Đại tướng Văn Tiến Dũng và hơn 3.000 ngày tìm nguồn cội

Đại tướng Văn Tiến Dũng và hơn 3.000 ngày tìm nguồn cội
TP- Mới đây, nhân dịp kỷ niệm sinh nhật của Đại tướng Văn Tiến Dũng (2/5/1917), phu nhân của Đại tướng – cụ bà Nguyễn Thị Kỳ đã gọi điện bảo tôi đến xem nhiều tài liệu, bút tích của Đại tướng mà cụ vừa tìm thấy, mà theo cụ có nhiều cái hay, cái mới.
Đại tướng Văn Tiến Dũng và hơn 3.000 ngày tìm nguồn cội ảnh 1

Chính trong lần này, tôi đã được bà kể cho nghe về hành trình gần 10 năm Đại tướng cùng con cháu lần tìm về nguồn cội. Kết quả của hành trình hơn 3.000 ngày gian nan vất vả ấy thật bất ngờ:

Vị Tư lệnh của chiến dịch Hồ Chí Minh, chẳng những đã tìm được “Tổ phụ” mà còn phát hiện ra những bước thăng trầm của một dòng họ trong đó có thiên tình sử bất hủ để lại cho đời sau một danh tướng huyền thoại với một “bản Tuyên ngôn” chưa hề có sử, sách nào nhắc tới…

Hoa trước Văn sau nổi tiếng lành

Theo tiểu sử chính thức công khai thì Đại tướng Văn Tiến Dũng sinh tại làng Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội; là con trai út trong một gia đình 4 anh em: ba trai một gái. Tại Cổ Nhuế, từ xa xưa đã có câu: “Văn khoa, võ liệt quang thế phả/ Hoa tiền Văn hậu kiến thành ngôn”, cũng tại nơi đây, cùng tồn tại hai dòng họ Hoa và họ Văn. Theo như nghĩa của hai câu trên (Văn hay võ giỏi ngời dòng dõi/ Hoa trước Văn sau nổi tiếng lành) thì dòng họ Hoa và họ Văn chỉ là một và bắt nguồn từ dòng họ Hoa.

Thực ra, ngay từ thuở còn nhỏ, Văn Tiến Dũng đã được cha là Văn Tiến Căn – người vừa đọc, viết được chữ quốc ngữ, lại thông thạo Hán – Nôm – kể cho nghe về các chiến tích oanh liệt của các cụ Phan Đình Phùng, Nguyễn Thiện Thuật, đồng thời nhắc nhở về nguồn gốc họ Hoa. Trải qua bao nhiêu năm tháng chinh chiến rồi công việc bộn bề của người giữ trọng trách, Đại tướng Văn Tiến Dũng vẫn chưa có dịp thực hiện được nỗi mong mỏi tìm về nguồn cội của dòng họ Hoa - Văn Cổ Nhuế. Ngày 26/6/1992, Đại tướng đã thức trọn một đêm để viết bài Điếu văn khóc người anh cả là Văn Tiến Cơ, trong đó, ôn lại quá khứ, truyền thống của gia đình cũng như dòng họ Hoa – Văn. Thế nhưng dòng họ Hoa xuất phát  từ đâu? Ai là Tổ phụ? Vì sao phải đổi từ họ Hoa sang họ Văn?… Tất cả những câu hỏi đó đều còn nằm trong bí mật. Sau sự ra đi của người anh cả, một hôm, Đại tướng cho mời một số con cháu gần gũi trong dòng họ Hoa- Văn ở Cổ Nhuế để giãi bày nỗi lòng mình: “Tôi nay đã bước vào tuổi 76 – tuổi gần đất xa trời. Bấy lâu nay, vì việc nước mà sao nhãng việc riêng của gia đình, dòng họ, xin được cảm thông, thứ lỗi. Nay, tôi chỉ còn một ước nguyện duy nhất là tìm được dòng dõi tổ tiên của dòng họ ta để rồi ra đi không còn gì phải ân hận”. Ý tưởng của Đại tướng đã được hưởng ứng nhiệt thành và được giao phó cho một người cháu của Đại tướng là Hoa Đức Thành làm “ủy viên thường trực”. Trước khi bắt đầu cuộc hành trình, Đại tướng đã nêu ra hai nguyên tắc phải tuyệt đối tuân thủ: 1- Kiên trì – nhẫn nại – khoa  học; 2 – Đây là việc riêng của dòng họ, nên mọi người trong dòng họ phải tự nguyện đóng góp công, sức, không sử dụng phương tiện, tài chính của Nhà nước.

