Con đường gốm sứ chờ nhà tài trợ

Con đường gốm sứ chờ nhà tài trợ
TP - Đại diện của Cty Tân Hà Nội - đơn vị thực thi dự án cho biết, không nhất thiết phải hoàn thành cả 6km đường đúng hẹn với 1.000 năm Thăng Long mà kinh phí có tới đâu làm tới đó...

>> Một đoạn con đường gốm sứ: vừa xong, đã bị bôi bẩn

Triển lãm và hội thảo quốc tế Nghệ thuật công cộng và sự phát triển cộng đồng vừa được tổ chức ngày 13-14/6 tại Viện Goethe Hà Nội, với sự tài trợ của quỹ Ford.

Nhân vật chính của hội thảo là Con đường gốm sứ chào mừng 1.000 năm Thăng Long- ý tưởng của nhà báo-họa sĩ Nguyễn Thu Thủy. Hội thảo cũng chào đón sự có mặt và sẵn sàng hỗ trợ của các cá nhân và tổ chức của Mỹ vốn có kinh nghiệm làm nghệ thuật công cộng từ nhiều chục năm nay.

Hà Nội đang manh nha một vấn nạn mà Philadenphia- thành phố lớn thứ 5 của Mỹ- phải chịu từ 30 năm trước: nạn vẽ bậy lên tường (graffiti). Thoạt đầu, để chống lại vấn nạn dịch này, người ta truy tìm các tác giả, bắt xóa “tác phẩm”.

Nhưng không ăn thua, vì ban đêm họ lại đi vẽ lại. Năm 1984, Philadenphia có sáng kiến thành lập Chương trình Nghệ thuật Bích họa giao cho nữ họa sĩ tranh tường Jane Golden chủ trì.

Chương trình giáo dục nghệ thuật cho giới trẻ này đã làm nên điều kỳ diệu, không chỉ dẹp được nạn vẽ bậy, mà còn biến Philadenphia trở thành thủ phủ của bích họa thế giới.  Philadenphia hiện có gần 2.800 bích họa.

Bích họa của Chicago có vẻ mạnh mẽ hơn, không rực rỡ nuột nà và dễ tiếp thu như tranh của Philadenphia. Một trong các lý do là các họa sĩ nắm nhiều vai trò chủ đạo hơn. Ngoài ra, nhóm họa sĩ của Chicago còn làm các tác phẩm điêu khắc ngoài trời và cũng thường ghép gốm.

Thành phố Santa Rosa thì thành lập tổ chức Khởi đầu Nghệ thuật nhằm giáo dục nghệ thuật cho lứa tuổi 15-21 với mục tiêu chính là làm nghệ thuật công cộng. 8 năm qua, tổ chức này đã “sản xuất” được 130 ghế băng, 19 tranh tường và nhiều tác phẩm ứng dụng khác- trong đó không thể thiếu những “con đường gốm sứ”.

Các nghệ sĩ Jane Golden (Giám đốc Chương trình Bích họa Philadenphia), Jon Pounds (Giám đốc Chương trình Nghệ thuật Công cộng Chicago), Olivia Gude (ĐHTH Illinoise), Joe Bennett (ĐH Mỹ thuật Santa Rosa Junior) đã đóng góp những ý kiến mang tính thực tiễn cao tại hội thảo.

Nhà ở Nghi Tàm, nhà báo-họa sĩ Nguyễn Thu Thủy chứng kiến rìa con đường đê sông Hồng được bê tông hóa vào năm 2000. Gần nhà lại có chợ gốm ven sông, nơi chị khám phá sự phong phú của gốm Phù Lãng, Chu Đậu, Hải Dương và Bát Tràng.

Lại được các tác phẩm nghệ thuật công cộng ở nước ngoài gợi hứng, Thủy nảy ra ý định trang hoàng cho dải bê-tông xám xịt. Chị khởi đầu bằng việc đập vỡ một số chậu cảnh rồi dùng xi măng gắn thành mảng, rồi lại dùng photoshop gắn lên các dải đường đê và gầm cầu.

Ý tưởng này được đánh giá cao tại triển lãm Làm đẹp thành phố Hà Nội vào tháng 3/2007. Thủy bắt đầu sưu tập các hình ảnh nghệ thuật công cộng ở nước ngoài làm căn cứ thuyết phục cơ quan quản lý. Chị mất 1 năm để viết dự án, trải qua nhiều lần thuyết trình ở Sở Văn hóa, UBND thành phố để được cấp phép vào 10/2007.

Nếu như Jane Golden đi hỏi từng cộng đồng dân cư của Philadenphia xem họ muốn vẽ gì trên tường của họ, đem cả bản nháp đến để dân cho ý kiến, thì Thủy cũng đã có một số cuộc gặp với cộng đồng dân cư ở Yên Phụ để giới thiệu dự án và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình.

Một số gia đình không “được” dải bê tông chạy qua còn mời gắn gốm vào mặt tiền nhà mình. Chị cũng đã tổ chức thi vẽ cho 500 học sinh của trường tiểu học An Dương.

Các cuộc thi tương tự sẽ được tổ chức tại Cung Thiếu nhi, trường quốc tế UNIS để lấy chất liệu “làm đường”. Một xưởng gốm cũng đang được xây dựng ở An Dương sẵn sàng đón người dân thủ đô đến để tìm hiểu và tham gia “làm đường” cùng các họa sĩ.

Hai tháng sau Tết, nhóm các họa sĩ do Thủy cầm trịch đã hoàn thành 100m đường đầu tiên với nội dung tôn vinh các hoa văn Đông Sơn. “Thoạt đầu, có người nói tôi làm chính trị, ca ngợi lịch sử cho an toàn. Nhưng với lòng yêu truyền thống, tôi vẫn quyết làm”. Một số họa sĩ muốn ghép gốm (mosaic) toàn bộ, nhưng Thủy vẫn quyết gắn phù điêu gốm trên nền gốm ghép.

Ý kiến của họa sĩ lão thành Lê Thanh: “Đoạn đường nào xe đi nhanh, chỉ nên dùng mảng màu lớn trang trí. Đoạn đi chậm vẽ tranh đẹp để người đi đường có thể thưởng thức”.

Họa sĩ Lê Huy Tiếp- một trong 9 thành viên của Hội đồng cố vấn dự án có lời căn dặn (trên tạp chí Mỹ thuật tháng 5/2008): “Nội dung hình thức trang trí có thể thay đổi theo từng không gian phù hợp với kiến trúc, chức năng giao thông của từng đoạn đường, tạo nên sự hài hòa hấp dẫn của tác phẩm mà không ảnh hưởng đến an toàn giao thông, mà ngược lại... tạo nên một không gian thẩm mỹ có tác động tích cực tới những người tham gia giao thông”.

Đại diện của Cty Tân Hà Nội - đơn vị thực thi dự án cho biết, không nhất thiết phải hoàn thành cả 6km đường đúng hẹn với 1.000 năm Thăng Long mà kinh phí có tới đâu làm tới đó - thực tế toàn bộ bờ kè đường đê Hà Nội phải trên chục cây số.

Hiện, dự án nhận được sự quan tâm ủng hộ của các tổ chức quốc tế và các đại sứ quán (trong đó quỹ Ford tài trợ 450m cùng nhà xưởng) hơn là các tổ chức cơ quan trong nước. Được biết, sẽ có một đoạn đường dành riêng cho logo của các nhà tài trợ.

MỚI - NÓNG