuyết, ngành than đã có văn bản yêu cầu quy trình xuất khẩu than khá chặt chẽ, nhất là trong việc chứng minh nguồn gốc xuất xứ của than.

Thế nhưng, như chúng tôi đã phản ánh ở số báo trước, hằng ngày vẫn có cả trăm ngàn tấn than không rõ nguồn gốc “qua mặt” các lực lượng chức năng để chảy sang Trung Quốc.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo chống buôn lậu và gian lận thương mại tỉnh Quảng Ninh, nhiều đối tượng đã lợi dụng uy tín của những doanh nghiệp được miễn kiểm tra hàng khi thông quan (thường gọi là luồng “xanh”) để dùng hồ sơ quay vòng hợp thức hóa nguồn gốc than; khai báo gian lận số lượng, chủng loại than để xuất lậu không đúng với hóa đơn (nếu có); thậm chí, một số đầu nậu còn trang bị tàu có công suất lớn, hiện đại vọt sang hải phận nước bạn, thoát sự kiểm soát của các cơ quan chức năng; lại có những doanh nghiệp dựa vía một số quan chức có cỡ ở cả trung ương và địa phương để kinh doanh giấy phép, chứng từ.

Ai đã “kinh doanh giấy phép”?

Lâu nay, dư luận tại Quảng Ninh xôn xao vì sự phất lên như diều gặp gió của một số doanh nghiệp. Người ta xôn xao vì các doanh nghiệp này không trực tiếp khai thác, chế biến than nhưng lại xuất khẩu khá nhiều than, thu lợi nhuận không nhỏ. Vì sao lại có chuyện lạ đời này?

Xin bắt đầu từ lý do xuất khẩu than lậu. Năm 2006, Nhà nước quyết định nâng mức thuế than xuất khẩu từ 0% lên 10%, nhằm hạn chế tối đa việc “chảy máu” nguồn tài nguyên quý giá không thể tái tạo của đất nước.

Thế nhưng, thực tế, lượng than xuất khẩu vẫn không giảm nhiều, nhất là qua đường tiểu ngạch. Qua tìm hiểu, chúng tôi thật bất ngờ khi phát hiện ra nhiều doanh nghiệp đã giàu lên nhờ bán quyền xuất than.

Nói cách khác, sau khi xin được giấy phép xuất khẩu than, các doanh nghiệp này đã bán hóa đơn cho các chủ đầu nậu hợp thức hóa than không rõ nguồn gốc để xuất ra nước ngoài.

Với hình thức chủ yếu là bao thầu trọn gói các thủ tục giấy tờ, hoặc tạm hiểu là bán lại giấy phép, hóa đơn chứng từ nhằm hợp pháp hóa những chuyến tàu chở than lậu qua biên giới, giới đầu nậu than lậu phải ngậm đắng nuốt cay khi phải mua hóa đơn của các đại gia này.

Một số chủ tàu cho biết: Phương thức mua hoá đơn được tính toán rất đơn giản: Ngoài phải nộp thuế xuất khẩu cho Nhà nước (10%), chủ tàu phải nộp 40.000-60.000 đồng/tấn than cho đơn vị bán hóa đơn.

Theo ước tính của một đầu nậu, với giá như thế, trung bình mỗi ngày có vài chục tàu than lậu mua hoá đơn thì số tiền các chủ tàu phải trả cho các đại gia trên lên tới hàng tỷ đồng.

Từ lâu, trong giới than lậu đã lan truyền câu chuyện về lô hóa đơn xuất than của Cty X. Những thông tin vô lý trong tờ hóa đơn của đơn vị này bán cho các đầu nậu than khiến ai cũng phải giật mình:

Thứ nhất, hóa đơn ghi nguồn gốc than là tận thu từ bãi thải của Cty Cổ phần nhiệt điện Phả Lại (Chí Linh - Hải Dương) nhưng thực tế lại được “xuống” hàng từ thị xã Cẩm Phả (Quảng Ninh).

Thứ hai, tên đơn vị xuất than là Cty X, nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, Cty X không hề có bến bãi, cảng biển, phương tiện vận chuyển, kho chứa hàng… theo quy định, cũng không có mỏ than hợp pháp.

Điểm mấu chốt để khẳng định việc Cty X xuất than là lậu hay không chính là phải chứng minh nguồn gốc than mà Cty X đã làm thủ tục giấy tờ xuất khẩu (như ghi trong hóa đơn).

Xuất phát từ đó, nhóm phóng viên chúng tôi ngược lại Chí Linh để tìm hiểu về nguồn gốc than mà Cty này khai hải quan là tận thu từ bãi thải của nhà máy phát điện thuộc Cty Cổ phần nhiệt điện Phả Lại (PLPC).

Làm việc với PV, ông Nguyễn Khắc Sơn - Giám đốc PLPC cho biết: Với công nghệ đốt than của PLPC hiện nay, tỷ lệ các-bon (thành phần chính của than) còn lại chỉ trên 10%. Về lý thuyết, có thể sàng tuyển và sử dụng lại.

Nhưng vì chi phí quá đắt, hơn nữa, khối lượng quá nhỏ nên người ta chỉ có thể dùng làm phụ gia vật liệu xây dựng (làm bê tông xây đập thủy điện) hoặc để cho dân đóng gạch xây bờ rào.

Cùng đó, kỹ sư Nguyễn Văn Thủy - Trưởng phòng Kỹ thuật Cty PLPC khẳng định: “Xỉ than thải ra của chúng tôi được chứa trong hai chiếc hồ ngập nước, làm sao mà “mót” được.

Nếu có đơn vị nào mua lại thì cũng chỉ dùng để đổ nền cho các công trình xây dựng lớn hoặc làm đường giao thông thôi, chứ lấy than đâu mà xuất khẩu”.

Dư luận bức thiết yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh việc bán hóa đơn hợp thức hóa khối lượng lớn than không rõ nguồn gốc của các doanh nghiệp trên.

MỚI - NÓNG