Quận chúa Biệt động- Kỳ 2

Quận chúa Biệt động- Kỳ 2
LTS: Theo lời kể của bà Đặng Hoàng Ánh thì với cương vị là Chánh lục sự Tòa án Mỹ Tho, cha của bà, ông Trần Lệ Chất đã  bảo vệ  Phạm Văn Thiện, tức đồng chí Phạm Hùng (1) khi đó mới 14 tuổi nhưng bị bọn thực dân đưa ra tòa xử vì đã rải truyền đơn chống Pháp.
Quận chúa Biệt động- Kỳ 2 ảnh 1
Bà Đặng Hoàng Ánh thời trẻ

Sau đó không lâu, lợi dụng chức vụ, ông Chất đã tạo điều kiện thả Phạm Văn Thiện rồi trốn về Long Hồ, đổi tên thành Đặng Hoàng Phúc mở hiệu thu mua lúa, xay gạo bán về Chợ Lớn, giúp được khá nhiều tiền cho phong trào yêu nước. Ông giữ quan hệ hoạt động cùng Phạm Văn Thiện – Phạm Hùng cho tới khi nhà cách mạng này bị bắt vào năm 1930.

Theo lời bà Ánh thì cha bà, ông Chất đã tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh đòi thực dân Pháp giảm án của đồng chí Phạm Hùng từ tử hình xuống chung thân. Từ đó cho đến năm 1945, ông Chất tham gia vào nhiều hoạt động cách mạng và yêu nước khác. Ngày 25/12/1945, gia đình ông Chất bị quân Pháp thảm sát, có 10 người thì 8 người bị giết, ông Chất bị bắt sau đó cũng bị giết tại Sài Gòn, cô bé Ánh thoát vì lúc đó đang đi học.

Ánh được đồng chí Phạm Hùng (sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã được đưa từ Côn Đảo trở về) đưa lên Sài Gòn rồi gửi cho đồng chí Hai Xô, tức đồng chí Phạm Văn Xô (2), thường được gọi thân mật là anh Tư Thường hoặc anh “Hai Xe Ngựa” (vì anh hoạt động công khai bằng nghề đánh xe ngựa).

Những ký ức buồn đau

Bà Đặng Hoàng Ánh kể: Tôi được anh “Hai Xe Ngựa” nuôi và tiếp tục cho đi học văn hóa. Tôi ở với anh Hai Xô từ 1948 cho tới 1956, nên có rất nhiều kỷ niệm về anh. Hồi đó, anh Hai Xô đóng giả là người chưa biết chữ, nhưng nhờ có trí tuyệt vời, anh chỉ cần nghe đọc văn bản chỉ thị một lần là thuộc lòng ngay, đọc lại không sai một chữ...

Thời gian đó bọn Tây đang chiêu an, dân lần lượt về Sài Gòn, các trường học chiêu sinh miễn phí, chỉ phải thi khảo sát để xếp lớp học. Tôi được anh Rostte Lộc ghi tên xin dự thi tự do và thi đậu vào Trường Gia Long (Sài Gòn). Đó là trường dành riêng cho các nữ sinh.

Những ngày học ở trường Gia Long, tôi luôn là một nữ sinh giỏi. Tuy nhiên, tôi hay bị lũ bạn con nhà giàu trêu chọc và xa lánh, vì là trẻ mồ côi, phải đi bán hàng dạo trên đường phố.

Một buổi chiều, nhà trường họp thông báo: Sáng ngày 24 tháng 12 năm 1949, tất cả học sinh phải mặc đồng phục để đón Vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương đến thăm Trường Gia Long (dành cho các nữ sinh) và Trường Pétrus Ký (dành cho các nam sinh)...

Bên Trường Pétrus Ký tổ chức biểu tình, bên Trường Gia Long được tin cũng tổ chức biểu tình theo. Rồi hầu hết các trường trong nội thành Sài Gòn đến Chợ Lớn cũng đồng loạt biểu tình chống Bảo Đại đưa Pháp vào Việt Nam. Đâu đâu cũng ào như sôi với khẩu hiệu: “Đả đảo Vua Bảo Đại bù nhìn!”.

Tám giờ sáng ngày 24 tháng 12 năm 1949, đoàn xe chở Vua cùng Hoàng hậu Nam Phương và Ngự lâm quân, có cảnh binh đông đặc đi kèm bên rầm rộ tiến vào trường. Đúng lúc Vua, Hoàng hậu chuẩn bị lễ chào cờ, thì bất ngờ học sinh nhất loạt ùa ra vây lại cùng túm áo Vua Bảo Đại và Nam Phương Hoàng hậu.

