Lo vì người Việt xài sang

Lo vì người Việt xài sang
Ở Việt Nam trong cơn bão giá, có một số người vẫn mua sắm thoải mái, vì lạm phát không ảnh hưởng được thói quen tiêu dùng của họ.

Nguyễn Thu Trang xúng xính bước ra khỏi toà nhà mua sắm cao cấp Parkson mới khai trương ở Hà Nội với vẻ mặt mãn nguyện. Trên tay Trang lủng lẳng một lô túi xách các món đồ hiệu như Timberland, Calvin Klein, Tommy Hilfiger với một hoá đơn hơn 1.000 USD.

“Thật tuyệt vời là tôi có thể mua tất cả những đồ hiệu này ngay tại đây” - Trang vui vẻ nói.

Trang, nhân viên của một công ty nước ngoài chỉ là đại diện cho một tầng lớp giàu có đang nổi lên mà thói quen tiêu tiền của họ không hề bị ảnh hưởng bởi cơn bão lạm phát đang càn quét khắp Việt Nam.

Thu nhập tháng của Trang vào khoảng 700 USD/tháng, nhưng cuộc sống vật chất của cô gái 28 tuổi này dường như đã giải quyết xong từ lâu. Tốt nghiệp đại học cách đây sáu năm, Trang được bố mẹ, vốn là quan chức ở một tỉnh miền Trung, mở cho một tài khoản, mua nhà và ô tô ở Hà Nội.

“Nay thì tôi thích mua gì thì mua thôi” - Trang nói.

Những người tầng lớp trung lưu và con cái họ, như trường hợp của Trang, theo tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa, trường đại học Quốc gia Hà Nội, chỉ chiếm khoảng 2 - 3% dân số và còn lâu mới bị ảnh hưởng bởi cơn bão giá hiện nay.

Điều này không khó để nhận biết. Những nhà hàng trong các khách sạn 5 sao ở Hà Nội vẫn bị những gia đình Việt Nam lấp kín. Lượng xe đắt tiền nhập khẩu vẫn đổ về ào ạt. Những chuyến du lịch nước ngoài không ngừng tăng lên, và lượng tiền mặt đô la chi trả cho du học vẫn tiếp tục chảy mạnh qua biên giới.

“Đang xuất hiện ngày càng nhiều tầng lớp người ở Việt Nam thích xài sang. Họ tiêu tiền không khác gì như đang sống ở Hong Kong hay Singapore” - ông Ralf Matthaes, giám đốc điều hành công ty nghiên cứu thị trường TNS Vietnam nhận xét.

Ông nói: “Họ chính là những người thúc đẩy tiêu dùng các mặt hàng xa xỉ, từ những chiếc xe hơi cao cấp nhập khẩu, những ngôi nhà rộng rãi hay những đôi giày Ý”.

Hàng hiệu đổ bộ vào Việt Nam

Tầng lớp này rõ ràng là đối tượng ưu tiên hàng đầu của các công ty hàng tiêu dùng nước ngoài. Ví dụ như tại Parkson, người ta thấy 100% sản phẩm trưng bày ở đây là thương hiệu nổi tiếng thế giới, như Calvin Klein, Geox, Yves Saint Laurent, Aigner Tommy Hilfiger, Timberland, Guess nhập khẩu từ Mỹ, Anh, và Pháp.

Những món đồ từ nước hoa, quần áo, giày dép, trang sức, hàng nội thất có mức giá đến 20 triệu đồng.

Ông Kelvin Chan, giám đốc điều hành của Parkson nói: “Chúng tôi tập trung vào đối tượng chính là những người Việt Nam có thu nhập khá”.

Ông nhận xét, nhu cầu tiêu dùng hàng xa xỉ tại Việt Nam tiếp tục phát triển, và vì vậy Parkson sẽ phát triển ba trung tâm mua sắm tương tự tại Hà Nội trong thời gian tới.

