Người duyên nợ với âm phần

Người duyên nợ với âm phần
TP - Qua những lá thư và những chương trình Người đương thời, vợ ông bạn Chiến của chúng tôi đã thành người của công chúng, thành sứ giả của đường âm với cuộc đời trần thế này!

>> Kỳ trước

Người duyên nợ với âm phần ảnh 1
Nguyễn Thị Tiến tại Bảo tàng Cơ yếu Hải quân Hoa Kỳ

Chị Phượng, phóng viên TTX Việt Nam thường trú ở Washington gặp tôi hỏi liền “Anh có biết cô Tiến?”. “Tiến nào hả chị?”. Nhưng mới chỉ vào chuyện một tẹo, biết ngay Tiến trong câu chuyện  là trung tá Nguyễn Thị Tiến, vợ người bạn cùng thuở đại học Tổng hợp với tôi là Đình Chiến (hiện đang công tác tại Đài Truyền hình thành phố Vinh). Tiến từng công tác ở Bảo tàng  Quân khu IV.

Tốt nghiệp Đại học sư phạm, Tiến, (vợ Chiến) làm cô giáo dạy ở miệt Đồng Tháp, Đà Lạt, Nha Trang... Đùng cái, Tiến lại ra Hà Nội học thêm khoa Bảo tàng Đại học Văn hóa. Quyết định vào phục vụ quân đội rồi về nhận việc ở Bảo tàng Quân khu Bốn (QK4) giữa những năm tám mươi của Tiến đã gây cho bạn bè bao sự ngạc nhiên.

Ngạc nhiên như bây chừ,  Bảo tàng QK4 trở nên sống động, trở nên hồn cốt, trở thành một cõi tâm linh bởi có sự góp sức kha khá của  Tiến. Với chức danh khiêm tốn - nhân viên hướng dẫn ở Bảo tàng QK4, nhưng hằng bao năm Tiến đã âm thầm làm cái việc rất đáng quý:

Từ những hiện vật tìm được trong mộ liệt sĩ từ các chiến trường, Tiến đã sưu tầm xác minh khớp nối thông tin để tìm được rất nhiều tên cho những liệt sĩ vô danh! Hơn 2.000 hiện vật lấy từ phần mộ của các liệt sĩ hiện đang trưng ở đây trước khi Tiến về bảo tàng này chưa có. Hàng chục rồi hàng trăm đợt quy tập hài cốt liệt sĩ ở QK4 có hàng ngàn liệt sĩ  mà đa phần vô danh.

Bao nhiêu năm rồi, trung tá Nguyễn Thị Tiến  là cầu nối giữa phần âm với phần dương, giữa thế giới âm của những liệt sĩ đã bỏ mình vì trận mạc với những người đang sống, với thân nhân của họ.

Từ hơn hai ngàn hiện vật ấy. Từ những thông tin chứng cớ mơ hồ, Tiến đã chắp nối giúp 69 liệt sĩ từ vô danh trở thành có tên. 3000 lá thư từ khắp mọi miền đất nước gửi đến Tiến. Và hiện giờ những lá thư nhuốm nước mắt như vậy vẫn tìm đến địa chỉ của Tiến.

Qua những lá thư và những chương trình Người đương thời, vợ ông bạn Chiến của chúng tôi đã thành người của công chúng, thành sứ giả của đường âm với cuộc đời trần thế này!

Hành trang của Tiến được chuẩn bị, để có thể bất kỳ lúc nào cũng sẵn sàng lên đường cho những chuyến công tác đột xuất, lỉnh kỉnh với những máy ảnh máy ghi âm, vi tính xách tay, kính lúp... Một chiếc thùng sắt tây dùng để đựng di vật, vải đỏ để bọc di vật!

Xin trích một đoạn thư của một cựu binh Mỹ tên là Wayne gửi cho Tiến. Viện bảo tàng của chị đã gây một nỗi xúc động sâu sắc đối với chúng tôi. Đó là đài kỷ niệm độc nhất cho sự hư hại của chiến tranh. Còn những Viện bảo tàng khác tại thành phố Hồ Chí Minh, tại Mỹ Lai hiện đang trưng bày  các tội ác chiến tranh của Mỹ.

Nhưng Viện của chị là Viện duy nhất mà tôi thấy tại Việt Nam tưởng nhớ các liệt sĩ bị nằm xuống trong cuộc chiến không phải bằng những chiến tích chi đó lẫy lừng  mà qua các đồ vật khiêm tốn (nguyên văn: tội nghiệp- XB) riêng lẻ mang tính chất cá nhân mà đối với liệt sĩ là những món đồ quý giá và cần thiết.

