Trường Sa ký sự - Kỳ III:

Những “đôi mắt thần” giữa trùng khơi

Những “đôi mắt thần” giữa trùng khơi
TP - Cứ mỗi lần đặt chân lên Trường Sa, ấn tượng mạnh nhất trong tôi luôn là những người lính đang đứng gác. Giữa trùng khơi lồng lộng, hình ảnh các anh với khẩu súng trên vai, dõi mắt ra biển lớn, bảo vệ biên cương Tổ quốc trông thật oai hùng.

>> Kỳ trước

“Không để lọt vào bờ, dù là 1 con vích”

Nếu được làm một phép so sánh, chắc hẳn ai một lần ra Trường Sa đều dễ dàng nhận thấy, cuộc sống của người lính ở những đảo chìm gian khổ và khó khăn gấp bội so với những hòn đảo nổi.

Rất khó khăn, thuyền nhỏ của chúng tôi mới cập được đảo Côlin - một trong những đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa. Hòn đảo nổi lên như một mỏm đá, lọt thỏm giữa đại dương mênh mông.

Cả đảo ùa xuống đón người từ đất liền, trừ thiếu uý Mạc Văn Yên, bởi anh đang đứng gác. Thiếu úy Yên năm nay 28 tuổi, đã “kịp” làm lính đảo 8 năm, trải qua 3 “tăng”, gồm Song Tử Tây, Sơn Ca và bây giờ là Côlin.

“Rời mái trường phổ thông là em vào quân ngũ, từ đó đến nay được 8 năm, đó cũng là thời gian em gắn liền với Trường Sa. Đến giờ vẫn chưa quen được người con gái nào anh ạ. Mà cũng lạ, cứ nghĩ rồi đến ngày được vào bờ, em lại thấy lo lo. Không biết rồi có nguôi nỗi nhớ biển không. Đứng gác trên đảo quen rồi mà” - thiếu úy Yên tâm sự.

Theo Yên, với người lần đầu ra Trường Sa, nhìn những hòn đảo chìm thấy nhỏ bé, có thể nghĩ rằng không quan trọng. Kỳ thực, những hòn đảo chìm chiếm giữ những vị trí cốt tử để bảo vệ chủ quyền biên cương tổ quốc.

Vì thế, dù là lính đảo nổi hay đảo chìm, sau một thời gian ra Trường Sa, ngoài việc được huấn luyện chiến đấu kỹ càng, đều trở thành những anh lính gác siêu hạng. Một điều ngạc nhiên lẫn thú vị cho chúng tôi là anh em chiến sĩ ở đảo chìm Côlin nuôi rất nhiều chó.

Những chú khuyển mập ú vẫy đuôi thân thiện khi có khách lạ. Biển khơi giăng giăng tứ bề, có lẽ chúng cũng vui mừng khi có hơi hướng đất liền trên đảo. Quanh năm sống với biển, nên những con sóng ầm ào vỗ vào bờ dường như chẳng làm những chú khuyển e ngại...

Sáng sớm, tàu HQ 996 đậu cách Trường Sa Đông chừng 1 hải lý, ánh dương từ từ ló dạng trên nền biển xanh khiến hòn đảo nhỏ như bừng sáng trong mắt mọi người. Như thường lệ, người đầu tiên trên đảo mà tôi “thăm hỏi” là những anh lính gác.

Trong khi đồng đội đang hân hoan chào đón người từ đất liền thì anh vẫn nghiêm trang dõi mắt ra biển khơi. Ngoài đó, dù từng con sóng mùa biển lặng vỗ êm đềm, nhưng ẩn chứa bên trong là không ít giông tố, hiểm nguy. 

Trường Sa Đông là đảo gần cuối của cuộc hành trình gần 2 tuần lênh đênh trên biển, thăm quần đảo Trường Sa. Chừng đó cũng đủ để tôi khắc họa chân dung những anh lính gác, hiên ngang và hùng dũng.

Đúng phiên gác khi đảo có khách, trung úy Lê Bá Sáu tiếc rẻ: “Lâu lâu mới có phóng viên ra thăm đảo mà không được ngồi nói chuyện, thật tiếc”. Không sao! Tôi thầm nghĩ và xin được “mạn phép” ngồi cùng phiên gác với anh.

Trên chòi cao, 4 bề là đại dương mênh mông, cùng với vũ khí và kính viễn vọng, tất cả như được thu vào tầm mắt. Xa xa, bằng mắt thường, tôi thấy một vài chấm đen, mờ ảo. Ghé mắt vào kính, chỉ bằng một động tác zoom, chấm đen mờ ảo kia bỗng chốc “vụt lớn” thành một con tàu, rõ đến độ tôi đọc được cả từng chi tiết trên thân tàu.

“Mỗi khi đã bước lên đây nhận trách nhiệm đứng gác, không được để xẩy ra bất cứ việc gì. Mình chỉ ví dụ thế này, nếu đang đêm đứng gác, có con vích (một loại vật ở biển, giống con rùa – PV) bò được vào đảo mà không biết thì chắc chắn bị kỷ luật”.

Trung uý Lê Bá Sáu tiết lộ. Cuốn nhật ký dày cộm ghi lại những chi tiết nhỏ diễn biến trong từng phiên gác như chứng minh cho tâm sự của trung úy Sáu. Không tìm hiểu quá sâu về những bí mật tác chiến trên đảo, nhưng tôi hiểu, với loại kính viễn vọng này, trong bán kính nhiều hải lý, không có chuyện gì có thể thoát được những “đôi mắt thần” của chiến sĩ ta. 

Năm nay đã 32 tuổi, có 12 năm sống trên các đảo Song Tử Tây, Nam Yết, Phan Vinh, Sơn Ca và bây giờ là Trường Sa Đông, có thể nói anh Sáu giờ đây nếu nhắm mắt cũng có thể kể vanh vách từng đường đi nước bước trên đảo.

Vì thế, anh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. “Với Trường Sa, trách nhiệm của người lính gác luôn nặng nề. Khi đã vào vị trí, không cho phép bất kỳ chiến sĩ nào có một giây phút mất tập trung. Đó là những bài huấn luyện cơ bản nhất” - Trung úy Sáu tâm sự.

Buổi sáng, nắng vàng chói chang trên Trường Sa Đông, trên chòi cao phiên gác, trung úy Lê Bá Sáu sau phút giây nói chuyện với vị khách đường đột, lại quay về tư thế trang nghiêm, dõi mắt ra trùng khơi.

Con trai người lính hy sinh trong trận hải chiến Trường Sa năm 1988

Nam Yết không lớn, nhưng cũng phải mất khá nhiều thời gian, tôi mới tìm được hạ sĩ Nguyễn Mậu Trường, lúc này đang “bị” nhiều phóng viên quây vào giữa, phỏng vấn và chụp ảnh. Anh là con trai của một trong 64 chiến sĩ đã hy sinh ở bãi Gạc Ma trong trận hải chiến Trường Sa năm 1988.

Đảo trưởng đảo Nam Yết – Trung tá Trần Văn Hòa, cho biết: “Gia đình hạ sĩ Nguyễn Mậu Trường là một gia đình có truyền thống trong lực lượng hải quân Việt Nam. Đặc biệt, người cha của cậu là liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong đã anh dũng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo vào năm 1988. Vừa mới ra đảo nên Trường hăng hái lắm”.

Liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong hy sinh khi con trai anh mới 2 tuổi, nhưng trong câu chuyện với Trường, tôi cảm nhận được, hình ảnh người cha vẫn luôn hiển hiện trong tâm tưởng và trí nhớ của anh.

“Năm tôi 9 tuổi, bắt đầu vào học lớp 4, mẹ Liễu (chị Trần Thị Liễu, vợ liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong - PV) chỉ vào tấm di ảnh cha tôi, kể về trận đánh năm 1988 ở Trường Sa. Lúc đó, tôi đã tự thề với lòng mình, nhất định sau này sẽ lên đường ra Trường Sa với tư cách chiến sĩ hải quân, giống cha. Bây giờ thì tâm nguyện của tôi đã trở thành hiện thực”- Trường tâm sự.

Câu chuyện giữa tôi với Trường xoay về vùng đất Duy Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình), những ngày thơ ấu của 2 anh em Nguyễn Mậu Trường và Nguyễn Tiến Xuân.

Ánh mắt Trường vừa xa xăm, lại như bùng lên ngọn lửa nhiệt huyết của tuổi trẻ: “Cha tôi mất khi tôi 2 tuổi, còn em trai mới sinh được mấy tháng. Cuộc sống vất vả trăm bề, nếu không có ông bà ngoại cưu mang giúp đỡ thì e rằng chúng tôi chẳng có được ngày hôm nay. Khi mẹ tôi kể về trận đánh mà cha hy sinh, sau này tôi kể lại với em trai. Thật ngạc nhiên là nó cũng quyết tâm sẽ trở thành chiến sĩ Hải quân. Bây giờ thì ước mơ của nó cũng sắp trở thành hiện thực. Ở nhà, mẹ Liễu mừng lắm, luôn gọi điện nhắn nhủ 2 anh em cùng học tập huấn luyện thật tốt”.

Trường thì thầm, nửa như tâm sự với tôi, nửa như tự hứa với lòng mình: “Chắc chắn như thế rồi, không những tôi đã hứa với mẹ mà còn hứa trước di ảnh của người cha”.

Hiện nay, em trai của Trường là Nguyễn Tiến Xuân đang theo học năm thứ nhất tại Học viện Hải quân (Nha Trang). “Cưới vợ đi cho mẹ Liễu yên tâm ở nhà đợi con?” - tôi hỏi.

Trường trả lời, rắn rỏi mạch lạc so với cái tuổi 22 còn trẻ của mình: “Chưa, đến người yêu em còn chưa có nữa là. Cuối năm 2009 được vào đất liền, em sẽ xin ra làm nghĩa vụ ở Trường Sa lớn. Hy vọng 2 anh em sẽ được hội ngộ ở đó. Và cả bố em nữa, mong là ở nơi chín suối, người tự hào về các con”.

Chiều ập xuống Nam Yết nhanh đến không ngờ, buổi nói chuyện dở dang vì Trường đến phiên gác, và tôi cũng lên tàu. Ánh nắng muộn hắt lên hòn đảo thanh bình giữa biển khơi. Vâng! Để nắng luôn hắt lên nét thanh bình và yên ả đó, nhưng Lê Bá Sáu, Lê Văn Cường, Mai Văn Lưu, Trần Xuân Hồng… hay Nguyễn Mậu Trường, “những đôi mắt thần giữ trùng khơi” đã không quản khó khăn, hy sinh hạnh phúc riêng tư của đời mình.

MỚI - NÓNG