Chuyện lớp học trên đảo Trường Sa

Chuyện lớp học trên đảo Trường Sa
TP- Người dân quen dần với cuộc sống trên đảo, nhưng vẫn còn những “nghịch cảnh” như: bộ đội chịu nóng nhường điện nước cho bà con, hay chuyện lạ: Cô giáo “hiệu trưởng” dạy một lớp học chỉ có hai học sinh…
Chuyện lớp học trên đảo Trường Sa ảnh 1
Các em nhỏ trên đảo Song Tử Tây đang chơi đùa với chiến sĩ Hải Quân.

Hai đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi, từ con tàu HQ 996 nhìn ra chỉ thấy biển mênh mông, rợn ngợp một màu xanh không dứt.  Bình minh các thành viên trên HQ 996 bỗng ùa ra boong tàu, hướng về phía trước. Một hòn đảo xanh hiện ra trong ánh ban mai rực rỡ. Đảo Song Tử Tây. Cái rẻo đất tiền tiêu của Tổ quốc gợi cho tôi cảm giác  được hội ngộ với người ruột thịt chưa từng gặp mặt. Cano đưa chúng tôi vào đảo, từ xa đã trông thấy  những chiến sĩ hải quân áo trắng đứng bên bờ chờ đợi, cạnh đó có cả bàn tay em bé đang vẫy vẫy…

Những em bé và người dân trên đảo ùa ra đón chúng tôi. Bé Trà Giang cất tiếng cười trong veo, bảo tôi: “Mời chú vào nhà cháu chơi”.

Ngay sát chân đảo Song Tử Tây,  dãy nhà ngói mới tinh gợi cho hòn đảo vốn lắm bê tông công sự này một hình ảnh khác.

Tôi theo Trà Giang vào nhà. Bố mẹ Trà Giang, anh  Cần và chị  Chí đang nhặt rau chuẩn bị bữa cơm trưa. Đó là cây rau  muống được trồng ngay sát chân sóng. Nhưng cây rau muống vẫn lên xanh um trong chiếc chậu đất nhỏ. Gia đình anh Cần đến đảo chưa lâu nhưng đã bám rễ vào mảnh đất này như khóm rau muống ấy, chẳng hề ngại ngần đắt cằn, nước mặn và nắng gió Trường Sa.

Anh Cần bảo: “ Gia đình  tôi sống trên này cũng thoải mái, vui vẻ. Chưa sắm được thuyền to, nên hàng ngày tôi ra bờ biển bắt cá, vợ ở nhà nội trợ, cháu Trà Giang đi học. Hòn đảo này là quê mới của gia đình tôi rồi”.

Anh Cần chạy vào buồng, mở hòm lấy một cuốn hộ khẩu, giở ra khoe: “Đây là cuốn hộ khẩu của gia đình tôi được xã Song Tử Tây cấp. Gia đình tôi là những công dân được cấp hộ khẩu, sẽ đi vào lịch sử của đảo Song Tử Tây”.

Anh Cần cười vang, pha trà rồi rít một hơi thuốc lào, bảo: “Anh thấy ở trên đảo này có thiếu thứ gì không. Ngay cả thuốc lào tôi cũng có hút mà. Nếu có thiếu thứ gì thì các chú bộ đội sẽ giúp”.

Chị Chí kể nhiều bữa nấu cơm, thiếu mắm muối gia vị cũng chạy sang hàng xóm là các chú bộ đội xin. Ở trên đảo, thứ quý nhất là điện và nước mà bộ đội còn nhường cho dân thì kể gì mấy thứ mắm muối ấy.

Buổi trưa, dân được dùng điện từ 10h30 đến 11h30. Nhưng điện trên đảo cũng như “tấm chăn quá hẹp”, dân dùng thì bộ đội nhịn. Vậy nên: buổi trưa, người dân bật quạt vù vù để xua đi cái nóng bức, còn bộ đội thì mồ hôi nhễ nhại.

