Quận chúa Biệt động

Quận chúa Biệt động
TP- Là một chiến sĩ hoạt động bí mật, tình duyên và hôn nhân của bà Đặng Hoàng Ánh có nhiều éo le, trắc trở. Dưới đây, bà kể về một mối tình tưởng thoảng qua nhưng lại nhiều duyên nợ về sau của mình.

>> Kỳ trước

Kỳ 3: Lời tỏ tình đường đột của ngài Tỉnh trưởng

Quận chúa Biệt động ảnh 1
Trung tá Tỉnh trưởng Vĩnh Long Trần Văn Phước (người ngồi hàng đầu tiên, ngòai cùng bên trái)

Tháng 8 năm 1954, tôi thi đỗ vào Trường Đại học Y khoa Sài Gòn. Tôi học rất tốt, thường đạt điểm cao trong các kỳ thi, được bạn bè rất nể phục.

Lúc này hai miền Nam - Bắc đã sắp bị chia cắt. Tôi học khóa Y khoa Sài Gòn được một năm, thì nhà trường có  một kỳ thi tuyển sinh du học. Tôi quyết định nộp đơn xin thi thử, với mục đích để biết trình độ của mình đến đâu. Không ngờ, tôi đã đạt điểm “thủ khoa” và được trúng tuyển xuất ngoại du học. Mừng quá, tôi về báo tin ngay với anh Hai Xô, mà chỉ lo anh phê bình:

- Em chưa báo cáo tổ chức, nhưng cứ thi để biết sức học của mình thôi. Không ngờ dư điểm du học. Anh đừng phê bình em vô kỷ luật nha...

Không ngờ, anh Hai Xô kêu lên:

- Thế thì tốt rồi! Tổ chức đã có nghị quyết về đào tạo cán bộ trí thức, sẵn sàng tạo điều kiện cho cô út qua Pháp học thành tài, để về phục vụ Cách mạng lâu dài.

Tôi muốn hét lên vì sung sướng. Vậy là thi thử mà hoá thật. Trước khi đi du học, tôi được phép về thăm quê ngoại ở Vĩnh Long. Gia đình họ ngoại của tôi thuộc loại “danh gia vọng tộc” quyền thế và giàu có nhất nhì Vĩnh Long hồi đó. Cậu Trương Gia Thành của tôi từng là Đốc phủ sứ, (thường gọi là Đốc phủ Thành), còn cậu Trương Gia Quế (tức Docteur mé décine Quế) thì thường khám chữa bệnh cho cụ Phạm Thị Thân, mẹ của Tổng thống Ngô Đình Diệm(*). Bà ngoại tôi từng cho giám mục Ngô Đình Thục, anh trai của Diệm mượn nhà để ở (thủa ông ta còn hàn vi), nên gia đình nhà ngoại tôi có mối quan hệ khá đặc biệt với gia đình Ngô Đình Diệm. Năm ấy, ngoại tôi đã gần trăm tuổi, nhưng còn rất minh mẫn và thương tôi hết mực, vì mồ côi từ nhỏ.

Hai ông cậu anh của mẹ tôi (miền Bắc gọi là bác, miền Nam gọi là cậu) đều không ngờ một đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ khốn khổ như tôi mà lại còn học giỏi và đỗ đạt cao như vậy. Họ rất tự hào về tôi.

Tại đây, như duyên số trời định, lần đầu tiên tôi đã gặp Trung tá Trần Văn Phước - Tỉnh trưởng tỉnh Vĩnh Long, một người đàn ông mà cho tới cuối đời vẫn còn khiến tôi đau khổ, dằn vặt và thương nhớ khôn nguôi.