Tôi cũng liều lĩnh xông vào, tìm cách xé áo bào, chụp được cánh tay vua Bảo Đại, rồi bất ngờ cắn chảy máu tay ông ta.

Vệ binh Ngự lâm quân liền xông ngay đến can thiệp, định bắt tôi, thì vua Bảo Đại nhìn tôi và bảo lính ngự lâm đừng đánh học trò. Chúng tôi ùa ra giật hết nón của cảnh binh ném xuống cống nước... Hai mươi phút sau, xe cảnh binh Pháp đến giải tán đám đông đang phấn khích đó.

Vua và Hoàng hậu đều nhếch nhác, quần áo nhàu nát, dính đầy đất. Ngay sau đó hàng trăm học sinh của trường chúng tôi bị bắt vào bót Catina để cảnh sát điều tra xem ai đã tổ chức đánh Vua.

Chúng tôi trả lời rằng nghe phía ngoài cổng hô to “Đả đảo Vua Bảo Đại bù nhìn” nên bắt chước làm theo. Chúng tôi bị nhốt vào khám chẹt (loại phòng giam chật tới mức người tù chỉ có thể đứng mà không ngồi xuống được) chật cứng. Có bạn bị ngộp thở đến ngất xỉu.

Sau sự kiện trên, một số nhân sĩ Sài Gòn đã đứng ra ký tên đấu tranh với Toàn quyền Pháp. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã gửi kiến nghị yêu cầu Nhà nước Pháp phải thả số học trò ra khỏi tù để tiếp tục đi học.

Phía Pháp phải làm đúng theo hiệp ước không xâm phạm việc làm của Vua Việt Nam. Rồi chính Vua Bảo Đại cũng yêu cầu thả chúng tôi ra. Vài ngày sau, bốt Catina buộc phải thả các học sinh về trình giám hiệu nhà trường để tiếp tục học lại. Tuy nhiên, có ba mươi học sinh bị đuổi học do can tội túm áo, làm rách tay chảy máu Vua và Hoàng hậu.

Tôi cũng bị ông Nguyễn Thành Dung, Giám đốc Nha Học chánh Sài Gòn đuổi không cho đi học. Anh Rostte Lộc lại phải chạy lo lót, giúp tôi được học bổng theo chủ trương bảo hộ con mồ côi không có thân tộc, nên tôi mới được học trở lại. Bấy giờ tôi đã biết suy nghĩ hơn, biết phải cố học để có văn hóa, sau này không bị khổ.

Tôi vốn có sức học tốt, nên không khó khăn gì khi vượt qua những kỳ thi đó. Thương nhớ mẹ cha, tôi chỉ biết vùi đầu vào học tập. Tôi đã đậu điểm cao, lấy được bằng tốt nghiệp Thành chung (hết cấp II bây giờ) và học tiếp để lấy bằng tú tài.

*

Quận chúa Biệt động- Kỳ 2 ảnh 2
Đồng chí Phạm Văn Xô (bên phải) người nuôi Ngọc Diệp sau khi cả nhà cô bị địch sát hại

Mặc dù khi đi học tôi được bà ngoại chu cấp tiền, giám hộ của tôi là anh “Hai Xe Ngựa”. Nhưng ngày thì đi học, đêm tôi phải đi bán báo, bánh mỳ, đậu phộng rang để qua tai mắt của địch, dễ bề rải truyền đơn, dễ bề có cơ hội trả thù khi gặp Tây, để trả thù cho cha tôi, cho cả nhà tôi và bao nhiêu người khác.

Có những đêm mưa gió, rét run cầm cập, dù đang lang thang trên đường phố hay ngồi dưới gốc cây cổ thụ, dù ở bất cứ nơi đâu, tôi vẫn không nguôi ý chí trả thù.

Trong gia đình, chỉ có anh Rostte Lộc và anh Thế Lưu còn chăm lo cho tôi. Có rất nhiều đêm tôi nằm khóc một mình. Cho đến mãi tận bây giờ tôi vẫn tự hỏi: Tại sao bà ngoại không tìm tôi về để ở cùng bà? Và anh ruột mẹ tôi là Quan đốc Phủ sứ, sao không nuôi cháu? Rồi anh ruột mẹ tôi nữa là bác sĩ Quế - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy? Tất cả đều thờ ơ với tôi. Họ sợ bị liên lụy với mật thám Pháp, hay còn vì một lý do gì đó nữa?