Tôi rời nhà anh Cần, đi dọc con đường chạy trước xóm nhỏ với bảy nếp nhà ngói mới. Tôi nghe tiếng cười lảnh lót và thấy trong nắng sớm, mấy em nhỏ đang chạy nhảy vui đùa với các anh lính đảo. Nét mặt ai cũng rạng rỡ với nụ cười dường như không thể vui hơn.

Chợt nhớ lại lời chị Chí hồi nãy: “Các anh bộ đội quý các em nhỏ lắm, mà các em nhỏ cũng rất quý bộ đội. Cháu Trà Giang nhà tôi, buổi tối không được gặp các chú bộ đội đã thấy nhớ rồi”.

Kể từ khi có các em nhỏ, cuộc sống của lính đảo vui hơn. Sự xuất hiện của những cô bé, cậu bé đang học vỡ lòng như một cái gì đó tươi non, trong trẻo, thân thương khiến cho hòn đảo vốn thừa thãi nắng gió, đá sỏi này trở nên sinh động và “mềm” hơn.

Một anh lính đảo kiệu Trà Giang lên vai và tôi bỗng thấy  nước da đen sạm của anh hoàn toàn tương phản với làn da trắng hồng của bé. Hình như đôi mắt người lính ấy loáng nước. Người lính ấy cũng có con gái bằng tuổi Trà Giang ở quê nhà…

Ráng chiều nhuộm vàng đảo Sinh Tồn, vợ chồng anh Xin, chị Nga vừa kịp kéo về mẻ lưới cuối cùng trong ngày. Mẻ lưới nặng trĩu, đổ ra một chậu nhôm đầy toàn cá bò tươi rói, nhảy tanh tách. Chị Nga bảo: “Cá nhiều, ăn không hết, phải làm sạch phơi khô để dự trữ”.

Căn nhà ngói còn thơm mùi vôi của gia đình chị Nga khá khang trang, TV màn hình phẳng, bàn ghế xa lông, tủ gỗ mới tinh… Những khóm rau muống, rau dền, ớt cay trong các chậu đất bắt đầu ra lá. Vợ chồng chị vừa được các anh lính đảo cấp cho một cặp gà, một cặp vịt và một con chó để nuôi. Gà vịt đã biết xuống biển mò cua ốc và tìm đường về nhà, còn chó thì mấy ngày đầu cứ chạy sang với các anh bộ đội vì nhớ chủ cũ.

Chuyện lớp học trên đảo Trường Sa ảnh 2
Bốn cán bộ xã kiêm thầy giáo tuổi 8X trên đảo Sinh Tồn 

4 cán bộ xã 8X kiêm thầy giáo

Chiều dần buông xuống, bên các ụ súng, lỗ châu mai mấy em nhỏ đang chơi trò “chi chi chành chành”. Một cậu bé mới chập chững tập đi nhưng đã biết tránh cái hào công sự  dưới chân.

Tiếng chị Nga gọi con gái : “Tường Uyên ơi, về rửa chân tay ăn cơm còn học bài. Sáng mai các thầy sẽ kiểm tra bài cũ đấy”.

Trên đảo Sinh Tồn, có 20 em nhỏ học lớp 3 như Tường Uyên, một em học lớp 2 và một em học lớp 1. Đó là những lớp học đặc biệt do chính Chủ tịch xã, Phó Chủ tịch xã, Bí thư Đoàn thanh niên và chủ tịch mặt trận xã Sinh Tồn trực tiếp dạy.

Trong trụ sở UBND xã Sinh Tồn đang xây dựng dang dở, 4 cán bộ tuổi 8X ấy đang tất bật với công việc  giữa gạch ngói, vôi vữa ngổn ngang. Chủ tịch xã Kim Thanh Hoa, sinh năm 1985 cười bảo: “Trụ sở đang xây nên em phải kê gạch ngồi tiếp khách”.

Kim Thanh Hoa, cùng Cao Văn Giáp, Mai Thành Tiến, Hồ Bảo An cách đây chưa lâu đều là những thủ lĩnh của phong trào thanh niên tình nguyện. Họ đã lăn lộn ở hai huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vinh đầy khó khăn của tỉnh Khánh Hòa.  Khi đang quen dần với những ngọn núi hiểm trở thì cả bốn chàng trai lại viết đơn tình nguyện xin ra đảo Sinh Tồn dù biết rằng nơi ấy còn gian khổ hơn cả miền sơn cước.

