Nước mắt của cô trinh nữ có… hai con

Nước mắt của cô trinh nữ có… hai con
TP - Mai đã có những triệu chứng của bệnh tâm thần vì lập gia đình đã 10 năm nay mà chưa một lần được...gần gũi với chồng. Đó là một câu chuyện dài và khó nói. Mai đã kể cho tôi nghe trong nước mắt và cả nỗi ngượng ngùng.

Chàng trai mắt lờ đờ ngửa mặt lên trần nhà, miệng lẩm bẩm,  gặp ai cũng nhe răng đòi...cắn, cô gái mắt vô hồn, cứ ngồi tự nhổ tóc mình, thỉnh thoảng lại phá lên cười... Những cảnh đó vẫn thường diễn ra ở Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương.

Nếu không có mớ âm thanh hỗn tạp từ phố Hồng Mai vọng vào, tôi có cảm giác nơi đây giống tu viện.

Nhưng cái vẻ ngoài ấy không thể che giấu những cảnh đời, những phận người đang cố vùng vẫy để  không bị biết bao nỗi đau nặng trĩu nhấn chìm, để thoát khỏi cái “án” “người điên”...

Vào viện tâm thần vì 10 năm không được chồng “gần gũi”

Tiến sĩ Ngô Thanh Hồi – Giám đốc Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương cho tôi biết: “Bệnh viện điều trị những thể bệnh tâm thần “gần với dân” như trầm cảm, stress...Gọi là bệnh viện ban ngày vì bệnh nhân chỉ đến điều trị ban ngày, ban đêm về với gia đình.

Nhóm đối tượng có nguy cơ vào đây cao là doanh nhân, quan chức, phóng viên, sinh viên, công an và bác sỹ chuyên khoa... tâm thần – nói chung thường rơi vào các công việc căng thẳng, nhiều sức ép”.

Tôi cứ ngỡ Tiến sĩ Ngô Thanh Hồi đùa khi bảo bác sỹ chuyên khoa tâm thần nằm trong nhóm nguy cơ cao bị tâm thần. Nhưng chỉ hai ngày thực tế ở đây, mới thấy các bác sỹ luôn giữ được trạng thái, bình thường tỉnh táo là điều...lạ.

Họ thường xuyên phải tiếp xúc với những bệnh nhân “không giống ai” về hành vi, ngôn ngữ đến các nỗi đau khổ. Bác sĩ  Bế Thị Hiển- Trưởng khoa lâm sàng đã dẫn tôi đến gặp một bệnh nhân hết sức đặc biệt như một dẫn chứng cho cái sự “không giống ai” đó.

Nhìn  gương mặt xinh xắn, trắng trẻo của Vũ Thị Mai (*) sẽ chẳng  ai biết cô đang mắc chứng trầm cảm nặng. Nhưng khi tôi vừa hỏi nguyên nhân vì sao mà phải vào viện tâm thần, Mai gục xuống bàn, nghẹn ngào mãi mới thốt nên lời.

Mai đã có những triệu chứng của bệnh tâm thần vì lập gia đình đã 10 năm nay mà chưa một lần được...gần gũi với chồng. Đó là một câu chuyện dài và khó nói. Mai đã kể cho tôi nghe trong nước mắt và cả nỗi ngượng ngùng.

Mai sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo có 6 chị em ở huyện Hoài Đức tỉnh Hà Tây. Cô thôn nữ này quanh năm phải đầu tắt mặt tối với đồng ruộng mà vẫn đói khổ.

Nước mắt của cô trinh nữ có… hai con ảnh 1
Mai sẽ phải học thiền như những bệnh nhân này để lấy lại sự cân bằng

Lúc ấy, Mai thầm mơ sẽ có một chàng trai Hà Nội về đây hỏi cưới và đưa cô về thủ đô để thoát cảnh lam lũ bùn đất. Năm 19 tuổi, ước mơ đó có vẻ đã toại nguyện khi một gia đình người Hà Nội đã về Hoài Đức hỏi cưới Mai cho con trai họ. Mai đã đồng ý dù chưa một lần trò chuyện với người chồng tương lai của mình.

