'Tài' và 'tật' của Tản Đà

'Tài' và 'tật' của Tản Đà
TP - Ngót bảy mươi năm trôi qua kể từ khi Tản Đà tạ thế (1939 - 2008) nhưng nếu chúng ta cần biết về một Tản Đà hiện diện sống động, bằng những hành trang cụ thể trong cuộc đời chứ không phải qua tác phẩm ta sẽ phải tìm ở đâu?
'Tài' và 'tật' của Tản Đà ảnh 1
Tản Đà

Ngót bảy mươi năm trôi qua kể từ khi Tản Đà tạ thế (1939 - 2008), người ta đã nói nhiều về vai trò to lớn của ông đối với sự hình thành nền văn học Việt Nam hiện đại (Tiên sinh đã dạo những bản đàn mở đầu cho một cuộc hòa nhạc tân kì đang sắp sửa - Hoài Thanh đã viết như vậy ở những dòng đầu tiên của “Thi nhân Việt Nam”), người ta cũng đã tranh luận nhiều không kém về tính chất gạch nối văn hóa của Tản Đà ở buổi giao thời: Ông là ngọn lửa cuối cùng của y thức hệ phong kiến Việt Nam hay ông là tia sáng đầu tiên của y thức hệ tư sản? v.v và v.v...

Tóm lại, với độ lùi thời gian, sự quan tâm tới Tản Đà càng lúc càng mang màu sắc của sự quan tâm tới một tác giả văn học chứa đựng nhiều mâu thuẫn.

Vậy nên, nếu chúng ta cần biết về một Tản Đà hiện diện sống động, bằng những hành trang cụ thể trong cuộc đời chứ không phải qua tác phẩm hay qua những bản văn nghiên cứu về ông, ta sẽ phải tìm ở đâu?

Có hai nguồn: thứ nhất, là cuốn “Giấc mộng lớn” - một dạng tự thuật không đầy đủ của chính Tản Đà, và thứ hai, là sự ghi nhận về ông của những người cùng thời với ông.

Trước hết, ta hãy thử nhận diện Tản Đà qua một bức chân dung được Vũ Bằng vẽ với ít nhiều nét hí họa: “Tóc ông cắt ngắn kiểu ăng - bốt nửa muối nửa tiêu, không để râu, nói lè nhè mà lại hơi cà lăm, không gầy mà cũng không mập quá, mới trông thì có vẻ khỏe mạnh, cổ ngắn, mắt hơi ngầu đục. Đặc biệt nhất trong khuôn mặt ông là cái mũi dẹt, to, trông như một quả cà tô - mát chưa chín hẳn mà ai đã nghịch ngợm cắm vào giữa hai má khá đầy, trên một cặp môi đỏ mà hơi mỏng so với mặt” (Tản Đà uống rượu làm cho tôi say đến bây giờ - Văn học, 1970).

Phác họa chân dung một thi nhân tiền bối lừng lẫy theo cách như vậy, rõ ràng là với Vũ Bằng, cái “khoảng cách sử thi” giữa ông và Tản Đà đã bị rút giảm đáng kể.

Nhưng đó là việc của ba mươi mốt năm sau khi Tản Đà qua đời, và lúc ấy thì Vũ Bằng đã trở thành một tên tuổi lớn trong làng văn làng báo. Còn khi chỉ là một cậu học trò trường Hàng Vôi, Hàng Kèn ở Hà Nội, Vũ Bằng sùng bái Tản Đà đến nỗi: “Chiều nào, bất cứ bận việc gì, tôi cũng tà tà đi đến trước cửa nhà Thăng Long dán mũi vào cửa kính nhìn vào trong để xem ông Tản Đà vừa quạt cái hỏa lò con để trên giường vừa nhắm rượu một mình. Tôi sợ ông như một ông tiên...” (Bài đã dẫn).

Mà không chỉ Vũ Bằng, ngay cả một con người có tiếng cương cường như Phan Khôi cũng bị “ngợp” trước Tản Đà ở lần đầu tiên gặp mặt. Đó là vào năm 1918, trên căn gác của báo Nam Phong, khi được nghe giới thiệu người khách mới tới chơi là Nguyễn Khắc Hiếu, Phan Khôi lập tức: “như có điện chạy trong người, ghê rợn, vùng đứng dậy! Thật thế. Cái tên Nguyễn Khắc Hiếu bấy giờ không phải vừa, đối với tôi lại càng long trọng lắm. Tôi nghe mà rùng rợn lên, có thế thật” (Tôi với Tản Đà thi sĩ - Tao Đàn, 1939).

Không khó để cắt nghĩa những kiểu phản ứng tâm lí như vậy. Chúng ta biết rằng từ khi Tản Đà cho in những tác phẩm đầu tiên trên “Đông Dương tạp chí” (1915) tới hơn một thập niên tiếp theo (1927 - 1928), khối lượng các sáng tác của văn học quốc ngữ là hết sức thưa thớt, và Tản Đà đã một mình làm nên “cơn gió lạ” thổi suốt văn đàn trong Nam ngoài Bắc, tạo lập một tên tuổi, một uy vọng văn chương đủ sức khiến kẻ khác phải kính ngưỡng.