Cho mãi tới những năm sau này, những kí ức tuổi thơ đầy nước mắt vẫn còn in đậm trong tôi. Những ngày sống trong “vinh hoa phú quý” như người xưa vẫn nói, với tôi chỉ là những ký ức xa mờ. Những chuyện buồn đau, những hình ảnh đầy máu và nước mắt đã theo tôi đi suốt cuộc đời.

Chúng như những thước phim quay chậm thỉnh thoảng lại hiện về trong tôi đêm đêm. Có lẽ vì vậy mà tôi cứng rắn và trưởng thành nhanh chóng. Sau này nhìn lại, chính tôi cũng không ngờ rằng mình đã không gục ngã, mà còn tự vượt qua được những tháng năm đầy sóng gió ấy.

*

Sau vụ tham gia phản đối vua Bảo Đại, bị bắt và được trả tự do ít lâu, tôi thực hiện trận đánh đầu tiên: Dùng lựu đạn ném vào tụi sĩ quan Pháp trước Rạp chiếu bóng Nguyễn Văn Hảo ở Sài Gòn. Trận đó, tôi đã giết được hai sĩ quan Pháp, làm bị thương một số tên khác.

Đó cũng là lần đầu tiên tôi giết người mà không hề run sợ, vì quá căm thù giặc Pháp đã sát hại cha mẹ mình. Tiếp đấy, trong khoảng một tháng, tôi còn hăng hái tiến hành hai trận đánh khác trên đường phố Sài Gòn, dùng súng ngắn bắn chết hai sĩ quan Pháp.

Tôi được anh Hai Xô vừa phê bình, vừa biểu dương. Phê bình là vì đã tự phát giết giặc, không có sự phân công giao nhiệm vụ của tổ chức, một mình tự hành động như thế là quá nguy hiểm. Còn biểu dương vì tinh thần dũng cảm. Anh Hai Xô đã kêu tôi là “Con nhỏ to gan lớn mật”. Biệt danh này, sau đó nhiều người gọi theo.

Cũng vì thành tích trên, sau khi tốt nghiệp xong tú tài bán phần, tôi được tổ chức Xứ ủy Nam Bộ cho sang Đông Cao Miên (Cambodes) học phản gián cùng với đồng chí Hai Văn, tức Phan Văn Đáng (3).

Chúng tôi rời Việt Nam lên đường từ ngày 10 tháng 7 năm 1952, đến Cao Miên ngày 27 tháng 8, thời gian học một năm. Tôi còn nhớ, trực tiếp phụ trách và giảng dạy ở trường là anh Năm Đời, tức đồng chí Hoàng Minh Đạo (4). Sau này, tôi được tin ông hi sinh trên sông Vàm Cỏ Đông năm 1969, khi đang trên đường đi công tác.

Tháng 8 năm 1953, lớp huấn luyện phản gián mãn khóa. Tôi được liên lạc của Xứ ủy Nam Bộ đón về nước cùng đồng chí Hai Văn để chuẩn bị cho kế hoạch hoạt động mới.

Một vinh dự lớn đã đến với tôi: Xứ ủy Nam Bộ đã xem xét việc kết nạp Đảng cho tôi. Có ý kiến cho rằng tôi còn trẻ, cần phải cho rèn luyện và thử thách thêm. Nhưng anh Hai Xô đã gạt đi và bảo: Đảng ta đang rất cần những người trẻ tuổi, có văn hóa và biết căm thù giặc như tôi.

Vậy là đầu năm 1954, tôi được kết nạp Đảng và trở thành đảng viên chính thức từ ngày 19 tháng 4 năm 1955.

(Còn nữa)

————————-

(1) Phạm Hùng (1912 – 1988): Ủy viên BCT, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (chức danh tương đương chức Thủ tướng hiện nay) nước CHXHCN Việt Nam từ 1987 – 1988.

(2) Phạm Văn Xô (1919 - 2005): Nguyên Thường vụ Trung ương Cục miền Nam, Chủ tịch Hội đồng Cung cấp tiền phương, Phụ trách Ban Tài chính đặc biệt N2683...

(3) Phan Văn Đáng (1918-1997): Sinh tại quận Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long; là Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam kể từ khi tái thành lập năm 1961 đến năm 1975.

(4)Hoàng Minh Đạo (1923-1969): Bí danh Năm Thu, Năm Đời, tên thật là Đào Phúc Lộc; sinh tại Móng Cái, Quảng Ninh; là người chỉ huy đầu tiên của ngành Tình báo Quân sự Việt Nam, Anh hùng LLVTND, nhân vật chính trong bộ phim truyền hình nhiều tập ”Con đường sáng”.

MỚI - NÓNG