![]() |
Dù chưa có dịch lớn nhưng phần lớn bệnh viện đã quá tải (ảnh chụp tại Bệnh viện Nhi T.Ư). Ảnh: Hồng Vĩnh |
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã kiến nghị như vậy trong phiên thảo luận tại UBTVQH về Báo cáo giám sát thực hiện chính sách về xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân hôm qua (18/4).
Sẽ tính tiền lương trả y, bác sỹ vào viện phí
“Về cơ bản, viện phí vẫn là cái bẫy của sự nghèo đói, vì vậy khi bảo hiểm y tế (BHYT) chưa phủ toàn dân thì tạm thời chấp nhận giải pháp viện phí”- Báo cáo giám sát chuyên đề của UBTVQH do Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai trình bày nêu.
Báo cáo giám sát cũng chỉ ra việc quy định lấy nguồn thu của bệnh viện để bù nguồn tăng lương cho cán bộ y tế đã tạo ra áp lực, buộc bệnh viện phải tận thu để tăng thu nhập cho cán bộ và nhân viên y tế, kết quả là bệnh viện sẽ tìm mọi cách để khai thác bệnh nhân.
Báo cáo này cũng kiến nghị Chính phủ nghiên cứu thay đổi giá viện phí cho phù hợp thực tế vì giá viện phí đã ban hành từ năm 1995 đến nay đã quá lạc hậu, trong khi các loại giá và tiền lương tối thiểu đã tăng vài lần.
Báo cáo của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho thấy, nếu chỉ có không nguồn thu từ viện phí (bao gồm cả viện phí do cơ quan BHYT thanh toán) thì các bệnh viện không thể duy trì được hoạt động thường xuyên.
Tại các bệnh viện như Chợ Rẫy (TPHCM), Việt Đức, Bạch Mai (Hà Nội) nguồn thu từ viện phí và BHYT đã chiếm tới 80-90% tổng chi phí thường xuyên. Nhưng chính sách viện phí vừa qua chậm đổi mới, nếu tiếp tục thực hiện thu một phần viện phí như hiện nay thì không thể bảo đảm được hoạt động thường xuyên của bệnh viện và tái đầu tư, duy tu sửa chữa trang thiết bị y tế.
Theo Bộ trưởng Triệu, chính sách viện phí mới sẽ phân định rõ, khoản chi nào do ngân sách cấp thì không thu, khoản chi nào do bệnh viện bỏ ra thì được thu.
Đối tượng chi trả viện phí nếu là người thuộc diện đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người cận nghèo do Nhà nước chi trả hoặc hỗ trợ, nhưng không hỗ trợ trực tiếp cho bệnh viện mà thông qua BHYT.
Những đối tượng có thu nhập cao thì phải trả viện phí đầy đủ hơn, có như vậy bệnh viện mới có kinh phí để đảm bảo và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế.
Phân loại các bệnh viện để có mức kết cấu tiền lương vào viện phí cho phù hợp với khả năng chi trả của người bệnh, trước mắt tuyến huyện, xã chưa tính tiền lương vào viện phí để từ đó tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân về chính sách viện phí mới của Chính phủ sắp ban hành.
Dịch bệnh: Mới chỉ chống mà chưa phòng
Theo báo cáo giám sát của UBTVQH, chính sách phòng bệnh hơn chữa bệnh thể hiện ở nhiều văn bản luật, nghị quyết nhưng mới chỉ “tăng cường quan tâm, đầu tư, chứ chưa quy định tỷ lệ hay lộ trình cụ thể” về ngân sách. Nhiều tỉnh, tỷ lệ cho y tế dự phòng chỉ đạt 10-15%, trong khi theo khuyến nghị của WHO ít nhất phải đạt 30%.
Hoạt động y tế dự phòng ngày càng sa sút do thiếu trầm trọng về kinh phí cũng như cán bộ chuyên môn. Việc đầu tư cho y tế dự phòng vẫn theo hướng chống dịch là chính, sẽ dẫn đến thiếu kinh phí thường xuyên để phòng dịch, e rằng sẽ khó có khả năng đảm bảo an toàn sức khỏe cho xã hội, bởi khi dịch bệnh bùng phát, đất nước không có đủ giường bệnh và kinh phí để chữa trị.
“Về dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm đang hoành hành, phải nói là qua hai năm rồi chúng ta vẫn loay hoay, công tác phòng chống dịch làm chưa tốt “, ông Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH bức xúc khi thảo luận về báo cáo giám sát.
Kết quả giám sát vừa qua cho thấy, tại một tỉnh phía Bắc, khi có dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm, tỉnh này đã phải chi ra 4 tỷ đồng chống dịch. Cán bộ y tế dự phòng đã phản ánh với Đoàn giám sát rằng nếu ngay từ đầu năm, tỉnh cấp 1 tỷ đồng để chủ động phòng dịch thì sẽ đỡ phải mất 4 tỷ đồng chống dịch.
Về chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) thực hiện từ hơn 15 năm nay, báo cáo giám sát cho rằng, cần khắc phục ngay tình trạng mất cân đối thu chi của quỹ BHYT, đó là do sự lạm dụng BHYT từ các phía liên quan, kể cả cán bộ y tế cũng như bệnh nhân và do cả những quy định chưa phù hợp dẫn đến sự “lựa chọn ngược” của BHYT tự nguyện-tức là chỉ có người ốm, mang bệnh rồi mới mua BHYT tự nguyện. Cụ thể, năm 2006 quỹ BHYT thâm hụt 1.123 tỷ đồng, năm 2007 hụt 1.360 tỷ đồng và dự kiến năm 2008 này sẽ hụt 2.500 tỷ đồng trong đó đa số là do BHYT tự nguyện. Trong đó có hiện tượng quỹ BHYT ở các thành phố lớn, các tỉnh đồng bằng thâm hụt quỹ khá nhiều, trong khi ở các tỉnh miền núi quỹ BHYT vẫn kết dư (năm 2007 TPHCM hụt 250 tỷ đổng, Thái Bình hụt 50 tỷ; nhưng Bắc Kạn lại dư 2 tỷ đồng…) khiến có ý kiến cho rằng BHYT có sự “bao cấp ngược” (tức người nghèo bao cấp cho người giàu)? |