Phong quang phố phường, ngổn ngang nỗi lo mưu sinh

Phong quang phố phường, ngổn ngang nỗi lo mưu sinh
Đúng 7 giờ sáng 1/7, Hà Nội đồng loạt ra quân kiểm tra, xử lý các vi phạm lấn chiếm hè đường và bán hàng rong. Bộ mặt phố phường trở nên phong quang nhưng vẫn còn đó ngổn ngang nỗi lo mưu sinh...

>> Văn minh, thanh lịch và cơm áo, gạo tiền

Phong quang phố phường, ngổn ngang nỗi lo mưu sinh ảnh 1
Một gánh hàng rong trên tuyến phố cấm buôn bán, kinh doanh trên vỉa hè, lòng đường ở Hà Nội. Ảnh: Tùng Lâm-TTXVN 

Phong quang phố phường...

Trước đây, người dân phố Huế mở cửa bán hàng rất sớm. Vỉa hè dành cho người đi bộ biến thành nơi kinh doanh, tấp nập người mua, kẻ bán. Suốt dọc tuyến phố bày, mũ bảo hiểm, phấp phới các dải xanh đỏ phụ kiện trang trí cho xe đạp ruồi, chong chóng quay vù vù bày sát lòng đường thu hút sự chú ý của người đi đường...

Thi thoảng lại nháo nhác cảnh người dân bê hàng chạy trốn lực lượng dân phòng, công an. Nhưng sáng nay, cảnh quan phố Huế khác hẳn. Các hộ kinh doanh đã chuyển hết hàng hóa và xe của khách vào trong nhà, trả lại vỉa hè phong quang cho người đi bộ.

Người tham gia giao thông trên phố Huế cũng không còn bị phân tán bởi từng được coi là “văn minh" vỉa hè, làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông.

Phong quang phố phường, ngổn ngang nỗi lo mưu sinh ảnh 2

Cảnh thông thoáng chưa từng thấy trên vỉa hè phố Huế. Ảnh: Tùng Lâm-TTXVN 

Dọc các tuyến phố Tràng Tiền, Tràng Thi, Hàng Lược, Chả Cá, Hàng Cân, Lương Văn Can, Hàng Bông, Hàng Gai, Nhà Chung... cũng tuyệt nhiên không có cảnh hàng hóa bày bán tràn lan trên vỉa hè.

Các chủ hộ kinh doanh đều nghiêm túc chấp hành quy định của UBND thành phố. Hầu như mọi nẻo đường, góc phố đều có lực lượng chức năng làm nhiệm vụ, nhắc nhở người dân chấp hành quy định và xử lý nghiêm các vi phạm.

... Và ngổn ngang nỗi lo mưu sinh

Lợi ích của xã hội và lợi ích của một bộ phận nhỏ dân cư

Phát biểu tại lễ ra quân của quận Hoàn Kiếm, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã khẳng định quyết tâm của thành phố Hà Nội trong việc lập lại trật tự lòng đường, hè phố trên 62 tuyến phố chính và 48 di tích lịch sử văn hoá.

Đây là một vấn đề lớn liên quan đến lợi ích của nhiều người, thành phố phải lựa chọn giữa lợi ích của toàn xã hội với lợi ích của một bộ phận nhỏ dân cư.

Tuy nhiên, đây là một công việc lâu dài, thực hiện từng bước, giải quyết vấn đề trật tự văn minh đô thị nhưng cũng phải tạo điều kiện cho người dân, nhất là bộ phận dân nghèo được kinh doanh, buôn bán.

Người dân mong chờ Thủ đô ngày càng " Khang trang- sạch đẹp- văn minh", "đường thông, hè thoáng" nhưng... Bà Phạm Khánh Dư, số nhà 225 phố Huế, chuyên kinh doanh phụ tùng xe máy không giấu được sự buồn bã khi khách hàng vừa đến đã vội đi ngay vì không có chỗ để xe.

Bà cho biết: " Cả phố Huế này không có lấy một điểm trông giữ xe, cửa hàng lại chỉ có 4m mặt tiền lấy đâu chỗ để xe cho khách. Ở đây chủ yếu dân bán lẻ nhưng không cho đỗ xe thì dân làm gì để nộp thuế".

Trung bình, mỗi tháng, cửa hàng của bà phải nộp tiền nhà và tiền thuế khoảng 5-6 triệu đồng nhưng sáng nay không có khách.