Thiếu nước ngọt, rau xanh, cũng chưa “hành” người bằng nỗi nhớ đất liền đến quay quắt. Cả bốn chàng trai đều chưa vợ, nhưng đều đã có hình bóng một người con gái để mà thương mà nhớ, mà gọi điện, viết thư.  Cao Văn Giáp cho biết, tháng đầu tiên ra đảo Sinh Tồn đã tốn mất hơn triệu đồng tiền điện thoại. Nhưng rồi sau đó, công việc khiến họ không có nhiều thời gian để nhớ.

Hồ Bảo An, sinh năm 1987, có lẽ là chủ tịch MTTQ xã trẻ nhất nước, kể: “ Hàng ngày, ngoài công việc hành chính ở xã, thì việc chiếm nhiều thời gian của tụi em nhất là dạy học. Bọn em đều đã được học qua nghiệp vụ sư phạm, đã tốt nghiệp Đại học Đà Lạt nên cũng không bỡ ngỡ khi đứng trên bục giảng. Đối với em, dạy học cho các em nhỏ chính là niềm vui lớn nhất. Các em học giỏi và ngoan lắm”.

Nhìn qua nơi ở của 4 cán bộ xã, tôi thấy một rổ đồ hộp  cùng với nồi niêu, bát đĩa. Tiêu chuẩn sinh hoạt như những người lính đảo, nhưng chưa có thời gian để tăng gia sản xuất thêm rau xanh nên bốn chàng trai phải trường kỳ ăn đồ hộp. Nhưng tôi chắc chắn một điều rằng 4 cán bộ xã này thuộc loại  sâu sát địa hình và gần dân nhất. Có lẽ không chỉ vì xã Sinh Tồn bé như một sân vận động và mới chỉ có 7 hộ dân… Tình yêu với đảo nhỏ như hạt giống đã nảy mầm đâm lá, “tình yêu làm đất lạ hóa quê hương” và 4 chàng trai 8X không muốn ra đảo theo kiểu nhiệm kỳ, họ muốn gắn bó lâu dài nhưng chỉ lo… ế vợ.

Lớp học “kỷ lục” trên đảo Trường Sa

Tôi rời trụ sở UBND xã Sinh Tồn khi các cán bộ trẻ kiêm thầy giáo ấy đang chuẩn bị giáo án cho buổi lên lớp ngày mai.

Đến thị trấn Trường Sa, thủ phủ của cả quần đảo Trường Sa, nơi xanh mướt bóng cây phong ba và bàng vuông, tôi đã được dự một buổi học đặc biệt ngay ở nhà cô giáo Bùi Thị Nhung. Đang dạy tiểu học ở Khánh Hòa nhưng Nhung đã cùng chồng mang theo đứa con mới 20 tháng tuổi tình nguyện ra đảo Trường Sa lớn. Ở đây Nhung được người dân trên đảo phong làm… hiệu trưởng của những lớp học chỉ có vài học sinh.

Sáng hôm ấy, Nhung giảng bài cho hai em Nguyễn Xuân An và Võ Thị Minh Phương, 8 tuổi, học lớp 3. Bảng đen, phấn trắng, sách vở mở rộng trên mặt bàn. Hai em học sinh ngước đôi mắt đen láy nghe như nuốt từng lời cô giáo.  Lớp học chỉ có hai học sinh, nhưng tôi ngồi phía dưới vẫn cảm nhận được sự trang nghiêm, vẫn cảm thấy như thể nắng, gió, cả sắc trời, sắc biển của Trường Sa như ùa vào lớp học.

Con của cô giáo Nhung sẽ đi học lớp 1 trên đảo này. Vợ chồng cô sẽ sinh thêm em bé nữa, trên đảo này. Đảo là nơi chôn rau cắt rốn của nhiều công dân tương lai của nước Việt…

MỚI - NÓNG