Tiết học kỷ lục thế giới

Tiết học kỷ lục thế giới
TP - 15 giờ ngày 23/4, hàng triệu học sinh, giáo viên và người dân tại 64 tỉnh/ thành trong cả nước đã cùng tham gia Tiết học lớn nhất thế giới.

Điều thú vị là tại trường THCS Thăng Long (Ba Đình, Hà Nội) – nơi diễn ra sự kiện cấp quốc gia Tiết học lớn nhất thế giới - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển trở thành học sinh và cũng bị “giáo viên” truy bài như nhiều “học sinh” khác của lớp học.

30 phút đổi ngược vị trí

Ngày 23/4/2008 là một ngày đáng nhớ trong cuộc đời học sinh của các em Nguyễn Phú Hải (lớp 9B), Nguyễn Ngọc Mai (lớp 9A), Vũ Hạnh Thu (lớp 8G), Trần Bảo Sơn (lớp 7A4), trường THCS Thăng Long (Ba Đình, Hà Nội). Từ 15 giờ đến 15 giờ 30, các em được vinh dự sắm vai trò “người dạy học” của tiết học lớn nhất thế giới (sẽ lập hồ sơ để được ghi vào kỷ lục Guiness).

Học viên của các em không chỉ là toàn thể các bạn HS, các thầy cô giáo trường THCS Thăng Long mà còn là lãnh đạo Bộ GD&ĐT (Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển) và các Vụ chức năng thuộc Bộ, Sở GD&ĐT Hà Nội, UBND quận Ba Đình, các tổ chức quốc tế... và cả các nhà báo.

Thời lượng ít, nội dung có tính cảnh báo xã hội cao (và bắt buộc tuân thủ theo một cấu trúc có sẵn), nhưng với diễn xuất nhập tâm của 4 nhân vật chính và các nhân vật minh hoạ, tiết học diễn ra đầy sinh động, hấp dẫn, ấn tượng.

Thỉnh thoảng, những tràng pháo tay giòn giã hoặc những tràng cười rộ lên từ phía khán giả (người học) khiến cho không khí tiết học càng sảng khoái.

Thu và Sơn trong vai người ngoài hành tinh dạo chơi trái đất và phát hiện có một tiết học xứng đáng lập kỷ lục Guiness đang diễn ra đồng thời ở 120 nước, trong đó có Việt Nam. Địa điểm tổ chức sự kiện cấp quốc gia là ở trường THCS Thăng Long với 2 người dạy là Mai và Hải.

Tiết học kỷ lục thế giới ảnh 1
Các học sinh trường THCS Thăng Long tham gia Tiết học Lớn nhất Thế giới  
Ảnh: Hồng Vĩnh

Bằng phương pháp trực quan sinh động và lấy người học làm trung tâm, Mai và Hải đã giúp người học tiếp cận với những con số, những cảnh báo về thực trạng trẻ em không được đến trường trên toàn cầu nói chung cũng như ở Việt Nam nói riêng.

Thông điệp của tiết học là “Tất cả mọi trẻ em đều có quyền đi học”. Dù thời lượng ngắn nhưng nhiều “học sinh” (GV, HS trường THCS Thăng Long và các quan chức ngành GD&ĐT, địa phương) đều có cơ hội bày tỏ ý kiến của mình.

Phần cuối tiết học, 2 nhân vật ngoài hành tinh tiến hành một cuộc phỏng vấn nhanh những người tham gia tiết học về nội dung bài học.

Trao đổi với Tiền phong, Nguyễn Phú Hải cho biết em rất tự hào khi được làm người dẫn chương trình của tiết học. Vì hay xem chương trình thời sự trên truyền hình và hay nói chuyện với người ông về thời sự, nên những nội dung của tiết học không quá xa lạ với Hải.

Hải nói: “Cháu rất quan tâm tới vấn đề HS bỏ học vì cháu nhận thức được đây là vấn đề rất bức thiết của xã hội hiện nay và ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển của đất nước mai sau.

Cháu thực sự rất tiếc cho những bạn không được đi học, không được tới trường và cảm thấy may mắn vì mình được sống ở Thủ đô – nơi gần với bộ máy chính quyền nên được quan tâm nhiều hơn tới điều kiện học hành”.

