Khát khao đồng cảm từ những trái tim

Khát khao đồng cảm từ những trái tim
TPO - Suốt tám năm, nhà báo Larry Powell có mặt bên bức tường tưởng niệm hơn 50.000 lính Mỹ thiệt mạng trong chiến tranh tại Việt Nam ở Washington DC. Ông cho ra đời cuốn sách “Khát khao đồng cảm của những trái tim bên bức tường tưởng niệm”.

Một người Mỹ đứng nghiêm trang, cúi đầu bên bức tường dài 75m. Anh ta im lặng. Không gian im lặng. Bức tường im lặng. Ấy vậy mà tấm ảnh nổi tiếng của nhà báo người Mỹ Larry Powell lại như biết nói. Nó toát lên một sự sẻ chia, đồng cảm của người đang sống với những người lính đã mất.

Suốt tám năm qua, cựu binh, nhà báo, giáo sư người Mỹ này có mặt tại đây để ghi lại những khoảng khắc xúc động bên bức tường ý nghĩa. Những cái tên. Những kỷ vật. Huân chương. Sự tự suy ngẫm. Hoa. Báo. Mũ. Thư. Một bao thuốc lá. Một đĩa cơm. Đôi dòng kỷ niệm…

Mỗi năm, khoảng một triệu người đến thăm bức tường này. Họ lặng lẽ để lại những món quà trên với một sự tri ân, tưởng nhớ người đã khuất. Một bức tường. Hơn 30.000 món quà. Tình người. Tất cả được thu vào ống kính của nhà báo ảnh người Mỹ.

Sinh ra trong một gia đình quân nhân, đầu năm 1968, Larry Powell nhập ngũ, trở thành lính thông tin liên lạc, thuộc MACV (Military Assistance Command of Vietnam).

Trong 386 ngày ở Việt Nam, ông phải đến mặt trận nóng bỏng nhất - Đông Hà, Quảng Trị. Bom đạn. Súng ống. Chất độc da cam. Chết chóc. Bộ mặt tàn khốc và đau thương của cuộc chiến luôn chạy theo ám ảnh ông, ngay cả khi trở về Mỹ năm 1969.

Có lẽ, chính vì vậy, gần 35 năm chiến tranh lùi xa vào dĩ vãng, những hình ảnh trong quãng thời gian tham chiến ở Việt Nam vẫn "ăn" vào miền ký ức của cựu binh người Mỹ.

“Bạn muốn chia sẻ với mọi người cái bạn thấy, điều bạn nghe. Đó cũng là cái tôi muốn làm với những bức ảnh của mình. Tôi muốn cho người Mỹ, cũng như nhiều người dân trên thế giới thấy bức tường tưởng niệm với những dòng cảm xúc, kỷ vật của người còn sống hôm nay, dành cho người đã khuất hôm qua, để họ mãi mãi được yên nghỉ”.

Ông Powell tâm sự, qua những bức hình chụp được, chúng ta - không phân biệt màu da, dân tộc, tôn giáo - có cơ hội chia sẻ sự đồng cảm với những người lính Mỹ ngã xuống, san bớt nỗi đau tinh thần với gia đình, người thân của họ.

Chúng ta được tận tay nâng niu và cảm nhận bằng cả trái tim những vật dụng cá nhân của đồng loại đã mãi mãi đi xa.

Với 112 trang sách, 90 bức ảnh, cuốn sách của Larry Powell bày tỏ khát khao sự đồng cảm từ những trái tim của con người với con người, dù rằng giờ họ thuộc về hai thế giới.

Cùng hướng tới tương lai

Khát khao đồng cảm từ những trái tim ảnh 1
Ông Larry Powell trao đổi với phóng viên Tiền phong trong lần thứ ba trở lại Việt Nam.

Dường như, việc ghi lại những hình ảnh đầy cảm xúc bên bức tường ở Mỹ giúp ông Powell vượt qua bức tường ngăn cách về thời gian và địa lý, để nhiều lần đến với Việt Nam.

Chuyến thăm cùng đoàn sinh viên Queens University of Charlotte lần này là lần thứ ba ông đến Việt Nam.

“Trong lần trở lại năm 1992, chỉ ba tuần ở Việt Nam, tôi cũng có cơ hội được tận mắt nhìn thấy những nạn nhân chất độc màu da cam. Tôi được đến một bệnh viện tại Sài Gòn, nơi có phòng dành cho trẻ em bị nhiễm chất độc da cam và lưu trữ mẫu vật của những em bé vô tội đã qua đời. Thế mới biết, cuộc chiến khủng khiếp đến mức nào”.

Ông Powell bảo, thứ chất độc giết người ấy không chỉ ảnh hưởng đến người dân Việt Nam, mà còn ngấm cả những người lính Mỹ bị đẩy vào cuộc chiến tranh (nhiều người trong số họ cũng không muốn).

“Theo tôi, các Cty hoá chất Mỹ phải chịu trách nhiệm chính cho những hậu quả này, vì với tư cách là nhà khoa học, họ hiểu hơn chính phủ về tác hại của loại chất độc trên”.

Trong lần đến Việt Nam lần thứ hai, người cựu binh Mỹ cũng gặp gỡ những cựu chiến binh Việt Nam. Trước kia, có thể họ giáp mặt nhau trên chiến trường ầm ầm bom đạn, nhưng hôm nay, họ ngồi lại để đối thoại.

“Chúng tôi đều hiểu rằng, nên để những nỗi buồn phía sau lưng đề cùng hướng về tương lai đầy ánh sáng”.

Trở lại Việt Nam lần này, người lính Mỹ năm xưa không khỏi bất ngờ vì những thay đổi đến chóng mặt ở nơi ông từng tham chiến. Ông bảo ấn tượng nhất với hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng và nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ của “đất nước các bạn”.

Chiến tranh là một thảm họa. Có thể, đối với Larry Powell và hàng nghìn cựu binh Mỹ khác, những thời khắc kinh hoàng của chết chóc sẽ không bao giờ phai trong cuộc đời. Và bức tường tưởng niệm những người lính Mỹ chết trong chiến tranh ở Việt Nam vẫn còn đó.

Song, ông và nhiều người Mỹ khác đã để lại chiến tranh sau lưng để nhiều lần đến Việt Nam với sự đồng cảm, sẻ chia sâu sắc với những mất mát mà chiến tranh mang lại. Ông muốn tận mắt thấy đất nước Việt Nam như vốn dĩ vẫn tồn tại: Hòa bình và phát triển.

MỚI - NÓNG
Một số dự án trọng điểm giải ngân chậm
Một số dự án trọng điểm giải ngân chậm
TPO - Theo số liệu từ Bộ Tài chính, 3 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải mới đạt 11,2%, thấp hơn tỷ lệ giải ngân chung của cả nước.