Bộ GD&ĐT công khai việc tuyển Thứ trưởng

Bộ GD&ĐT công khai việc tuyển Thứ trưởng
TP - Hôm qua, ngày 23/6, Bộ GD&ĐT đã cho đăng trên trang web của Bộ (http://www.moet.gov.vn) thông báo về việc giới thiệu ứng cử viên chức danh Thứ trưởng Bộ GD&ĐT.

Theo đó, Bộ GD&ĐT đang chuẩn bị “khuyết” một vị trí Thứ trưởng phụ trách nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế; đào tạo với nước ngoài... (do Thứ trưởng Trần Văn Nhung sẽ nghỉ hưu vào tháng 10 năm 2008). Kèm theo thông báo là các tiêu chí cụ thể.

Ai có thể tham gia ứng cử?

Theo thông báo về việc giới thiệu ứng cử viên chức danh Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, ứng cử viên phải có độ tuổi không quá 55 (nam giới) hoặc 50 (nữ giới), có sức khỏe, có học vị tiến sĩ, thông thạo ít nhất một ngoại ngữ phổ biến (ưu tiên tiếng Anh); đã hoặc đang làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân tỉnh/ thành phố, lãnh đạo các trường ĐH hoặc CĐ, Vụ trưởng, Cục trưởng, Viện trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ GD&ĐT, Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT.

Ứng cử viên được yêu cầu hoàn thành rất tốt nhiệm vụ được giao; Trung thực, có phẩm chất, đạo đức tốt; tâm huyết với sự nghiệp giáo dục; có kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu khoa học, quản lý giáo dục đại học...

Theo thông báo “những người tự thấy có đủ điều kiện và có nguyện vọng được xem xét giữ trách nhiệm Thứ trưởng Bộ GD&ĐT gửi lý lịch về Văn phòng Ban Cán sự Đảng Bộ GD&ĐT, số 49 đường Đại Cồ Việt, Hà Nội, trước ngày 5/7/2008”.

Ngoài việc đăng thông báo trên mạng, Bộ GD&ĐT cũng đã gửi công văn về các địa phương, các trường ĐH, CĐ và các đơn vị trực thuộc Bộ để đề nghị các địa phương, các trường giới thiệu ứng cử viên cho chức danh này của Bộ.

Ông Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD&ĐT cho biết, chiều 23/6, chính Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Cục CNTT đưa các thông báo cũng như công văn trên lên trên trang web của Bộ.

Qua vòng loại sẽ thuyết trình trước ban giám khảo

Theo ông Bùi Mạnh Nhị, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GD&ĐT), đây không phải là lần đầu tiên Bộ GD&ĐT tiến hành hình thức thông báo tuyển công khai, rộng rãi các vị trí lãnh đạo ở cơ quan Bộ GD&ĐT.

Cách đây không lâu, Bộ GD&ĐT cũng đã tuyển chức danh Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục theo hình thức động và mở này.

Tuy nhiên, lúc đó việc thông báo tuyển chọn chỉ mới gửi cho các địa phương, các trường và các đơn vị có khả năng có “nguồn” chứ chưa thông báo lên mạng rộng rãi như hiện nay. Kết quả có 8 hồ sơ được gửi về Bộ GD&ĐT. Qua khâu tuyển chọn hồ sơ, 6 ứng cử viên đã bị loại. Có 2 ứng cử viên được vào vòng cuối cùng để “thi đấu” với nhau.

Vào “cuộc đấu”, 2 ứng viên lần lượt tranh tài bằng cách thuyết trình về dự kiến kế hoạch công việc mình sẽ thực hiện nếu được vào cương vị mới.

Ban giám khảo gồm toàn bộ thành viên trong Ban cán sự Đảng Bộ GD&ĐT. Sau phần thuyết trình của 2 ứng cử viên, ban giám khảo phản biện, thảo luận và từng người đưa ra nhận xét. Rốt cục, ông Phạm Mạnh Hùng (nguyên Phó Giám đốc ĐH Thái Nguyên) được lựa chọn.

Ông Bùi Mạnh Nhị nói: “Trong cuộc tuyển chọn đó, các thành viên Ban cán sự Đảng của Bộ đã dễ dàng thống nhất với nhau nên không cần phải biểu quyết. Tuy nhiên, với các cuộc tuyển chọn về sau này, nếu cần biểu quyết thì Ban cán sự Đảng sẽ biểu quyết”.

Về cuộc tuyển chọn Thứ trưởng lần này, hình thức tuyển chọn cũng tương tự. Sau ngày 5/7, Bộ GD&ĐT sẽ báo cho các ứng viên thời gian thi tuyển. Đồng thời, Bộ sẽ gửi cho các ứng viên chương trình và kế hoạch công tác, nhiệm vụ của Bộ để các ứng cử viên chuẩn bị kế hoạch hành động cho bản thân mình.

Theo ông Bùi Mạnh Nhị, lãnh đạo Bộ GD&ĐT hy vọng hình thức thi tuyển này sẽ giúp Bộ tuyển chọn được cán bộ vừa có tâm huyết, vừa có năng lực làm việc ở những vị trí chủ chốt trong cơ quan Bộ.

Trước khi quyết định tuyển chọn Thứ trưởng đợt này bằng hình thức thi tuyển, Bộ GD&ĐT đã báo cáo trực tiếp trong các cuộc họp cũng như qua các văn bản với Ban tổ chức Trung ương, Ban cán sự Đảng Chính phủ, Bộ nội vụ và đều nhận được sự tán đồng.   

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.