Tuy nhiên, đó chỉ là những ấn tượng đầu tiên. Sau cái “đầu tiên” ấy, đa phần là sự thể sẽ trở nên khác. Lưu Trọng Lư thú nhận: “Gặp Tản Đà một bận thì thật là một điều khoái trá vô cùng, gặp ông ấy lần thứ hai thì vẫn còn là một cái vui thích đã bắt đầu gượng gạo, và gặp đến lần thứ ba thì là một điều khó chịu. Và lần thứ tư, thứ năm, v.v... thì xin thú thực là một... tai nạn” (Bây giờ đây, khi nắp quan tài đã đậy lại - Tao Đàn, 1939).

Vũ Bằng còn nói kĩ hơn về chuyện này: “Người như Tản Đà để ở xa mà kính trọng cảm phục thì được, chứ ở gần thì không thể nào chịu nổi!... Bất cứ ở đâu ông cũng coi như chỗ không người, ăn uống bừa bãi, nói lè nhè ầm ĩ, có khi đương yên lành chẳng làm sao bỗng đổi ra giọng gay gắt với người đối thoại, tuồng như ông chính là đấng trích tiên thật, thiên hạ ai cũng phải sợ ông...” (Bài đã dẫn).

Và cũng trong đa phần các trường hợp như vậy, “đương sự” đành phải bấm bụng, tìm cách tự an ủi bằng một công thức xưa cũ: Kẻ có tài thường có tật!

Không gì điển hình hơn cho tâm lí tự an ủi này bằng một câu của Lưu Trọng Lư trong bài báo đã dẫn ở trên: “Phải kể hàng mấy mươi năm ta mới có được một người như Nguyễn Khắc Hiếu, thì sự ngông cuồng của tiên sinh ta cũng phải coi như là một cái vinh dự và một cái nghĩa vụ mà chịu lấy”.

Dấu ấn rất đậm nét mà Tản Đà, trong vai một con người của cuộc đời thực, để lại trong kí ức những người cùng thời không gì khác hơn là sự ăn uống và cái cung cách ăn uống có phần lạ đời của ông.

Viết về những kỉ niệm với Tản Đà, hầu như ai cũng không thể bỏ qua một vài chi tiết về sự kĩ tính của Tản Đà khi ngồi vào mâm rượu, về thói khảnh ăn của ông, về tài năng sáng tạo của ông trong việc chế biến đồ nhắm, về cả sự vô địch... ngồi dai của ông nữa!

Bản thân Tản Đà không ít lần cũng đã tuyên ngôn về sự ăn uống, ví như: “Đồ ăn không ngon thời không ngon, giờ ăn không ngon thời không ngon, chỗ ngồi ăn không ngon thời không ngon, không được người cùng ăn cho ngon thời không ngon...”, hay: “Ăn là tất cả một nghệ thuật, mà nghệ thuật ăn nhiều khi lại khó hơn nghệ thuật viết văn”.

Thậm chí, bàn về văn chương, ông cũng cố tìm cách để “dây dưa” với chuyện ẩm thực: “Văn chương có giống như mâm gỏi. Đĩa cá lạng, đĩa dấm ngọt thời người thường dễ ăn, còn miếng mắt miếng xương phải đợi con nhà gỏi. Văn chương có giống như thịt chim. Xào, thuôn, nướng chả thì dễ chín, hấp cách thủy lửa không đến mà nhừ hơn!”.

Vì thế, không ngẫu nhiên mà trong cuốn “Uống rượu với Tản Đà”, Trương Tửu đã không ngần ngại gọi ông là một Epicurien, người tôn thờ chủ nghĩa khoái lạc.

Rất thú vị ở chỗ, cái chất Epicure trong thú ẩm thực này của Tản Đà lại có tác dụng như là một chất thử: tùy phản ứng của người quan sát cùng thời mà có thể biết người ấy là đồng chất hay dị chất với Tản Đà.

Phan Khôi là một cực: “Cái lối đánh chén của ông Hiếu kề cà mất thì giờ lắm, tôi không chịu được, nên ít khi tôi ngồi trọn bữa rượu với ông. Ông đem hỏa lò để ở bàn mà tự làm lấy món ăn, có khi mãn một tiệc ăn người nhà phải thay than trong hỏa lò đến năm sáu bận. Thường thường một mình ông vừa ăn uống lại vừa viết nữa. Ông cho có thế mới là thú” (Tôi với Tản Đà thi sĩ).

Cũng dễ hiểu thôi, với một người xông xáo dấn thân, đầy nhiệt tình hoạt động xã hội như ông tú Khôi thì cái sự nhẩn nha ăn ăn uống uống của Tản Đà quả là nhiêu khê không thể “nuốt trôi” được (sự dị chất giữa hai người lớn đến mức, đã có lần trên “An Nam tạp chí”, Tản Đà đã lên tiếng đòi chém Phan Khôi!).