Anh Phước lớn hơn tôi bảy tuổi. Mãi sau này, qua tìm hiểu tôi mới biết cha mẹ và hai em của Phước đã bị quân Nhật sát hại năm 1944. Anh được đồng chí Phạm Thành, Tổng cục trưởng Hậu cần Khu 9 nhận làm con nuôi, được giác ngộ và kết nạp Đảng từ rất sớm. Trần Văn Phước cùng con trai của đồng chí Phạm Thành là Phạm Thanh đã được ông Ngô Đình Thục đỡ đầu, cho sang Pháp du học. Cả hai người đều học rất giỏi, sau khi tốt nghiệp loại ưu Đại học Luật tại Pháp, Phước và Thanh được Ngô Đình Thục giới thiệu với Ngô Đình Diệm. Trần Văn Phước được bổ nhiệm làm Tỉnh trưởng Vĩnh Long, còn Phạm Thanh là Giang đoàn trưởng Hải quân của “Quân lực Việt Nam Cộng hòa”. Nhưng năm 1957, anh Phạm Thanh bị lộ và đã bị bọn mật vụ của Ngô Đình Nhu thủ tiêu rất dã man.

Tôi không hề nhớ là hồi nhỏ, tôi và anh Phước đã từng gặp nhau. Tôi cũng không hề biết rằng, chúng tôi đã được hai bên gia đình cha mẹ hứa gả cho nhau. Bẵng đi một thời gian dài tuy chưa gặp lại, nhưng anh Phước đã nghe mọi người giới thiệu về tôi rất kỹ. Thậm chí, chỉ mới xem qua hình, anh đã đồng ý cưới tôi làm vợ. Thông qua bà mối, hai gia đình đã tiến hành làm đám hỏi vắng mặt tôi. Nên khi được tin tôi về, anh Phước đã ghé thăm. Gia đình cũng chuẩn bị cho cuộc gặp mặt của chúng tôi khá chu đáo, để tôi không cảm thấy bị đột ngột và ép buộc.

Hồi đó, người như anh Phước - mới ba mươi tuổi mà đã là “quan đầu tỉnh”, lại đẹp trai, có trí thức và đầy quyền thế trong tay - là mơ ước của biết bao thiếu nữ.

Có lẽ cái ấn tượng rất mạnh của lần đầu gặp gỡ ấy, khiến cho tới tận bây giờ tôi vẫn như thấy hình ảnh Phước mặc bộ Complé sẫm màu, sơmi trắng, càvạt thắt đúng mốt, tóc cắt kiểu carê(*) trẻ trung, tươi tắn, điển trai, lịch lãm từ trong chiếc xe hơi sang trọng bước ra. Đi theo anh, ngoài lái xe còn có người lính hầu và thư ký giúp việc. Khi nghe giới thiệu ngài Luật sư, Trung tá Trần Văn Phước, Tỉnh trưởng tỉnh Vĩnh Long, tôi rất ngỡ ngàng, không tin vị Tỉnh trưởng lại trẻ đến thế!

Khi người nhà giới thiệu tôi với anh, tôi chợt thấy Phước đỏ mặt, bối rối và lúng túng thực sự. Trái tim con gái mách bảo tôi rằng: Phước đã yêu và thậm chí còn si mê tôi từ cái nhìn đầu tiên.

Nhưng anh đã rất sai lầm, khi quá tự tin, đã tỏ tình và xin cưới tôi ngay trong lần gặp gỡ đầu tiên ấy. Trong thâm tâm, tôi cũng rất có cảm tình với Phước. Trái tim tôi cũng bồi hồi xao xuyến từ cái nhìn đầu tiên. Nhưng để yêu và cưới tức thì như anh muốn, thì tôi chưa hề được chuẩn bị xíu xiu gì về tinh thần.

Bởi thế, nên mặc dù bà ngoại, hai cậu của tôi và một số người trong gia đình ra sức vun vào, gần như ép buộc, nhưng tôi vẫn kiên quyết từ chối lời tỏ tình và cầu hôn của Tỉnh trưởng Trần Văn Phước.

Có lẽ Phước cũng ngạc nhiên, khi thấy tôi từ chối. Nhưng chắc anh cho rằng con gái chỉ vờ “làm cao” vậy thôi. Trước khi tạm biệt, anh nói nhỏ, giọng nài nỉ:

- Tối nay tại Dinh Tỉnh trưởng có tổ chức một tiệc nhỏ, mời rất ít khách, sau tiệc vui có nhảy đầm. Tôi muốn mời Ngọc Diệp tới dự, vì hôm nay là ngày sinh nhật của tôi. Nếu em từ chối, bữa tiệc sẽ chẳng còn ý nghĩa gì nữa.

