Vụ Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau nộp 100 triệu đồng tiền chạy chức:

Cần công khai cán bộ đưa tiền chạy chức

Cần công khai cán bộ đưa tiền chạy chức
TP - Sau khi báo Tiền phong thông tin Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Võ Thanh Bình giao nộp 100 triệu đồng cấp dưới chạy chức, dư luận đòi hỏi ông Võ Thanh Bình công khai và xử lý ngay những cá nhân đã chạy chức.

Ông Lê Thanh Toàn (Ba Toàn), nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau nay đã nghỉ hưu nói:

“Việc ông Võ Thanh Bình giao nộp 100 triệu đồng tiền ai đó chạy chức được đưa lên mặt báo. Tuy nhiên hành động nộp lại tiền ai đó chạy chức không được làm triệt để, đến cùng nên gây mất đoàn kết, tạo phức tạp.

Việc không công khai cán bộ đưa tiền chạy chức là thể hiện sự dung túng tiêu cực. Không công khai cán bộ nào dự định hoặc đưa tiền hàng tỷ đồng để chạy chức là không minh bạch, tạo nghi ngờ trong nội bộ cán bộ, đảng viên và giảm sút lòng tin nhân dân”.

Ông Ngô Minh Chánh (Sáu Thi), nguyên Tỉnh ủy viên, nay đã nghỉ hưu nói:

“Hành vi đưa tiền chạy chức là vi phạm pháp luật. Theo tôi, ông Võ Thanh Bình không mạnh dạn công khai những người chạy chức thì cũng cần mạnh dạn công khai Bí thư có quan hệ với những người này như thế nào?

Đưa và nhận 100 triệu đồng “chạy chức” phạm tội gì?

Hành vi người đưa tiền 100 triệu đồng để “chạy chức” nếu đủ bằng chứng cụ thể “đưa tiền” thì đủ yếu tố cấu thành tội phạm “đưa hối lộ”.

Còn người nhận tiền biết được hành vi “chạy chức” mà không khai báo với cơ quan có thẩm quyền thì phạm “tội không tố giác tội phạm”.

Khai báo với tổ chức, đơn vị mà không nói rõ danh tính của người đưa tiền thì cơ quan chức năng vào cuộc để làm rõ vụ việc thì người đó phải có trách nhiệm khai rõ.

 Luật sư Lê Thanh Thuận
Đoàn luật sư Cà Mau

Bà Cao Kim Dân (Ba Dân), nguyên Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Cà Mau nói:

“Đồng chí Bí thư không cương quyết chống tham nhũng. Cán bộ có tiêu cực, dùng tiền chạy chức được dung túng. Điều đó làm cho những cán bộ tích cực, phẩm chất trong sáng thì bị nghi ngờ.

Việc không công khai ai đã đưa 100 triệu đồng mà Bí thư nộp lại cho Văn phòng, rất nguy hại cho tập thể cán bộ chủ chốt được phân công, bổ nhiệm, đề bạt trong dịp này.

Dư luận có thể nghi bất kỳ ai được bổ nhiệm chức vụ cao hơn, chỗ làm việc triển vọng hơn mà họ không thể hiểu biết toàn bộ quá trình công tác, năng lực, đạo đức của người đó”.

Ông Trần Thanh Giang, một người dân ở Cà Mau cho biết:

“Tôi đọc báo và rất bất ngờ khi biết Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau- ông Võ Thanh Bình đưa tiền ai đó chạy chức. Ông nhận lúc nào, nhận ở đâu, ai đưa? Tôi tin rằng, cấp trên sẽ làm rõ 100 triệu đồng đã đưa và hơn 1 tỷ đồng của ai đó được đưa cho ông Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Võ Thanh Bình để chạy chức”.

Ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh nói:

“Nhận, đưa, môi giới hối lộ đều có tội danh. Hành vi đưa hối lộ 100 triệu đồng rõ ràng phạm tội. Vậy kẻ đưa hối lộ, mục đích đưa hối lộ và vì sao dám đưa trực tiếp Bí thư Tỉnh ủy, nhất định đồng chí Bí thư phải làm rõ.

