Lúa trúng mùa, XK giá cao, nông dân... kêu lỗ

Lúa trúng mùa, XK giá cao, nông dân... kêu lỗ
TP - Theo Reuters, giá gạo toàn cầu đã tăng gấp đôi trong 3 tháng đầu 2008. Trong nước, từ giữa tháng 2 đến đầu tháng 3/2008, giá chào bán gạo xuất khẩu của VN tăng khoảng 53% so với cùng kỳ năm trước. Thế nhưng nhiều nông dân đang... kêu lỗ.

Các chuyên gia dự báo giá gạo xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng nhẹ, do nhu cầu nhập khẩu đang tăng cao từ nhiều nước, trong khi sản lượng lương thực tại những nước xuất khẩu gạo lớn như Thái Lan, Việt Nam lại có nguy cơ giảm do thời tiết diễn biến phức tạp.

Trong hai tháng đầu năm, cả nước đã xuất khẩu 381.000 tấn gạo, đạt kim ngạch 150 triệu USD, tăng gần 47% về lượng và 78% về trị giá so với cùng kỳ năm trước...

Vừa qua, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã ban hành Quy chế đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo năm 2008 với nhiều biện pháp siết chặt quy chế thực hiện các hợp đồng xuất khẩu.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:

Hạn chế xuất khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực

Đề cập đến vấn đề xuất khẩu gạo, tại Hội nghị với các Tập đoàn và Tổng Cty về kiềm chế lạm phát ngày 1/4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói:

“Giá cả thế giới đã tăng cao ngoài dự đoán, trong đó giá lương thực thực phẩm tăng rất nhanh. Tôi cũng không ngờ là gạo Việt Nam trúng thầu bán ở mức 740 USD/tấn...

Để vừa đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước, vừa đảm bảo cho người nông dân có lãi, đồng thời để giữ mức giá nhất định của mặt hàng lúa gạo so với mặt bằng giá chung, đối với những hợp đồng xuất khẩu gạo đã được ký trong quý I/2008 thì sẽ được thực hiện bán cho đến hết quý II với khối lượng 1,8 triệu tấn.

Tới đó thì thôi, không được ký hợp đồng bán nữa. Đối với quý III, quý IV thì phải tính toán cụ thể, chặt chẽ từng quý một”.

Trước đó, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ về chỉ tiêu xuất khẩu gạo năm 2008 (tối đa khoảng 3,5 - 4 triệu tấn), và đề nghị các doanh nghiệp chưa ký hợp đồng mới cho đến tháng 6/2008.

Sự hạn chế xuất khẩu gạo của Việt Nam “chắc chắn gây lên những ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quốc gia nhập khẩu gạo, và đây sẽ là nguyên nhân đẩy giá cả lên cao hơn”, ông Duncan Macintosh - người phát ngôn Viện Nghiên cứu Gạo Quốc tế ở Manila bình luận.

Không chỉ có Việt Nam, Ấn Độ cũng đang siết chặt việc xuất khẩu gạo, cùng với Ai Cập và Campuchia đang cố gắng giữ lại lượng gạo ít ỏi cung cấp cho tiêu thụ nội địa ở thời điểm này.

“Với các quốc gia nhập khẩu gạo, sự tăng giá gạo ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân.

Đơn cử, các cửa hàng ăn nhanh tại Philippines đã phải cắt giảm một nửa lượng cơm trong một suất ăn”-Hãng Reuters cho biết.

Trên toàn thế giới, từ vài năm trước đã xuất hiện sự báo động về lượng gạo tiêu thụ hàng năm vượt quá sản lượng sản xuất gạo. Lượng gạo dự trữ giảm đến mức báo động đỏ.

Ngoài ra phải kể đến những nguyên nhân như, sự bùng nổ dân số ở Ấn Độ và Trung Quốc, hay dịch bệnh trong nông nghiệp ở Việt Nam cùng với liên tiếp thiên tai tại một số quốc gia khác.

Hiện, Ấn Độ đã công bố giá một tấn gạo nước này bán ra là 1.000 USD, vượt xa ngưỡng 700 USD đến 750 USD/tấn đang phổ biến trên thị trường. Gạo thơm Thái Lan hiện đã lên tới 900 USD/tấn, tăng gần 30% so với một tháng trước đây.

