Thị trường địa ốc bắt đầu tan băng?

Thị trường địa ốc bắt đầu tan băng?
TP - Với lượng mua bán nhà đất tại một vài trung tâm giao dịch bất động sản có chiều hướng tăng nhẹ so với tháng 5, 6/2008, nhiều người lạc quan đã cho rằng thị trường địa ốc đã bắt đầu tan băng!

Tuy nhiên qua ghi nhận của Tiền phong thì tại TP HCM, thị trường này chỉ ấm lên ở những nơi mà lâu nay không “đóng băng”.

Thị trường địa ốc bắt đầu tan băng? ảnh 1
Dự án Saigon Pearl có vị trí đẹp nhưng vẫn giao dịch khó vì chậm tiến độ

Chỉ “ấm” tại các dự án giá mềm

Tuần đầu tháng 7/2008, mặc dù giao dịch căn hộ đã tăng khoảng 10-15% so với tuần đầu tháng 6/2008 ở những trung tâm giao dịch bất động sản lớn như Sacomreal, ACB, Phát Hưng, Đất Xanh… nhưng tập trung chủ yếu vào căn hộ giá từ 1,5 tỷ đồng/căn trở xuống, riêng căn hộ cao cấp với giá từ 2.000 USD/m2 trở lên vẫn khó mua bán.

Theo Phòng kinh doanh Cty Phát Hưng, phân khúc căn hộ hạng trung vẫn có giao dịch trong những tháng thị trường gần như đóng băng vào các tháng 4,5/2008. Hiện nay sau khi Nhà nước cho phép người nước ngoài được mua nhà thì căn hộ dạng này càng giao dịch mạnh hơn.

Bên cạnh đó nhiều khu trung tâm TP HCM đang chuẩn bị giải tỏa cho các dự án và chủ đầu tư như Cty Vincom đã lên phương án mua căn hộ để tái định cư cho các hộ bị giải tỏa cũng góp phần làm nóng phân khúc căn hộ dạng này.

Giải thích lý do, ông Thân Minh Nguyện - Phó GĐ Cty môi giới nhà đất Khôi Vũ cho biết: “So với thời đỉnh sốt thì giá các căn hộ dạng này đã rớt khoảng 60%, từ khoảng 35 triệu/m2 xuống còn 16-18 triệu/m2 và đây là giá mà những người có nhu cầu mua để đón cơ hội, chủ đầu tư đền bù hay để ở có thể chấp nhận được”.

Đáng chú ý đây đều là những căn hộ đã xây được gần nửa hay đã xong phần thô với tiến độ khá nhanh khiến khách hàng không còn e ngại “dự án trên giấy”.

Bên cạnh đó các dự án này cũng thuộc nhiều Cty có uy tín như khu căn hộ Phú Mỹ của Vạn Phát Hưng, V-Star của V- Con Tấn Trường, E Home hay An Viên của Nam Long…

Nhiều dự án có giá thấp như E Home (Q.9) chỉ từ 500 triệu đồng/căn, An Viên (Q.7) khoảng 600-700 triệu/căn, Phú Lợi (Q.8) từ 500 triệu đồng/căn… đã nhận cọc gần hết hoặc bán khá chạy cho thấy đây là nhu cầu mua thật chứ không phụ thuộc vào cơn nóng lạnh của thị trường.

Căn hộ giá cao và đất nền vẫn “lạnh”

Trái với phân khúc trên thì các dự án căn hộ cao cấp có “tai tiếng”, chậm tiến độ hay đang nằm trên giấy đang hạ giá mạnh nhưng gần như không có người mua như Adonis 1, BMC Hưng Long, The Vista, Saigon Pearl, Phúc Yên…

Ông Lâm Văn Chúc, GĐ Cty địa ốc Phúc Đức cho rằng khách hàng mua địa ốc vào thời điểm này đa số là bằng tiền tích góp của mình trong thời điểm cung nhiều hơn cầu cho nên họ lựa chọn rất kỹ và chỉ mua những sản phẩm “mắt thấy tai nghe tay sờ”.

Nhiều dự án khác như Sky Garden 3, Blooming Park, Estela, River View, Salling Tower… cũng giao dịch rất chậm dù có nơi đã giảm hàng chục triệu đồng/m2. 

Cùng với phân khúc trên thì đất nền ở nhiều nơi vẫn đang trong tình trạng “bán rất nhiều mua chẳng bao nhiêu”. Cùng nằm trong dự án Phú Mỹ nhưng đất nền họa hoằn lắm mới có người hỏi mua còn chung cư Phú Mỹ ( Q.7) thì hàng tuần vẫn cò giao dịch đều đặn.

Đó cũng là tình trạng của nhiều dự án tại Nhà Bè, Nam Sài Gòn, Q.2, Q.9… Có nơi các văn phòng môi giới hoặc “cò” phải phao tin vừa bán được lô này, lô kia để tạo sôi động ảo.

Riêng các vùng lân cận như Bình Dương, Nhơn Trạch, Bà Rịa - Vũng Tàu… thì các chủ đầu tư cũng đang tìm đủ cách khuyến mãi vẫn khó bán được khiến nhiều người mua đầu cơ trước đây đã phải “bỏ của chạy lấy người” vì không còn tiền đóng, ngân hàng đòi nợ.

Theo dự đoán của giới kinh doanh bất động sản, dấu hiệu tan băng của thị trường bất động sản chưa rõ ràng và còn nhiều bất ổn trong thời gian tới. Mối lo lớn nhất là tình trạng xả hàng bằng mọi giá để trả nợ ngân hàng trong hai tháng 7,8/2008 khi nhiều hợp đồng vay mượn đền kỳ trả nợ hoặc phải đóng tiền tiếp cho các dự án giá vốn cao ngất ngưởng.

Hiện nay nhiều ngân hàng lớn đang tìm cách thu hồi hoặc không giải ngân cho các khoản vay mua bất động sản trong khi chưa có nguồn vốn lớn để bù vào khoản này. Bên cạnh đó nhiều dự án đã nhận tiền cọc của khách hay huy động vốn bằng các hình thức vay mượn, trái phiếu, hứa bán… đã đến thời điểm phải tung hàng ra cũng khiến nguồn cung càng lớn.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM nhận định rằng khi nào các DN bất động sản xoay được vốn hoặc tiếp cận vốn ngân hàng dễ dàng hơn, lãi suất ngân hàng hạ và nới lỏng cho người vay mua nhà, lạm phát giảm, lượng tiền trong dân cư dồi dào hơn thì khi đó thị trường bất động sản mới thực sự tan băng. 

MỚI - NÓNG