Tôi đã định từ chối lời mời của Phước thật, nhưng thấy anh nói tới sinh nhật, nên còn đang phân vân thì bà ngoại và các cậu đã giục tôi nhận lời. Tôi đành miễn cưỡng gật đầu.

Chập tối hôm đó, tôi trang điểm nhẹ. Định mặc áo dài trắng kiểu nữ sinh Sài Gòn, nhưng chợt nhớ ra có nhảy đầm, tôi chọn một chiếc váy xanh nhạt. Tôi nhìn mình trong gương và mỉm cười. Quả thật, từ ngày cha mẹ mất, rất ít khi tôi có điều kiện ăn diện như bạn bè cùng trang lứa. Công bằng mà nói, ơn trời và cha mẹ đã cho tôi một nhan sắc không đến nỗi nào.

Gần tám giờ tối, anh Phước cho xe tới đón. Người lái xe đã lớn tuổi, nhưng ông lịch sự gọi tôi là “cô Hai” và luôn miệng “dạ thưa”:

- Dạ thưa, mời cô Hai lên xe, ngài Tỉnh trưởng đang chờ ạ.

Tôi đắn đo, rồi quyết định nói với người lái xe:

- Thưa chú, thực ra ra con hổng muốn đi, nhưng nể ngài Tỉnh trưởng quá. Con chỉ muốn vô chừng mươi phút, trình diện và chào mọi người, rồi chú cho con nhờ xe về  nhà luôn nha ?

- Dạ như thế đâu có được. Bữa tiệc tối nay cô Hai là nhân vật chính mà. Làm như thế, ngài Tỉnh trưởng sẽ quở trách, coi chừng tui mất việc, vợ con hết nhờ luôn.

- Sao con lại là “nhân vật chính” được? Bữa nay sinh nhật ngài Tỉnh trưởng mà?

- Mời cô Hai cứ vô trong khắc rõ à.

Tỉnh trưởng Trần Văn Phước ra tận nơi mở cửa xe và đón tôi. Nhìn nét mặt anh tự tin và rất vui, chứ không lúng túng, tội nghiệp như hồi sáng.

Lần đầu tiên bước vô Dinh Tỉnh trưởng, cái gì cũng lạ, cũng khiến tôi tò mò. Tôi càng lạ hơn khi phòng tiệc chỉ có hơn chục người, kể cả ban nhạc, lại không có vẻ gì là một bữa tiệc sinh nhật. Tôi rất ngạc nhiên vì trong số khách mời có cả anh Hai Văn (tức Phan Văn Đáng)(*) và dược sĩ Hà Hồng Lạc (là cháu họ, gọi tôi bằng cô). Họ đều là bạn thân của Tỉnh trưởng Trần Văn Phước ư?

- Xin lỗi Ngọc Diệp - Tiếng anh Phước nói vừa đủ nghe - Tôi phải làm vậy để em không từ chối. Thực ra đây là bữa tiệc nhỏ, tôi muốn dành cho em sự bất ngờ và thật vui trước khi em rời tỉnh lẻ về lại Sài Gòn.

Anh Phước đã không biết rằng tôi sắp sang Pháp du học, tưởng tôi chỉ học Đại học ở Sài Gòn. Và tôi cũng không dám nói thật.

Bây giờ thì đến lượt tôi lúng túng và bối rối.

Tôi không nghe rõ anh đã nói gì với mọi người, chỉ thấy xung quanh mình tiếng vỗ tay ran ran.

Rồi mọi người nổ rượu sâm banh và chạm cốc; rồi tiếng nhạc ru dương cất lên...

Phước mời tôi nhảy. Tôi như người trong mơ. Nhưng tôi vẫn nghe rõ tiếng anh:

- Những điều anh nói với em hồi sáng. Giờ em nghĩ sao?

- Em đã trả lời anh rồi mà.

- Anh không nghĩ vậy. Nếu em đồng ý, chúng ta sẽ làm đám cưới...

- Em còn nhỏ. Em còn phải đi học mà.