Gạo trắng cũng đã đội giá gần 50% kể từ đầu năm, lên 600 USD/tấn và dự báo có thể tăng thêm 40%, lên 800 USD/tấn ngay trong tháng 4 này. Chưa bao giờ gạo có giá  như hiện nay.

Nông dân... kêu lỗ!

Chiều 2/4, PV Tiền phong đến ấp Tân Quới, xã Hòa Tịnh (Chợ Gạo, Tiền Giang) gặp ông Võ Văn Út 57 tuổi đang thu hoạch 4 công lúa nếp. Ông dừng tay, cho biết: “Vụ Đông Xuân này, 4 công thu được 3 tấn, tức là năng suất 7,5 tấn/ha, lái đến tận ruộng mua giá 3.400đ/kg nhưng tôi vẫn bị lỗ hơn 2 triệu đồng vì giá đầu vào tăng đột biến”.

Ông Út kể: Mỗi bao phân 50 kg, phân ĐAP có giá 1.060.000 đồng, gấp hơn 2 lần vụ trước; phân urê 527.000 đồng, gấp 3,7 lần vụ trước; đặc biệt phân kali có giá 650.000 đồng, gấp 6,5 lần vụ trước. Thuốc trừ sâu ATMAI mỗi chai có giá 70.000 đồng, tăng gấp 2,3 lần vụ trước; thuốc trừ sâu Basa mỗi chai 840cc có giá 30.000 đồng, tăng gấp 1,6 lần vụ trước.

Vợ ông Út là bà Lê Thị Mùi nói thêm: “Giá nhân công cũng tăng luôn, vụ trước một ngày công cắt với nữ là 35.000 đồng thì vụ này 40.000 đồng, còn công nam phải 70.000 đồng họ mới chịu làm”.

Ông Út cho biết thêm, hầu như tất cả nông dân trong ấp, trong xã của ông đều thua lỗ vì giá cả không ổn định. Ông cười buồn: “Tôi làm 4 công lỗ 2 triệu đồng còn là may vì đạt năng suất cao, có người lỗ nặng hơn vì làm nhiều mà năng suất thấp”. 

Tại ấp Tân Lược 1, xã Tân Lý Đông (Châu Thành, Tiền Giang), anh Nguyễn Thanh Sơn, 35 tuổi, có 3,3 công lúa. Anh Sơn vừa bán 2,7 tấn cho lái đến mua 2 hôm trước với giá 3.700đ/kg. Sau khi trừ chi phí, anh Sơn lỗ 660.000 đồng. Anh Sơn nói: “Bây giờ làm lúa thì khỏi nói rồi, không làm thì thôi chứ làm thì lỗ.

Tôi đang mong có ai mướn đất thì cho mướn phứt, đi tìm việc gì đó làm thuê kiếm sống chắc ăn hơn”. Còn anh Tư, 35 tuổi, ngụ tại ấp Tân Phú, xã Tân Lý Tây (Châu Thành, Tiền Giang) là thương lái đến tận ruộng để thu mua lúa cho biết: Anh mua tại ruộng lúa tươi giá 3.800 – 3.900đ/kg tùy loại, lúa tốt đã phơi khô giá 4.600đ/kg. Sau đó làm sạch, đem xát thành gạo và bán được giá 7.300đ/kg.

“Tính toán cẩn thận thì có lời, nếu không cũng lỗ”, anh Tư nói. Tại huyện Mỹ Tú, một vựa lúc của tỉnh Sóc Trăng, vụ Đông Xuân cũng cho năng suất cao, bình quân 6,5 tấn/ha, có khu vực đến 7 –8 tấn/ha.

Tuy nhiên, do giá vật tư nông nghiệp tăng cao nên nông dân lời ít hoặc lỗ. Các loại phân bón đều tăng gấp 3 - 4 lần so với vụ trước. Giá lúa tươi bán tại ruộng 3.600 – 3.800 đ/kg, lúa khô 4.300 – 4.500 đ/kg.

Trong khi nhiều nhà nông Việt Nam đang lo lắng, thì theo báo điện tử The Wall Street Journal, nông dân Thái Lan đã ngừng giao dịch chờ cho đến khi giá gạo cao hơn và họ sẵn sàng phá bỏ hợp đồng nếu cần thiết. Ông Chiokal - Chủ tịch hiệp hội xuất khẩu gạo Thái Lan đã thông báo với nông dân và những chủ trại rằng, họ sẵn sàng thu mua với giá tương ứng trên thị trường.

MỚI - NÓNG
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.