Vấn đề đặt ra là xuất phát từ đâu? Đây là điều không dễ dàng gì vì từ hàng trăm năm nay, chưa một ai có ý thức đi tìm lời giải đáp cho những câu hỏi đặt ra về dòng họ Hoa – Văn. Đại tướng bàn với con cháu hãy bắt đầu trừ một nhân vật lịch sử từng sinh sống và hy sinh ngay tại Cổ Nhuế. Đó là cụ Hoa Văn Trứ.

Sau khi gặp gỡ các cụ cao tuổi trong làng và nghiên cứu cuốn “Hùng khí Thăng Long” do Sở VH-TT Hà Nội xuất bản thì được biết cụ Hoa Văn Trứ sinh tại Cổ Nhuế, đã cùng với Đỗ Đức Kiên tức Đốc Kiên lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đêm 5/12/1898 ở Hà Nội.

Cánh quân khởi nghĩa do cụ Hoa Văn Trứ chỉ huy đã đánh chiếm được đồn Ngọc Hà, tên quan ba Pháp phải luồn cổng sau trốn thoát. Tuy nhiên, cánh quân do Đốc Kiên chỉ huy đã bị lộ, nội ứng không thành. Sau đó, cuộc khởi nghĩa bị dìm trong bể máu. Đốc Kiên cùng ba người họ Hoa là Hoa Văn Trứ, Hoa Văn Châu, Hoa Văn Hưng đều bị giặc bắt, chém.

Để uy hiếp dân làng, giặc đem đầu 3 người họ Hoa treo trên cây gạo đầu làng Cổ Nhuế. Trước sự khủng bố dã man và truy lùng ráo riết của giặc, nhiều người họ Hoa ở Cổ Nhuế đã phải ly tán hoặc đổi sang họ Văn, họ Chu, Đỗ, Vũ v.v.

Phải chăng sự tích chuyển đổi họ Hoa thành Văn bắt đầu từ đây? Có phần đúng nhưng chưa hoàn toàn, bởi vì còn một thông tin cho hay họ Hoa – Văn Cổ Nhuế có liên quan đến họ Văn ở Nghệ An (mà hậu duệ gần nhất là cầu thủ bóng đá Văn Sỹ Hùng…).

Tra khảo tài liệu lịch sử, Đại tướng Văn Tiến Dũng cùng người cháu Hoa Đức Thành phát hiện ra rằng trước cụ Hoa Văn Trứ, đã từng có cụ Hoa Văn Tịch (là chú ruột Hoa Văn Trứ), từng được gọi là cụ Đồ Tịch – một người văn võ song toàn, uy danh lẫm liệt. Cụ Đồ Tịch đã cùng cụ cai Tổng Vàng (Nguyễn Văn Thịnh ở Kinh Bắc) chiêu tập quân sĩ khởi nghĩa chống giặc suốt 10 năm trời, từ 1862 đến 1872.

Nghĩa quân do hai cụ chỉ huy ngoan cường chiến đấu và lan khắp vùng Bắc Giang, Bắc Ninh… Tiếng tăm lẫy lừng của cụ Đồ Tịch được dân trong vùng suy tôn là Nguyên soái. Đến năm 1872, niêm hiệu Tự Đức thứ 25, cuộc khởi nghĩa thất bại. Do nội phản, cụ Đồ Tịch bị quan quân nhà Nguyễn vây bắt trên địa bàn Đông Anh rồi bị đóng vào cũi giải về triều đình (Huế) cho vua Tự Đức xem mặt.

Đến đèo Ba Dội (Tam Điệp) trong túi còn một đồng tiền kẽm, cụ Đỗ Tịch bèn bẻ đôi rạch bụng tự sát. Trước khi chết, cụ còn gọi bọn lính áp giải tới bên cũi rồi giọng thản nhiên “Các chú có muốn ăn lòng sốt tôi xin tặng”, nói đoạn, cụ moi ruột ra trước mắt kinh hoàng và thán phục của mấy tên lính…

Lần tìm các đời trước của cụ Hoa Văn Tịch, Đại tướng Văn Tiến Dũng thấy trong văn bia Quốc Tử Giám có bia ghi cụ Hoa Quý Khâm, đậu tiến sĩ năm 1763, được cử làm quan Án sát xứ Nghệ An. Ngay lập tức, người cháu Hoa Đức Thành đạp xe ra ga Hàng Cỏ lấy vé tàu đi Nghệ An. Tại đây, ngày ngày, Hoa Đức Thành (tuổi cũng đã ngũ tuần) rong ruổi đạp xe đi khắp nơi, vào các bảo tàng, thư viện rồi cuối cùng cũng chỉ tìm được một số con cháu họ Hoa đã đổi thành họ Văn (mấy cha con cầu thủ bóng đá họ Văn).

