Kỷ niệm không thể nào quên với chú Sáu Dân

Kỷ niệm không thể nào quên với chú Sáu Dân
TP - Sáng 11/6, vừa nghe tin từ Sài Gòn về chú Sáu Dân - nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tôi vội bấm máy cho chị Phan Thị Quyên (vợ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi). Chị ngậm ngùi xác nhận: “Đúng rồi, em ạ…”.

>> Người tận tâm, tận lực vì dân, vì nước

Kỷ niệm không thể nào quên với chú Sáu Dân ảnh 1
Chú Sáu Dân (giữa) chụp ảnh vợ chồng chị Phan Thị Quyên (1973)

Không kìm được sự xúc động, chị kể lại…”. Mới cách đây chưa đầy 2 tháng, chị đến thăm chú. Trò chuyện hồi lâu, chú thăm hỏi xem giờ anh Trỗi yên nghỉ ở đâu.

Khi biết anh an nghỉ tại Nghĩa trang nhân dân thôn Văn Giáp, tại quận 2, chú khẽ nhăn trán rồi khuyên: “Chú còn phần đất tổ chức dành cho ở Nghĩa trang thành phố trên Thủ Đức. Cháu đưa Trỗi về đó!”.

Nghe chú khuyên chân thành, chị cảm động nhưng vội giải thích: “Từ sau khi mất, mộ anh phải di dời đến mấy lần nên cháu muốn anh được yên ổn. Thành phố cũng đã dành một phần đất cho anh ở Nghĩa trang liệt sĩ, phòng khi khu vực nghĩa trang hiện nay phải quy hoạch lại”.

Khi đó chú mới gật đầu yên tâm”.

*

…Sau khi anh Trỗi hy sinh, đúng 30 Tết đầu 1965, chị Quyên được tổ chức bí mật đưa ra “Y tư” – đại bản doanh của Bộ chỉ huy Mặt trận Sài Gòn – Gia Định đóng tại Hố Bò (Củ Chi), từ đây ra vùng giải phóng trên Tây Ninh.

Khoảng tháng 9 năm đó, đồng chí Sáu Dân từ Y4 về họp với cơ quan Phụ nữ giải phóng. Qua các chị, bên Phụ nữ biết chị mới từ thành phố ra, chú Sáu thăm hỏi và gửi cho chị 100 “ria” (tiền Miên). Từ đó, mỗi lần về họp, chú đều có quà.

Ngày 16/5/1969, chị được tổ chức cho ra Bắc theo đường Campuchia cùng chị Nguyễn Thị Châu (vợ anh Lê Hồng Tư, tử tù Côn Đảo). Từ 1970, chị được về học tại trường Phổ thông Lao động Trung ương sơ tán tại Từ Hồ, Bần Yên Nhân, Hưng Yên (trường có mật danh là HT2).

Trường có đến cả ngàn học viên và chia làm 2 khối: khối A cho cán bộ miền Bắc, khối B cho cán bộ miền Nam.

Trong số cán bộ miền Nam đi học đa số là cán bộ của các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên đổ ra tới Quảng Trị; còn số anh chị em ở B2 (từ khu 6 đổ vào tới Khu 9, Cà Mau) rất ít, không quá 20 người. Vì thế anh chị em B2 thương yêu nhau như trong một nhà.

Họ thường gặp gỡ, kể nhau nghe chuyện quê hương, gia đình. Đặc biệt, anh em miền Nam có biệt tài bắt cóc. Tối thứ Bảy, nếu không bận, họ lại rủ nhau ra bờ sông bắt cóc. Các anh thì bắt cóc bỏ bao tải, còn các chị thì xách bao tải cóc về nhà. Cả nhóm tối đó tập trung làm thịt cóc, nấu cháo và ăn xì xụp.

Chủ nhật, các anh chị thường đi chợ, mua thịt cá, rau sống về “cải thiện”. Trong số này có anh Thiện nấu ăn rất giỏi, có thể chế biến các món ăn Nam Bộ. Anh chị thân thiết rồi nảy nở tình cảm yêu thương.

Cũng năm 1973, nhân dịp tiễn chị Châu và chị Duy Liên về lại miền Nam tại nhà chú Lê Toàn Thư – Phó ban Thống nhất Trung ương, chị Châu ghé tai chị Quyên nói nhỏ: “Chú Sáu Dân và chú Mười Cúc (Nguyễn Văn Linh) đang ra ngoài này họp. Chị đã xin phép chú Thư cho lại thăm chú Sáu và chú Mười để hỏi thăm tình hình quê hương và cơ quan trong đó. À, mà chị có kể chuyện của em và anh Thiện cho chú Sáu nghe đấy”.

Lần đó, chú Thư và chú Tô Lâm (nguyên Phó ban Tuyên huấn Trung ương cục) đưa chị Quyên và anh Thiện tới thăm chú Sáu. Gặp chú, anh Thiện chào:

- Chào anh Sáu!

- Trời, mày đó hả Tư Dũng? – Chú bắt chặt tay anh và quay sang chị Quyên – Nghe Châu nói, học ở ngoài này, cháu có quen thân với thằng Thiện, mà Thiện có thời gian làm cơ yếu ở Y4. Chú nghĩ hoài mà không nhớ có ai tên Thiện. Té ra, Thiện chính là Tư Dũng, Lê Tâm Dũng.

Chả là hồi đầu 1965, anh Tư Dũng được phân công về làm cơ yếu ở Y4. Dịp Mậu Thân 1968, anh được cùng chú Sáu trực tiếp xuống chỉ đạo mặt trận Sài Gòn - Gia Định.

Sau khi về lại “R”, anh được tổ chức phân công sang Sứ quán Chính phủ Cách mạng lâm thời tại PhnômPênh và do yêu cầu bảo mật, anh phải đổi tên là Lê Trung Thiện. Năm 1970, sau khi Chính phủ Xi-ha-nuc bị đảo chính, anh được ra Bắc. Đến đầu 1971, anh vào học tại HT2.

Nghe kể lại, chú Sáu cười:

- Thôi, Tư Dũng thì cứ xưng hô “anh, em” cho tiện, còn Quyên cứ giữ nguyên cách gọi “chú, cháu”. Tiện tao đang ở ngoài này, hai đứa làm đám cưới đi!

Mừng quá, nhưng chị lại mách:

- Ở ngoài này cưới phức tạp lắm chú ơi, phải đi đăng ký kết hôn. Khi đăng ký, Ủy ban lại đưa tên hai người lên bảng để nhân dân xem có đúng là anh chưa vợ, chị chưa chồng; nếu đúng thì một tuần lễ sau mới cho đăng ký… Mà thôi, để cháu học xong rồi về Nam cưới luôn thể.

- Không nên vậy, nếu cháu học xong phải mất 4-5 năm. Lâu lắm. Năm nay Quyên đã 29, còn Tư Dũng đã 37 rồi. Cưới đi, nhất là dịp này đang có chú ở ngoài này. Thế hiện nay 2 đứa quân số ở đâu?

- Dạ, quân số trong Nam quản lý ạ. Vì quân số trong Nam, nên khi có bầu cử ngoài này, tụi cháu không được đi bỏ phiếu.

Khi đó, chú Sáu cười và quay sang chú Thư:

- Nếu là quân số trong Nam thì có thể cưới không đăng ký. Trong chiến trường miền Nam, thủ tục rất đơn giản. Khi hai anh chị yêu thương yêu nhau và quyết định xây dựng gia đình thì chỉ cần báo cáo tổ chức là xong, sau đó sẽ làm đám cưới mời mọi người. Nên ta có thể tổ chức cho Quyên và Tư Dũng cưới “kiểu miền Nam”.

- Ý anh như vậy thì ta sẽ tổ chức cho hai đứa cưới “không đăng ký”- Chú Thư trả lời.

Vậy là vào dịp nghỉ lễ Lao động quốc tế năm đó, tối hôm 29/4, đám cưới “không đăng ký kết hôn” của anh Thiện và chị Quyên đã được tổ chức tại nhà đồng chí Lê Toàn Thư ở 57 Phan Đình Phùng, Hà Nội. Chú Thư đứng ra làm chủ hôn.

Tối đó, các cô chú ở Ban Thống nhất Trung ương, cả chú Sáu Dân và các anh chị bên Trung ương Đoàn, các anh chị trong Nam ra đang học chung với chị và anh Tư, cùng bà con họ hàng chị ở thôn Văn Giáp (Thường Tín, Hà Đông)… đến dự đông đủ. Đám cưới tổ chức theo kiểu “đời sống mới” thật đơn giản, chỉ có kẹo bánh, thuốc lá, nước trà, nhưng thật là vui.

*

Chị Quyên rưng rưng: “Thấy sức khỏe của chú Sáu Dân đã yếu, Ban Bảo vệ sức khỏe đưa chú vào Bệnh viện Thống Nhất rồi chục ngày trước, đưa chú sang Singapore. Nghe nói Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng trực tiếp điện sang nhờ ông Lý Hiển Long giúp đỡ. Với trang bị hiện đại và trình độ cao, bạn hết sức tận tình chữa trị, nhưng…”.

Hà Nội, chiều 11/6/2008
Trần Kiến Quốc

MỚI - NÓNG