Theo bà Dư, đối với vỉa hè nhỏ hẹp, thành phố cấm để xe là hoàn toàn đúng đắn nhưng vỉa hè phố Huế rộng gần 5m, lại rất ít người đi bộ, nếu cấm để xe trên vỉa hè thế này thì gây khó cho người dân.

Chị Nguyễn Thị Hạnh, cửa hàng kinh doanh phụ tùng số 222 phố Huế cùng chung quan điểm. Phố Huế cấm để xe trên vỉa hè trong khi không có điểm trông giữ xe làm ảnh hưởng lớn đến việc kinh doanh của người dân.

Phong quang phố phường, ngổn ngang nỗi lo mưu sinh ảnh 3
Vì mưu sinh, hôm nay hàng rong vẫn bày bán trên một số tuyến phố khi vắng lực lượng chức năng. Ảnh: Tùng Lâm-TTXVN 

Đa phần người dân ngồi nguyên trên xe hỏi chủ hàng xong lại nháo nhác đi ngay. Có lúc giục khách đưa xe vào hẳn trong nhà để xem hàng không được, chủ lại phải ngồi lên xe thay thế cho khách vào xem hàng!

Bà Lê Thị Thủy, bán bún riêu trước số nhà 119B Hàng Bông cho biết: Bà nuôi cả gia đình và người chồng bị bệnh bằng hàng bún riêu cua. Nhưng cả sáng nay không bán nổi hàng. Khách hàng đến đây nhưng ngại tìm chỗ gửi xe nên thường đi luôn. Sáng đến giờ, bà mới bán được 5000 đồng tiền nước còn bún thì ế ẩm không biết bán cho ai.

Chị Ngô Thị Lý, quê Chương Mỹ, Hà Tây, bán na trên tuyến phố Hàng Đào phải đi bán hàng rong để nuôi 6 miệng ăn, con lớn mới tốt nghiệp THPT đi làm công nhân lương được 900.000 đồng, ba con nhỏ đang độ tuổi ăn học lo lắng: "Nếu cấm hàng rong phải về quê làm ruộng, chắc mấy đứa con nhà tôi sẽ thất học. Thành phố nên quy hoạch một số tuyến phố cho phép bán hàng rong, nhiều khách nước ngoài cũng rất thích mua hàng của chúng tôi".

Bà Nguyễn Thị Nga, cửa hàng "Nón Nhung" số 2 Bà Triệu ủng hộ chủ trương của thành phố nhưng thông cảm với những người bán hàng rong vì đây chủ yếu là dân nghèo tỉnh lẻ. Bà cho rằng cấm bán hàng rong là “đánh” vào dân nghèo. "Đẹp nhưng phải no, dân mình đang nghèo, thành phố cần tạo điều kiện cho họ được làm ăn, sinh sống"- bà nói.

Giải đáp những băn khoăn của người dân, bà Nguyễn Thị Như Mai, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Hiện tại trên địa bàn thành phố Hà Nội có khoảng 10.000 người bán hàng rong, 90% là người ngoại tỉnh. Do phần lớn người bán hàng rong là đối tượng nghèo, thành phố tuyên truyền vận động và tạo điều kiện cho bà con chuyển đổi nghề.

Đồng thời đẩy mạnh tiến độ đầu tư xây dựng các chợ, cải tạo mở rộng chợ dân sinh tăng thêm diện tích cho bà con vào kinh doanh. Trước mắt, thành phố chưa cấm bán hàng rong trên toàn địa bàn mà chỉ ở một số tuyến phố quy định.

Người bán hàng rong chỉ bị xử phạt khi đang bán hàng ở các tuyến phố cấm bán hàng rong, hoặc làm cản trở giao thông chứ không bị phạt khi đang gánh hàng qua các phố.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết, Sở phối hợp với các quận đang tiến hành rà sóat, tìm địa điểm hợp lý để cấp phép thêm các điểm trông giữ xe, cụ thể ở quận Hoàn Kiếm đã cấp phép thêm 2 điểm dưới lòng đường phố Hàng Gai và thống nhất được một số điểm trên phố Lương Văn Can- Hàng Cân- Hàng Lược... tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc kinh doanh, buôn bán. Trong quá trình triển khai bộc lộ bất hợp lý đến đâu sẽ khắc phục đến đấy!

Theo Tuyết Mai
TTXVN

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG