Khó hiểu “Nguyễn Đình Thi bí mật cuộc đời”

Khó hiểu “Nguyễn Đình Thi bí mật cuộc đời”
TP - Cuốn sách có cái tên khá giật gân nhưng chỉ là một tập hợp mỏng những bài  báo, cả những lời điếu văn chia buồn, phần lớn  yếu về tư liệu, cực kỳ cẩu thả về văn phạm, diễn đạt; chưa kể những sự khó hiểu khác về nội dung, tư tưởng.
Khó hiểu “Nguyễn Đình Thi bí mật cuộc đời” ảnh 1
Bìa cuốn sách

Có lẽ “bí mật” của vụ việc này nằm ở chỗ làm thế nào mà người ta có thể dễ dàng cho ra 3.200 cuốn sách như thế - với một nhà xuất bản uy tín như NXB Văn học.

Điều khó hiểu đầu tiên nằm ở cách trình bày sách. Ngoài bìa ghi cơ quan xuất bản là Nhà xuất bản Văn học nhưng ở trang cuối cùng thì được ghi: Cty Cổ phần Truyền thông Nguyễn Đình Thi.

Bên dưới, mục “chịu trách nhiệm xuất bản” thì vẫn đề tên ông Giám đốc NXB Văn học, nhưng mục “Chịu trách nhiệm bản thảo” thì đề tên ông Hoàng Hữu Các, người theo chúng tôi được biết không phải là thành viên NXB Văn học. Cuối trang là các ghi chú về giấy  phép, số lượng in, nơi in...

Ai biên tập cuốn sách này? Không có hay không ghi tên? Càng đọc càng thấy là không có ai biên tập cả. Cũng có thể nói cả hai người chịu trách nhiệm (xuất bản và bản thảo) đều không ngó ngàng gì đến nó, bởi nếu không thì dù chả cần trách nhiệm gì cũng thấy ngay những sai sót chình ình ra.

Thí dụ, ngay ở mặt gấp của bìa 4, khổ chữ to tướng, in đậm hai câu thơ Nguyễn Đình Thi bị trích dẫn sai (thừa chữ nghe) thế này: “Đêm đêm nghe rì rầm trong tiếng đất/ Những buổi ngày xưa vọng nói về”.

Còn ở trang 155, tác giả cho biết những câu thơ mà nhiều người vẫn tưởng ca dao thực ra là thơ Nguyễn Đình Thi  (Bài thơ Hắc Hải): “Anh ra đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương”.

Thứ nhất, câu trên thừa  chữ “ra”; thứ hai, thực tế Bài thơ Hắc Hải (trong sách, “Bài thơ” còn không viết  hoa) mà Nguyễn Đình Thi viết năm 1958 làm gì có hai câu trên, mà có bốn câu với ý tương tự:

“Ta đi ta nhớ núi rừng/ Ta đi ta nhớ dòng sông vỗ bờ/ Nhớ đồng ruộng nhớ khoai ngô/ Bát cơm rau muống quả cà giòn tan”

Nguyễn Đình Thi được coi là nhà thơ lớn nhưng người ta cứ thản nhiên trích sai thơ ông và viện dẫn lung tung như thế.

*   *  *

Bây giờ xin được nói đôi điều về nội dung cuốn Nguyễn Đình Thi bí mật cuộc đời.

Về kiến thức,  xin tạm kê một số lỗi sơ đẳng sau:

Trang 11: “Anh Nguyễn Đình Thi xuất hiện là vị bộ trưởng trẻ tuổi nhất trong chính phủ cách mạng lâm thời nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa”. Ngoài người viết, chúng tôi chưa từng được nghe ai nói hoặc thấy tài liệu nào bảo rằng Nguyễn Đình Thi từng là bộ trưởng.

Trang 16: …nàng Ma-đơ-len Ríp-phô xinh đẹp, nữ văn sĩ tài hoa người Pháp, huân chương bắc đẩu bội tinh, anh hùng chống Phát Xít Nhật”.

Trời đất, người bắn hạ tên sĩ quan SS giữa Paris, bị phát xít Đức bỏ tù… nay bỗng thành anh hùng chống phát xít Nhật. Mà tại sao Phát Xít lại viết hoa vậy?

Trang 18: Và bây giờ bài hát Diệt Phát Xít đã trở thành Quốc Thiều của nước Việt Nam.” Xin hỏi “bây giờ” là khi nào, và “nước Việt Nam” là Việt Nam nào, vì bài Diệt phát xít của Nguyễn Đình Thi chưa bao giờ là Quốc thiều của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa hay nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam chúng ta.