Nhưng Parkson không phải là đơn lẻ. Những bộ veston, dây lưng, ví da giá hàng ngàn USD và hàng loạt những đồ tiêu dùng xa xỉ của các hãng nổi tiếng thế giới như Boss, Bonia, Valentino, Lacoste… vẫn đang đổ bộ vào Việt Nam, xuất hiện trong những cửa hàng nhỏ mặt phố cho đến những trung tâm mua sắm đắt tiền như Vincom, Tràng Tiền Plaza hay Ocean Tower ở Hà Nội.

Một bộ veston Valentino bán với giá 20 triệu đồng, tương tự bộ của hãng Boss cũng có giá không rẻ hơn. Một nhân viên hãng Boss tại Vincom cho biết: “Khách hàng đến với chúng tôi ngày một đông. Những sản phẩm có giá từ 12 - 16 triệu đồng/bộ vẫn bán rất chạy”.

“Đây là thời điểm thích hợp nhất để Rolls-Royce có mặt tại Việt Nam” - ông Patrick Regis, trưởng đại diện của hãng xe số một thế giới nhận xét.

Theo ông, nhu cầu của người Việt Nam mua xe đắt tiền đã thúc đẩy Rolls-Royce mở văn phòng đại diện tại Hà Nội đầu năm nay. Số lượng những chiếc xe Phantom của Rolls-Royce hay Maybach, Bentley vẫn không ngừng tăng lên từ cuối năm ngoái đến nay.

Chỉ trong quý 1 năm nay, tổng số xe ô tô nhập khẩu vào Việt Nam đã vào khoảng 12.000 chiếc, gần bằng 50% so với cả năm 2007. Con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên, bất chấp bộ Tài chính đã tăng thuế nhập khẩu từ 70% lên 83% ngày 21.4 vừa qua.

Mối nguy của nền kinh tế

Tiến sĩ Nguyễn Trí Thành thuộc viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương nhận xét, tiêu dùng của người Việt Nam đã tăng nhanh hơn đáng kể so với tốc độ tăng GDP trong vài năm gần đây. Bằng chứng là tỷ lệ tiết kiệm trong nước trên GDP chỉ tăng từ hơn 27% năm 2000 lên 31% trong các năm 2006 và 2007.

“Tăng tiêu dùng, nhất là từ nguồn nhập khẩu, sẽ làm đảo lộn cán cân thanh toán vĩ mô. Đây là điều đáng lo ngại”, ông Thành nói. Nhập siêu của Việt Nam lên đến 7,4 tỉ USD trong quý 1 và dự kiến sẽ lên đến 19 tỉ USD trong cả năm nay.

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa của ngân hàng Nhà nước nói với báo chí rằng ông không tin hàng nhập khẩu cho tiêu dùng ít ỏi như đã công bố trong các thống kê chính thức. Ông nói: “Hàng hoá nước ngoài đang tràn ngập thị trường Việt Nam. Nó cho thấy cầu tiêu dùng đang bị đẩy lên rất cao”.

Một báo cáo của ngân hàng thế giới cũng cho thấy điều này. Họ đã chia dân số Việt Nam ra thành năm nhóm quy mô như nhau. Họ phát hiện ra nhóm 20% người giàu nhất Việt Nam chiếm tới 43,3% tổng chi tiêu của cả nước, so với 7,2% của nhóm 20% người nghèo nhất. Điều này có nghĩa là một người ở nhóm giàu nhất chi tiêu nhiều gấp sáu lần một người trung bình ở nhóm nghèo nhất.

Trang có thể không biết đến tất cả những điều này. Cô vẫn đang thụ hưởng một cuộc sống tươi đẹp. Nhưng rõ ràng cách mua sắm của Trang, và của một bộ phận không nhỏ khác thuộc tầng lớp của cô đang trở nên một vấn đề lớn cho Việt Nam, nơi phần lớn người dân đang sống quanh ngưỡng đói nghèo.

Và mức thâm hụt thương mại lên đến 17% GDP, mà một phần không nhỏ ở đó được đóng góp bởi hàng tiêu dùng xa xỉ nhập khẩu cho tầng lớp trung lưu đang trở thành một nguy cơ lớn đối với nền kinh tế vốn dựa vào nông nghiệp này.

Theo Tư Giang
Sài Gòn Tiếp Thị

MỚI - NÓNG