Đêm tân hôn, chủ rể nằm ngủ  ngáy rất  to chẳng hề có “động thái” gì. Đến hôm sau, hôm sau nữa cũng chỉ ngủ và ngáy to. Bẽ bàng, Mai nằm khóc. Mai đã khóc rất nhiều khi phát hiện chồng mình không có khả năng đàn ông,  vì di chứng của chất độc da cam. Mai  cảm giác  như mình bị lừa. Bị lừa mà không thể kể với ai.

Cứ ngủ “chay” hết năm này sang năm khác, mỗi lần gặp người quen, hỏi: “đã có bầu chưa?” , lòng Mai như xát muối.  Nhưng bố mẹ chồng thì không hỏi như vậy vì họ biết bệnh của con trai mình.

Bác sỹ Bế Thị Hiển cho biết không chỉ có Mai, nhiều phụ nữ đã bị ức chế thần kinh, trầm cảm nặng vì một thời gian dài không được chồng đáp ứng nhu cầu tình dục. Đó là điều có thật nhưng khó nói  và không phải ai cũng dám tìm đến bệnh viện tâm thần như Mai.

Lấy nhau được 2 năm, bố mẹ chồng đưa Mai đi thụ tinh nhân tạo. Mai có bầu và sinh đôi. Hai bé trai khỏe mạnh, không hề giống chồng cô một điểm nào.

Bố mẹ chồng và cả chồng cô đều biết, đó là con của người khác. Nhưng  Mai cũng chẳng biết bố đứa trẻ là ai. “Mình là con gái đồng trinh... đã có hai mặt con”, Mai đã khóc khi nghĩ như vậy.

Bây giờ hai con trai Mai đã 4 tuổi, những nỗi vất vả nuôi con mọn đã qua đi, nỗi khao khát làm vợ lại trỗi dậy. Chồng Mai thì vẫn không hề có dấu hiệu “trỗi dậy”. Họ sống với nhau như hai người xa lạ, chồng cả ngày chẳng nói với vợ câu nào. Có khi cả năm mới nói với vợ được vài câu. Mà mười năm đã trôi qua.

Kể đến đây, Mai ôm mặt khóc, nước mắt chảy dài trên gương mặt còn phơi phới thanh xuân. “Có ai lấy chồng mà gần mười năm nay ngủ với mẹ chồng không? Làm gì có ai lấy chồng để ngủ với mẹ chồng. Em đã viết đơn ly dị  nhưng thương bố mẹ chồng nên thôi. Ông bà đối xử với em rất tốt, nên em không nỡ lòng nào”.

Nghe Mai kể, bác sỹ  Bế Thị Hiển bảo với tôi: “Cô này vẫn đang tỉnh táo, chưa có dấu hiệu tâm thần. Người điên làm gì biết khóc. Cô bị ức chế, trầm cảm vì mất ngủ kéo dài,  nhưng nếu không kịp thời điều trị bệnh sẽ nặng”.

19 đêm mất ngủ vì “lời đề nghị khiếm nhã”

Đã mười chín đêm liền, Mai không ngủ được. Thì ra cô mất ngủ vì lời rủ rê của một gã đồ tể ở ngay cạnh nhà. Mai kể: “Anh hàng thịt thấy chồng em ốm yếu quá, nên rủ em: “Đi với anh, anh em mình vui vẻ với nhau, chẳng ai biết đâu”.

“Em có muốn đi không?”, tôi hỏi. Mai trả lời rất thật : “Trong thâm tâm em cũng hơi muốn đi, nhưng sợ bố mẹ chồng biết, nên từ chối”.

Tưởng như câu chuyện chỉ dừng lại ở đó, nào ngờ “lời đề nghị khiếm nhã” của anh đồ tể khiến cho Mai mất ngủ. Đêm nằm Mai cứ nghĩ về lời đề nghị đó, cứ hình dung nếu đi thì sẽ thế nào?  Đi thì có làm sao không? Tại sao lại từ chối trong khi mình cũng muốn đi?

Những câu hỏi ấy cứ quay như chong chóng trong đầu Mai đêm này qua đêm khác. Mai muốn quên, nhưng không quên nhưng hình ảnh anh chàng đồ tể đẹp trai khỏe mạnh cứ lởn vởn đâu đây. Đã thế,  ngày nào cũng phải gặp anh đồ tể, vì anh ta làm nghề thịt lợn, còn nhà Mai làm nghề cạo thủ lợn.