Mà hình như người viết cũng không hiểu Quốc thiều là gì thì phải, nên mới viết “bài hát… đã trở thành… Quốc Thiều”. Xin thưa, bài hát gọi là Quốc ca, phần nhạc của bài Quốc ca thì gọi Quốc thiều.

Trang 73: “Từ năm 1947 đến năm 1950, trong các đơn vị công tác văn nghệ ở một số chiến khu và binh đoàn, kể cả ở Bộ Tổng tư lệnh, chưa có tên gọi văn công. Sau chiến tranh thế giới, ta mượn tên…”. Vậy thì “từ năm 1947 đến năm 1950” là trước chiến tranh thế giới ư?

Ngoài ra, chúng tôi xin được  nói về bài Nguyễn Đình Thi, thật như anh của tác giả Lưu Hương, từ trang 5 đến trang 48. Bởi chúng tôi thắc mắc về một số đánh giá, nhận định trong bài viết này là của người viết (Lưu Hương) hay của nhân vật (Nguyễn Đình Thi) và có phải NXB Văn học cũng tán thành cách nhìn nhận đó nên mới cho in mà không cần một dẫn giải hay ghi chú nào?

Thí dụ:

Trang 32: Anh Nguyễn Đình Thi thì chỉ tâm sự riêng với tôi điều này: “Anh bị kẹt vì chót “xưng tội” trong chỉnh huấn, là có tài, học giỏi, được Tây tìm cách dụ dỗ, mua chuộc và có đầu óc lãnh tụ ngay từ ngày còn đi học, nên không bao giờ được Tố Hữu tiến cử vào Trung ương Đảng”.

Trang 33: “Đời sống văn học nghệ thuật suốt hơn nửa thế kỷ qua, dưới triều đại tiểu ban văn nghệ Trung ương Đảng do Tố Hữu đứng đầu đã diễn ra như thế thì làm sao có thể sản sinh ra được nhân tài văn nghệ sĩ cùng với những tác phẩm có tầm cỡ xứng đáng với thời đại lịch sử huy hoàng của dân tộc”.

Trang 34: Nhưng có lẽ vì mấy cậu văn nghệ sĩ trẻ trong đó có cả học trò của giáo sư, chơi ngông dám thách đố quyền uy tối thượng của ông Tố Hữu, viết bài phê bình thơ Tố Hữu là tiểu tư sản, tức là thơ cũ rích... Tờ báo còn kêu gọi: “Hạ thần tượng thơ Tố Hữu”.

Đáng lẽ ra, là nhà lãnh đạo lớn, ông Tố Hữu có thể gọi mấy cậu văn nghệ sĩ trẻ chơi ngông ấy đến nói chuyện một cách thân tình, cởi mở và bình đẳng với tư cách bạn thơ thì mọi sự đã khác.

Nhưng đằng này, có lẽ vì quá tự tin vào uy tín và quyền lực của mình, ông Tố Hữu đã làm to chuyện, rồi ra tay biến cuộc phê bình, bình luận thơ văn trên báo chí thành một cuộc đấu tranh giai cấp thực sự...

Bạn đọc có thể thấy những nội dung tương tự ở trang 31, 45, 46....

Đây là những thông tin, nhạy cảm cần được kiểm chứng bởi cả Nguyễn Đình Thi và Tố Hữu đều đã mất.

Rồi lại còn những phán xét, đúng hơn là nói xấu sau lưng, kiểu này:

Trang 47: Sau hết, trở lại với anh, với hai đời vợ sau này anh vẫn trống trơn, thiếu cả chỗ ở nương tựa. Vì bao lần được phân nhà, mà anh lại mang tiếng là cán bộ được phân nhà nhiều nhất, nhưng đều bị anh em nhà vợ chiếm đoạt hết.

Thậm chí đến cái xe Mô-bi-lét Pơ-giô mà nàng Ma đơ len Ríp phô tặng anh, cũng bị họ trấn lột mất đôi lốp. Một lần nữa lại được phân nhà mới, rồi bọn trẻ nhà vợ lại xông vào lấn chiếm hết…”

Sao không nói rõ “anh em nhà vợ” nào nhỉ. Vì đọc trong bài, thấy người viết- Lưu Hương cũng là anh em của một nhà vợ mà (Nguyễn Đình Thi có hơn 1 đời vợ)?

Trên đây chỉ là một phần bức xúc của chúng tôi về cuốn Nguyễn Đình Thi bí mật cuộc đời. Mong sớm được NXB Văn học giải đáp những sự khó hiểu trên.

MỚI - NÓNG