Không chỉ một cái tên mà có thể nhiều hơn. Bởi vì số tiền mua chức có thể lên đến hơn 1 tỷ đồng. Tôi tin đồng chí Bí thư và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau đủ dũng cảm và sáng suốt.

Ông Phạm Công Luận, nguyên Giám đốc Trường chính trị tỉnh Cà Mau phát biểu:

Những ai có ý định chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ lên đến hàng tỷ đồng?

Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau không công khai thì hai Phó Bí thư là ông Dương Thanh Bình, Phó Bí thư thường trực và ông Bùi Công Bửu, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh và các ủy viên Thường vụ khác tại sao không chứng tỏ chính kiến của chính mình?

Phong Thành
(ghi)

Cần xác định rõ ai nhận tiền

Trao đổi với Tiền phong, chiều 22/4, ông Nguyễn Văn Tiếp, phụ trách Vụ Theo dõi công tác phòng chống tham nhũng các địa phương, Ban chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng (gọi tắt Ban Chỉ đạo) cho biết mới biết thông tin về vụ việc qua báo chí chứ chưa có phản ánh chính thức về việc này theo con đường báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng.

Chính vì vậy chưa có cơ sở để khẳng định tính chính xác của thông tin đến mức nào. Tuy nhiên khi nhận được thông tin Văn phòng Ban chỉ đạo đã yêu cầu các cơ quan của Cà Mau mà cụ thể là Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng của tỉnh có kiểm tra, xác định và có báo cáo bằng văn bản  để có cơ sở xem xét tiếp về sự việc này. 

Cũng theo đại diện Văn phòng Ban chỉ đạo, việc quản lý và xử lý số tiền số tiền này sẽ từng bước được các cơ quan chức năng của Tỉnh ủy Cà Mau và, nếu thấy cần thiết, thì các cơ quan khác sẽ tiến hành xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Trước hết cần phải để người nộp tiền trình bày, sau đó các cơ quan chức năng sẽ có trách nhiệm xác minh làm rõ nguồn gốc của người đưa số tiền, mục đích cho tặng số tiền. “Hiện các cơ quan chức năng ở Cà Mau cũng đang xác minh sự việc do đó chưa thể đưa ra cách xử lý cụ thể đối với sự việc.

Nếu đúng số tiền đưa đến này liên quan đến hành vi tham nhũng thì sẽ phải xử lý theo quy định của Luật Phòng chống tham nhũng”- Ông Tiếp cho biết.

Trả lời câu hỏi của Tiền phong về việc liệu có vi phạm nguyên tắc hay không khi chỉ thông báo, nộp tiền mà không nêu danh tính của người đưa tiền, ông Tiếp cho rằng cần xác định rõ có phải trực tiếp ông Võ Thanh Bình nhận tiền hay người nhà của ông Bình nhận tiền và đưa đến.

“Nếu anh Bình nói trong cuộc họp là người ta đưa cho tôi số tiền này và tôi đưa đến nộp là một vấn đề. Còn nếu là người nhà anh Bình nhận và mang đến nộp lại là vấn đề khác.

Còn khi biết rõ mà không thông báo danh tính của người đưa tiền có liên quan đến mục đích chạy chức chạy quyền là sai. Còn nếu đến lúc đó anh Bình chưa biết hoặc sau đó mới biết danh tính của người đưa tiền thì không thể quy là sai được” - Ông Tiếp nói. 

MỚI - NÓNG
Nguyên nhân sập cầu treo Kẻ Nính
Nguyên nhân sập cầu treo Kẻ Nính
TPO - Liên quan đến vụ sập cầu treo Kẻ Nính bắc qua sông Hiếu xảy ra vào ngày 6/3/2024, cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã có báo cáo kết quả kiểm tra vụ việc và nguyên nhân gây sập cầu.