Đại dương xanh – Chiến thắng không cần cạnh tranh

Đại dương xanh – Chiến thắng không cần cạnh tranh
TPO - Thành công sẽ đến với doanh nghiệp không qua con đường cạnh tranh với các đối thủ cùng thị trường, mà chính là nhờ vào việc tạo ra những Đại dương xanh. Đó là những khoảng trống thị trường chưa được khám phá và đang chờ đợi để phát triển.
Đại dương xanh – Chiến thắng không cần cạnh tranh ảnh 1

Chủ đề của Hội thảo dựa trên cơ sở nội dung cuốn sách Chiến lược đại dương xanh của các học giả W. Chan Kim và Renée Mauborgne.

Cty cổ phần Megalink và Cty sách Alphabooks tổ chức Hội thảo “Xác lập thị trường – cơ hội vàng cho doanh nghiệp” vào sáng 6/7.

Tham gia thuyết trình và trao đổi có: OOng Trần Trọng Thành – Chủ tịch Hội đồng quản trị Cty VINAPO; Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn – Chủ tịch Hội Marketing Hà Nội; ông Nguyễn Cảnh Bình – Giám đốc Cty sách Alphabooks; ông Trịnh Minh Giang – Giám đốc giáo dục trường V.I.P Hà Nội. Hội thảo còn có sự góp mặt của đại diện gần 150 doanh nghiệp tại Hà Nội.

Giới thiệu về cuốn sách này, ông Trịnh Minh Giang cho biết: “Yếu tố cơ bản của Đại dương xanh là việc tăng, giảm, loại bỏ hoặc tạo mới một số yếu tố giá trị mà chưa có Cty nào nghĩ ra”.

Đại dương đỏ truyền thống vốn đã có nhiều những đối thủ cạnh tranh và đã được khai thác rất kỹ. Doanh nghiệp phải đương đầu với cuộc chạy đua khốc liệt chỉ để giành được một nguồn lợi nhuận đang ngày càng thu hẹp. Còn Đại dương xanh lại là những thị trường còn bỏ ngỏ với vô số cơ hội phát triển.

Từ đó, ông Giang giới thiệu quy trình xác lập Đại dương xanh gồm các khâu: 1. Xác định các tiêu chí đánh giá; 2. Gán giá trị cho các tiêu chí đánh giá; 3. Vẽ các đồ thị đường giá trị đơn giản; 4. Xác định các khoảng thị trường còn trống; 5. Áp dụng phương pháp thêm/bớt/loại bỏ/tạo mới; 6. Thông qua lãnh đạo và cán bộ Cty.

Ông Giang cho biết: “Cuốn sách cung cấp công cụ đơn giản để vạch ra chiến lược cụ thể; tạo lập, phân tích và đánh giá một đồ thị chiến lược Đại dương xanh. Nó không chỉ áp dụng cho kinh doanh mà còn rất có ích với cuộc sống hàng ngày”.

Đi sâu giới thiệu chiến lược kinh doanh của Microsoft và General Electronic, ông Hoàng Anh Tuấn nói: “Thách thức lớn cho các nhà quản lý là phải luôn tự làm mới, nâng cao giá trị của mình. Thương vụ Microsoft mua lại Yahoo là ví dụ điển hình“.

Ông Tuấn cho rằng: “Doanh nghiệp cần phải làm cho khách hàng nhận thấy chân giá trị mà họ nhận được khi mua sản phẩm của mình. Khi đó, họ có thể hạ tổng chi phí vòng đời của sản phẩm xuống mức thấp nhất, với giá trị là cao nhất”.

Với những ví dụ cụ thể, ông Trần Trọng Thành nhận định: “Việt Nam có rất nhiều Đại dương xanh nhưng người Việt dường như không thích mạo hiểm. Khi có một người thành công thì ngay sau đó sẽ có nhiều người copy nguyên bản”.

Ông Thành lấy ví dụ về hai tòa nhà có kiến trúc và giá trị sử dụng gần như nhau. Tuy nhiên, trong khi người xây tòa nhà thứ nhất có thể tìm ra Đại dương xanh thì người còn lại đang sa lầy trong Đại dương đỏ. Theo ông, điểm mấu chốt dẫn tới sự khác biệt đó là “những yếu tố cực nhỏ nhưng đem lại giá trị cực lớn”.

Nhận định về chiến lược kinh doanh của Café Trung Nguyên, ông Thành nói: “Cách đây khoảng 10 năm, đó là một Đại dương xanh, một không gian café – văn hóa. Nhưng họ đã sớm coi Café Trung Nguyên là Đại dương đỏ, trong khi dưới lớp bề mặt là tầng sâu màu xanh chưa khai thác. Nếu họ đi theo hướng của McDonald là mua lại bất động sản ở những vị trí đắc địa thì có thể họ đã có lợi nhuận kếch xù”.

Ông Thành khẳng định: “Theo thời gian, mọi Đại dương xanh đều sẽ trở thành đỏ, và việc của chúng ta là pha thêm màu xanh cho nó. Tôi vẫn nói rằng ở Việt Nam, đâu đâu cũng có Đại dương xanh, vấn đề là ta có nhìn thấy nó không, có quyết tâm đi trên đại dương đó không mà thôi”.

Nguyễn Hoàng Quỳnh Hương ghi

MỚI - NÓNG