- Thì cưới rồi, em vẫn đi học, có sao đâu. Anh sẽ lo cho em tất cả. Anh biết là em đã tự lập từ bé, nhưng giờ có anh giúp, em sẽ đỡ vất vả hơn.

- Em đã hứa với vong linh cha mẹ em là phải học xong đã rồi mới tính chuyện chồng con. Nếu anh còn thương em, thì ráng đợi em học xong. Biết đâu, khi đó anh sẽ chọn được người xứng đáng với anh hơn em?

Phước còn nói thêm nhiều lắm. Nhưng lúc đó tôi thấy anh Hai Văn nhìn tôi cười. Tôi không hiểu ý anh. Đầu óc tôi rối bời.

Thấy tôi im lặng, Phước rất buồn. Anh nói rằng hi vọng tôi sẽ nghĩ lại. Và anh sẽ chờ đợi câu trả lời của tôi sau khi kết thúc khóa học trở về...

-----------

(*) Ngô Đình Diệm (1901 -1963): Tổng thống đầu tiên của Chế độ Việt Nam Cộng hòa tại miền Nam trước đây, có cha là Ngô Đình Khả và mẹ là Phạm Thị Thân.

(*) Care: kiểu tóc cắt như đầu đinh hiện nay.

(*) Phan Văn Đáng (1918 -1997): Nguyên Phó Bí thư Trung ương cục miền Nam.

Sau này, Trần Văn Phước được Chính quyền Sài Gòn điều lên Cao nguyên làm Tỉnh trưởng tỉnh Tuyên Đức (nay đã nhập vào Lâm Đồng) một năm, thì út Diệp (lúc này đã được gọi là Ba Diệp) cũng được điều lên làm việc ở Bệnh viện Đà Lạt. Hai người bất ngờ, bối rối nhận ra nhau. Nhưng khi đó, Ba Diệp đã có chồng và đang mang thai đứa con đầu lòng.

Thấy người mình yêu đã lấy chồng và có con, Trần Văn Phước chán nản và thất vọng tới mức có lần ông mượn cớ sinh nhật, sau khi uống say, ông đã tự rút súng bắn thủng bụng mình trước mặt Ba Diệp (tức út Diệp), khiến cho chị phải đưa đi cấp cứu, trực tiếp cầm dao phẫu thuật lấy đầu đạn ra... Sau này, để tạo bình phong cho Ba Diệp dễ dàng hoạt động, Trần Văn Phước đã làm thủ tục đăng ký kết hôn để Ba Diệp được gọi là “Tỉnh trưởng phu nhân”. Nhưng hai người chưa bao giờ là vợ chồng thực sự.

Cũng từ đó cho đến cuối đời, “C16” - Trần Văn Phước đã không chịu yêu và cưới một người phụ nữ nào. Năm 1963, ông bị lực lượng đảo chính của Dương Văn Minh bắt giam biệt tích. Năm 1968, như sự sắp đặt của số phận, ông được Ba Diệp cứu thoát tình cờ tại Đà Lạt trong cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân- 1968. Trần Văn Phước đã trở thành  “Thương phế binh có công” và được Chính quyền Sài Gòn thăng hàm tới cấp Trung tướng. Sau ngày giải phóng miền Nam, ông vẫn hoạt động bí mật trên mặt trận Ngoại giao - Kinh tài cho Cách mạng hàng chục năm nữa. Năm 2004, ông mất trong một tai nạn máy bay thảm khốc.

MỚI - NÓNG
Độc lạ 'bến đèn pin' buôn bán hải sản sớm tinh mơ
Độc lạ 'bến đèn pin' buôn bán hải sản sớm tinh mơ
TPO - Khoảng 4h kém, khi mặt trời còn chưa lên, những chiếc thuyền thúng của ngư dân làng chài An Hải, Thôn Phước Đồng, xã An Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên nhẹ nhàng vượt sóng vận chuyển cá, mực… từ ghe đưa vào bờ. Mỗi người đều đội trên đầu một chiếc đèn pin soi sáng để phân chia từng loại hải sản. Bến cá không quá đông đúc do người mua bán chủ yếu là các hộ dân sinh sống nơi đây và một số thương lái đến thu mua hải sản để phân phối lại cho các nhà hàng.