Bức tranh lịch sử lớn nhất Việt Nam:

"Hà Nội, chiến lũy và hoa"

"Hà Nội, chiến lũy và hoa"
TPO - Sinh ra trong thời bình, chưa một lần cầm súng, chưa từng nếm trải sự tàn khốc của chiến tranh. Nhưng đau đáu một bức họa lịch sử tái hiện cuộc chiến giành độc lập của cha ông ta, Nguyễn Doãn Sơn chấp bút xây dựng “Hà Nội, chiến lũy và hoa”.

Đây sẽ là một bức tranh lịch sử lớn nhất Việt Nam với kích thước dự kiến 9,39 x 2,15 m, tái hiện lại quang cảnh phố phường Hà Nội những ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Xa xa là cầu Long Biên rồi nối tiếp những khu phố cổ, dãy phố theo lối tân thời bị giặc bắn phá:

"Hà Nội, chiến lũy và hoa" ảnh 1
Bố cục chính bức họa "Hà Nội, chiến lũy và hoa" 

Một góc Hoàng Thành sụp đổ, mái chùa cổ kính hoang tàn, rồi những chiến lũy “đồ đạc” nhưng đâu đó bóng hình cây đa, hoa quỳnh, hoa đào, hoa mai… bền bỉ khoe sắc giữa bom đạn. Đặc biệt, mỗi nhân vật từ con người đến cây cỏ hay chỉ những vật dụng tưởng như tầm thường nhất trong bức họa đều chứa đựng một câu chuyện, sứ mạng riêng.

Bức họa sẽ là một tác phẩn lớn gồm các trích đoạn:

Trận chiến trên phố: Khắc họa hình ảnh Thủ đô nhuốm màu chết chóc, đổ nát, nhưng đốm lửa nhỏ hay ngọn lửa bừng cháy trên xác xe tăng lại thể hiện sức sống bến bỉ, mạnh mẽ, bất khuất của người Hà Nội.

"Hà Nội, chiến lũy và hoa" ảnh 2
Trận chiến trên phố

Em bé giao liên: Em có thể là một cậu bé đánh giày hay em bé nghèo khổ nào đó mặc đồ thừa của người lớn làm giao liên trên mặt trận. Đây là một hình ảnh sống bởi trong cuộc kháng chiến trường kỳ ấy, chúng ta có thế bắt gặp những anh hùng nhỏ hồn nhiên sống và sẵn sàng đón nhận cái chết cho dân tộc.

"Hà Nội, chiến lũy và hoa" ảnh 3
Em bé giao liên

Bên trong chiến lũy: Những giây phút bình yên hiếm hoi trong cuộc chiến, mỗi nhân vật theo đuổi một tâm trạng riêng nhưng trên hết, người ta vẫn nhìn thấy sự đoàn kết đầm ấm của quân dân ta.

"Hà Nội, chiến lũy và hoa" ảnh 4
Bên trong chiến lũy

Chiến lũy và hoa: Khoảng lặng trong cuộc chiến – Cô gái bán hoa và anh Vệ Quốc Đoàn. Trích đoạn là cái nhìn sâu sắc nhất của tác giả với thói quen của người Hà Nội yêu hoa, yêu cái đẹp.

Tuy nhiên thông điệp tác giả muốn giử đến công chúng lại chính là hình ảnh 25 mẫu tiền cổ nằm rải rác phía dưới, mà cũng có thể thấp thoáng hình ảnh những đồng Đông Dương (loại tiền có giá trị nhất thời điểm đó) cháy xém dưới chân hai người – Của cải, vật chất có ý nghĩa gì khi trong chiến tranh!

"Hà Nội, chiến lũy và hoa" ảnh 5
Chiến lũy và hoa

Mẹ: Mẹ lưng còng, tóc bạc tay cầm ngọn đèn – biểu tượng của sự yếu đuối cần chăm sóc. Thế nhưng khi đất nước cần, mẹ lại là người mạnh mẽ nhất, cho đi nhiều nhất, kể cả những đứa con yêu thương của mẹ.

"Hà Nội, chiến lũy và hoa" ảnh 6
Mẹ: Mẹ lưng còng, tóc bạc tay cầm ngọn đèn

Nói về tác phẩm của mình, họa sĩ Nguyễn Doãn Sơn cho biết: Việc bức tranh thể hiện đề tài lịch sử liền khổ lớn nhất Việt Nam nhằm hướng tới "Đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội" là một vinh dự to lớn với họa sỹ.

Tuy nhiên Nguyễn Doãn Sơn khẳng định: mọi kỷ lục nêu ra rồi sẽ bị phá mà quan trọng nhất là hàm ý bức họa có thể gửi đến thế hệ mai sau về một cuộc chiến mà “chúng ta có Đảng, có niềm tin, có mẹ và có cả tinh thần Việt Nam trong đó. Chúng ta tất thắng”

Hiện nay bức phác thảo “Hà Nội, chiến lũy và hoa” và các trích đoạn đã được thể hiện trên chất liệu sơn dầu đang được trưng bày tại hội trường Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội – 19 hàng Buồm. Tuy nhiên do nguồn tư liệu hạn hẹp, còn rất nhiều "khoảng trống" trong bức tranh đón chờ ý kiến đóng góp của công chúng để hoàn chỉnh.

Họa sĩ mong chờ sự đóng từ tất cả mọi người yêu Hà Nội, mà cao hơn là yêu Việt Nam. Giúp họa sĩ hoàn thành tác phẩm lịch sử này. Tất cả các ý kiến đóng góp cho bức họa sẽ được đem ra thảo luận vào ngày 3/6 tới.

MỚI - NÓNG