Đêm nằm, thấy Mai trằn trọc mãi không ngủ được, mẹ chồng bảo: “Ngủ thì cứ ngủ đi, việc gì phải nghĩ. Ngày xưa  bố mày đi bộ đội mấy chục năm đằng đẵng, tao ở nhà có đến nỗi thao thức như mày đâu”.

Mai bảo: “Ngày xưa khác, ngày xưa hầu hết phụ nữ có chồng đi bộ đội, đều cùng cảnh với nhau, mà có ai dám tán tỉnh vợ bộ đội đâu. Còn cảnh ngộ như con bây giờ chỉ có một mà xung quanh rất nhiều cám dỗ”.

Mai lại khóc, cô nín nhịn không muốn kể cho mẹ chồng nghe chuyện anh chàng đồ tể rủ rê mình. Mà không chỉ có anh đồ tể, mà cả ông già 70 tuổi hàng xóm cũng đưa ra lời ong bướm. Ông già vẫn còn phong độ, khỏe mạnh, nhìn thấy chồng Mai ốm yếu quanh năm, nên “động lòng” bảo: “Đi với ông, rồi về thì  vẫn ông ông cháu cháu”.

Dĩ nhiên, Mai đã từ chối. Nhưng Mai cũng chẳng hiểu sao lời đề nghị của ông già vẫn khiến cô mất ngủ. Mất ngủ triền miên, khiến cô bị suy nhược thần kinh và bắt đầu có những biểu hiện “tâm thần” như: hay lẩm bẩm nói một mình, bỗng dưng cười, bỗng dưng khóc. Nhà ở Quỳnh Lôi, gần Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương nên Mai đã tìm đến đây.

Bác sĩ Bế Thị Hiển cho biết trường hợp của Mai không thể chữa bằng cách thoả mãn nhu cầu thầm kín của bệnh nhân, mà bằng những liệu pháp để bệnh nhân quên đi nhu cầu ấy. Mai được bác sĩ Hiển hướng dẫn cách tập thiền. Tập Thiền sẽ giúp Mai trở lại trạng thái cân bằng và ngủ ngon, không bị ám ảnh bởi lời rủ rê của anh đồ tể hay  ông già 70 tuổi nữa.

Mai bảo: “Em cứ coi như mình đang đi tu tại gia. Em đã ăn nhiều rau răm để diệt dục, nhưng chắc rau răm không có tác dụng bằng Thiền. Trước đây, em hay đi bộ vào ban đêm, nhưng làm nghề cạo thủ lợn, phải dậy sớm nên nhà em đi ngủ sớm lắm, đi bộ cũng khó. Em xác định rồi sẽ gắng vượt qua những cám dỗ để nuôi con khôn lớn”.

Nghe Mai nói, chẳng ai nghĩ cô đang là bệnh nhân của bệnh viện tâm thần.

Sáng hôm sau, tôi gặp Mai ở hành lang bệnh viện, gương mặt đã tươi tỉnh hơn. Mai bảo: “Em vừa tập Thiền xong, mới tập nên em bị mỏi chân, nhưng cảm thấy đầu óc thoải mái hơn nhiều”.

Tôi hỏi: “Nếu bây giờ được lựa chọn lại, Mai sẽ thế nào?”

Giọng Mai bỗng trở nên nặng trĩu: “ Em sẽ không lấy chồng để được lên Hà Nội thoát cảnh ruộng đồng nữa. Em thà lấy một  anh nông dân nghèo nhưng khoẻ mạnh còn hơn.

Khoẻ mạnh thì ai mà chẳng thích. Nhiều người không hiểu cứ tưởng em sướng, vì có hai cậu con trai, có bố mẹ chồng hiền lành, nhà ở Hà Nội. Nhưng ở đời có trăm nghìn cái khổ mà chẳng có cái khổ nào giống cái khổ nào cả. Nỗi khổ của em ngay cả bố mẹ đẻ em cũng không dám nói, chỉ khi vào viện tâm thần mới dám nói”.

Năm nay Mai mới 29 tuổi.  Mai sẽ phải tập Thiền nhiều lắm.

Hôm ấy, bệnh viện tâm thần ban ngày tôi  cũng đã gặp nhiều “điên điên” vì nhiều nguyên nhân và điều đáng nói  là họ đều là trí thức...

* Tên nhân vật đã được thay đổi

Phùng Nguyên

MỚI - NÓNG