Cực bên kia, đồng chất với Tản Đà, có thể kể tới những nhân vật tiêu biểu như Nguyễn Tuân hoặc Đinh Hùng - những người tôn thờ chủ nghĩa cá nhân “sống không giống ai và cũng không để cho ai giống mình”.

Trong bài “Tản Đà, một kiếm khách” (Tao Đàn, 1939), đọc đoạn viết về Tản Đà một mình bơi ra tít ngoài khơi cửa biển Sầm Sơn, ngồi trên tảng đá sống trâu, dùng dao nhọn nạy những con hàu ăn sống, uống rượu giữa một vùng đỏ ối bóng tà dương, mới thấy văn Nguyễn Tuân khoái hoạt hào sảng biết chừng nào.

Điều chắc chắn là tác giả của “Vang bóng một thời” đã nhìn ra ở bữa rượu này của Tản Đà một cái gì đó độc sáng, vô tiền khoáng hậu, biểu hiện cho một cái tôi khác thường, không dễ lặp lại, và chính vì vậy mà nó trở nên rất đỗi quyến rũ với ông!

Nói về chuyện Tản Đà trong mắt người cùng thời, tất không thể không nhắc tới Ngô Tất Tố, người đã cùng Tản Đà chung sức chèo lái con thuyền “An Nam tạp chí” qua bao phen sóng vùi gió dập, người đã cùng Tản Đà “Nam tiến” khi đảm nhận việc phụ trách chuyên trang văn chương cho tờ “Đông Pháp thời báo” của Diệp Văn Kì tại Sài Gòn (khoảng từ 1927 đến 1928).

Vì gần gũi với Tản Đà, nên Ngô Tất Tố cũng là người không ít dịp phải điêu đứng “chịu trận” bởi sự bất thường của “ông thần ngông” Nguyễn Khắc Hiếu. (Bạn đọc không nên quên rằng lần vào Sài Gòn viết cho báo của Diệp Văn Kì, Tản Đà mang theo vợ con, nhưng cả lúc vào lẫn lúc ra Tản Đà đều đi chỉ một mình, vợ con ông phó mặc một tay Ngô Tất Tố thu xếp!).

Ông đầu xứ Tố có lần đã liệt kê hai “tội danh” của Tản Đà với Vũ Bằng: 1, “Tản Đà có cái tật không ai chịu nổi: không có tiền thì rầu rĩ, oán trách, rũ người ra như con cú, thế mà một khi có tiền thì lại không muốn làm việc gì hết, chỉ uống và ăn, hết ăn lại uống. Chưa uống thì bảo không có rượu như cái máy không xăng nhớt không chạy được, uống vào say rồi thì nằm khoèo ra ngủ và lí luận một mình rằng say mà làm việc thì hỏi đời còn có cái gì thú nữa?”.

Và 2, “Cái tội nặng nhất của Tản Đà là không biết sửa sai, không biết nghe lời anh em khuyên bảo. Cái số anh em thành thực khuyên ông rất hiếm, còn cái số nâng ông lên, sợ cái tài ông mà không dám làm mích lòng ông thì cả đống. Vì có nhiều kẻ nịnh ông một cách mù quáng như thế, ông bị hại mà không biết, mỗi ngày mỗi tự phụ thêm lên...” (Vũ Bằng - Người ghét Tản Đà. Văn, 1971).

Bất bình với Tản Đà tới mức tuyệt giao trong suốt mười năm cuối đời của thi sĩ tửu đồ, thế nhưng khi Tản Đà qua đời trên một chiếc giường nát ở góc phố Cầu Mới (1939), Ngô Tất Tố đã khóc, “khóc cho đất nước mất một thi tài, mà khóc luôn cho cái giống thi sĩ từ ngàn xưa đến ngày nay bao giờ cũng chỉ là một thứ người vì quá giàu cảm lụy mà khổ sở suốt cả một cuộc đời cho đến chết” (Người ghét Tản Đà).

Không chỉ một Ngô Tất Tố khóc Tản Đà. Ngay từ khi được tin Tản Đà qua đời, giới làm văn làm báo - trước hết ở Hà Nội, sau đó là cả nước - đã chuyển động rùng rùng như trong một cơn địa chấn.

Hàng loạt tờ báo đăng cáo phó, viết bài tưởng niệm, thậm chí ra hẳn những số đặc biệt về Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu. Điều đáng nói là trong số các tờ báo ấy, có không ít tờ trước khi Tản Đà mất không bao lâu đã nhắm ông như một đối tượng thú vị để tha hồ chế giễu, công kích. Có tờ đã “bỏ đói” ông, theo nghĩa đen, bằng cách không dùng bài của ông.

Một sự hối hận chăng? Có lẽ thế. Nhưng điều chắc chắn là khi ấy, những người cùng thời với Tản Đà ai nấy đều cảm nhận rằng có một cái gì đó thực sự rất nghiêm trang đang diễn ra: Bậc thi bá trái tính trái nết của làng thơ Việt Nam đã lìa trần!

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.