Những người trẻ chuyền đuốc

Những người trẻ chuyền đuốc
TPO - Từng “thắng” nhiều học bổng lớn của các đại học Mỹ, Anh Khoa, Thu Trang, Minh Việt cùng nhiều du học sinh khác đã lập trang web http://vietabroader.org, và về Việt Nam tổ chức hội thảo du học “Chuyền đuốc”.

Hãy xem lý lịch các thành viên ban quản trị, sáng lập Vietabroader:

Phạm Anh Khoa (SN 1984 tại TP Hồ Chí Minh), tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế - Quan hệ quốc tế Đại học Bates năm 2007; học bổng học A - level trường Cambridge Tutors College (Anh); học bổng Đại học Bates; một trong 50 sinh viên trên toàn thế giới được quỹ Watson (mang tên người sáng lập ra tập đoàn máy tính IBM) cấp 25.000 USD để đi vòng quanh thế giới, tìm hiểu về cộng đồng người Việt trẻ ở nước ngoài…

Nguyễn Thu Trang (SN 1986 tại Hà Nội), tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đại học Bates năm 2007, hiện làm việc cho hãng tư vấn kinh tế NERA tại New York (Mỹ); được nhận học bổng theo học tại Đại học Bates; tham gia nhóm tình nguyện trong các chiến dịch phát triển thành phố Lewiston (Mỹ); gây quỹ cho người nhiễm HIV...

Huỳnh Minh Việt (SN 1983 tại Quảng Nam), tốt nghiệp ngành Kinh tế và thạc sĩ quản trị, Đại học Stanford năm 2007; đang làm việc cho ngân hàng đầu tư Morgan Stanley (Mỹ); học bổng ASEAN (1999 - 2002), học bổng 6.000 USD do trường Đại học Stanford trao tặng để nghiên cứu sự hợp tác của các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam với Ngân hàng Thế giới;

Việt là một trong 50 sinh viên xuất sắc nhất thế giới, tham dự Chương trình lãnh đạo toàn cầu năm 2005, do Quỹ Goldman Sachs và Viện giáo dục quốc tế (IIE) của Mỹ phối hợp tổ chức.

Minh Việt là đồng sáng lập tổ chức SEALNet, hoạt động tình nguyện tại Đông Nam Á. Hàng năm, SEALNet triển khai 6 dự án giúp đỡ cộng đồng tại Việt Nam, Philippines, Indonesia, Campuchia. Một trong những dự án được tổ chức tại Viet Nam là tặng 13 máy tính cho thành đoàn TP Hồ Chí Minh, cài đặt các phần mềm dạy tiếng Anh để nâng cao chất lượng ngoại ngữ.

Việt còn được Đại học Stanford thưởng 32.000 USD cho dự án phối hợp với bác sĩ Kelly Murphy (bệnh viện Stanford) cùng 15 sinh viên Y khoa nước ngoài sang Việt Nam chữa bệnh từ thiện trên địa bàn Cúc Phương (Ninh Bình)…

Xét ở góc độ cá nhân, họ là những du học sinh có thành tích học tập và hoạt động xã hội đáng nể. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở những điểm sáng lẻ loi, họ đã biết liên kết online để tạo thành bó đuốc lớn, rực cháy niềm đam mê cống hiến.

Dù cách xa nhau hàng nghìn cây số và bận học tập, nghiên cứu, nhưng Khoa - Việt - Trang vẫn thường xuyên trao đổi với nhau trên mạng về ý tưởng tư vấn cho những thế hệ đi sau du học Mỹ.

Năm 2004, Nguyễn Việt Anh (Đại học Công nghệ Massachusetts), thành viên phụ trách kỹ thuật của nhóm đã hoàn thiện trang web http://vietabroader.org.

Trên ngôi nhà ảo bao la, những học sinh, sinh viên ở Việt Nam và các nước trên thế giới có thể gặp gỡ và tìm kiến thông tin… thật về du học Mỹ, thông qua sự tư vấn của các thành viên Vietabroader.

Từ cách tìm trường, kinh nghiệm “thắng” học bổng, thủ tục xin hỗ trợ tài chính, cách viết bài luận, đến cuộc sống ở Mỹ… đều được đề cập và chia sẻ một cách nhiệt tình, thẳng thắn.

“Từ chỗ chỉ có vài người tham gia những ngày đầu, đến nay đã có 12.000 nick của thành viên đăng ký” - Lê Thu Phương, sinh viên năm 2, chuyên ngành Kinh tế - Toán, được Đại học St. Lawrence (Mỹ) cấp học bổng 40.000 USD/năm - thành viên Ban điều hành của Vietabroader cho biết.

“Chuyền đuốc” xuyên lục địa

Những người trẻ chuyền đuốc ảnh 1
Hàng nghìn học sinh và phụ huynh đến dự hội thảo Chuyền đuốc do các bạn trẻ Vietabroader tổ chức. Ảnh: Vietabroader.

Để thường xuyên cập nhật được thông tin cho các bạn trẻ quan tâm đến du học Mỹ, Vietabroader không ngừng “chiêu nạp” những du học sinh xuất sắc tại Mỹ.

Hiện tại, ngoài ba thành viên đồng sáng lập, trong Ban điều hành của cộng đồng trẻ này còn có nhiều du học sinh xuất sắc, như: Lê Bá Nam Anh (được Đại học Dartmouth cấp học bổng trị giá 200.000 USD trong 4 năm); Lê Thu Phương (Đại học St. Lawrence); Hồ Lê Việt Long (Đại học Lafayette); Nguyễn Đặng Việt Anh (Đại học Công nghệ Massachusetts); Nguyễn Minh Vũ (Đại học Wesleyan).

Tuy nhiên, chưa hài lòng với những thành quả đạt được trên mạng, những chàng trai, cô gái năng động còn quyết định trở về Việt Nam tổ chức hội thảo du học “Chuyền đuốc”.

Trong hai năm 2005 và 2006 liên tiếp, hàng chục thành viên và cộng tác viên của Vietabroader đã tổ chức hội thảo du học Mỹ tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, với sự tham dự của hơn 1.000 học sinh và phụ huynh.

Năm nay, Vietabroader lên kế hoạch “làm” hội thảo thứ 3 tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trong tháng 8 tới. Thông qua hình thức tư vấn “mặt đối mặt” bằng “người thật, việc thật”, những bạn trẻ tham dự “Chuyền đuốc” được cung cấp miễn phí thông tin thiết thực về giáo dục Mỹ.

Lê Thu Phương cho biết, để các du học sinh đang học tập ở Mỹ có thể “Chuyền đuốc” thành công về Việt Nam, các thành viên của Vietabroader phải chuẩn bị rất chu đáo và vượt qua không ít khó khăn, thử thách.

“Năm 2006, sau khi chúng mình đã thuê được địa điểm, tìm được tài trợ, công việc chuyển bị đã hoàn tất, thì bỗng có người mạo danh Ban tổ chức gửi email báo hoãn vào đêm trước hội thảo. Không còn cách nào khác, các thành viên đành chia nhau ra gọi điện tới 200 người đã đăng ký để thông báo” - Lê Thu Phương kể.

Đáng chú ý, những hội thảo “cây nhà lá vườn”, do sinh viên tổ chức này, Vietabroader còn “lôi” được các đại diện tuyển sinh của một số trường đại học Mỹ về Việt Nam tham dự.

Các lần “Chuyền đuốc” xuyên lục địa này cũng nhận được tài trợ của nhiều tổ chức lớn trên thế giới như Tập đoàn bảo hiểm hàng đầu nước Mỹ AIG, United Airline, Hãng dầu khí BP của Anh, Đại học Baste, Ngân hàng Đông Á…

Để có thể nhận được sự hậu thuẫn của những “ông lớn” trên, các thành viên của Vietabroader đã phải lập kế hoạch khoa học, chi tiết và nhiều lần tiếp xúc với đối tác.

Chính phương pháp “Chuyền đuốc” tri thức chuyên nghiệp của những bạn trẻ đầy nhiệt huyết đã “đánh bại” những nhà tài trợ không chỉ ở Việt Nam, mà còn ở khắp nơi trên thế giới.

MỚI - NÓNG