Viện bảo tàng của chị tập trung vào cái giá đã mất đi sự thật về con người trong một cuộc chiến. Xin chúc mừng nhiệt tình chị đã sáng lập một Viện quý giá và độc nhất. (Về tác giả bức thư có tên là Wayne này, chúng tôi sẽ trở lại trong bài viết sau về người cựu binh Mỹ đã từng ở chiến trường Việt Nam nay là GS  Sử học Đại học bang Maryland). 

Trở lại câu chuyện của chị Phượng. Vào dịp Hội Hoa Anh Đào tháng Tư bên dòng Potomac nổi tiếng ở Washington, có một nhóm bạn chị Phượng sang đây du lịch. Chị vui mừng nhận ra trong nhóm đó có Tiến, người chị biết  trên truyền hình mục Người đương thời. Tiến sang Hoa Kỳ với tư cách khách du lịch. 

Câu chuyện giữa hai chị em xoắn bện không dứt quanh những đận Tiến đi tìm tên cho những liệt sĩ vô danh. Vốn làm nghề báo lại ít lâu ở xứ này nên chị Phượng có biết những manh mối dây dợ mà Tiến đang hết sức quan tâm.

Dự Hội Hoa thì ít mà thời gian Tiến quấy chị Phượng thì nhiều. Ngay những ngày đầu tiên trên đất Mỹ, Tiến đã gặp may. Có một cựu binh Thủy quân lục chiến có tên là Neil Burke. Burke sống độc thân từ ngày từ Việt Nam về.

Có một vật từ Việt Nam mà hằng bao năm kể từ khi về Mỹ ông luôn giữ nói là để làm kỷ niệm là một chiếc mũ cứng mà Quân Giải phóng thường dùng trong những năm trận mạc khốc liệt. Chiếc mũ ấy, Burke lượm được  tại chiến trường Quảng Trị trong một trận đánh ác liệt.

Khi về Mỹ, Burke mắc chứng thần kinh rồi sau đó mắc căn bệnh nan y là ung thư. Cách đây 2 năm Burke đã chết vì căn bệnh ấy. Trước khi chết Burke có tâm sự với một người bạn thân tên là James Sparrow. James Sparrow từng là lính thủy đánh bộ phục vụ tại chiến trường Việt Nam đến 7 năm trời. Burke chỉ cho James dòng chữ Việt Phạm Văn Lực ở rìa vành mũ cối phía trong.

Nể, thương bạn mà James đành nhận lời chứ James cũng không biết cách nào để trả chiếc mũ về nơi cần trả. Dòng chữ Phạm Văn Lực không nói lên điều chi cả họa có tìm kim đáy bể! Bất lực, James đành đóng hộp chiếc mũ cứng rồi chuyển giao cho Đại sứ quán Việt Nam ở Washington.

Đúng ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, chị Phượng đưa Tiến đến ĐSQ chơi thì nghe các anh Sứ quán có kể lại chuyện đó. Quí vật gặp quý nhân. Cũng chưa biết xử lý cách chi nhưng Tiến đã xin chiếc mũ cối ấy đem về Việt Nam. Cuộc chuyển giao cảm động đó có biên nhận của cả hai bên, Sứ quán và Tiến.

Việc Tiến có mặt ở Bảo tàng Cơ Yếu của Hải Quân Hoa Kỳ (một bảo tàng  thông tin của Quân đội Mỹ hiện có lưu nhiều kỷ vật về cuộc chiến tranh Việt Nam) là cả một câu chuyện dài.

Do nhiều mối quan hệ quen biết nên qua chị Phượng, Tiến không mấy khó khăn đã tiếp xúc được với ông Giám đốc cùng Ban giám đốc Bảo tàng và một vài cá nhân có liên quan đến kỷ vật.

Thời gian dành cho những buổi tiếp xúc làm việc ấy không nhiều, nhưng Tiến đã tiếp cận chụp được nhiều tấm hình cờ Đảng, Cờ Mặt Trận DTGPMN Việt Nam, những chiếc mũ cứng mũ tai bèo của Quân giải phóng mà dấu máu còn hoen bầm.

Ảnh Bác Hồ, những bản đồ, cuốn sổ tay, nhật ký, những chiếc ví đựng ảnh... và cả những khẩu súng AK, K54 của bộ đội đằng mình. Cảm mến phong thái tận tình thái độ trân trọng và cả cung cách chuyên nghiệp của Tiến, ông Giám đốc Bảo tàng Cơ yếu đã quyết định cho Tiến tiếp cận với một cuốn sổ công tác đặc biệt mà thám báo Thủy quân lục chiến Mỹ đã lấy được của một nhân viên cơ yếu nào đó của Quân giải phóng có tên là Trần Xuân Tùng.

Bảo tàng cũng ghi rõ xuất xứ hiện vật đó là lấy được qua trận đánh ở Bình Dương. Dường như ông Giám đốc đã vi phạm nguyên tắc là không được tháo bốn chiếc đinh vít đã bắt chặt hàng bao năm nay của cái hộp kính từng lưu giữ cuốn nhật ký công tác cơ yếu kia.

