Nhiều cánh đồng bị hoang hoá do CNH tràn lan

Nhiều cánh đồng bị hoang hoá do CNH tràn lan
Bắc Ninh vẫn chưa có số liệu thống kê chính thức về diện tích đất nông nghiệp không thể canh tác được do công nghiệp hoá tràn lan gây ô nhiễm nặng, trong khi đó ông Giám đốc Sở TN-MT khẳng định "không có diện tích nào bị ô nhiễm".
Nhiều cánh đồng bị hoang hoá do CNH tràn lan ảnh 1
Công nghiệp hóa tràn lan khiến nhiều cánh đồng đang bị hoang hóa. Hình ảnh chỉ mang tính minh họa.

Song chỉ bằng mắt thường ai cũng nhận thấy không ít cánh đồng xung quanh các cụm công nghiệp Mả Ông, Châu Khê (huyện Từ Sơn), Phong Khê (TP Bắc Ninh)... đang từng ngày bị hoang hoá.

Mỗi ngày 1.000 m3 nước nóng "tưới" cho cây lúa

Từ năm 2004, cụm công nghiệp Mả Ông (xã Đình Bảng) đi vào hoạt động, gần như toàn bộ khu cánh đồng Ba Liêm của nông dân thôn Trịnh Xá (xã Châu Khê) không thể cày ải được do toàn bộ nước thải của cụm công nghiệp (CCN) đã dồn cả ra cánh đồng này.

Ông Nguyễn Thế Thịnh ở thôn Trịnh Xá cho biết "từ 10 đêm đến 4 giờ sáng, 25 doanh nghiệp cán đúc thép của CCN thải ra trên 1.000 m3 nước nóng khiến cho cây lúa không lớn lên được. Hiện đang là mùa khô nhưng lúc nào cánh đồng cũng đầy nước. Mùa mưa , nước không biết tiêu đi đâu, cây lúa luôn trong tình trạng bị úng ngập".

Trước đây khi chưa có CCN, năng suất lúa bình quân của thôn đạt từ 190 - 200 kg/sào nhưng nay cho dù chăm sóc tốt cũng chỉ còn trên dưới 100kg/sào, cây lúa thường bị đổ và nhiễm bệnh, nhiều hộ dân đã phải bỏ ruộng hoang.

Toàn xã Châu Khê hiện có khoảng 8 ha ruộng bị ảnh hưởng, hoặc dừng không canh tác, hoặc có cấy lúa nhưng để ngỏ, được ăn, hỏng bỏ, người dân không thiết đến việc chăm sóc.

CCN Mả Ông có diện tích 5 ha đi vào hoạt động từ năm 2004 với 25 doanh nghiệp chuyên cán đúc thép, tạo việc làm cho gần 1.500 lao động. Gần 5 năm hoạt động nhưng CCN này vẫn chưa xây dựng được hệ thống xử lý nước thải. Toàn bộ lượng nước làm mát máy của các cơ sở thải ra với nhiệt độ rát cao được xả thẳng vào hệ thống kênh tưới tiêu rồi chảy vào ruộng lúa.

Không ít lần người dân thôn Trịnh Xá, chính quyền xã Châu Khê làm đơn kiến nghị lên các ngành chức năng và UBND xã Đình Bảng để tìm biện pháp khắc phục nhưng đến nay mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thạc Vinh, Chủ tịch UBND xã Đình Bảng cho biết: xã đã ký kết với Công ty Khai thác công trình thuỷ nông Bắc Đuống xây dựng dự án hồ chứa nước và có trạm bơm tiêu thoát ra sông. Theo kế hoạch công trình phải hoàn thành, đưa vào sử dụng vào cuối năm 2006, chấm dứt tình trạng đổ nước ra cánh đồng nhưng do những vướng mắc về thủ tục hành chính nên đến nay dự án vẫn chưa thể thi công.

Ngoài diện tích trên, hiện ở Châu Khê còn có khoảng 9 ha đất nông nghiệp "bờ xôi, ruộng mật" bị bỏ hoang thành nơi chất phế thải đã 5 năm nay khiến hàng chục hộ dân hết sức bức xúc.

Ông Phạm Văn Thinh, Chủ tịch UBND xã cho biết: Đây là diện tích đất của dự án xây dựng khu đô thị mới và dự án CCN Châu Khê mở rộng nhưng chưa giải phóng xong mặt bằng, một số hộ dân chưa nhận tiền đền bù nên dự án còn dở dang.

Vậy là cứ mỗi năm 2 vụ lúa nhân với 5 năm, năng suất bình quân 54 tạ/ha/vụ thì trong những năm qua, 9 ha này đã mất đi 4.860 tạ thóc mà không sinh lời được đồng nào, thiệt hại ước hơn 600 triệu đồng/năm. Tính chung cả 5 năm qua, tổng mức thiệt hại ước không dưới 1,5 tỷ đồng.

So với phát triển công nghiệp, con số này không thấm tháp vào đâu nhưng so với mức thu nhập hàng năm của các hộ dân không làm thêm nghề phụ nơi đây thì đây là điều đáng bàn.

Đi sâu tìm hiểu, chúng tôi được biết nguyên nhân chính dẫn đến việc dự án "treo" dài dài là do công tác quản lý đất đai của xã trước đây thiếu công bằng, dân chủ. Có những vụ việc dù đã có kết luận thanh tra, kiểm tra nhưng cán bộ sai phạm lại không được xử lý đến nơi, đến chốn khiến người dân mất lòng tin, nhiều hộ kiên quyết không nhận tiền đền bù nên hàng trăm nghìn mét vuông đất vẫn phải bỏ hoang.

Mặt khác, trong khi dự án chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì từ vụ mùa năm 2003, lãnh đạo xã đã yêu cầu người dân dừng cấy lúa, gây lãng phí lớn.

Khói, bụi và nước thải "đốt cháy" cả cánh đồng

Tương tự như ở Châu Khê, từ chục năm nay, hơn 200 mẫu đất nông nghiệp của xã Phong Khê (thành phố Bắc Ninh) đã nhường chỗ cho CCN và chỗ để nước thải chảy ra.

Khói, bụi và nước thải đã "đốt cháy" cả khu cánh đồng Cầu Tiên rộng gần 3 ha ngay trước cửa UBND xã, diện tích này trước luôn cho sản lượng cao nay phải bỏ hoang vì trồng cây gì cũng không sống được. Nhiều thửa ruộng ở những cánh đồng lân cận cũng trong tình trạng tương tự.

Trong số 496 mẫu đất nông nghiệp còn lại của xã thì có tới 30% diện tích không thể canh tác được vì bị ô nhiễm quá nặng, số còn lại được tưới bằng 100% nước thải nên năng suất trồi sụt. Ông Nguyễn Văn Huệ, Trưởng thôn Dương Ổ than thở: cả thôn giờ chỉ còn gần 6 ha ruộng nhưng do bị ô nhiễm nặng qua mấy năm làm giấy nên phải bỏ hoang, nhiều gia đình đang lâm vào tình trạng không có đất sản xuất.

Toàn xã Phong Khê có trên 200 dây chuyền sản xuất giấy, mỗi ngày cho ra lò hơn chục tấn giấy thành phẩm nhưng không cơ sở nào có hệ thống xử lý nước thải, mỗi ngày đêm trên 3.000 m3 nước thải mang theo các hoá chất javel, flo, phẩm màu... đều tống thẳng ra cánh đồng đã biến nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp ở các khu đồng Chùa, Bờ Hồ, Cầu Tiên... trở thành vùng đất "chết".

Theo Chu Thanh Vân
TTXVN

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG