G14 mở cửa chào đón Chelsea, Newcastle

G14 mở cửa chào đón Chelsea, Newcastle
G14 mở rộng? Có thể lắm chứ, bởi vì trong cuộc họp gần đây, người ta thấy có các vị khách mờì đại diện cho hai CLB đến từ nước Anh Chelsea và Newcastle.
G14 mở cửa chào đón Chelsea, Newcastle ảnh 1

G14 sẽ mở rộng?

Có thể coi đây là sự kiện trọng đại đối với nhóm các CLB hàng đầu châu Âu, bởi nó đánh dấu một bước tiến mới của G14. Không phải ngẫu nhiên mà ông Thomas Kurth cố sống cố chết để tìm cách đưa Chelsea lọt vào hàng ngũ của họ. Tổng Giám đốc G14 có thừa khôn ngoan để hiểu rằng, với sự góp mặt của đội bóng thủ đô London, thanh thế của liên minh này sẽ tăng đáng kể.

Ai cũng biết, với sự hậu thuẫn về tài chính một cách hào phóng từ ông chủ Roman Abramovich, Chelsea đang là tâm điểm của bóng đá châu Âu. Các tên tuổi lớn nhất trong làng bóng đá thế giới đều đang có xu hướng quy tụ về Stamford Bridge.

Không những vậy, chiếc vòi bạch tuộc của tỷ phú người Nga vẫn đang tiếp tục vươn dài ra khắp thế giới: CSKA Moscow (Nga), có thể sắp tới là cả Deportivo (Tây Ban Nha) và Hapoel Tel Aviv (Israel)… sẽ trở thành sân sau của đội bóng thủ đô London. Sự góp mặt của một CLB hùng mạnh và nhiều chân rết đến thế sẽ rất có lợi cho G14, trong cuộc đấu tranh quyền lợi với FIFA và UEFA.

Điều khiến người ta ngạc nhiên là không hiểu bằng cách nào ông Kurth lại có thể thuyết phục được tất cả các thành viên “gật đầu” với Chelsea. Cách đây không lâu, cũng vì chuyện đội bóng của tỷ phú Abramovich xin gia nhập nhóm G14 mà nội bộ của họ đã có rất nhiều bất đồng, làm nổ ra vô số những cuộc tranh cãi.

Chelsea có quá nhiều ân oán với một số thành viên của G14. Cả 3 đội bóng của Anh trong nhóm gồm: Man United, Arsenal và Liverpool đều không chấp nhận sự có mặt của The Blues. Các CLB khác như Porto, Barcelona cũng kiên quyết từ chối Chelsea, thậm chí vì chuyện này đã doạ rút lui khỏi G14. Điều đó khiến Kurth điên đầu.

Vài nét về nhóm G14

- G14 được thành lập từ tháng 11/1998, với mục đích làm đối trọng với UEFA và FIFA, bảo vệ quyền lợi cũng như vì sự phát triển của các CLB trên toàn châu Âu.

- Trụ sở của G14 được đặt tại Brussels (Vương quốc Bỉ).

- Chủ tịch G14 hiện là ông Florentino Perez (Chủ tịch của CLB Real Madrid); Phó Chủ tịch là ông David Dein (Phó Chủ tịch CLB Arsenal); Tổng Giám đốc là ông Thomas Kurth người Thuỵ Sỹ.

- G14 khởi thuỷ gồm 18 thành viên: Ajax Amsterdam, Barcelona, Bayern Munich, Borussia Dortmund, Inter Milan, Juventus, Liverpool, Manchester United, Olympique Marseille, AC Milan, Paris St. Germain, FC Porto, PSV Endhoven, Real Madrid. Sau đó, nhóm này kết nạp thêm 4 thành viên dự thính gồm: Olympique Lyon, Arsenal, Valencia, Bayer Leverkusen.

Hoạt động của liên minh này dựa trên quy chế đồng thuận. Như thế có nghĩa là chẳng cần phải từng ấy thành viên ra mặt chống đối, chỉ cần 1 CLB phủ quyết thôi cũng đủ để Chelsea vĩnh viễn không bao giờ được đặt chân vào ngôi nhà chung của G14 tại Brussels.

Giờ đây, cùng với Newcastle, Chelsea đã được coi là thành viên dự thính của G14. Như vậy là tâm nguyện của ông chủ Abramovich đã đạt được. Chelsea bây giờ không còn lo sợ phải đơn thương độc mã đối đầu với các thế lực chống đối họ nữa.

Nếu như CLB này được G14 chấp thuận sớm hơn, dưới tác động của G14, đội bóng thủ đô London có lẽ đã không đến nỗi liên tiếp bị chèn ép ở mùa bóng vừa qua: Họ sẽ không phải chịu ấm ức như trong vụ Mourinho cáo buộc trọng tài Anders Frisk “đi đêm” với Barcelona, hay mới đây nhất là vụ bị kết tội đã tiếp xúc bất hợp pháp với hậu vệ Ashley Cole của Arsenal…

Ông Abramovich chắc hẳn sẽ phải rất biết ơn GĐĐH Peter Kenyon. Nếu người đàn ông đầu hói này không có mối quan hệ thân thiết với nhiều quan chức của G14, chắc chắn còn khuya Chelsea mới có cơ hội được gia nhập hàng ngũ các CLB hàng đầu châu Âu.

Từng là một thành viên cốt cán trong ban lãnh đạo G14, khi còn giữ cương vị GĐĐH của Man United, tiếng nói của Kenyon vẫn còn tỏ ra có hiệu lực đối với nhiều thành viên trong nhóm. Thậm chí, sau cuộc họp ở Lisbon, nhiều tờ báo thể thao tại châu Âu đã không ngần ngại đưa ra dự đoán, Kenyon sẽ sớm trở lại với tư cách là một lãnh đạo cao cấp của G14.

2 CLB hàng đầu của Scotland là Celtic và Rangers có vẻ rất bất mãn khi thấy 2 đội bóng nổi tiếng của nước Anh được các thành viên của G14 chấp nhận, bởi xét cho cùng họ vẫn là những kẻ đệ đơn xin gia nhập trước (từ tháng 8/2004).

Tuy nhiên, có lẽ Celtic và Rangers cũng chẳng đến nỗi phải thất vọng. G14 vẫn đang tiếp tục có ý định mở rộng thêm nữa. Nhiều khả năng, họ sẽ sớm kết nạp 2 CLB từng bị nhiều thành viên trong nhóm chê là “nghèo về thành tích”. Tất cả chỉ còn là vấn đề thời gian!

MỚI - NÓNG