TPHCM: Người dân đang “chết mòn” vì khói bụi

TPHCM: Người dân đang “chết mòn” vì khói bụi
TP - Ô nhiễm môi trường không khí do khói bụi đang là thủ phạm hủy hoại sức khỏe người dân. Thế nhưng, vấn nạn này không những không chặn được mà đang ngày một nghiêm trọng hơn.

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường TPHCM, hiện TP đang nằm trong “top” đô thị bị ô nhiễm bụi nặng nhất hiện nay trong cả nước, với mức độ cao trên 2,5 lần tiêu chuẩn cho phép. Tại các nút giao thông lớn của TP, nồng độ bụi luôn là nỗi ám ảnh của người dân. Bằng chứng khi quan trắc tại ngã tư khu vực An Sương, quận 12, nồng độ bụi đã lên đến gần 1,2mg/m3.

Trong khi đó, mức độ ô nhiễm khí ôxit cabon trong không khí ở đây cũng cao hơn tiêu chuẩn cho phép 5mg/m3. Điều mà khiến người dân lo ngại hiện nay là hầu hết các khu vực ô nhiễm khói bụi đều là nơi tập trung khu dân cư, lượng người sống và sinh hoạt đông.

Báo cáo quan trắc và giám sát chất lượng môi trường hằng năm của Chi cục Bảo vệ môi trường TPHCM, 2 khu vực phía đông và tây bắc thành phố như khu vực Hàng Xanh, ngã tư Đinh Tiên Hoàng – Điện Biên Phủ và Ngã tư An Sương được xem là nặng nhất với mức ô nhiễm không khí vượt chuẩn 1,3 – 1,8 lần. Ngay tại khu vực cổng Trường đại học Bách khoa TPHCM trên đường Lý Thường Kiệt, quận 10, nồng độ khí CO cũng vượt 8mg/m3.

Nguy hiểm hơn là nồng độ bụi trung bình trong không khí vượt tiêu chuẩn cho phép cao từ 2-7 lần đang tồn tại nhiều năm qua ở khu vực quận 9 và Thủ Đức, dọc theo xa lộ Hà Nội. Riêng tại đoạn từ cầu Rạch Chiếc đến ngã tư Bình Thái, ở 2 quận, nồng độ bụi trung bình vượt tiêu chuẩn hơn  7,1 lần.

Trong khi đó, tại các khu vực nơi đóng chân của 15 khu công nghiệp, chế xuất ở TP, tình trạng ô nhiễm không khí khiến nhiều người giật mình hơn. Tại khu công nghiệp Tân Bình, Khu chế xuất Linh Trung, Tân Thuận... mức độ ô nhiễm ở khu vực luôn cao hơn nhiều lần so với những khu vực ở xa khu công nghiệp.

Nồng độ bụi có kích thước nhỏ dưới 10 mm ở các khu công nghiệp chiếm khoảng 70%, trong khi hàm lượng các loại khí như NO2, CO, SO2... và ô nhiễm tiếng ồn đều gia tăng theo từng năm.

TPHCM: Người dân đang “chết mòn” vì khói bụi ảnh 1
Trẻ bị bệnh về hô hấp có liên quan đến ô nhiễm không khí điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1

“Sống chung” và “chết mòn”

Mỗi ngày bà Nguyễn Thị Xuân, 54 tuổi, ở 71, đường Huỳnh Tấn Phát, phường Tân Thuận Đông, quận 7 đều tưới nước ra đường từ 15- 20 lần để hạn chế bụi từ các phương tiện giao thông hắt vào nhà nhưng mọi chuyện vẫn không khá lên, nhà bà bụi vẫn tràn vào dày đặc.

Theo bà Xuân, hầu hết các hộ dân sống 2 bên đường nơi đây đều có nỗi khổ giống gia đình bà. Người thì tưới nước chống bụi, nhà thì che chắn màn bạt. Trong khi đó, ông Trần Hữu Hinh, ở đường Tây Thạnh cạnh khu công nghiệp Tân Bình -TPHCM, cho biết: “Hàng chục năm nay chúng tôi phải sống chung với  nhiều chất độc hại, luôn hứng chịu mùi hôi của nước thải, mùi hóa chất”.

Một nghiên cứu về tình trạng ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến bệnh tật của Viện Vệ sinh Y tế công cộng TPHCM, cho thấy, chỉ riêng về ô nhiễm công nghiệp từ các khu chế xuất, công nghiệp đã gây ra 25 bệnh tật như: nhiễm độc các-bon, nhiễm độc benzen, nhiễm độc nicotin, viêm da, viêm gan do virus, bệnh rung chuyển tần số cao, bệnh điếc nghề nghiệp...

Trong khi đó, theo bác sĩ Trần Anh Tuấn – Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1 thì tại khoa này lượng bệnh nhi mắc các bệnh về viêm phổi, viêm tai giữa, suyễn có liên quan đến ô nhiễm không khí cũng ngày một gia tăng. Thống kê của khoa này trong năm 2007 cho thấy, trên 50% trẻ em sống ở các quận có mức độ ô nhiễm cao như Tân Bình, Bình Chánh, quận 8, 9 và 11 bị bệnh đường hô hấp đến khám và điều trị tại khoa này, trong số đó, 15% trên tổng số bệnh nhi là ở quận Tân Bình.

Theo bác sĩ Tuấn, phụ nữ đang mang thai tiếp xúc trong khoảng thời gian dài với không khí ô nhiễm sẽ làm ảnh hưởng đến thai nhi, quá trình lão hoá trong cơ thể sống. Đối với người bình thường, tiếp xúc với ô nhiễm sẽ làm suy giảm chức năng của phổi; gây bệnh hen suyễn, viêm phế quản; gây bệnh ung thư, bệnh tim mạch và làm giảm tuổi thọ.

MỚI - NÓNG