Dịch tiêu chảy cấp bùng phát, vì sao ?

Dịch tiêu chảy cấp bùng phát, vì sao ?
TP - Vì sao dịch tiêu chảy cấp trong đó có những ca tả tưởng chừng chỉ còn trong dĩ vãng lại bùng phát ngay giữa thủ đô vào những năm đầu TK21 này?

Câu trả lời đã được người đứng đầu Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm nước ta lý giải: Do thói quen ăn uống mất vệ sinh, đặc biệt là ở các quán ăn đường phố.

Điều này hoàn toàn đúng và hẳn ai cũng biết. Song vì đâu giữa thời đại văn minh rồi mà dân ta vẫn còn giữ được thói quen lạc hậu mà tai hại này, thì dường như ông Cục trưởng chưa thấy nhắc tới. Phải chăng đó chính là trách nhiệm đảm bảo VSATTP cho dân chúng của Cục này (cùng các ban ngành liên quan khác)?

Trách nhiệm ở đây chính là một hệ thống luật về VSATTP cùng các chế tài đủ mạnh, đủ nghiêm để muốn “ăn bẩn” cũng không có chỗ mà ăn, điều đó đồng nghĩa với việc muốn “bán bẩn” cũng không dám và không thể. 

Còn nhớ, năm ngoái một cơ sở làm bánh phở phoóc môn giữa thủ đô khi bị phát hiện đã ngang nhiên chửi bới, đe dọa hành hung cả đoàn thanh tra mà cũng chỉ phải nộp phạt có 10 triệu đồng; một siêu thị lớn như Big C bán bánh cuốn có hàn the cũng chỉ nộp phạt có 4 triệu; hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm từng xảy ra trên cả nước kết cục cũng chả thấy ai bị cấm hành nghề vĩnh viễn hay ra tòa cả.

Xét nghiệm mới đây nhất của Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư cho thấy hầu hết rau sống đều nhiễm vi khuẩn đường ruột E.Coli, Coliform, Cl.perfringens…  thậm chí nước rửa tay của người bán thịt chó ở Tân Mai (Hà Nội) cũng nhiễm vi khuẩn tả, song điều đáng ngạc nhiên là không thấy có thông báo một ai trong số những người bán rau, bán thịt chó trên bị nêu tên hay xử phạt.

Với cách hành xử này, ai dám chắc vi khuẩn tả, hàn the, phoóc môn cùng nhiều loại hóa chất độc hại khác trong thực phẩm sẽ không tái xuất ?

Trong khi đó, một người Việt kinh doanh đồ ăn trong một nhà hàng loại bình dân tại Berlin (CHLB Đức) từng cho tôi biết, anh và tất cả các cửa hàng khác đều phải tự giác tuân thủ nghiêm ngặt các qui định về VSATTP của Đức, bởi nếu bị phát hiện sai phạm, tùy theo mức độ sẽ bị phạt rất nặng hoặc cấm hành nghề vĩnh viễn và thậm chí là ra tòa.

Cần nói thêm rằng, công tác VSATTP của chúng ta xưa nay nặng về tuyên truyền, nào là “tháng hành động” này, đợt “ra quân” nọ rất rầm rộ với đầy đủ diễn văn, cờ hoa, biểu ngữ, diễu hành.

Rồi những đợt thanh kiểm tra nhà hàng, quán ăn, cơ sở chế biến… thường gồm cả đoàn liên ngành đông đảo cùng báo giới quay phim chụp ảnh... Chỉ tiếc rằng, xong rồi đâu lại hoàn đấy, chỉ khi nào có dịch hay đến “Tháng VSATTP” năm sau mới lại “ra quân”…

Với cách làm hình thức trên, không có gì lạ khi chỉ trong vòng 6 tháng qua, dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm đã hoành hành tại Việt Nam tới 3 lần và trớ trêu thay Thủ đô Hà Nội lại là “trung tâm” của dịch bệnh. Đáng lo ngại là lần này bệnh tả đã lan tới cả 3 miền, với 18 tỉnh thành trên cả nước có người mắc bệnh.

“Quá tam ba bận”, đây là dịp để chúng ta thay đổi tư duy về quản lý VSATTP, đảm bảo chức năng quản lý nhà nước phải bằng luật pháp hữu hiệu, kiên quyết và triệt để, chứ không nặng về phát động phong trào như hiện nay. 

MỚI - NÓNG