Hoàng Cát: Thanh thản như là không - tôi - nữa

Hoàng Cát: Thanh thản như là không - tôi - nữa
TP - Nhà thơ Hoàng Cát vừa ra mắt bè bạn tập thơ Thanh thản tại Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, ngày 19/6. Những giọt nước mắt của Hoàng Cát hôm ấy đã không còn những giọt đắng cay, chua chát ngày nào...
Hoàng Cát: Thanh thản như là không - tôi - nữa ảnh 1
Nhà thơ Hoàng Cát Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Hoàng Cát nổi tiếng không phải bằng thơ trước tiên, mà bằng một truyện ngắn, rất ngắn và rất thú vị: Cây táo ông Lành. Nhiều người còn nói, nếu không có Cây táo ông Lành, chưa chắc Hoàng Cát đã làm được nhiều thơ và để lại nhiều dư âm như thế.

Hoàng Cát sinh năm Nhâm Ngọ (1942) quê ở Nam Đàn (Nghệ An). Anh yêu văn chương từ nhỏ, nhưng con đường đến với văn chương lại quá trúc trắc. Hoàng Cát có một lý lịch “đen thui” vì gia đình là địa chủ.

Tuổi trẻ của Hoàng Cát không chỉ là những nhọc nhằn miếng cơm manh áo mà còn là những tủi nhục về tinh thần do cái lý lịch kia đem lại. 18 tuổi vẫn còn phải học lớp bảy.

Nhiều người khuyên nên thôi học nhưng Hoàng Cát vẫn cố học hết cấp 3. Rồi anh rẽ ngang sang Trường trung cao cơ, đến năm 1963, được phân công về làm cán bộ kỹ thuật tại Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo. Nhưng mộng văn chương vẫn nóng ấm trong lòng con người nhiệt thành và giàu cảm xúc này. Bài thơ đầu tiên anh viết là  Ngôi nhà 400 khung của sổ in ở báo Lao động năm 1961.

Cũng như thế hệ thanh niên bấy giờ, Hoàng Cát cũng háo hức dấn thân nơi chiến trường. Anh làm đơn xin đi B, mãi không được cũng chỉ vì lý lịch quá xấu. Mãi rồi đơn của Hoàng Cát mới được chấp nhận. Anh vào Nam chiến đấu, năm 1971 trở ra Hà Nội với chiếc chân trái giả và một mảnh đạn nằm trong hộp sọ.

Về cơ quan cũ làm việc được ít lâu, Hoàng Cát làm hồ sơ xin làm biên tập viên Ban Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam và được chấp nhận. Trong khi chờ quyết định chính thức thì tháng 6/ 1974, Hoàng Cát gặp “tai nạn sa cành táo”.

Hoàng Cát bị mất việc cả ở cơ quan cũ và mới. Bài viết không báo nào dám in. Bạn bè nhiều người tránh. Hoàng Cát lâm vào cảnh túng quẫn. Anh kể đã làm tới mười bảy nghề để kiếm sống:  bán chè chén vỉa hè, nuôi lợn, nuôi gà, cuộn thuốc lá, làm nem chạo, nấu kẹo vừng... Mãi đến sau đổi mới, năm 1989 Hoàng Cát mới tái xuất thi đàn với chùm thơ đăng báo Người Hà Nội.

Thế là, sau nhiều chua xót, ngậm ngùi, Hoàng Cát lại tìm về thơ như tìm về một người bạn cũ, như một nơi để sẻ chia, suy ngẫm về những nỗi đau và niềm vui, sự sống và cái chết.

Chả thế mà anh từng nói: Không có thơ tôi chết lâu rồi. Đến nay Hoàng Cát đã ra được 6 tập thơ: Tháng giêng dai dẳng (1991); Ngôi sao biếc (1994), Mùa xuân tình yêu cuộc đời (1999), Thì hãy sống (2002), Cám ơn vỉa hè (2006), và tập thơ mới nhất của anh: Thanh thản (Nxb Hội Nhà văn), in quý II-2008.

Tập thơ nào của Hoàng Cát cũng da diết buồn, kể cả những bài nói về niềm vui cũng đượm chút ngậm ngùi nào đó. Và có những câu thơ đọc ứa nước mắt: Chỉ muốn nằm cho cỏ mọc trên lưng! Nhưng đến tập thơ mới này, Hoàng Cát có lẽ đã thanh thản hơn rất nhiều.

Rất nhiều bạn bè đã đến chung niềm vui với anh trong buổi ra mắt tập thơ khiến nhà thơ Hoàng Cát vốn dễ xúc động mấy lần ôm mặt khóc chứa chan. Hoàng Cát bộc bạch: Cái gì qua thì cho qua, rằng bây giờ anh đang lãi lắm.

Anh thú nhận: Mặc dù đầu tôi trắng xóa tóc rồi, tôi vẫn không thể chịu được nếu không sống trong một tình yêu nào đó, dù là tình yêu đơn phương – mà hầu như là đơn phương cả. Ngay bây giờ đây, Hoàng Cát đang yêu tha thiết một nữ blogger – nhà thơ tên là Phương Phương.

Trong tập thơ Thanh thản, Hoàng Cát thường xuyên nhắc đến cái chết. Có lẽ không ai thấm thía về cái chết hơn Hoàng Cát: Chết hụt mấy lần trong chiến tranh; chết hụt vì nhồi máu cơ tim, hai lần ngất xỉu trên đường. Bây giờ đây căn bệnh ấy cũng sẵn sàng cướp anh đi bất cứ lúc nào. Hoàng Cát không buồn, anh đã chuẩn bị cho mình một cuộc ra đi bình yên. Còn trong phút giây hiện tại này, Hoàng Cát chỉ biết yêu thắt lòng cuộc sống. Và thậm chí còn nghênh ngang: Vẫn bít rít quần “gin”, phông cộc/Mặc kệ trên đầu rợp trắng mây trôi...

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.