Học sinh bỏ học:

Con số thực tế khác xa thống kê của Bộ GD&ĐT

Con số thực tế khác xa thống kê của Bộ GD&ĐT
TP - Từ đầu 2008, liên tiếp thông tin chuyện HS bỏ học. Sau đó, Bộ GD&ĐT cho rằng “nhận định bỏ học tràn lan như một số báo đã nêu là không đúng”. Tuy nhiên, theo điều tra của nhóm PV TP, con số do Bộ GD&ĐT công bố khác xa so với con số thực tế.

Nếu tính cả số học sinh bỏ học từ trước khai giảng, số học sinh ở tỉnh Khánh Hòa bỏ học từ đầu năm học đến hết học kỳ 1 là trên 14.000 em. Nhưng trong thống kê do Bộ GD&ĐT công bố, chỉ có 1.034 học sinh Khánh Hòa bỏ học.

Khoảng cách giữa những con số

Theo báo cáo của Phòng GD&ĐT huyện Khánh Vĩnh, trong học kỳ 1 năm học 2007 - 2008, ở Khánh Vĩnh chỉ có 33 học sinh tiểu học và 4 học sinh THCS bỏ học.

Theo đó, tỷ lệ học sinh tiểu học bỏ học là 0,76% và tỷ lệ học sinh THCS bỏ học là 0,22%. Đây có thể xem là một tỷ lệ khả quan đối với huyện nghèo, có gần 90% dân số là đồng bào dân tộc ít người.

Thế nhưng, đó chỉ là một phần nhỏ của sự thật. Cũng theo báo cáo của Phòng GD&ĐT Khánh Vĩnh, trước ngày khai giảng năm học 2007 - 2008 đã có 118 học sinh tiểu học và 352 học sinh THCS bỏ học.

Tính chung, từ đầu năm học cho đến hết học kỳ 1, có đến 3,5% số học sinh tiểu học và 16,7% số học sinh THCS của Khánh Vĩnh bỏ học. Tại huyện Khánh Sơn, tỷ lệ học sinh tiểu học bỏ học là 3,8% và tỷ lệ bỏ học ở cấp THCS là 7,6%.

Ở cấp tỉnh, thống kê chính thức của Sở GD&ĐT Khánh Hòa cho biết trong học kỳ 1 năm học 2007 – 2008, có 1.423 HS bỏ học. Nếu tính cả số học sinh bỏ học từ trước khai giảng, số học sinh Khánh Hoà bỏ học từ đầu năm học đến hết học kỳ 1 là trên 14.000 em.

Nhưng trong thống kê do Bộ GD&ĐT công bố, chỉ có 1.034 học sinh Khánh Hòa bỏ học (399 học sinh tiểu học, 518 học sinh THCS, 117 học sinh THPT). Giữa 1.034 và 1.423, những con số vênh nhau gần 30%. Nhưng nếu so giữa 1.034 và 14.000, sự chênh lệch là hàng chục lần.

Nếu Bộ GD&ĐT cũng tính đúng tính đủ như các địa phương ở Khánh Hòa, tổng số học sinh cả nước bỏ học trong năm học này có phải chỉ là hơn 119.000 em như báo cáo? Có thể cho rằng số học sinh bỏ học đã giảm nhiều so với các năm học trước?!

Con số thực tế khác xa thống kê của Bộ GD&ĐT ảnh 1
Niê Y Hiu chỉ thích chơi game, nhuộm tóc vàng, không thích học

Chưa thẳng thắn nhìn nhận vấn đề

Ngoài trường cấp 2 – 3 Lạc Long Quân, ở huyện Khánh Vĩnh chỉ có 2 trường THCS là trường Nguyễn Thái Bình và trường Lê Văn Tám.

Cả hai trường đều có nhiều học sinh bỏ học. Cùng các thầy cô giáo đến thôn Ba Dùi (Khánh Bình), thôn Ba Cẳng (Khánh Hiệp), thôn Bến Lội (Sơn Thái)… vận động học sinh trở lại lớp, tôi mới hiểu sự vất vả của họ không chỉ là chuyện vượt suối, leo dốc đến những nơi xa 10 – 15 km.

Lần thứ tư đến xóm Cao Mô Xê (thôn Ba Dùi), cô giáo Nguyễn Thị Lợi vẫn không gặp được Cao Văn Thánh và Cao Thị Trúc, hai HS người dân tộc Raglay ở lớp 6.4, trường THCS Nguyễn Thái Bình của cô.

Thánh lại trốn cô giáo, còn Trúc đi chặt mía thuê. Mẹ Trúc nói Trúc phải phụ mẹ nuôi 2 đứa em, chỉ đi học nếu có lớp ở gần nhà…

Ở thôn Ba Cẳng, cha mẹ của những học sinh người Ê Đê bỏ học đều nói, con họ không đi học được vì xe đạp hỏng. Nhưng nghe cô giáo gặng hỏi, Nie Y The thật thà đáp: “Không thích ở nhà chăn bò, cũng không thích đi học”. Không thích đi học, nên Y The và các bạn bỏ mặc xe hỏng để có cớ không đến trường.

Con số thực tế khác xa thống kê của Bộ GD&ĐT ảnh 2 Bộ GD&ĐT chưa thẳng thắn nhìn nhận vấn đề này, chưa đánh giá đầy đủ, cụ thể nguyên nhân học sinh bỏ họcCon số thực tế khác xa thống kê của Bộ GD&ĐT ảnh 3 - Ông Lê Xuân Thân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa

Ông Đrao Y Thước là giáo viên trường TH Khánh Bình nhưng cũng để con trai Niê Y Hiu bỏ học.

“Nó không thích học nữa, tôi biết làm sao!” - Ông nói tỉnh bơ khi gặp giáo viên. “Nó đi học không biết làm rẫy, cũng không được lên lớp, tôi cho nó cưới chồng thôi” – Đó là lời ông Hà Lốt người dân tộc Tril ở xã Sơn Thái, cha của một nữ sinh lớp 6 là Cà Thê A nói với thầy giáo Nguyễn Minh Hùng, Hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám…

“Nhiều học sinh và cha mẹ các em không thiết tha với việc học, nên để giữ được sĩ số lớp học phải thật kiên nhẫn động viên, vừa dạy vừa dỗ HS, nặng lời dọa là hỏng hết!” - Các giáo viên ở Khánh Vĩnh đều nằm lòng điều này.

Hầu hết học sinh Khánh Vĩnh bỏ học thuộc dân tộc ít người, dù các em không phải mua sách giáo khoa, mỗi em được cấp 15 - 17 quyển vở/năm học, học bổng 45.000đ – 120.000đ/tháng.

Nhà xa lớp, đời sống khó khăn, bị lưu ban, cưới vợ cưới chồng…, đó là những nguyên nhân khiến các em bỏ học. Nhưng nhiều giáo viên cho rằng, có nguyên nhân chung đằng sau hầu hết các nguyên nhân trên. Đó là, tính thực tiễn, mức độ phù hợp với nhiều đối tượng học sinh của chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa chưa cao, nên nhiều em học không nổi, chán học.

“Bộ GD&ĐT chưa thẳng thắn nhìn nhận vấn đề này, chưa đánh giá đầy đủ, cụ thể nguyên nhân học sinh bỏ học” – Ông Lê Xuân Thân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nói vậy sau khi đi nhiều nơi trong tỉnh để khảo sát tình hình học sinh bỏ học. 

-----------------

Còn nữa

Nguyễn Đình Quân

MỚI - NÓNG