Nhưng với nguyên tắc, Tiến chỉ được coi, cấm photocopy. Còn chụp ảnh? Ông GĐ ngần ngừ một lúc lâu rồi đồng ý! Từng trang, từng trang chữ chép tay ngay ngắn thể hiện những mệnh lệnh chiến đấu của cấp này cấp khác, những ý đồ chiến thuật, những bản dịch các bức điện được coi là tuyệt mật thời điểm đó, cả những trận đánh ác liệt và những thắng lợi cũng như tổn thất của những đơn vị X,Y, Z...

Mục đích chính của Tiến khi chụp lại di vật này là muốn biết quê quán phiên hiệu đơn vị của chiến sĩ Trần Xuân Tùng và 12 chiến sĩ khác vừa bị bắt và hy sinh trong trận đánh ác liệt ở Bình Dương ấy, hiện người chết thì mộ phần nằm đâu, người bị bắt nếu còn sống thì bây giờ ở đâu?

Nhưng tiếc thay cuốn sổ công tác ấy đã không một dòng địa chỉ . Ông GĐ Bảo tàng cũng không giúp gì hơn cho Tiến được. Khi ông GĐ trực tiếp dùng tuốc nơ vít ghim trở lại bốn đinh vít cái hộp kính cuốn sổ công tác của Trần Xuân Tùng ấy, chị Phượng cho hay, Tiến đã bật khóc nức nở.

Khóc đến mức chẳng ai có mặt hôm ấy dỗ nín được. Sau một hồi lâu, Tiến mới nguôi ngoai... Tiến tâm sự với chị Phượng rằng khi ông GĐ vít trở lại bốn cái đinh ấy, Tiến có cảm giác như ông đóng nắp quan tài anh Tùng nào đó. Anh phải nằm trơ trọi ở một nơi của nước Mỹ xa xăm và Tiến chẳng giúp được gì  trả lại cho anh địa chỉ nơi đất mẹ cả!

Tại Bảo tàng Cơ Yếu, Tiến tình cờ được giới thiệu với một cựu binh thủy quân lục chiến. Người mà tháng 5 vừa rồi đã ghé thăm Bảo tàng QK 4 và đã gửi cho Tiến cảm tưởng của mình mà tôi trích ra trên đây. GS sử học Wayne đã kể cho Tiến câu chuyện của người bạn rất thân cũng là một cựu binh tên là Homer.

Ngày mồng một tháng Hai năm 1969, GS còn nhớ rành rẽ như thế,  cuộc chạm súng trong một trận phục kích ở đèo Măng Giang, Tây Nguyên, Homer đã bắn chết một người lính Giải phóng. Như nhiều lính Mỹ trẻ trung tham chiến khi ấy, thường có thói quen lấy một thứ chi đó của đối phương mà mình bắn hạ để làm... kỷ niệm!

Homer đã móc túi người lính Giải phóng xấu số đó lấy toàn bộ giấy tờ trong đó có cuốn nhật ký công tác cá nhân. Nhờ cuốn nhật ký ấy mà Homer biết được người lính Giải phóng có tên là Hoàng Ngọc Đảm.

Một điều đặc biệt nữa là Homer còn nhớ khá rành rẽ vị trí đã chôn cất người lính có tên là Hoàng Ngọc Đảm ấy. Phục kích ở vị trí đó lâu thì đành vùi vội xác đối phương thôi chứ không có ý định chôn cất gì cẩn thận! Homer cũng tâm sự gần 40 năm nay, cuốn sổ ghi nhật ký của chiến sĩ QGP Hoàng Ngọc Đảm được gia đình Homer đặc biệt là bà mẹ cất rất cẩn thận.

Bà mẹ Homer nhiều lần đã khuyên con trai bằng cách nào đó trả lại cuốn sổ tay và chỉ cho Việt Nam chỗ chôn cất người lính giải phóng kia. Có như thế căn bệnh thần kinh (Homer mắc bệnh trầm uất rất nặng) của con mới thuyên giảm được!

Bạn đọc thân mến, hành trình  cuốn nhật ký gần 40 năm của Liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm tìm về quê hương Thái Thụy,  Thái Bình ra sao và cả hành trình  người cựu binh từng giết LS Hoàng Ngọc Đảm đã sang Việt Nam tìm về chiến trường Kon Tum năm xưa để trực tiếp tìm kiếm mộ rồi  cất bốc hài cốt LS Hoàng Ngọc Đảm  đưa về quê anh ở Thái Bình như thế nào là cả một câu chuyện huyền thoại...

(Còn tiếp)

Kỳ cuối. Liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm trở về đất mẹ Thái Bình

MỚI - NÓNG