Dịch giả Hiệu Constant:

Không phải mọi tác phẩm được dịch đều có tiếng vang

Không phải mọi tác phẩm được dịch đều có tiếng vang
TP - Nhanh nhẹn, nhiều ý tưởng, Hiệu Constant gây ấn tượng “có lửa”. Đến nay chị đã dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Việt 12 cuốn tiểu thuyết, chị còn in nhiều truyện ngắn và hiện đang viết tiểu thuyết.
Không phải mọi tác phẩm được dịch đều có tiếng vang ảnh 1
Dịch giả Hiệu Constant

Tên thời con gái là Lê Thị Hiệu, sinh năm 1971 tại Thường Tín, Hà Tây, học Đại học Tổng hợp Hà Nội khoa Tiếng Pháp, chị kết hôn với anh Claude Constant - một kỹ sư cầu đường người Pháp và theo chồng sang định cư tại Paris hơn 10 năm nay.

Nhân dịp Hiệu Constant về Việt Nam, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chị.

Đời sống dịch giả và nhà văn người Việt bên Pháp ra sao, thưa chị?

Tôi có may mắn được quen biết một số nhà văn và dịch giả gốc Việt, và qua báo chí được biết thêm về cuộc sống của một số nhà văn và dịch giả nổi tiếng gốc Việt hiện đang sinh sống tại Pháp. Nói thêm, số này cực ít nếu so với số lượng nhà văn đến từ các nước láng giềng của chúng ta.

Theo tôi, văn chương theo đúng nghĩa là phải tìm tòi, phải sống, phải đúc kết những kinh nghiệm của không chỉ một cộng đồng bé nhỏ (mặc dù điều này là không thể thiếu trong mỗi tác phẩm).

Còn hiện giờ, một số nhà văn Việt Nam chuyên nghiệp (tức là viết để sống, bỏ hẳn nghề nghiệp trước đây của mình để theo nghề viết), đang theo chân các nhà văn Pháp: cứ vài tháng họ lại cho ra đời một tác phẩm dài và được gọi ngay là Best sellers, nhưng theo tôi, đa phần những tác phẩm đó dù có bán rất chạy trước mắt nhưng không thể sống cùng thời gian được.

Nhiều nhà văn và dịch giả Việt sống tại Pháp có các “Mạnh Thường Quân” phù trợ về mặt tài chính, đảm bảo cho cuộc sống hàng ngày. Số còn lại phải đi làm một nghề khác, và phần lớn, nghề viết văn hay dịch sách chỉ là nghề tay trái mà thôi.

Nghe nói chị có kế hoạch dịch ngược từ tiếng Việt sang tiếng Pháp? Khuynh hướng chọn các tác phẩm của chị?

Vâng, tôi đang có ý định đó. Tiếng Pháp là một thứ ngôn ngữ khó, và nhất là phải viết cho thật văn chương, bạn đọc Pháp rất khó tính trong vấn đề này.

Đôi khi họ chấp nhận một dịch giả dịch một cuốn sách có phần nội dung không thật sát với bản gốc nhưng ngôn ngữ được diễn đạt trong tiếng Pháp phải thật nhuần nhuyễn và hay.

Chính vì thế mà cho đến nay có rất ít dịch giả Việt nam chấp nhận làm công việc này, mặc dù họ cũng rất muốn, nhưng chắc do phải mất rất nhiều công sức và thời gian, và tiền thu được sau một tác phẩm cũng không cao…

Còn khuynh hướng chọn tác phẩm của tôi? Điều căn bản khi tôi chọn dịch một tác phẩm đó là tác phẩm đó phải bộc lộ được những nét tiêu biểu của đời sống xã hội Việt Nam, từ con người, đất nước đến tính cách và cuộc sống của các nhân vật phải thật điển hình…

Bên Pháp có những nhà xuất bản nào sẵn sàng in tác phẩm của nhà văn người Việt, thưa chị?

Hầu như toàn bộ các nhà xuất bản Pháp đều sẵn sàng in các tác phẩm của Việt nam, miễn sao tác phẩm đó hay và có giá trị văn chương. Nhưng theo chỗ tôi được biết, họ có xu hướng dễ dàng chấp nhận một tên tuổi nào đó đã được dịch ra tiếng Pháp từ hơn một lần rồi. Họ cũng thích làm việc với một dịch giả đã nổi tiếng. Nhiều hơn cả có Nhà xuất bản Aube, có trụ sở chính ở miền Nam nước Pháp.

Tôi xin nói thêm đây là một NXB chuyên in những tác phẩm văn học của các nhà văn trong các nước thuộc thế giới thứ ba. Đa phần các tác phẩm của các nhà văn Việt nam đều được in tại Nhà xuất bản này.

Gần đây có một NXB nhỏ nữa có tên là Sabine Wespieser, đây là Nhà xuất bản tư nhân mới thành lập được vài năm. Họ chuyên in những sách dịch của các nhà văn ngoại quốc.

Nhân tiện đây tôi cũng xin đề cập đến một vấn đề nổi cộm mà hầu như nhà văn nào cũng thường để ý tới, bởi nó liên quan trực tiếp đến họ. Đó là vấn đề bản quyền.

Từ khi nước ta gia nhập Công ước Berne về bản quyền, Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội đã rất quan tâm đến vấn đề này. Nhưng phía ta thì chưa được như vậy...

Một số sách Hiệu Constant dịch:

- “Nỗi niềm” của Paule Constant, “Rừng thẳm” của Julien Gracq… - các tác phẩm được giải thưởng lớn Goncourt hay Renaudot của văn học Pháp.

- “Bóng đen của vầng dương” của Christelle Maurin, “Người đàn bà thứ bảy” của F. Molay và “Người trả thù cho các hầm mộ” của P.J Lambert - Đây là ba cuốn của giải thưởng Prix de Quai des Orfèvres - một giải thưởng lớn cho cuốn tiểu thuyết trinh thám hay nhất trong năm bằng tiếng Pháp.

- Một số cuốn sách về các chính trị gia nổi tiếng như Tổng thống Francois Mitterrand, Tổng thống Jacques Chirac…

Đã có một số trường hợp các nhà văn cả người Pháp lẫn người Việt than phiền vì sách đã ra, bày bán trên các kệ sách trên thị trường mà họ lại không hề nhận được tiền bản quyền và thậm chí không hề biết sách của mình đã được dịch.

Theo tôi các nhà xuất bản ở Việt nam hay Đại sứ quán Việt nam tại Pháp nên đứng ra làm nhân vật trung gian để thực thi quyền này cho các nhà văn.

Một số nhà văn Việt đã được dịch sang tiếng Pháp, trong nước không hình dung được rõ mức độ đón nhận của công chúng Pháp với tác phẩm đó như thế nào? Xin chị cho vài lời về chuyện này?

Có một số cuốn được công chúng Pháp đón nhận khá nồng nhiệt, bằng chứng là tác phẩm đó được tái bản nhiều lần như cuốn “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của Nguyễn Khắc Trường, hay “Phố Lính” của Chu Lai...  Hay những tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp. Còn một số khác, cũng được quảng cáo rầm rộ như vậy nhưng rồi nhanh chóng rơi vào quên lãng...

Theo nhận xét chân thành của tôi, Việt Nam mình cũng có rất nhiều nhà văn có thể sản sinh ra các tác phẩm hay, sánh vai cùng thời đại, nhưng tôi thấy hình như vẫn bị hạn chế ở một điểm nào đó mà chưa thoát ra được!

Tôi nghe nói, Hội nhà văn và một số cơ quan có tài trợ cho một số các nhà văn có triển vọng để họ viết. Việc đó cũng tốt nhưng tôi mạo muội đưa ra một ý kiến thế này: thay bằng việc tàI trợ tiền cho các nhà văn, thì hãy tạo điều kiện cho họ đi du lịch ra nước ngoài, nhất là các nước phương tây, nơi có nền văn hóa khác hẳn…

MỚI - NÓNG