Tại Nghệ An, Hoa Đăng Thành nghe được thông tin về một số người họ Hoa ở xứ Huế. Trở về Hà Nội, Hoa Đức Thành báo cáo kết quả với Đại tướng xong, liền đạp xe ra ga Hàng Cỏ lên tàu đi Huế. Trên đất kinh đô xưa, “tình nguyện viên sử học” Hoa Đức Thành thu thập được một tài liệu nói rằng, sở dĩ họ Hoa phải đổi thành họ Văn là vì, mẹ vua Minh Mạng là Hồ Thị Hoa, cho nên phải tránh tất cả các tên Hoa.

 Họ Hoa ở Huế cũng vậy, phải đổi sang họ Văn, mà cụ thể, con của quan Án sát Hoa Quý Khâm phải đổi thành Văn Thế Thiện… Như vậy, lại xuất hiện thêm một nguyên nhân chuyển đổi họ Hoa thành Văn. Nhưng sau khi bàn thảo, phân tích thì mấy chú cháu họ Hoa – Văn Cổ Nhuế vẫn chưa thỏa mãn về mấy nguyên nhân đã tìm được, bởi lẽ, câu hỏi đau đáu: Ông Tổ dòng họ Hoa – Văn là ai? Bắt nguồn từ đâu? Vẫn chưa được giải đáp một cách triệt để.

Năm này qua năm khác, vị Đại tướng đã qua tuổi 80 mà những câu hỏi trên vẫn treo lơ lửng như một sự thách thức. Còn người cháu Hoa Đức Thành thì cứ nghe nói nơi đâu có họ Hoa là lập tức lên xe đạp, bất kể nơi đâu, từ thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An, Huế, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Tây, Hải Dương, Hưng Yên v.v. mà gốc tích dòng họ Hoa vẫn mờ mịt xa xăm.

Một số người trong nhóm “tìm về cội nguồn họ Hoa” đã tỏ ra bi quan, chán nản, cho rằng, tìm kim đáy bể. Vị tướng già đầu bạc lúc này mặc dù bị nhiều căn bệnh hành hạ, song, ông vẫn gắng chịu đựng và lựa lời động viên con cháu trong cuộc hành trình đầy khó khăn vất vả này…

Một hôm, đọc trong tiểu thuyết lịch sử “Trăng nước Chương Dương” của Hà Ân, thấy trong đó có nhắc đến một viên tướng nổi tiếng về bắn cung dưới trướng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn là Hoa Xuân Hùng, Hoa Đức Thành liền trao đổi với chú Văn Tiến Dũng. Sau khi đặt các giả thuyết, hai chú cháu thống nhất phải tìm tung tích của vị tướng này.

Thật may, trong số các nhà sử học, có người cho hay tại vùng Ninh Giang – Hải Dương, có một số làng từ xa xưa đã có người họ Văn đến lập nghiệp mà nghe nói trước đó, cũng từ gốc họ Hoa. Hoa Đức Thành lại lên “ngựa sắt” đạp đi đạp về gần hai trăm cây số và kết quả thu được cũng chỉ là “nghe nói” các cụ họ Hoa gốc gác từ Vĩnh Bảo, Hải Phòng, đổi họ thành Văn tới Ninh Giang sinh sống, còn nguyên do gì thì cũng chưa có điều kiện khẳng định.

Dù chưa có kết quả cụ thể, nhưng dù sao cũng có một địa chỉ mới là Vĩnh Bảo - Hải Phòng. Sau khi nghe cháu tường thuật lại chuyến đi Ninh Giang. Đại tướng trầm ngâm hồi lâu rồi thì thào với cháu: - Chú cảm thấy có điều gì đó đặc biệt lắm cứ quanh quẩn bên đầu chú. Ngay ngày mai, cháu lên đường đi Hải Phòng xem sao...

Sớm hôm sau, Hoa Đức Thành tức tốc lên đường tìm về Vĩnh Bảo. Người cháu ra đi không lâu sau, tin vui bay về từ Hải Phòng: “Đã tìm được Tổ phụ”. Vị Đại tướng đã bước vào tuổi 85 khi nhận được tin đã lặng người, nghẹn ngào không nói được thành lời.

Lập tức, ông cùng con cháu hành hương về “trang Linh Động, quận Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương” (nay là thông Bảo Hà, xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) để bái lạy Tổ phụ họ Hoa sau hơn 3.000 ngày tìm kiếm...

(Còn nữa)

 Ghi chép của Mạnh Việt

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.