Việt Nam cam kết mọi trẻ em đều được đến trường và hưởng thụ nền GD có chất lượng

Tiết học lớn nhất thế giới là một sáng kiến của Liên minh các tổ chức quốc tế tại Việt Nam:

Action Aid, Aide et Action, Catholic Relief Services, ChildFund, Dự án GD Việt - Bỉ (BTC), Oxfam Anh, Plan tại Việt Nam, Save Children Sweden, Trung tâm hỗ trợ GD không chính quy và phát triển cộng đồng, Trung tâm quản lý thông tin của các tổ chức phi chính phủ VUFO – NGO, UNESCO, UNICEF, World Vision.

Theo kế hoạch, tiết học sẽ diễn ra đồng thời trên 120 nước với cùng một nội dung bắt buộc (theo thiết kế mẫu). Tiết học lớn nhất thế giới tại Việt Nam là một phần của Tuần lễ toàn cầu hành động vì GD (21 – 27/4) do Bộ GD&ĐT với Liên minh các tổ chức quốc tế tại VN phối hợp thực hiện.

Tuy nhiên, tiết học không chỉ dừng ở thời lượng 30 phút “cứng”. Sau tiết học, các trường học (nơi diễn ra tiết học) giới thiệu về bộ tư liệu của trường mình nhằm cung cấp cho các nhà lãnh đạo những thông tin xung quanh việc HS bỏ học.

Tại trường THCS Thăng Long, phần này tiếp tục được các bạn HS thể hiện dưới hình thức hoạt cảnh. Có những đoạn khiến người xem cảm thấy thú vị bởi nội dung giễu cợt sâu sắc tính giáo điều, máy móc trong thực trạng dạy và học ở Việt Nam qua diễn xuất hồn nhiên của các em HS.

Tiếp theo, các vấn đề về GD của Việt Nam (và của những địa phương cụ thể - nơi diễn ra tiết học) được trình bày thông qua một diễn đàn đối thoại với cán bộ lãnh đạo. Một triển lãm về hoạt động GD của Liên minh các tổ chức quốc tế cũng đồng thời được thực hiện.

Trong vai trò một HS bị truy bài ở phần cuối tiết học, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển nói: “Đảng và Nhà nước ta đã cam kết với cộng đồng quốc tế trong kế hoạch hành động quốc gia GD cho mọi người đến năm 2015 tất cả trẻ em Việt Nam trong độ tuổi tiểu học và THCS đều được đến trường và được hưởng thụ nền GD chất lượng”.

Về thực trạng HS bỏ học đang nhiều lên hiện nay, ông Nguyễn Vinh Hiển bày tỏ: “Tất cả chúng ta sẽ tìm hiểu một cách thấu đáo từng trường hợp HS chưa được đi học, từng trường hợp HS bỏ học với những lý do cụ thể để từ đó chính các em HS cùng với nhà trường và cộng đồng sẽ tìm ra giải pháp  thiết thực và hiệu quả để đưa các em HS trở lại nhà trường”.

Nội dung cơ bản của tiết học lớn nhất thế giới (thời lượng 30 phút)

- Người dạy giải thích kỷ lục thế giới Guiness là gì (3 phút)

- Các tiêu chí để đánh giá một nền giáo dục chất lượng (7 phút).

- Lý do cần chấm dứt tình trạng trẻ em không được đi học (7 phút).

- Tầm quan trọng của nền GD chất lượng (8 phút).

- Đánh giá (ôn tập): người dạy nêu 6 câu hỏi có trong nội dung bài học (5 phút).

Sau phần câu hỏi ôn tập, người dạy giải thích rằng các đại biểu đã hoàn thành 30 phút của Tiết học lớn nhất thế giới. Giờ đây, các đại biểu đã là một thành viên của kỷ lục thế giới vừa được thiết lập.

Dự kiến giữa tháng 5/2008, các địa phương sẽ hoàn thành thống kê về số lượng người tham gia tiết học để gửi về Bộ GD&ĐT, Bộ GD&ĐT sẽ tập hợp báo cáo của các tỉnh và lập hồ sơ đăng ký lập Kỷ lục về Tiết học lớn nhất thế giới với Chiến dịch toàn cầu vì GD.  

MỚI - NÓNG